Hướng dẫn 309/HD-BDT

Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT, về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg do Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa ban hành

Nội dung toàn văn Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT cho vay vốn phát triển


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 309/HD-BDT

Thanh Hóa, ngày 08 tháng 10 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 02/2007/TT-UBDT VỀ CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐBKK THEO QUYẾT ĐỊNH 32/2007/QĐ-TTG

Căn cứ Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK (Sau đây gọi tắt là Quyết định 32/CP);
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-UBDT ngày 7/6/2007 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc Hướng dẫn và Kế hoạch triển khai Quyết định 32/CP năm 2007 và giai đoạn 2008 – 2010;
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 3740/UBND-MN ngày 12/9/2007 về việc giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngành chức năng thực hiện kế hoạch 2007 và rà soát nhu cầu thực hiện giai đoạn 2008 – 2010 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK theo Quyết định 32/CP;
Căn cứ Quyết định số: 3000/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phân bổ vốn cho vay phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số ĐBKK năm 2007;
Ban Dân tộc Thanh Hóa hướng dẫn cụ thể kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định 32/2007/QĐ-TTg như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chính sách cho vay theo Quyết định 32/CP được thực hiện trực tiếp cho hộ dân tộc thiểu số ĐBKK: chính sách quản lý sử dụng vốn vay trên cơ sở có sự giúp đỡ, bảo lãnh của các tổ chức chính quyền và tổ chức chính trị ở xã, thôn/bản; nhằm ổn định đời sống sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

2. Hộ chính sách phải được bình xét từ thôn/bản, xã công khai dân chủ, công bằng; căn cứ kết quả và biên bản họp thôn/bản, UBND xã tổng hợp danh sách hộ thuộc đối tượng hưởng chính sách theo thứ tự ưu tiên như: Hộ gia đình thương binh, liệt sỹ; hộ gia đình có công với cách mạng; hộ gia đình khó khăn đặc biệt trình UBND huyện phê duyệt.

2.1. Riêng năm 2007, bình xét số hộ trong phạm vi kinh phí đã được UBND tỉnh và UBND huyện phê duyệt:

- Từ năm 2008, hộ được vay vốn thực hiện theo danh sách đã bình xét và theo thứ tự ưu tiên. (Việc bình xét theo văn bản số 288/BDT-CS ngày 24/9/2007 của Ban Dân tộc)

2.2. Hàng năm có rà soát và phân loại (hoặc) bổ sung đối tượng chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng thôn, bản, xã, cơ sở.

3. Hộ gia đình thuộc diện chính sách vay vốn phải có cam kết về kế hoạch, phương án phát triển sản xuất cụ thể (Trồng cây gì? nuôi con gì? Hoặc dịch vụ sản xuất gì?) trên cơ sở có sự giúp đỡ lập kế hoạch, xác nhận bảo lãnh, hướng dẫn cách làm ăn của tổ chức chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương.

4. Căn cứ nguồn vốn Trung ương phân bổ và các nguồn vốn lồng ghép từ ngân sách tỉnh (Nếu có); căn cứ vào danh sách đối tượng chính sách đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn theo phương thức ủy quyền cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở tương tự như cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

5. Thời gian giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010; thời gian giải ngân cho vay hoàn thành trước ngày 31/12/2010, để tổng hợp đánh giá và điều chỉnh chính sách trong giai đoạn tiếp theo.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng thuộc chính sách theo Quyết định 32/CP là hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Hộ có vợ hoặc chồng là dân tộc thiểu số đều được thực hiện chính sách này. Hộ áp dụng chính sách phải là hộ đang cư trú hợp pháp (được UBND xã xác nhận) tại địa bàn xã thuộc vùng khó khăn;

Đối tượng hộ được vay vốn PTSX phải có đầy đủ các tiêu chí sau:

- Là bộ rất nghèo, đời sống rất khó khăn; thu nhập bình quân đầu người dưới 60.000 đồng/người/tháng.

- Tổng giá trị tài sản của hộ không quá 3 triệu đồng (không tính giá trị đất đai, tài sản nhà ở được Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ; hoặc giá trị tài sản, nguồn vốn khác đang vay từ ngân hàng) theo kết quả điều tra hộ nghèo năm liền kề trước khi thực hiện vay vốn.

- Hộ áp dụng chính sách phải có phương án hoặc kế hoạch sản xuất cụ thể nhưng thiếu vốn hoặc chưa có vốn để thực hiện.

2. Điều kiện cho vay vốn:

2.1. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK phải được bình xét dân chủ, công khai từ thôn, bản. UBND xã xác nhận trình UBND huyện phê duyệt (có danh sách hộ và biên bản họp thôn/bản).

2.2. Mục đích bắt buộc và duy nhất của đối tượng vay vốn phải là phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

2.3. Hộ (hoặc nhóm hộ) vay vốn phải có phương án, kế hoạch sản xuất cụ thể nhưng thiếu vốn hoặc chưa có vốn để thực hiện; được các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…vv…) giúp lập và được UBND xã xác nhận.

2.4. Chính quyền cơ sở có kế hoạch và phân công tổ chức (có người) bảo lãnh giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn cụ thể cho từng hộ hoặc nhóm hộ vay vốn chính sách.

2.5. Hộ gia đình thuộc đối tượng trên, khi vay vốn không phải dùng tài sản thế chấp và được miễn làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn sản xuất.

3. Hình thức và mức vay vốn:

3.1. Hình thức cho vay: Bằng tiền mặt (hoặc) giá trị hiện vật được quy đổi trong điều kiện cụ thể từng địa phương và nguyện vọng, kiến nghị của bộ vay vốn.

3.2. Định mức cho vay:

- Có thể vay 1 lần (hoặc) nhiều lần nhưng tổng dư nợ ở mọi thời điểm không quá 5 triệu đồng/1hộ;

- Ngoài định mức vay trên đây, nếu các hộ có nhu cầu vay tiếp thì được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo.

4. Thời hạn cho vay vốn và gia hạn nợ:

4.1. Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay để sản xuất như thời vụ, chu kỳ sản xuất, khả năng quay vòng vốn trong sản xuất, kinh doanh; khả năng và nhu cầu trả nợ của hộ vay vốn; và do Ngân hàng Chính sách quy định trong phạm vi không quá 5 năm.

4.2. Trường hợp đến thời hạn trả nợ nhưng hộ vay vốn thuộc diện ĐBKK và có nhu cầu sử dụng tiếp vốn vay thì hộ gia đình làm đơn đề nghị UBND xã xác nhận và gửi Ngân hàng chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ mỗi lần tối đa bằng thời hạn cho vay.

5. Lãi xuất cho vay:

Lãi xuất cho vay bằng 0% (Theo Quyết định 32/CP quy định).

6. Xử lý rủi ro:

- Trường hợp hộ vay vốn gặp rủi ro như: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn, ốm đau… bất khả kháng không trả được nợ thì hộ vay vốn phải báo cáo với chính quyền, thôn/bản, cùng tổ chức chính trị được phân công giúp đỡ, lập biên bản chính thức trình UBND xã xác nhận và gửi chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện tổng hợp báo cáo UBND huyện;

- UBND huyện tổ chức kiểm tra, xác minh sau đó phê duyệt và gửi kết quả cho Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét ra Quyết định xóa nợ;

Không chấp thuận rủi ro các trường hợp dùng tiền vay vào giải quyết những việc không trực tiếp cho phát triển sản xuất.

7. Lập kế hoạch:

- Hàng năm UBND xã, huyện lập kế hoạch và nhu cầu thực hiện chính sách cùng với quy trình lập kế hoạch chung gửi Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh (cùng thời gian với lập dự toán ngân sách hàng năm);

- Căn cứ vào dự toán Trung ương phân bổ, được UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính chuyển kinh phí cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện theo định kỳ 6 tháng 1 lần.

8. Kiểm tra giám sát và báo cáo:

UBND các huyện được thực hiện chính sách, chỉ đạo các đơn vị xã, các tổ chức liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn; phòng Dân tộc huyện – đơn vị thường trực tham mưu giúp UBND huyện Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc và đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách vay vốn trên địa bàn các xã và thôn/bản của huyện. Định kỳ 6 tháng và hàng năm (trước 15/6 và 15/12) UBND xã, huyện và Chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện báo cáo gửi về Ngân hàng chính sách tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban Dân tộc (cơ quan thường trực) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương.

9. Quy trình, thủ tục cho vay và xử lý rủi ro:

Thực hiện theo Thông tư số 678/KTCS-TD ngày 22/4/2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc có trách nhiệm:

1.1. Chủ trì hàng năm rà soát, bổ sung xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn gửi sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm theo quy định;

1.2. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và UBND các cấp huyện, xã kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách vay vốn theo Quyết định 32/CP, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương theo định kỳ hàng năm.

2. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh:

- Hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay vốn đảm bảo, đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; thực hiện kế hoạch cho vay vốn, thu hồi nợ; tham mưu cho UBND các cấp xử lý rủi ro;

- Lập kế hoạch tiến độ giải ngân và báo cáo định kỳ gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Dân tộc tỉnh để phối hợp thực hiện.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan phối hợp thực hiện theo Quyết định 3000/QĐ-UBND ngày 4/10/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

4. Ủy ban nhân dân huyện:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện việc chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch cho vay hàng năm theo quyết định của UBND tỉnh. Cụ thể:

+ Chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức thực hiện cho vay và thu hồi nợ vốn vay;

+ Phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng và diện được vay hàng năm của từng xã để báo cáo UBND tỉnh, cơ quan thường trực chương trình;

+ Thẩm định, báo cáo tình hình rủi ro trong sử dụng vốn vay của các xã gửi Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh ra quyết định xử lý;

+ Định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Cơ quan Thường trực để tổng hợp.

5. Ủy ban Nhân dân các xã:

- Có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến chính sách đến mọi người dân; chỉ đạo tổ chức việc bình xét, tổng hợp danh sách đối tượng chính sách trên cơ sở công khai, dân chủ từ thôn/bản và xếp theo thứ tự ưu tiên để trình UBND huyện phê duyệt; phân công tổ chức cá nhân trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo;

- Hỗ trợ chi nhánh ngân hàng chính sách trong việc giải ngân và thu hồi vốn; thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng vốn và đánh giá hiệu quả vay vốn của các hộ chính sách trên địa bàn;

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã, phối hợp với các tổ chức chính trị giám sát, kiểm tra chặt chẽ các quá trình bình xét đối tượng, việc vay vốn và sử dụng vốn, việc thu nợ vốn hoặc xử lý vốn rủi ro… nhằm đặt hiệu quả tốt nhất của chính sách;

- Định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện.

Trên đây là Hướng dẫn thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số ĐBKK theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, các cấp và hộ thực hiện chính sách gửi kiến nghị về liên ngành Ban Dân tộc – Ngân hàng chính sách xã hội và các ngành liên quan để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND các huyện MN (T/H);
- Phòng Dân tộc 11 huyện MN (T/H);
- UBND tỉnh (B/C);
- Các ngành liên quan (P/H);
- Lưu: VT, CS.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Phạm Quang Thẩm

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 309/HD-BDT

Loại văn bảnHướng dẫn
Số hiệu309/HD-BDT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/10/2007
Ngày hiệu lực08/10/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 309/HD-BDT

Lược đồ Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT cho vay vốn phát triển


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT cho vay vốn phát triển
                Loại văn bảnHướng dẫn
                Số hiệu309/HD-BDT
                Cơ quan ban hànhTỉnh Thanh Hóa
                Người kýPhạm Quang Thẩm
                Ngày ban hành08/10/2007
                Ngày hiệu lực08/10/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTiền tệ - Ngân hàng
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT cho vay vốn phát triển

                  Lịch sử hiệu lực Hướng dẫn 309/HD-BDT thực hiện Thông tư 02/2007/TT-UBDT cho vay vốn phát triển

                  • 08/10/2007

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 08/10/2007

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực