Hướng dẫn 383CV/GĐCL-SXD

Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD năm 2004 về việc tăng cường quản lý chất lượng trong thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng do Sở Xây dựng thành phố Hà Nội ban hành

Nội dung toàn văn Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD tăng cường quản lý chất lượng thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng


UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ XÂY DỰNG
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 383 CV/GĐCL-SXD

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TRONG THI CÔNG HOÀN THIỆN , XÂY LẮP HỆ THỐNG KỸ THUẬT, BÀN GIAO SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Qua kiểm tra hồ sơ nghiệm thu và thực tế thi công tại một số công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là công trình dân dụng trong đó có nhà ở , cho thấy các khiếm khuyết về chất lượng thường xảy ra ở công đoạn thi công hoàn thiện và lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình, gây khiếu kiện phức tạp và dư luận trong xã hội. Có tình trạng nêu trên là do Chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình, nhà thầu thiết kế, nhà thầu xây lắp, đơn vị giám sát thi công thực hiện chưa tốt các tiêu chuẩn quy phạm xây dựng và quy định hiện hành của nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng; lơi lỏng trong quản lý thi công, quản lý chất lượng công tác hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật công trình, chưa chú ý đến các yêu cầu về quản lý chất lượng trong bàn giao, quản lý sử dụng công trình xây dựng.

Để góp phần nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo an toàn sử dụng và hiệu quả đầu tư; thực hiện chức năng giúp UBND thành phố thống nhất quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, các bên có liên quan đến dự án và các bên thiết kế , thi công, giám sát thi công các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng thuộc thành phố Hà nội quản lý thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, quyền hạn của mình trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, được quy định trong các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP; số 12/2000/NĐ-CP; số 07/2003/NĐ-CP ; Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo quyết định số 18/2003/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan quy định tại Luật Xây dựng đã ban hành, có hiệu lực thi hành từ 1 tháng 7 năm 2004 , và những quy định khác của nhà nước có liên quan, đồng thời Sở Xây dựng Hà nội hướng dẫn thực hiện một số công việc phải làm để tăng cường quản lý thi công, quản lý chất lượng công tác thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật công trình, nghiệm thu, bàn giao, quản lý sử dụng công trình , như sau :

I. Thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm tra , phép đo và phép thử để đánh giá chất lượng công tác thi công hoàn thiện và đánh giá kết quả thực hiện một số công việc xây lắp có liên quan đến thi công hoàn thiện , thi công và lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình , thiết lập các bằng chứng kỹ thuật tương ứng với công việc đã làm để có đủ tài liệu kỹ thuật-chất lượng phục vụ nghiệm thu.

Phải thực hiện các nội dung kiểm tra, thực hiện các phép đo, phép thử theo quy định tại các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan và theo hướng dẫn dưới đây :

1. Đối với hệ thống cấp nước trong nhà :

1.1 Không được tự ý thay đổi phương án cấp nước nêu trong quyết định đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép .

1.2 Các đường ống cấp nước đặt bên ngoài ,đặt trong hộp kỹ thuật hoặc đặt dưới trần nhà đều phải được liên kết ngay ngắn và chắc chắn vào kết cấu công trình bằng các chi tiết neo giữ, kẹp giữ phù hợp.

1.3 Sau khi các đường ống xuyên sàn đã được neo giữ ổn định, mới được phép chèn và chống thấm mối nối. Trường hợp buộc phải vặn xoắn, hoặc có lực tác động mạnh vào đường ống sau khi chèn mối nối xuyên sàn, phải thực hiện lại và lập lại biên bản nghiệm thu công việc chèn và chống thấm mối nối xuyên sàn .

1.4 Phải tiến hành thử áp lực đường ống cấp sau khi lắp đặt hệ thống cấp nước trước khi làm các công việc hoàn thiện tiếp theo. Không được trì hoãn việc thử áp lực với lí do chậm có nước nguồn. Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế lập quy trình thử áp lực đường ống cấp trong đó nêu rõ các thông số, chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu. Việc thử áp lực đường ống cấp phải được lập thành biên bản ghi rõ tình trạng và kết quả thử, ngày, giờ bắt đầu cũng như kết thúc việc thử áp lực hệ thống ống cấp nước; các yêu cầu phải sửa chữa khắc phục nếu có. Phải lập biên bản hoàn thành việc sửa chữa khắc phục.

- Riêng việc thử áp lực của hệ thống cấp nước PCCC và thử nghiệm hệ thống PCCC, tiến hành theo yêu cầu riêng của cơ quan cảnh sát PCCC thành phố ( PC23 ).

1.5 Két nước làm riêng cho từng căn hộ ( nếu có), phải làm theo đúng bản vẽ thiết kế. Trường hợp mua két nước chế tạo sẵn trên thị trường phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế được duyệt .

1.6 Phải thử áp lực két nước ( dù là két nước làm theo bản vẽ thiết kế, hoặc mua loại chế tạo sẵn) cùng với việc thử áp lực đường ống cấp để kiểm tra rò rỉ của bản thân két, đường ống, thiết bị nối vào két), kiểm tra sự ổn định của bản thân két nước (nhất là đối với két nước làm bằng kim loại hoặc bằng vật liệu composit). Khi thử áp lực két nước phải theo các thông số, tiêu chí kiểm tra do đơn vị thiết kế quy định đồng thời phải bố trí sao cho két nước ( và phụ kiện) được thử với áp lực cao nhất có thể xảy ra trong hệ thống cấp nước tương ứng với các tình huống sử dụng thực tế .

2. Đối với khu phụ ( xí, tắm. bếp ) và hệ thống thoát nước:

2.1 Hệ thống thoát nước trong nhà:

- Các ống thoát nước phải được liên kết chắc chắn vào tường, cột hoặc kết cấu sàn, trần BTCT, bằng các hình thức như kẹp giữ, treo giữ phù hợp. Phải kiểm tra các thanh treo, bu lông, côliê về số lượng thanh, vị trí neo giữ, chủng loại, vật liệu thép, tiết diện thép, đinh vít, bu lông. Đối với các đường ống thoát nước ngoài nhà đi lộ ra mặt ngoài của những nhà cao tầng (/ 9 tầng), yêu cầu phải sử dụng kết cấu neo giữ bằng thép không rỉ, kể cả đối với bu lông, đinh vít, vật chôn ngầm ;việc này phải được chỉ định ngay tại bản vẽ thiết kế.

- Các ống thoát nước nằm ngang phải đảm bảo độ dốc thoát nước theo chỉ dẫn của thiết kế. Khi nghiệm thu phải đo độ dốc, hoặc đo cao trình đáy ống ở hố ga từ đó xác định độ dốc của đường ống thoát nước, để có số liệu so sánh với thiết kế và tiêu chuẩn nghiệm thu.

- Phải thử áp lực đường ống thoát nước; lập biên bản thử thoát nước để đính kèm biên bản nghiệm thu. Quy trình thử và các thông số yêu cầu của việc thử áp lực do thiết kế quy định.

- Khi nghiệm thu lắp đặt hệ thống thoát nước phải lập thành biên bản, kèm theo các tài liệu chi tiết ghi rõ vật liệu, chủng loại, đường kính ống ( tiết diện mương,rãnh) , chiều dày ống, cấp hạng của ống ( nếu là ống nhựa , composit ), xuất xứ của ống, chủng loại keo dán và vật liệu xảm mối nối.

2.2 Đối với hệ thống thoát nước mưa từ mái xuống:

- Lắp đặt đường ống thoát nước mưa phải đúng vị trí thiết kế, số lượng đường ống, đường kính, vật liệu và chủng loại ống, cấp chịu áp lực, thiết bị thu nước như thiết kế đã chỉ định. Phải kiểm tra kỹ thiết bị và kết cấu neo giữ ống lắp đặt ở mặt ngoài công trình ( chủng loại vật liệu neo, tiết diện vật neo, vị trí đặt neo, kết cấu chôn ngầm trong công trình). Đối với nhà cao tầng (/ 9 tầng), yêu cầu làm thiết bị neo giữ bằng thép không rỉ ; việc này phải được chỉ định ngay tại bản vẽ thiết kế. Đoạn cuối của đường ống đứng không được xả nước trực tiếp lên mặt hè mà phải đấu nối vào cống, rãnh thu gần nhất.

- Sau khi lắp đặt và neo giữ xong đường ống, phải thử áp lực đường ống bằng cách bịt tạm đầu dưới của ống và đổ nước đầy ống từ miệng thu ở trên mái.Thời lượng giữ nước trong ống để thử ,do đơn vị thiết kế quy định .

2.3 . Đối với sàn khu vệ sinh ( xí, tắm) :

- Đối với sàn bê tông cốt thép chống thấm bằng vật liệu bê tông cốt thép, xi măng lưới thép và các vật liệu láng lát thông thường, sau khi đổ bê tông xong, phải ngâm nước xi măng với chiều cao cột nước tối thiểu bằng 100 mm theo đúng quy trình ngâm nước xi măng, có biên bản ngâm nước xi măng sau đó mới được lắp đặt các loại đường ống xuyên sàn, thi công các bước tiếp theo.

 Sau khi lắp đặt xong đường ống xuyên sàn ( kể cả thiết bị van, khoá) phải ngâm nước toàn sàn của buồng vệ sinh đó để phát hiện thấm ngấm qua các chỗ đường ống xuyên sàn và thấm ngấm sàn do việc đục lỗ qua sàn gây ra. Nếu có thấm ngấm phải sửa xong và ngâm nước kiểm tra, lập biên bản lại rồi mới được thi công các lớp láng, lát bên trên.

Khi có dấu hiệu đáng nghi ngờ về chất lượng thi công các lớp láng, lát, Chủ đầu tư bàn với đơn vị giám sát để quyết định ngâm nước thử các lớp láng, lát đó.

- Trong trường hợp sử dụng các lớp vật liệu chống thấm hiện đại, theo công nghệ mới, việc kiểm tra chất lượng các loại vật liệu này và kiểm tra kết quả chống thấm do chủ đầu tư ( phối hợp với đơn vị thiết kế và tư vấn giám sát) quyết định, căn cứ theo tính năng kỹ thuật vật liệu và quy trình do nhà chế tạo xuất trình, hoặc theo tiêu chuẩn kỹ thuật ( nếu đã có tiêu chuẩn thích ứng ).

-Biên bản ngâm nước và biên bản thử , xử lý chống thấm phải lập riêng cho từng buồng vệ sinh .

2.4 Đối với việc thi công lắp đặt thiết bị cấp nước, thiết bị vệ sinh; thiết bị bếp :

- Phải đo đạc kiểm tra xác định vị trí, cao độ, độ ngang bằng của van, vòi, chậu rửa, bồn tắm, bệ xí, chậu vệ sinh phụ nữ (bi đê), chậu tiểu, phễu thu nước theo yêu cầu của thiết kế hoặc của nhà sản xuất.

- Khi thi công xây dựng và lắp đặt các loại bệ bếp, xí, tiểu, phải tuân thủ theo đúng yêu cầu thiết kế về hình thức, kích thước, cao độ, chủng loại, chất lượng vật liệu và khả năng thoát nước ,khả năng thau rửa . Không tự ý thay các loại xi phông chai của chậu rửa, chậu tiểu bằng các loại ống mềm. Không tự ý thay đổi chủng loại thiết bị vệ sinh, thiết bị bếp so vơí thiết kế được duyệt .

3. Đối với hệ thống điện:

- Kiểm tra lập biên bản, lưu giữ các mẫu và chứng từ xuất sứ về vật liệu, chủng loại, chất lượng, dây dẫn điện, đường ống, phụ kiện, các thiết bị điện trước khi lắp đặt, đặc biệt là trước khi lắp đặt các vật chôn ngầm trong kết cấu công trình.

- Trước khi thi công lắp đặt điện, phải kiểm tra bản vẽ thiết kế để bảo đảm có đường dây và cọc tiếp địa cho các thiết bị đun nước nóng bằng điện , đồng thời bảo đảm có tiếp địa cho các loại thiết bị điện khác ( trong đó có một số loại ổ cắm điện ) nếu theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc của nhà sản xuất phải có tiếp địa. Nếu trong bản vẽ thiếu đường dây tiếp địa, phải yêu cầu bổ sung thiết kế . Cấm tự ý đấu nối dây tiếp địa vào các đường ống kim loại không phục vụ cho yêu cầu tiếp địa cho hệ thống điện .

- Sau khi lắp đặt xong hệ thống cấp điện trong nhà và toàn bộ phụ tải dùng điện, phải xông điện thử và lập biên bản xông điện cho từng phụ tải và toàn bộ công trình.

- Đối với công trình công cộng, công trình khi sử dụng có đông người, nhà chung cư cao tầng, phải thử nghiệm hệ thống điện trong trạng thái sự cố ( chạm chập, mất điện), để đánh giá chất lượng lắp đặt cũng như chất lượng thiết bị bảo vệ, lập thành biên bản.

- Đối với các chi tiết móc treo bằng kim loại dùng để treo quạt trần, đèn chùm..., phải dùng loại được sản xuất theo tiêu chuẩn hoặc theo thiết kế thống nhất. Phải kiểm tra vật liệu, tiết diện ,vị trí đặt móc treo, phương pháp liên kết móc treo với công trình. Đơn vị thi công không được tự ý thay đổi phương pháp liên kết móc treo với công trình. Khi thi công xong phải kiểm tra độ vững chắc của móc treo, khi cần thiết phải thử tải trọng các móc treo đã treo vào công trình, đặc biệt là khi liên kết vào trần, sàn, tường bằng vít nở chôn sau và khi móc treo chịu tải trọng nặng, rung động mạnh

4. Đối với hệ thống thu sét:

- Yêu cầu kiểm tra và có tài liệu chứng minh đầy đủ, chặt chẽ về vật liệu, chủng loại kim thu sét, tiết diện dây dẫn sét, cọc tiếp địa ( chiều dài, tiết diện, số lượng cọc, số nhánh dây chôn ngầm dưới đất, cao độ đỉnh cọc, phương pháp đóng), chiều dài và chất lượng liên kết hàn ( hoặc các kiểu liên kết khác nếu có) của dây thu sét, độ sâu của dây dẫn sét chôn ngầm trong lòng đất, khoảng cách từ dây đến đường ống cấp nước, cấp ga và đường điện ngầm, chi tiết neo giữ giữa dây thu sét với kết cấu mang nó, kiểm tra vật liệu lấp rãnh chôn đay và cọc tiếp địa. Trường hợp trong thiết kế chỉ định cọc dẫn sét có bọc đồng, hoặc dây dẫn sét dùng cáp đồng thì phải kiểm tra tình trạng bọc đồng, vật liệu, tiết diện cáp.

- Phải tiến hành thí nghiệm đo điện trở tiếp địa của hệ thống thu sét đã thi công để so sánh với trị số thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật. Thông thường điện trở tiếp địa đo tại từng vị trí có dây thu sét đi xuống. Để tăng mức độ an toàn, chắc chắn hơn, chủ đầu tư yêu cầu cắt dây thu sét tại một vị trí bất kỳ gần cao độ mặt nền nhà để cặp dây đo điện trở của máy đo vào phần dây dẫn sét ở phía trên của mối cắt - nhằm mục đích đo điện trở tiếp địa của hệ thống thu sét trong trường hợp bị đứt một trong các dây dẫn sét xuống đất- sau khi kiểm tra xong phải hàn nối lại dây.

- Nếu kết quả thí nghiệm đo điện trở khẳng định điện trở tiếp địa hệ thống thu sét đạt yêu cầu, chủ đầu tư lập biên bản nghiệm thu toàn bộ hệ thống thu sét, đính kèm theo các chứng từ và tài liệu kỹ thuật về các vấn đề nêu trên.

5. Đối với các khe lún hoặc khe co giãn nhiệt:

- Trong quá trình trát tường ngoài, bắt buộc phải có biện pháp có hiệu quả để tạo khe rộng 20-30 mm. Không được trát bịt kín khe ( dễ sinh ra vết nứt lớp trát, gây khiếu kiện phức tạp). Khi tạo khe lún, phải đảm bảo yêu cầu mỹ quan.

- Phải kiểm tra việc các mũ che khe lún, khe co rãn trên mái nhằm loại trừ khả năng nước mưa chảy qua mối nối các tấm mũ che lọt vào khe lún ( hoặc khe co dãn) gây thấm cho tường nhà.

6. Đối với việc lắp đặt cửa các loại vào công trình.

6.1 Cửa gỗ:

- Khuôn cửa gỗ bắt buộc phải có tai gỗ, đặt sẵn bật thép để liên kết vào khối xây. Phải có biên bản kiểm tra tại chỗ để chứng minh việc này. Không được chèn khung cửa rồi mới đục tường để lắp bật thép. Nếu liên kết khung cửa vào BTCT, kết cấu kim loại, đơn vị thiết kế phải có biện pháp cụ thể liên kết khuôn cửa để nhà thầu thực hiện. Nếu là cửa ở mặt ngoài nhà cao tầng ( đặc biệt là ở chỗ không có ban công, lô gia), Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế phải có bản vẽ chi tiết liên kết cửa vào công trình. Trong thi công, chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải kiểm tra và có biên bản về việc thực hiện các chi tiết liên kết đó.

- Các khuôn cửa gỗ phải có nẹp chặn để che khe tiếp giáp giữa khuôn cửa với lớp vữa trát tường. Nếu trong bản vẽ mà đơn vị thiết kế không chỉ định, chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế bổ xung để nhà thầu có cơ sở thực hiện.

- Đối với các cánh cửa có chiều rộng lớn hoặc có trọng lượng nặng, đơn vị thiết kế bắt buộc phải chỉ định kích thước, số lượng bản lề và vị trí cụ thể từng bản lề theo chiều dọc gáy cửa.

- Phải kiểm tra xuất sứ gỗ làm cửa, thực hiện các phép thử đánh giá chủng loại gỗ, chất lượng gỗ, độ ẩm của gỗ.

- Phải kiểm tra bề mặt sản phẩm cửa gỗ trước khi cho phép sơn hoặc đánh véc ni; kiểm tra kết quả sơn cửa, căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật sơn cửa.

6.2. Cửa, vách bằng kính khung nhôm ( và khung kim loại khác ):

- Khi chèn dựng các cửa, vách kính hoặc kết cấu bao che bằng kính khung nhôm, các chi tiết liên kết ( vít, bu lông) bắt buộc phải được bắt vào kết cấu khung kim loại, khung BTCT; hoặc tường gạch đặc dày/220 mm. Trường hợp thiết kế tường xây bằng gạch có lỗ rỗng, đơn vị thiết kế phải có bản vẽ chỉ định biện pháp liên kết khung nhôm vào tường.

- Khe tiếp giáp giữa khung nhôm với kết cấu công trình phải được phải bơm keo và bịt kín cả hai mặt trong và ngoài, không để lọt ánh sáng.

- Đối với cửa kính khung nhôm của các nhà cao tầng, đặc biệt là những cửa tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của áp lực gió bên ngoài: số lượng và kích cỡ của vít hoặc bu lông và biện pháp liên kết giữa khung nhôm với kết cấu mang nó, kích thước tiết diện các thanh profile để làm khung, giằng, đố cửa; chủng loại, xuất sứ, yêu cầu kỹ thuật, chiều dày và kích thước tối đa ( dài x rộng ) của các tấm kính cửa phải được đơn vị thiết kế chỉ định hoặc có văn bản chấp thuận phương án mà nhà sản xuất đề xuất. Vấn đề sử dụng kính an toàn phải được nghiên cứu đề xuất và quyết định ngay từ lúc lập, trình duyệt dự án và quy định rõ ràng trong hồ sơ thiết kế .

6.3. Đối với các loại cửa làm bằng các loại vật liệu khác ( nhựa , thép , cửa chống cháy ... ) , kiểm tra thi công , chất lượng và nghiệm thu theo tiêu chuẩn tương ứng hoặc theo kiểm tra quy định của nhà chế tạo phù hợp với yêu cầu thiết kế .

7.Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà:

7.1 Kiểm tra, đo đạc xác định vị trí thật sau khi thi công ( hoàn công ) của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, gồm:

+ Toạ độ mặt bằng của ngôi nhà, tim trục các tuyến đường nội bộ, tuyến cấp thoát nước, các hố ga, các tuyến và công trình kỹ thuật hạ tầng khác.

+ Cao độ san nền thoát nước, cao trình K0.000 của ngôi nhà, cao trình mặt đường, cao trình đáy ống, mương, rãnh, hố ga; cao trình đặt các tuyến ống kỹ thuật khác. Căn cứ các số liệu đo đạc được , tính toán xác định độ dốc thoát nước, xác định độ dốc của đường dốc, so sánh với trị số thiết kế .

Các số liệu đo đạc kiểm tra phải được lập thành biên bản.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ đầu tư đề nghị cơ quan có thẩm quyền đã giao mốc địa giới đến kiểm tra xác nhận số liệu.

Các số liệu đo đạc, kiểm tra nói trên, cũng như đo đạc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật khác có liên quan tới công trình, hạng mục công trình phải được so sánh với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phải được thể hiện trên bản vẽ hoàn công theo quy định hiện hành của nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

7.2 Tiến hành thí nghiệm xác định độ chặt của nền đất san nền và các chỉ tiêu kỹ thuật của các lớp kết cấu hiên hè, đất lấp chân móng mép ngoài công trình , đường nội bộ, theo chỉ định của đơn vị thiết kế và theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan. Việc này không được bỏ qua , để tránh sai sót xảy ra dễ phát sinh khiếu kiện về chất lượng .

8. Đối với những phần việc khác trong công tác thi công hoàn thiện công trình: như trát, lát, ốp, quét vôi, sơn ( bả ) v..v.., phải căn cứ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành để kiểm tra thi công, thực hiện đầy đủ các phép thử để đánh giá chất lượng làm bằng chứng trước khi nghiệm thu.

II. Thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trong thi công, kiểm tra, nghiệm thu .

1. Khi thi công, kiểm tra thi công, giám sát kỹ thuật thi công, đánh giá chất lượng để phục vụ công tác nghiệm thu, chủ đầu tư và các bên tham gia dự án ( đặc biệt là tư vấn giám sát thi công) phải căn cứ các tiêu chuẩn kỹ thuật ( trong và ngoài nước) phù hợp để kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ việc sử dụng quy trình, biện pháp, thiết bị thi công thích hợp và xem xét, đánh giá đầy đủ các thông số kỹ thuật và các tiêu chí cần thiết khác quy định tại các tiêu chuẩn đã áp dụng; không được phép giám sát, kiểm tra, đánh giá một cách tuỳ tiện.

2. Trường hợp theo thiết kế được duyệt, công tác hoàn thiện và xây lắp hệ thống kỹ thuật công trình có sử dụng các hệ thống kỹ thuật đặc biệt, những công nghệ, vật liệu mới hiện chưa có đủ quy trình thi công và tiêu chuẩn kỹ thuật tươngứng của Việt Nam:

+ Được vận dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng bao gồm: Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Nga, Đức, úc, Trung Quốc...Nếu dùng các tiêu chuẩn nước ngoài khác, phải xin phép Bộ Xây dựng.

+ Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu, nhà sản xuất xuất trình các chỉ tiêu kỹ thuật, quy trình thi công và quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng; phối hợp với tổ chức tư vấn giám sát thi công, tư vấn thiết kế để thống nhất quy trình và biện pháp kiểm tra đánh giá chất lượng sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng.

3. Khi thi công xây lắp các hệ thống kỹ thuật đặc biệt ( cấp ga, chống sét cảm ứng, chữa cháy v...v...), Chủ đầu tư cần mời các chuyên gia, tổ chức kỹ thuật chuyên ngành để tư vấn, kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi tổ chức nghiệm thu.

4. Trong các biên bản kiểm tra và nghiệm thu, tên và các số hiệu, tiêu chuẩn áp dụng phải được ghi chính xác, đúng với thực tế công việc đang nghiệm thu. Chủ đầu tư không được chấp nhận những biên bản nào không ghi tên, số hiệu của tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, hoặc ghi không đúng với thực tế công việc .

5. Chủ đầu tư phải rà soát và tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý, các tài liệu quản lý chất lượng công trình , báo cáo của các bên tham gia xây lắp công trình đánh giá chất lượng công trình trước khi tổ chức nghiệm thu. Đặc biệt phải rà soát kỹ kết quả thi công, đánh giá chất lượng trong công tác hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật công trình, nếu thiếu bất cứ một tài liệu nào liên quan đến công tác nghiệm thu, trong đó có các phép thử và phép đo kiểm tra nêu trong văn bản này, thì không được tổ chức nghiệm thu.

6. Đối với những hạng mục công trình, công trình có lắp đặt những hệ thống kỹ thuật có yêu cầu chống sét, phòng chống cháy nổ, hoặc khi khai thác sử dụng có khả năng gây tác động xấu đến môi trường và an toàn vận hành, khi nghiệm thu đưa vào sử dụng phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có liên quan.

7. Việc tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước, và theo văn bản số 2031/GĐCL-SXD " Hướng dẫn tổ chức công tác nghiệm thu công trình xây dựng ở Hà nội " do Giám đốc Sở Xây dựng Hà nội ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2003.

III. Quản lý chất lượng trong bàn giao , sử dụng công trình.

1. Chủ đầu tư phải tổ chức việc lập quy trình vận hành, sử dụng hệ thống kỹ thuật công trình, sử dụng công trình để bàn giao cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình trước khi đưa công trình vào sử dụng để vận hành, sử dụng tốt công trình.

2. Chủ quản lý công trình lập nội quy sử dụng công trình; giao và phổ biến cho người sử dụng nắm vững nội quy sử dụng; quy trình vận hành, sử dụng công trình và hệ thống kỹ thuật công trình để giúp người sử dụng có đủ nhận thức nhằm tránh được những việc làm sai trái gây hư hỏng công trình, hệ thống kỹ thuật công trình. Trong nội quy sử dụng công trình phải ghi rõ quyền của chủ quản lý công trình được vào căn hộ để sửa chữa nếu có thấm ngấm hoặc hư hỏng kết cấu công trình hoặc hệ thống kỹ thuật công trình làm ảnh hưởng đến các căn hộ sử dụng khác.

3. Chủ đầu tư, chủ quản lý công trình phải thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nếu người sử dụng vi phạm trong việc tự ý cơi nới công trình trái phép, tự ý đục phá, cải tạo gây hư hỏng hoặc phát sinh nguy cơ gây hư hỏng công trình và hệ thống kỹ thuật công trình, gây tác động xấu tới công năng sử dụng, kiến trúc, kết cấu ,chất lượng công trình và các căn hộ xung quanh, trên, dưới .

4. Thực hiện chế độ bảo hành công trình .

Chủ đầu tư, chủ quản lý công trình cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu xây lắp để tổ chức thực hiện kịp thời công tác bảo hành công trình theo các quy định hiện hành của nhà nước: tổ chức địa điểm công khai và thuận tiện để tiếp nhận khiếu nại về chất lượng, hư hỏng công trình; có biện pháp kịp thời kiểm tra sự việc theo khiếu nại; liên lạc kịp thời để yêu cầu nhà thầu tiến hành sửa chữa hư hỏng; đôn đốc kiểm tra giám sát chặt chẽ nhà thầu xây dựng trong việc sửa chữa hư hỏng, khắc phục khiếm khuyết về chất lượng công trình; phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để giải quyết vướng mắc ( nếu có ) trong trường hợp có những chủ hộ ngăn cản không cho nhà thầu vào nhà để sửa chữa; tổ chức nghiệm thu có biên bản cụ thể cho từng công việc sửa chữa, từng căn hộ.

5. Thực hiện chế độ bảo trì công trình.

Chủ đầu tư, chủ quản lý công trình phải thực hiện tốt chế độ bảo trì công trình theo quy định hiện hành của nhà nước nhằm duy trì chất lượng và tuổi thọ công trình.

Văn bản này không thay thế các quy định hiện hành về quy trình, biện pháp thi công. Một số vấn đề về công nghệ thi công nêu trong văn bản này đã được nêu trong các giáo trình đào tạo trong các trường đại học, quy định trong các tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng hiện hành, nay được tổng hợp tóm tắt thành một số nguyên tắc, yêu cầu Chủ đầu tư và các bên có liên quan cần quan tâm đúng mức và thực hiện một số tác nghiệp không thể thiếu để tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Những vấn đề chưa nêu ra tại văn bản này sẽ được tiếp tục cập nhật bổ sung để hướng dẫn tiếp. Văn bản này nhằm hướng dẫn thực hiện đối với chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng ,các bên có liên quan đến xây lắp công trình ( thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật), và cũng là tài liệu để cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Thành phố; quận; huyện sử dụng khi kiểm tra hồ sơ nghiệm thu.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng để nghiên cứu xem xét và điều chỉnh .

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Thành uỷ (để báo cáo)
- UBND Thành phố (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo)
- Bộ Xây dựng
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố
- Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình XD
- UBND các quận, huyện
- Các Sở ,Ban,Ngành thuộc T. phố
- Phòng ĐC-NĐ-ĐT các quận, huyện
- Ban QLDA các quận, huyện, sở,ngành
- Tổng CTy Đầu tư và PTnhà HN
- Các doanh nghiệp XD của Hà Nội
- Báo HN mới-Báo Kinh tế & đô thị
- Đài TH Hà nội
- Các phòng QLKT&GĐCL /Thẩm định / KHTH
- Viện KTXD Hà Nội
- Lưu HS + VT

GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG HÀ NỘI





 Đỗ Xuân Anh

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 383CV/GĐCL-SXD

Loại văn bảnHướng dẫn
Số hiệu383CV/GĐCL-SXD
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành15/04/2004
Ngày hiệu lực15/04/2004
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 383CV/GĐCL-SXD

Lược đồ Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD tăng cường quản lý chất lượng thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD tăng cường quản lý chất lượng thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng
                Loại văn bảnHướng dẫn
                Số hiệu383CV/GĐCL-SXD
                Cơ quan ban hànhThành phố Hà Nội
                Người kýĐỗ Xuân Anh
                Ngày ban hành15/04/2004
                Ngày hiệu lực15/04/2004
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD tăng cường quản lý chất lượng thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng

                      Lịch sử hiệu lực Hướng dẫn 383 CV/GĐCL-SXD tăng cường quản lý chất lượng thi công hoàn thiện, xây lắp hệ thống kỹ thuật, bàn giao sử dụng công trình xây dựng

                      • 15/04/2004

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 15/04/2004

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực