Nội dung toàn văn Hướng dẫn liên ngành 379/HDLN/CN-TCVG phương pháp đánh giá giá trị còn lại
UBND TỈNH NINH BÌNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 379/HDLN/CN-TCVG | Ninh Bình, ngày 29 tháng 10 năm 2002 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ CÒN LẠI CỦA TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP KHI XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN MỚI Ở NÔNG THÔN TỈNH NINH BÌNH
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
Việc đánh giá giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp nhằm xác định giá trị còn lại của lưới điện hạ áp do UBND các xã hoặc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp đang quản lý vận hành làm cơ sở giao lại cho các tổ chức kinh tế được thành lập theo mô hình quản lý lưới điện nông thôn mới (HTX điện độc lập, doanh nghiệp…) Trên cơ sở bảo tồn phát triển hợp lý vốn tài sản hiện có và thực hiện việc quản lý, trích khấu hao TSCĐ, hạch toán kinh doanh theo đúng pháp lệnh kế toán và các quy định tài chính hiện hành… Trên nguyên tắc đảm bảo việc xây dựng giá bán điện đến hộ dân thấp hơn hoặc bằng giá trần của Chính phủ quy định.
II. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ:
1. Phạm vi đánh giá:
Lưới điện hạ áp trong phạm vi đánh giá bao gồm phần đường dây và thiết bị được xác định từ các thiết bị đóng cắt tổng (như: cầu dao, ap tô mát tổng…) đặt tại trạm biến áp đến công tơ của các đơn vị và các hộ gia đình sử dụng điện.
2. Phương pháp xác định giá trị còn lại:
Tiến hành theo 2 phương pháp sau:
a- Phương pháp đánh giá giá trị còn lại theo sổ sách kế toán:
Áp dụng với lưới điện hạ áp được quản lý và tính khấu hao theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ của Bộ tài chính tại quyết định số: 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999:
Giá trị còn lại của tài sản cố định | = | Nguyên giá TSCĐ trên sổ kế toán | - | Giá trị hao mòn lũy kế trên sổ sách kế toán |
b- Phương pháp đánh giá theo giá trị còn lại thực tế:
Áp dụng đối với lưới điện hạ áp không quản lý theo chế độ quản lý TSCĐ của Bộ tài chính tại điểm a nêu trên. Giá trị còn lại của tài sản được xác định như sau:
Tổ công tác căn cứ vào hiện trạng số lượng, chất lượng của từng hạng mục, số năm sử dụng, tính đồng bộ và mức độ lạc hậu kỹ thuật… để tiến hành đánh giá tỷ lệ % giá trị còn lại so với giá trị xây dựng mới để xác định giá trị còn lại thực tế của toàn bộ công trình (biểu 2). Trình hội đồng định giá TSLĐHA cấp huyện thẩm định (hồ sơ thẩm định có đầy đủ chữ ký của các thành viên hội đồng và có trách nhiệm pháp lý với hồ sơ được thẩm định); Coi đó là căn cứ xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp để UBND huyện phê duyệt.
Đơn giá vật tư và thiết bị làm cơ sở cho việc đánh giá giá trị tài sản LĐHA căn cứ vào bộ đơn giá xây dựng cơ bản thời điểm của tỉnh Ninh Bình và bộ đơn giá xây dựng cơ bản đường dây tải điện ban hành kèm theo quyết định số 67/1999/QĐ-BCN ngày 11/10/1999 của Bộ Công nghiệp định mức dự toán chuyên ngành xây lắp đường dây tải điện kèm theo quyết định số 2005/1999/QĐ-KHĐT ngày 07/9/1999 của Bộ Công nghiệp (đơn giá của từng chủng loại đường dây thuộc lưới điện hạ áp nông thôn sẽ được liên Sở Công nghiệp - Tài chính vật giá tính toán và ban hành - Biểu 1).
Giá trị thực tế của tài sản | = | Số lượng thực tế tài sản | X | Đơn giá xây dựng mới | X | % còn lại của tài sản |
Khung thời gian sử dụng tài sản làm cơ sở trích khấu hao theo quyết định 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ Tài chính và văn bản 2017/EVN/TCKT ngày 8/5/2000 của Tổng công ty điện lực Việt Nam (thời gian sử dụng của LĐHA từ 9 đến 25 năm).
3. Trình tự đánh giá tài sản lưới điện hạ áp:
a- Bước 1: Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập hội đồng định giá tài sản LĐHA cấp huyện (do trưởng phòng tài chính huyện làm chủ tịch hội đồng và các ủy viên gồm các phòng công thương, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi nhánh điện sở tại) và tổ công tác giúp việc hội đồng bao gồm các cán bộ của các phòng ban trên.
Chủ tịch UBND các xã trên cơ sở tổ chức lại các HTX, các ban quản lý điện xã thành các tổ chức quản lý điện nông thôn mới phải có quyết định giao nhiệm vụ cho các tổ chức trên tham gia cùng với hội đồng và tổ công tác định giá lưới điện hạ áp nông thôn của huyện.
b- Bước 2: Bên giao (HTX, UBND xã đang quản lý) - bên nhận (HTX dịch vụ điện; doanh nghiệp tư nhân; Công ty TNHH…) cùng tổ công tác giúp việc lập kế hoạch rà soát lại toàn bộ hồ sơ gốc của lưới điện hạ áp và các văn bản có liên quan như luận chứng kinh tế kỹ thuật, quyết toán được duyệt, chứng từ hóa đơn mua sắm vật tư sửa chữa… Kiện toàn lại toàn bộ hồ sơ giao nhận. Những nơi thiếu hoặc mất phải lập lại hồ sơ gồm:
- Sơ đồ mặt bằng LĐHA (đường trục xã các thôn, xóm) trên bản đồ hàn chính xã.
- Bản vẽ một sợi đường dây hạ áp (đường trục xã, thôn xóm), có ghi chú rõ ràng về kết cấu lưới điện.
- Bảng liệt kê số lượng, chủng loại, chất lượng của các thiết bị vật tư đường dây hạ áp (theo mẫu 2).
- Biên bản thẩm định đánh giá giá trị còn lại của lưới điện hạ áp do hội đồng định giá huyện thẩm định và được UBND huyện phê duyệt (theo mẫu 3).
- Biên bản giao - nhận giá trị còn lại của lưới điện hạ áp (theo mẫu 4).
c- Bước 3:
Hội đồng định giá huyện căn cứ vào hồ sơ đã lập, tổ chức thẩm tra, thẩm định sau đó trình UBND huyện ra quyết định phê duyệt giá trị còn lại của LĐHA. Làm cơ sở để hai bên giao nhận tiến hành bàn giao và xử lý tăng giảm vốn vào tài sản theo quy định hiện hành.
Những vấn đề không thống nhất giữa bên giao và bên nhận, hội đồng định giá tài sản LĐHA huyện sẽ giải quyết. Trường hợp còn vướng mắc báo cáo ban chỉ đạo điện nông thôn tỉnh.
Trong quá trình tiến hành hội đồng định giá huyện, Ban chỉ đạo điện nông thôn huyện hàng tháng có báo cáo gửi về ban chỉ đạo điện nông thôn tỉnh, liên ngành công nghiệp - Tài chính vật giá, kết quả làm việc và các khó khăn vướng mắc gặp phải để ban chỉ đạo đại diện nông thôn, liên ngành Công nghiệp - Tài chính vật giá báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ vào hướng dẫn này các ban chỉ đạo đại diện nông thôn các huyện lập kế hoạch, tiến độ triển khai và báo cáo UBND huyện phê duyệt để chỉ đạo thực hiện.
SỞ TÀI CHÍNH VẬT GIÁ | SỞ CÔNG NGHIỆP |