Văn bản khác 1042/KH-UBND

Kế hoạch số 1042/KH-UBND về việc tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, ngày 20 tháng 5 năm 2007 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Nội dung toàn văn Kế hoạch 1042/KH-UBND tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII bổ sung Hội đồng nhân dân các cấp 2004 - 2009


UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1042/KH-UBND

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 02 năm 2007

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII VÀ BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2004 - 2009, NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2007

Căn cứ Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10; Nghị quyết số 1077/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc công bố ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII; Chỉ thị số 02/2007/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; Thông tri số 05/TT-TU ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, là một trong những công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2007, được tổ chức vào thời điểm cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở thanh phố bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thể hiện không khí thực sự là ngày hội của toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân nhận thức và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

3. Quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phê phán, uốn nắn những biểu hiện mất dân chủ, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.

II. NHỮNG CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM

1. Công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử và triển khai, quán triệt Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và các văn bản pháp quy liên quan

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 và các Văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương để mọi người hiểu rõ, nắm vững những quy định hướng dẫn của các cơ quan nhà nước về bầu cử bằng nhiều hình thức, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước,  lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân của thành phố về ý nghĩa chính trị to lớn, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Trên cơ sở đó, để nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử và nắm vững những quy định của Luật để nâng cao ý thức làm chủ, tự giác của cử tri để lựa chọn và bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

b) Bắt đầu từ ngày công bố thời gian bầu cử, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, đồng thời tạo chuyển biến về tư tưởng, thái độ và trách nhiệm của cử tri đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ nhà nước, tuân thủ pháp luật, phát huy tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Nội dung công tác tuyên truyền cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố làm cho nhân dân hiểu, tham gia tích cực vào cuộc bầu cử; kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phản tuyên truyền về cuộc bầu cử và những biểu hiện mất dân chủ, gò ép, áp đặt hoặc thờ ơ thiếu trách nhiệm.

c) Giao Sở Văn hoá và Thông tin phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền dưới nhiều hình thức để đưa thông tin về công tác bầu cử đến các tầng lớp nhân dân; phổ biến, tuyên truyền Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

d) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng các hình thức niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn, nơi công cộng, các khu vực bỏ phiếu và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ dân phố và các tuyên truyền viên.

2. Lập các tổ chức phụ trách bầu cử, phân chia khu vực bỏ phiếu

a) Việc thành lập Ban bầu cử được tiến hành chậm nhất là 60 ngày trước ngày bầu cử, tức chậm nhất là ngày 21 tháng 3 năm 2007. Ban Bầu cử được thành lập tại mỗi đơn vị bầu cử do Uỷ ban nhân dân quận - huyện đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

b) Việc thành lập Tổ bầu cử được tiến hành chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, tức chậm nhất là ngày 20 tháng 4 năm 2007 Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường - xã, thị trấn sau khi thống nhất với Uỷ ban nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử. Các cơ quan có trách nhiệm thành lập tổ chức phụ trách bầu cử cần lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia Ban bầu cử và Tổ bầu cử.

- Đối với lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên ở các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học nghề và các Trường Trung học chuyên nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên cần nắm lại số lượng cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên, quan hệ với Uỷ ban nhân dân quận - huyện, Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi đơn vị trú đóng để lập danh sách cử tri và thành lập các Tổ bầu cử của khu vực bỏ phiếu theo đúng thời gian quy định.

- Việc phân chia các đơn vị bầu cử (nơi có bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân) cần chú ý không tách bộ phận dân cư ở đơn vị hành chính này nhập vào bộ phận dân cư của đơn vị hành chính khác để thành lập đơn vị bầu cử. Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn cần cân nhắc số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử và việc phân chia đơn vị bầu cử để có tỷ lệ giữa số dân, số đại biểu hợp lý, đúng quy định của Luật và đạt cơ cấu đề ra. Số đại biểu được bầu ở từng đơn vị bầu cử do cơ quan có thẩm quyền ấn định, trình cấp trên trực tiếp phê chuẩn và công bố đúng thời gian luật định.

- Việc phân chia khu vực bỏ phiếu, Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn cần lấy địa giới hành chính rõ ràng dựa trên cơ sở phân bố dân cư và khả năng tổ chức của địa phương, không xé lẻ ấp, tổ dân phố. Mỗi khu vục bỏ phiếu có từ 300 đến 2.000 cử tri. Các quận huyện có nhiều đơn vị lực lượng vũ trang thì cần liên hệ, hướng dẫn Ban chỉ huy các đơn vị thành lập các khu vực bỏ phiếu đúng thời gian quy định. Các khu vực bỏ phiếu có số cử tri biến động như bệnh viện, trường học cần dự kiến trước để tránh bị động khi số cử tri tăng giảm đột ngột.

c) Giao Sở Nội vụ hướng dẫn việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và hướng dẫn tổ chức ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (Ban bầu cử, Tổ bầu cử).

3. Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội.

a) Việc ứng cử và hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo quy định tại Chương V Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 618/NQLTUBTVQH-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 24 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

b) Đối với đơn vị có bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lựa chọn ứng cử viên là khâu quan trọng của cuộc bầu cử. Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tốt các việc: lấy ý kiến cử tri, tổ chức tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên theo đúng trình tự, đảm bảo nội dung, chất lượng theo yêu cầu.

4. Lập danh sách cử tri

a) Nguyên tắc chung là không bỏ sót người có quyền bầu cử, không để người không có quyền bầu cử trong danh sách cử tri theo quy định tại Điều 23 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Nghị quyết số 1078/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành "Hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII" và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003.

b) Rút kinh nghiệm các lần bầu cử trước, một số vấn đề trong việc lập danh sách cử tri cần chú ý:

- Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn cần có kế hoạch chuẩn bị lựa chọn lực lượng nhân sự ghi danh sách và thẻ cử tri, cần phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát khu vực, trên cơ sở hộ khẩu đăng ký để điều chỉnh sai sót.

- Chấp hành nghiêm các mốc thời gian như luật định (thời gian niêm yết, thời gian trả lời khiếu nại cử tri).

- Đối với trường hợp cử tri đi bỏ phiếu nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri theo quy định tại Điều 27 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội thì Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn hoặc Chỉ huy đơn vị vũ trang cần ghi chú ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri "Đi bỏ phiếu nơi khác".

- Danh sách cử tri phải được niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã - phường, thị trấn, những nơi công cộng chậm nhất 30 ngày trước ngày bầu cử, tức chậm nhất là ngày 20 tháng 4 năm 2007.

- Thẻ cử tri của công dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã - phường, thị trấn nơi cư trú ký tên và đóng dấu. Thẻ cử tri của công dân ở đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.

- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu "đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

c) Giao Sở Nội vụ hướng dẫn việc lập và niêm yết danh sách cử tri.

5. Tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đòng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009

a) Điều kiện tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân:

Theo quy định tại Điều 68 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, trong nhiệm kỳ đối với các đơn vị bầu cử còn khuyết đại biểu và các đơn vị hành chính mới chia tách, sáp nhập hoặc đơn vị hành chính thay đổi cấp có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ theo quy định của pháp luật (không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu được ấn định).

b) Về thể thức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân:

Thể thức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành.

c) Về quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong cuộc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

d) Quận - huyện, phường - xã, thị trấn có đơn vị bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 sử dụng biểu mẫu bầu cử, mẫu báo cáo bầu cử và con dấu của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 vào ngày 25 tháng 4 năm 2004 cho cuộc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 được tiến hành ngày 20 tháng 5 năm 2007.

6. Một số vấn đề cần lưu ý trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân

Để tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và tại các đơn vị có bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 cùng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, cần lưu ý những vấn đề sau:

a) ở đơn vị cấp phường có tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp phường thì Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 cùng ngày bầu cử Quốc hội theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

b) Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội ở các phường có thể kiêm nhiệm công việc của tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân. Tổ bầu cử làm nhiệm vụ chung thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân.

c) Các phường bố trí phòng bỏ phiếu chung bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân. Riêng đối với phiếu bầu cử cần chuẩn bị phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khác màu phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội. Chuẩn bị hòm phiếu riêng cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân, trên mỗi hòm phiếu cần ghi rõ: "Hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII", "Hòm phiếu bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân (thành phố, phường,...) nhiệm kỳ 2004 - 2009". Bên cạnh hòm phiếu chính thức có hòm phiếu phụ để phục vụ cử tri không đi bỏ phiếu được.

7. Tổ chức ngày bầu cử 20 tháng 5 năm 2007

a) Chậm nhất là 10 ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn cần kiểm tra việc chuẩn bị mọi mặt để chuẩn bị cho ngày bầu cử bao gồm:

- Cơ sở vật chất phục vụ bầu cử : địa điểm phòng bỏ phiếu, thùng phiếu...

- Tài liệu phục vụ: các loại biên bản bầu cử, bản tổng kết bầu cử, phiếu bầu cử, kiểm tra dấu “Tổ bầu cử”, dấu “đã bầu” v.v....

- Lực lượng công tác: nhân sự các tổ bầu cử, bảo vệ .... có kế hoạch phân công cụ thể, thống nhất.

Cần chú ý giờ khai mạc và kết thúc ngày bầu cử đại biểu Quốc hội phải được tiến hành đúng thời gian quy định, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày chủ nhật 20 tháng 5 năm 2007 và kết thúc vào lúc 19 giờ cùng ngày, việc báo cáo tiến độ bầu cử cần đảm bảo theo giờ quy định.

b) Giao Sở Nội vụ hướng dẫn về quy trình làm việc và chế độ báo cáo trong ngày bầu cử.

8. Kiểm phiếu và báo cáo kết quả

a) Thực hiện nghiêm chỉnh quy định về kiểm phiếu. Một số vấn đề cần chú ý:

- Kiểm phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu tại phòng bỏ phiếu, có hai đại diện cử tri chứng kiến, lập biên bản niêm phong phiếu thừa trước khi bỏ vào thùng phiếu.

- Người chứng kiến việc kiểm phiếu cần đúng đối tượng theo Luật quy định (2 cử tri không phải là ứng cử viên).

- Nhân viên Tổ bầu cử phải chấp hành đúng luật, tuyệt đối tránh mọi vi phạm, sai sót trong quá trình kiểm phiếu, ghi biên bản, chuyển biên bản kiểm phiếu về Ban bầu cử theo từng cấp ngay trong đêm 20 tháng 5 năm 2007. Ban bầu cử tiếp nhận, tổng hợp và báo cáo ngay về Uỷ ban bầu cử. Cần chú ý việc bảo quản, niêm phong phiếu đã bầu, phiếu dư để làm cơ sở cho việc kiểm tra nếu có phát sinh.

b) Giao Sở Nội vụ hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.

9. Tổng kết công tác bầu cử

- Việc tổng kết công tác bầu cử có ý nghĩa quan trọng, nhằm đánh giá rút kinh nghiệm toàn bộ quá trình chuẩn bị, chỉ đạo, triển khai và tổ chức cuộc bầu cử; đồng thời khen thưởng, hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác bầu cử, phê bình, xử lý những trường hợp vi phạm (nếu có). Vì vậy, việc tổng kết công tác bầu cử cần được chuẩn bị chu đáo, tiến hành nghiêm túc, thiết thực và có hiệu quả.

- Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Viện Nam cùng cấp tổ chức tốt việc tổng kết, đánh giá kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bồ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương (đối với các địa phương có bầu cử bổ sung).

- Báo cáo tổng kết công tác bầu cử gửi về Uỷ ban Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII của thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Viện Nam thành phố Hồ Chí Minh (thông qua Sở Nội vụ và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố) để tổng hợp báo cáo Hội đồng Bầu cử Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Viện Nam theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và phục vụ tốt cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch và tiến độ của Uỷ ban nhân dân thành phố. Chuẩn bị các phương tiện vật chất phục vụ bầu cử, có biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tổ chức phòng chống cháy nổ tại các địa điểm bỏ phiếu.

2. Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, các cơ quan Trung ương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố động viên cử tri là cán bộ, công chức, viên chức đi bầu đông đủ, đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ của mình giúp đỡ các tổ chức phụ trách bầu cử giải quyết các yêu cầu cần thiết để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân nhân được tiến hành thuận lợi, an toàn, đạt kết quả cao nhất.

3. Công ty Điện lực, Sở Bưu chính - Viễn thông và Bưu điện thành phố bảo đảm cung cấp điện và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong những ngày bầu cử.

4. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, có kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử, chống các âm mưu, hành động lợi dụng bầu cử để gây rối, phá hoại.

5. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản cần thiết, hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử, tổ chức việc tập huấn cho cán bộ làm công tác bầu cử, theo dõi tổng hợp tình hình, báo cáo kịp thời cho Trung ương, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn Uỷ ban nhân dân quận - huyện về công tác bầu cử.

6. Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính tham mưu giúp Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố về chuẩn bị và đảm bảo kinh phí cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và kinh phí bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân, đảm bảo kinh phí bầu cử được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Sở Tài chính hướng dẫn dự toán, quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử.

7. Sở Văn hóa và Thông tin thành phố và các cơ quan Báo, Đài thành phố có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, tổ chức việc đăng tải nội dung phỏng vấn của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa các ứng cử viên, tuân thủ các quy định về vận động bầu cử.

Trên cơ sở kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Uỷ ban nhân dân quận - huyện, Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn khẩn trương có kế hoạch cụ thể để triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 ở thành phố để cuộc bầu cử đạt kết quả thành công tốt đẹp./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1042/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu1042/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/02/2007
Ngày hiệu lực23/02/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1042/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 1042/KH-UBND tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII bổ sung Hội đồng nhân dân các cấp 2004 - 2009


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 1042/KH-UBND tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII bổ sung Hội đồng nhân dân các cấp 2004 - 2009
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu1042/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýLê Hoàng Quân
                Ngày ban hành23/02/2007
                Ngày hiệu lực23/02/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Kế hoạch 1042/KH-UBND tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII bổ sung Hội đồng nhân dân các cấp 2004 - 2009

                        Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 1042/KH-UBND tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII bổ sung Hội đồng nhân dân các cấp 2004 - 2009

                        • 23/02/2007

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 23/02/2007

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực