Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH

Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH năm 2007 thực hiện quy định về dạy thêm học thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang ban hành

Nội dung toàn văn Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH thực hiện quy định dạy thêm học thêm


UBND TỈNH BẮC GIANG
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 834/SGD-ĐT-GDTrH

Bắc Giang, ngày 31 tháng 07 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM
Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh Bắc Giang

Thực hiện Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân thực hiện, cụ thể như sau:

I. Mục đích, nguyên tắc dạy thêm học thêm

1. Đảm bảo việc bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học, góp phần giáo dục nhân cách và đào tạo nguồn nhân lực mới.

2. Phù hợp với chương trình và đặc điểm tâm sinh lý của người học.

3. Ngyên tắc tự nguyện, không được ép buộc người học, học thêm dưới mọi hình thức.

II. Đối tượng dạy thêm học thêm;

Các đối tượng dạy thêm học thêm được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh Bắc Giang, cụ thể:

1. Đối tượng mở lớp dạy thêm:

Thực hiện như mục a, b khoản 1 Điều 1 đối với các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân do các Sở, ban, ngành các tổ chức xã hội, UBND các huyện, thành phố, xã, phường quản lý, thuộc tỉnh Bắc Giang. Các trường cao đẳng, trường nghề thuộc các Bộ, cục nhà trường đóng trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng áp dụng.

2. Đối tượng học thêm:

a. Là học sinh phổ thông thuộc các cấp học, bậc học đang học tại các trường công lập, dân lập, tư thục có học lực yếu, kém cần được phụ đạo để đạt chuẩn kiến thức theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

b. Là học sinh trường THPT có nguyện vọng ôn tập để dự thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc các trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề.

c. Học sinh đã thôi học có nguyện vọng được bồi dưỡng nhằm rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức. Học sinh đã học xong chương trình phổ thông lớp 12 có nguyện vọng học thêm để thi đại học, THCN và các mục đích khác.

d. Học sinh, Sinh viên các trường THCN, CĐ có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức theo chương trình đại học và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

đ. Học sinh là người khuyết tật, tàn tật được tham gia học thêm.

3. Những trường hợp không được dạy thêm học thêm:

Thực hiện theo điều 4 khoản 1, 2, 3 cụ thể:

a. Học sinh các trường tiểu học (trừ trường hợp nêu ở ý c điểm 3 mục II hướng dẫn này).

b. Học sinh đã thực hiện học 2 buổi trong một ngày, các hoạt động giáo dục: ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém chỉ được bố trí học các buổi trong tuần và học tại trường.

c. Những trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình học sinh, phải được cha mẹ học sinh thỏa thuận thống nhất bằng văn bản và có đủ điều kiện quản lý học sinh theo quy định tại Điều 7 khoản 1, 2 của Quyết định 56/QĐ-UBND tỉnh.

III. Một số quy định cụ thể về người dạy, người học, hình thức nội dung dạy thêm học thêm.

1. Quy định đối với người dạy thêm

1.1. Đối với giáo viên, giảng viên đương chức:

a. Giáo viên, giảng viên của các trường được phân công dạy thêm phải đạt trình độ chuẩn đào tạo theo cấp học tương ứng, có trình độ chuyên môn từ khá trở lên, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng, được học sinh, cha mẹ học sinh tín nhiệm và được hiệu trưởng nhà trường phân công.

b. Hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo kế hoạch năm học của nhà trường, được tham gia dạy thêm nhưng không vượt quá 50% số tiết trên tuần theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với mỗi cấp học, bậc học, GV đã dạy quá 50% số tiết/trên tuần trong chương trình chính khóa thì không được tham gia dạy thêm.

c. Những GV đang tham gia giảng dạy trong nhà trường có nhu cầu dạy thêm, mở lớp dạy thêm phải có đơn xin dạy thêm, mở lớp dạy thêm và được BGH nhà trường nghị quyết và hiệu trưởng nhà trường ký duyệt cho phép, có đủ điều kiện mới được mở lớp dạy thêm theo quy định.

1.2. Đối với người dạy thêm ngoài nhà trường:

a. Người dạy của cơ sở tư nhân ngoài nhà trường, cá nhân mở lớp dạy thêm phải đạt chuẩn về đào tạo chuyên ngành sư phạm theo cấp học tương ứng, có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại điều 5 khoản 2 của Quyết định 56/QĐ-UBND tỉnh.

b. Để đảm bảo chất lượng dạy và sức khỏe cho người dạy, quy định số giờ dạy thêm nhiều nhất cho giáo viên các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân không vượt quá 1/2 (50%) định mức giờ quy định đối với giáo viên từng cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần). Các cơ sở tư nhân dạy ôn thi ĐH, CĐ cho học sinh lớp 12 cũng thực hiện theo quy định này.

c. Cơ sở dạy thêm và người dạy thêm phải xây dựng kế hoạch, xây dựng nội dung chương trình cho từng cấp học theo đợt (ôn tập kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kiến thức, rèn kỹ năng theo cấp học), phải công khai nội quy lớp học.

d. Phải có giáo án cho từng buổi, môn dạy ghi rõ họ tên người dạy, ngày dạy, thời gian thực hiện giáo án cho đối tượng học sinh và phải được thủ trưởng đơn vị duyệt trước buổi dạy ít nhất từ 3 - 5 ngày.

đ. Người dạy thêm phải tổ chức kiểm tra thường xuyên, chấm chữa bài, cho điểm theo quy định, có sổ theo dõi hàng ngày để đánh giá sự tiến bộ và xếp loại người học, phải có phiếu đánh giá xếp loại học sinh, thông báo cho người học và gia đình theo từng tháng.

2. Quy định đối với người học:

Ngoài việc thực hiện theo điều 6 khoản 1, 2, 3, người học không được học thêm nếu không chấp hành tốt nội quy lớp học: người học có quyền lựa chọn người dạy, phản ánh với cơ quan quản lý hoặc người quản lý trực tiếp những vướng mắc trong quá trình theo học và những việc làm của cơ sở dạy thêm trái với Quyết định này.

IV. Quy định cụ thể về CSVC, số học sinh trong một lớp, số buổi học trong một tuần, hình thức, nội dung dạy thêm học thêm.

1. Cơ sở vật chất và lớp học:

Phòng, lớp học phải đảm bảo quy định, ánh sáng, bàn ghế, bảng, các quy định cơ sở vật chất khác theo Quy định về vệ sinh trường học ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ Y Tế. Cụ thể:

a. Đối với nhà trường: Tổ chức dạy thêm học thêm tại nhà trường. Phòng học tổ chức dạy thêm phải đảm bảo tiêu chuẩn như phòng học chính khóa. Không để giáo viên tự ý mở lớp ở ngoài nhà trường khi chưa có giấy phép dạy thêm học thêm.

b. Đối với các cơ sở tư nhân: Có địa điểm đặt lớp học. Phòng lớp học dạy thêm của các cơ sở tư nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn như phòng học của các nhà trường.

- Trường hợp kích thước phòng học không tương xứng (mở lớp tại nhà riêng, nơi khác) thì diện tích phải đảm bảo tối thiểu 1,1 m2 cho một học sinh, diện tích cửa chiếu sáng bằng 1/5 diện tích thông thủy phòng học; có quạt mát, đủ ánh sáng tự nhiên và được hỗ trợ ánh sáng điện với hệ thống bóng đèn tóc loại từ 150W đến 200W (từ 4 đến 6 bóng) hoặc bóng đèn Nêon loại 1,2m (từ 6 đến 8 bóng), và phải đảm bảo vệ sinh, môi trường hàng ngày. Phòng học phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của tiếng ồn, không đặt lớp học ở cạnh nơi có công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, nơi có nguy cơ gây ô nhiễm; bàn ghế học sinh, giáo viên phải đủ chỗ ngồi theo quy định và đúng quy cách, phù hợp với lứa tuổi, bảng phải đúng quy cách chống lóa.

2. Về số lượng học sinh, số buổi học trong tuần:

Tổ chức lớp học, sĩ số lớp học, buổi học, môn học dạy thêm học thêm được quy định tại điều 8 khoản 1, 2 của Quyết định số 56/QĐ-UBND tỉnh.

a. Để đảm bảo quyền lợi cho người học thêm, người dạy thêm có điều kiện quan tâm đến từng học sinh trong lớp, chất lượng các lớp dạy thêm học thêm ngày được cải thiện, số học sinh trong một lớp phải được tổ chức hợp lý. Tối đa cho lớp ở tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, trung học trở lên không quá 45 học sinh/lớp. Không được dồn ép quá đông học sinh trong một lớp. Những phòng lớp học có diện tích dưới mức quy định chung thì phải bố trí số học sinh/lớp hợp lý đảm bảo tỷ lệ diện tích cho một học sinh.

b. Những lớp dạy thêm học thêm có số học sinh dưới mức tối thiểu phải được sự thống nhất và phải có biên bản thỏa thuận giữa người dạy và người học, gia đình người học và chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục theo cấp học và chính quyền địa phương nơi có lớp dạy thêm học thêm.

c. Thời gian quy định cho mỗi tiết dạy học cấp tiểu học là 35 phút, THCS, THPT và THCN, CĐ là 45 phút: thời gian nghỉ sau mỗi tiết học là 10 phút.

d. Không được dạy dồn quá 3 tiết dạy thêm học thêm trong một buổi học.

3. Về hình thức tổ chức dạy thêm:

a. Cấp tiểu học gồm: Bồi dưỡng tập trung về nghệ thuật, thể dục thể thao: phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém; quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; tổ chức luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh phải có biên bản thỏa thuận thống nhất với gia đình học sinh.

b. Cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm: Bồi dưỡng tập trung học sinh giỏi; phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém: ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp THPT, luyện thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho học sinh lớp 12; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức.

c. Trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng gồm: Bồi dưỡng tập trung kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông cho người học là học sinh, sinh viên của trường (khi có yêu cầu), nội dung củng cố, bổ sung kiến thức giáo dục nghề nghiệp của ngành học.

d. Tại cơ sở tư nhân, cá nhân gồm:

- Quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình: luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh theo thỏa thuận thống nhất với gia đình học sinh ở bậc tiểu học; bồi dưỡng mở rộng, nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng kiến thức ở các cấp học khác.

- Tổ chức ôn luyện cho học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình PTTH phục vụ thi đại học, CĐ, THCN. Tuyệt đối không để ùn tắc giao thông đầu buổi học và giờ tan học.

4. Về nội dung dạy thêm:

a. Ôn tập hệ thống kiến thức cơ bản theo lớp, kiến thức liên thông theo cấp học;

b. Bồi dưỡng mở rộng, dạy sâu thêm,nâng cao kiến thức ở từng lớp, từng cấp;

c. Rèn luyện các kỹ năng tư duy, kỹ năng phân tích tổng hợp, kỹ năng tính toán, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kỹ năng thực hành, thao tác…v.v

d. Cấp, lớp nào dạy kiến thức của cấp, lớp đó. Nghiêm cấm việc dạy vượt lớp, dạy trước chương trình, dạy lại, dạy đảo, dạy gộp, cắt xén chương trình (trừ các lớp ôn luyện thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào THPT, Cao đẳng, Đại học).

Nghiêm cấm việc dạy và học các nội dung khác trái với quy định trong chương trình của mỗi cấp học của Bộ GD&ĐT đã quy định.

IV. Hồ sơ mở lớp, cấp giấy chứng nhận được phép dạy thêm học thêm.

1. Hồ sơ mở lớp dạy thêm học thêm:

a. Các trường, cơ sở tư nhân và cá nhân xin mở lớp dạy thêm học thêm có thu tiền phải có đủ hồ sơ mở lớp theo quy định tại điều 10 khoản 1 mục a, b, c, d, đ, g và khoản 2 của quyết định số 56/QĐ-UBND tỉnh. Hồ sơ đảm bảo theo mẫu quy định chung của Sở GD-ĐT, có bản kế hoạch thực hiện nội dung chương trình dạy thêm học thêm.

b. Hồ sơ lý lịch người dạy thêm tại cơ sở tư nhân và người mở lớp dạy thêm phải đảm bảo:

- Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền)

- Bản sao văn bằng chứng chỉ sư phạm có công chứng

- Giáo viên đương chức xin dạy thêm phải có đơn xin dạy thêm ghi rõ tổng số giờ dạy tại trường, xin dạy thêm số giờ và được hiệu trưởng nhà trường đồng ý xác nhận.

2. Thời hạn thẩm định, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được phép dạy thêm học thêm và thu hồi giấy chứng nhận được phép dạy thêm học thêm:

a. Thời hạn thẩm định hồ sơ xin mở lớp dạy thêm học thêm: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 10 của Quyết định số 56/QĐ-UBND tỉnh.

b. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận: Thực hiện theo quy định tại điều 11 của Quyết định số 56/QĐ-UBND tỉnh.

- Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra thẩm định việc xin mở lớp dạy thêm học thêm đối với cấp trung học phổ thông trở lên sau khi có đủ hồ sơ, nếu đủ tiêu chuẩn thì cấp giấy chứng nhận dạy thêm học thêm.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố tiến hành kiểm tra thẩm định việc xin mở lớp dạy thêm học thêm đối với cấp tiểu học và THCS thuộc địa bàn quản lý, sau khi có đủ hồ sơ, nếu đủ tiêu chuẩn thì cấp giấy chứng nhận dạy thêm học thêm.

c. Các trường, cơ sở tư nhân và cá nhân có giấy chứng nhận được phép dạy thêm học thêm mới được mở lớp dạy thêm học thêm.

d. Giấy chứng nhận dạy thêm học thêm có giá trị thực hiện trong một năm (12 tháng) kể từ ngày cấp. Hết thời hạn, hiệu trưởng hoặc người mở lớp trực tiếp đến Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT (nơi cấp giấy chứng nhận) kèm theo hồ sơ mở lớp dạy thêm, nếu đủ điều kiện thì được cấp tiếp lần sau.

V. Mức thu, miễn giảm và sử dụng tiền dạy thêm học thêm

1. Mức thu tiền học thêm, miễn giảm tiền học thêm của người học:

Thực hiện theo điều 13 khoản 1, 2, 3 của Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh. Tùy theo điều kiện của học sinh từng vùng, các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân có thể thu thấp hơn mức quy định tại khoản 2 Điều 13 của Quyết định.

a. Thu tiền học thêm của người học phải có phiếu thu đóng dấu của nhà trường thực hiện theo quy định tài chính, phải thông báo công khai phần thu, phần học sinh được miễn, giảm.

b. Những học sinh thuộc diện nghèo có hoàn cảnh khó khăn hoặc đột xuất gặp rủi ro không nằm trong diện chính sách thì hiệu trưởng nhà trưởng xem xét cụ thể để miễn hoặc giảm cho hợp lý nhằm động viên học sinh. Học sinh thuộc diện nhà trường miễn giảm phải được thông qua hội đồng nhà trường có ý kiến của GV chủ nhiệm hoặc người quản lý lớp học.

c. Cơ sở tư nhân, cá nhân được thu tiền học thêm theo hệ số 1,2 so với mức thu quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quyết định 56/2007/QĐ-UBND quy định đối với từng cấp học. Tiền thu từ người học của cơ sở tư nhân cũng phải được thực hiện như quy định thu của các nhà trường công lập.

2. Quản lý và sử dụng tiền dạy thêm học thêm:

Thực hiện theo điều 14 khoản 1 mục a, b, khoản 2, của Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND tỉnh.

a. Các trường, cơ sở tư nhân có dạy thêm học thêm phải lập sổ sách kế toán theo dõi, phản ánh thu chi tiền học thêm theo quy định hiện hành cho từng đối tượng, phải thật rõ ràng và đảm bảo công khai tài chính.

b. Tiền học thêm được sử dụng để chi tại cơ sở. Căn cứ nghị quyết của hội đồng giáo dục nhà trường và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, hiệu trưởng ra quyết định về quy định mức chi, nội dung chi cho các hoạt động.

3. Bảo đảm và tôn trọng quyền lợi của người học:

Thực hiện theo điều 18 của Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND tỉnh.

Trường hợp do có sự cố bất thường xảy ra, không thể tổ chức hoạt động dạy thêm, các nhà trường và cơ sở dạy thêm phải báo cáo kịp thời với cơ quan cấp giấy chứng nhận và chính quyền địa phương về việc tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm và phải hoàn trả đủ số tiền thu từ người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện được.

VI. Công tác phối hợp, kiểm tra đánh giá dạy thêm học thêm:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a. Là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý chỉ đạo dạy thêm học thêm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm học thêm nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm: phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý sai phạm theo thẩm quyên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm.

b. Chủ trì phối hợp với UBND huyện thành phố thực hiện việc quản lý các cơ sở dạy thêm học thêm, phối hợp với các ban ngành để giám sát hoạt động của cơ sở dạy thêm học thêm.

c. Chỉ đạo quản lý giám sát các phòng GD-ĐT, nhà trường về dạy thêm học thêm theo thẩm quyền.

d. Tổ chức nơi tiếp công dân tại phòng tiếp dân của cơ quan Sở vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Lập trường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý. Số điện thoại đường dây nóng: 0240 854267 hoặc 0240 853195. Giải quyết mọi thắc mắc của công dân theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh về thực hiện quy định dạy thêm học thêm.

đ. Kiểm tra, lập biên bản và thu hồi giấy chứng nhận dạy thêm học thêm đối với những cơ sở không thực hiện đúng quy định về dạy thêm học thêm của UBND tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

a. Quản lý, chỉ đạo chặt chẽ Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các quy định về dạy thêm học thêm ở địa bàn, đưa nội dung này vào chương trình công tác hàng tháng của cơ quan.

b. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định dạy thêm học thêm. Tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, khen thưởng hoặc xử lý sai phạm về dạy thêm học thêm thuộc thẩm quyền cấp huyện.

c. Gắn việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh về dạy thêm học thêm vào việc phong tặng danh hiệu cho cá nhân, tập thể thuộc đơn vị quản lý.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a. Chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình công tác hàng tháng của cơ quan.

b. Tổ chức kiểm tra dạy thêm học thêm trên địa bàn; báo cáo UBND huyện, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, khen thưởng hoặc xử lý sai phạm thuộc thẩm quyền cấp xã. Gắn việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh về dạy thêm học thêm vào việc phong tặng danh hiệu cho cá nhân, tập thể thuộc đơn vị quản lý.

UBND huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT chỉ đạo kiểm tra tổ chức thực hiện để quản lý dạy thêm học thêm

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố:

a. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm trên địa bàn; báo cáo UBND huyện thành phố, Sở GD-ĐT về việc dạy thêm học thêm của cấp học do phòng quản lý .

b. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm học thêm nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý sai phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

c. Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc quản lý các cơ sở dạy thêm học thêm, giám sát hoạt động của cơ sở dạy thêm học thêm, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến từ người học, nhân dân địa phương về dạy thêm thừ các tổ dân phố.

d. Chỉ đạo quản lý các trường trên địa bàn về dạy thêm học thêm. Trưởng phòng GD-ĐT huyện thành phố chịu trách nhiệm về việc các trường, giáo viên của trường thuộc phạm vi phòng quản lý tự ý mở lớp dạy thêm khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép mở lớp dạy thêm học thêm.

đ. Tổ chức nơi tiếp công dân hàng tuần theo lịch. Lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm. Giải quyết mọi thắc mắc của công dân theo thẩm quyền và báo cáo UBND huyện thành phố về thực hiện quy định dạy thêm học thêm.

e. Kiểm tra lập biên bản thu hồi giấy chứng nhận khi cơ sở, nhà trường không thực hiện đúng quy định dạy thêm học thêm.

5. Đối với các nhà trường:

a. Quản lý, tổ chức chặt chẽ việc dạy thêm học thêm. Kiểm tra thường xuyên hoạt động dạy thêm của giáo viên. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm trả lời ý kiến công dân về những trường hợp nhà trường hoặc giáo viên của trường tổ chức dạy thêm sai quy định.

b. Hiệu trưởng nhà trường cùng với ban thanh tra nhân dân, công đoàn, đoàn thanh niên thường xuyên kiểm tra, phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra việc dạy thêm học thêm của giáo viên thuộc nhà trường quản lý, chịu trách nhiệm về việc giáo viên của trường tự ý mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép mở lớp, và các hoạt động dạy thêm học thêm, ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho người dạy.

Hoạt động dạy thêm học thêm của các trường, cơ sở tư nhân và cá nhân chịu sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất của cơ quan quản lý giáo dục và của UBND các cấp. Kết thúc mỗi đợt dạy thêm học thêm báo cáo kết quả cho phụ huynh, học sinh và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục theo chức năng nhiệm vụ được phân công; kết thúc học kỳ, năm học, các nhà trường, cơ sở dạy thêm tổ chức đánh giá việc thực hiện dạy thêm học thêm một cách nghiêm túc và báo cáo cấp có thẩm quyền việc tổ chức thực hiện quy định dạy thêm học thêm.

Các trường, cơ sở tư nhân và cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng. Trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ, vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND Tỉnh (để b/c);
- Thanh tra Bộ (để b/c);
- UBND huyện, TP (để phối hợp);
- Các đơn vị giáo dục (để thực hiện);
- Các phòng chuyên môn Sở (chỉ đạo);
- Lưu VT, GDTrH.

GIÁM ĐỐC




Ngô Văn Thọ

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 834/SGD-ĐT-GDTrH

Loại văn bảnHướng dẫn
Số hiệu834/SGD-ĐT-GDTrH
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/07/2007
Ngày hiệu lực31/07/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 834/SGD-ĐT-GDTrH

Lược đồ Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH thực hiện quy định dạy thêm học thêm


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH thực hiện quy định dạy thêm học thêm
                Loại văn bảnHướng dẫn
                Số hiệu834/SGD-ĐT-GDTrH
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bắc Giang
                Người kýNgô Văn Thọ
                Ngày ban hành31/07/2007
                Ngày hiệu lực31/07/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH thực hiện quy định dạy thêm học thêm

                      Lịch sử hiệu lực Hướng dẫn 834/SGD-ĐT-GDTrH thực hiện quy định dạy thêm học thêm

                      • 31/07/2007

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 31/07/2007

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực