Nội dung toàn văn Hướng dẫn 13/HD-VKSTC 2021 công tác Thực hành quyền công tố Kiểm sát điều tra thẩm tra ma túy
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/HD-VKSTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2021 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN MA TÚY NĂM 2021
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021”, toàn ngành Kiểm sát nhân dân xác định mục tiêu trọng tâm là: Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Giải pháp thực hiện là tăng cường trách nhiệm công tố ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hình sự. Chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ theo cả hướng buộc tội và gỡ tội một cách khách quan, thận trọng; định kỳ, tổng hợp thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng để ban hành thông báo rút kinh nghiệm. Nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; yêu cầu thẩm vấn làm rõ các vấn đề trước khi phát biểu quan điểm giải quyết; đối đáp có căn cứ, đầy đủ các ý kiến của luật sư, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng tại phiên tòa và bản án, quyết định của Tòa án.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, cùng với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021 như sau:
I. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch và Chương trình của Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; các Chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những nội dung liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói chung, trong lĩnh vực tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng.
2. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao trách nhiệm và vai trò, chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp.
3. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và Tòa án cùng cấp thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; tiến hành tổng rà soát và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ
2.1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp
Viện kiểm sát các cấp thực hiện đúng các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương,... và Quy chế nghiệp vụ của Ngành trong từng khâu công tác để xử lý các vụ án, vụ việc hình sự nói chung. Trong lĩnh vực công tác liên quan đến tội phạm về ma túy cần chú ý các nội dung sau:
a) Về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về ma túy
Viện kiểm sát các cấp xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan hữu quan cùng cấp để nắm chắc và đầy đủ nguồn tin về tội phạm ma túy; chú ý theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường không gian mạng. Đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền phải được thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn. Tiến hành mở điểm kiểm sát trực tiếp hoặc kiểm tra cấp dưới hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu chung của Quốc hội và của Ngành giao. Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo ban đầu theo đúng quy định, Viện kiểm sát các cấp khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp biết để theo dõi.
b) Trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can
Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra ngay từ khi khởi tố. Chú ý những đặc điểm, đặc trưng của nhóm tội phạm về ma túy, để làm tốt một số nội dung sau: tuân thủ về trình tự, thủ tục luật định khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, lập biên bản tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra. Đảm bảo tính hợp pháp, có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ sử dụng để chứng minh tội phạm. Trong các vụ án ma túy, việc giám định là bắt buộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tố tụng Trung ương. Nếu kết luận giám định còn có điểm chưa rõ hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác hoặc phát hiện hoạt động giám định có vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu cơ quan giám định giải thích hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; không được tự ý luận giải, cắt xén hoặc lựa chọn những nội dung theo ý chủ quan của mình để làm căn cứ giải quyết vụ án. Nếu tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra cung cấp để sử dụng làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can còn chưa đầy đủ, phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung và cho Kiểm sát viên tiếp cận thêm các tài liệu đã thu thập trong hoạt động trinh sát để bổ trợ khi quyết định việc phê chuẩn. Trong trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia lấy lời khai để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, phục vụ việc đánh giá các tài liệu chứng cứ đã thu thập; nếu thuận lợi thì chủ động tạo điều kiện để luật sư, người bào chữa tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung bị can. Viện kiểm sát các cấp chú ý quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là hoạt động bắt buộc phải được thực hiện khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nếu không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy, phải yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện ghi âm 100% các vụ án, nếu điều kiện cho phép thì tiến hành ghi hình có âm thanh. Kiểm sát chặt chẽ quy định về thẩm quyền điều tra theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu thấy vụ án đang điều tra không thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra cùng cấp làm các thủ tục đề nghị Viện kiểm sát ra Quyết định chuyển vụ án đến đúng Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát chủ động ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự.
c) Trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam
Viện kiểm sát các cấp kiểm sát chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, thời hạn khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra; khắc phục tình trạng lạm dụng việc bắt, giữ, nhất là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Đối với tội phạm ma túy, khi Cơ quan chức năng phá án bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, ngoài đối tượng chính còn có một số người khác cũng có mặt tại nơi phát hiện tội phạm, xét thấy cần phải tạm giữ để làm rõ có liên quan đến vụ án hay không. Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh làm rõ mối quan hệ giữa họ với đối tượng chính, về nhân thân, về ý thức chủ quan và các hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy để phân loại xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự nhưng sau đó không thể chuyển khởi tố bị can xử lý theo pháp luật hình sự.
d) Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự về ma túy
Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên thụ lý nghiên cứu hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án, mỗi vụ án phải ban hành ít nhất 01 yêu cầu điều tra, đây là yêu cầu bắt buộc. Khi thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra không chỉ tập trung duy nhất vào việc làm rõ hành vi phạm tội của bị can mà phải chú ý đến việc xác minh, làm rõ nguồn tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, nguồn tài sản bị can có được từ kết quả thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định và xác minh tài sản của bị can đang sở hữu (cả sở hữu chung và sở hữu riêng) để làm căn cứ đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự đối với tội phạm về ma túy, yêu cầu kê biên hoặc tạm giữ tài sản để đảm bảo cho công tác thi hành án sau này. Chấp hành nghiêm chỉnh việc xây dựng, sắp xếp hồ sơ kiểm sát, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu theo đúng quy định.
Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can hoặc trực tiếp thực hiện hỏi cung bị can ít nhất một lần trên một bị can; đặc biệt lưu ý trường hợp bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo việc Điều tra viên vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của bị can trong tố tụng hình sự như việc được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được thuê hoặc chỉ định luật sư bào chữa, quyền im lặng, ... Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ, kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để khắc phục, tránh để chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát mới phát hiện vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối với các vụ án Viện kiểm sát cấp dưới hết thẩm quyền gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can phải đề nghị Viện kiểm sát cấp trên quyết định gia hạn điều tra và gia hạn tạm giam. Viện kiểm sát đề nghị gia hạn phải có văn bản đề nghị và hồ sơ vụ án tại Viện kiểm sát cấp trên trước thời điểm hết hạn ít nhất là 10 ngày.
Khi vụ án kết thúc điều tra đề nghị truy tố, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, thực hiện trích cứu hồ sơ hoặc số hóa hồ sơ, xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá phân tích các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tiến hành phúc cung, nhất là các trường hợp bị can không nhận tội, thay đổi lời khai hoặc lời khai vẫn còn mâu thuẫn mà chưa được làm rõ, trường hợp thuận lợi, cần có luật sư (nếu có) cùng tham gia khi tiến hành hỏi cung; tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất, dự thảo cáo trạng truy tố; việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
đ) Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy
Viện kiểm sát các cấp thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, chủ động trong xét hỏi và tranh luận với luật sư, bị cáo; tham gia tranh tụng đến cùng nhằm bảo vệ quan điểm truy tố trong cáo trạng. Đối với những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, trước thời điểm kết thúc điều tra 02 tháng, Viện kiểm sát thụ lý phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đề nghị cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ; Viện kiểm sát cấp dưới kịp thời cử Kiểm sát viên dự kiến phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa tham gia nghiên cứu vụ án ngay trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra để chủ động xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội khi được phân công giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án.
Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ những vấn đề liên quan. Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp tốt với Điều tra viên để chuẩn bị nội dung cần cung cấp cho tòa.
Thông qua công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết án ma túy, Viện kiểm sát các cấp kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa, phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để kịp thời ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm. Viện kiểm sát các cấp khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp biết để theo dõi.
e) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Tiến hành phân loại, thụ lý giải quyết đơn theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn quy định. Chú ý những đơn, thư khiếu nại liên quan đến việc giám định khối lượng, hàm lượng, về chất ma túy, về sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác, ... thì phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan; trường hợp cần thiết phải có văn bản tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước khi trả lời. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký, nếu có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải chuyển đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Với các thông tin được nêu tại điểm báo của Viện kiểm sát cấp trên phải tổ chức kiểm tra nghiên cứu hồ sơ cụ thể và có văn bản báo cáo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát cấp trên theo đúng quy định.
f) Công tác phối hợp
Viện kiểm sát các cấp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thông suốt giữa các cấp kiểm sát. Xây dựng mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và các ngành, đơn vị liên quan. Qua thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc có liên quan đến ma túy cho thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bộc lộ một số điểm chưa sát với thực tế, hoặc còn có những cách hiểu khác nhau. Viện kiểm sát các cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, thường xuyên trao đổi để có đồng thuận, thu hẹp sự khác biệt về nhận thức pháp luật phục vụ giải quyết vụ án, vụ việc được thuận lợi.
Năm 2021, Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện một số nội dung sau:
(1) Theo dõi 02 chuyên đề nghiệp vụ: “Án tạm đình chỉ” và “Án trả hồ để điều tra bổ sung”. Thời gian hoàn thành, gửi báo cáo sơ kết trước ngày 05/6/2021, tổng kết trước ngày 05/12/2021 và báo cáo phục vụ xây dựng Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp Quốc hội (trước các ngày 10/4/2021, ngày 10/8/2021 và ngày 05/10/2021). Báo cáo phải phân tích, đánh giá, giải trình, thuyết minh số liệu theo đề cương đã hướng dẫn và các phụ lục.
Riêng chuyên đề “Án tạm đình chỉ”, Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; tiến hành tổng rà soát và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch tại một số đơn vị và địa phương.
(2) Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, Chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy (26/6) năm 2021 của Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân. Báo cáo sơ kết, tổng kết cần tổng hợp đầy đủ số liệu, phân tích đánh giá diễn biến về tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy trên địa bàn, qua đó dự báo xu hướng diễn biến tội phạm và tệ nạn về ma túy trong thời gian tiếp theo. Báo cáo sơ kết 6 tháng gửi trước ngày 05/5/2021 (thời điểm mốc lấy số liệu từ ngày 01/11/2020 đến ngày 30/4/2021); Báo cáo tổng kết năm gửi trước ngày 05/11/2021 (thời điểm mốc lấy số liệu từ ngày 01/11/2020 đến ngày 31/10/2021)[1].
(3) Nếu phát sinh trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, bị cáo hoặc miễn trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực ma túy. Yêu cầu các đơn vị báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ngoài gửi Vụ 3 thì phải gửi Vụ 4) để theo dõi chung. Riêng các trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì lý do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải tiến hành kiểm tra, xác định trách nhiệm đồng thời báo cáo kết quả đến Vụ 4 kịp thời.
2.3. Công tác tương trợ tư pháp
Đối với những vụ án về ma túy khi xác định có yếu tố nước ngoài, cần phải tương trợ tư pháp, thì khẩn trương yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện ngay các quy trình, thủ tục tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của pháp luật, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Để hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự được thuận lợi, nhanh chóng, thu được kết quả cao Viện kiểm sát các cấp cần chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập và cung cấp tối đa các thông tin về các yêu cầu cần tương trợ, phần lớn lý do nước bạn chậm đáp ứng từ nguyên nhân do thông tin từ phía yêu cầu quá sơ sài nên không thể thực hiện được.
Các Viện kiểm sát địa phương có đường biên giới chủ động phối hợp với Cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và Cơ quan có thẩm quyền của địa phương để có các hình thức, biện pháp trao đổi thông tin và tương trợ giúp đỡ linh hoạt, phù hợp khi xử lý các tội phạm về ma túy theo đúng quy định.
Trong trường hợp hết thời hạn điều tra vụ án vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với liên ngành tố tụng tại địa phương họp bàn thống nhất hướng xử lý phù hợp.
2.4. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới
- Viện kiểm sát cấp trên cần chủ động, linh hoạt trong lựa chọn hình thức kiểm tra như: Tự kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra chéo... Nội dung kiểm tra phải bám sát Chỉ thị công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch của Ngành và tình hình thực tế của địa phương, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy.
- Các đơn vị thực hiện phân công Lãnh đạo, Kiểm sát viên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn công tác nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới theo từng địa bàn cụ thể; để việc theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn có hiệu quả, chất lượng cần gắn trách nhiệm của cá nhân với kết quả công tác của địa bàn được phân công theo dõi, lấy kết quả đó để đánh giá thành tích cá nhân và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.
2.5. Chấp hành chế độ báo cáo
- Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm túc việc gửi các báo cáo định kỳ và các loại báo cáo khác theo đúng quy định tại các Điều 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 17, 18, 19, 20 của Quy chế số 279; các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của Viện kiểm sát cấp trên. Khi xây dựng báo cáo phải thống kê đầy đủ số liệu, nêu đầy đủ thông tin cần thiết theo yêu cầu. Khi xây dựng báo cáo tháng, sơ kết, tổng kết, báo cáo phục vụ xây dựng Báo cáo của Viện trưởng tại các kỳ họp Quốc hội, Viện kiểm sát cấp tỉnh tổng hợp chung các vi phạm trong lĩnh vực giải quyết án ma túy để Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4) biết, theo dõi.
- Lưu ý đối với báo cáo thỉnh thị xin ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát địa phương phải gửi kèm theo hồ sơ chính và hồ sơ kiểm sát của vụ án; tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, báo cáo thỉnh thị phải thể hiện nội dung vụ án, các quan điểm, nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh căn cứ Hướng dẫn này và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình, xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2021 và Hướng dẫn cho Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 31/01/2021 và gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4) để tổng hợp theo dõi và quản lý chung trong toàn ngành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc đề xuất, đề nghị Viện kiểm sát các cấp kịp thời phản ánh về Vụ 4 để xử lý./.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |