Nội dung toàn văn Kế hoạch 1145/KH-UBND 2021 tiêm vắc xin phòng COVID 19 do COVAX Facility hỗ trợ tỉnh Kon Tum
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1145/KH-UBND | Kon Tum, ngày 09 tháng 4 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021 - 2022 DO COVAX FACILITY HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(cho đối tượng ưu tiên, miễn phí vắc xin)
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 bằng sử dụng vắc xin từ nguồn vắc xin miễn phí cho nhóm đối tượng nguy cơ cao theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương1 và tình hình dịch bệnh tại địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum (cho đối tượng ưu tiên, miễn phí vắc xin), như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Chủ động phòng chống dịch COVID-19, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 (nếu có) bằng sử dụng vắc xin miễn phí trên địa bàn tỉnh cho nhóm đối tượng nguy cơ và cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
- 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Đối tượng, phạm vi, thời gian tiêm vắc xin phòng COVID-19
a) Đối tượng triển khai
- Đối tượng ưu tiên: Phân nhóm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ; Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Văn bản số 2461/BYT-KH-TC ngày 05 tháng 4 năm 2021 của Bộ Y tế.
Ưu tiên | Đối tượng | Số lượng |
1 | Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: | 12.178 |
- | Người làm việc trong các cơ sở y tế; | 3.174 |
- | Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); | 9.004 |
2 | Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. | 43 |
3 | Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước... | 1.108 |
4 | Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. | 14.997 |
5 | Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi. | 46.394 |
6 | Người sinh sống tại các vùng có dịch. | 0 |
7 | Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. | 46.657 |
8 | Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. | 0 |
9 | Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu chống dịch | 0 |
| Tổng cộng | 121.377 |
- Đối tượng phân theo địa bàn: Chi tiết tại Phụ lục I.
b) Phạm vi triển khai: Triển khai phạm vi toàn tỉnh, theo thứ tự ưu tiên và nhóm đối tượng theo quy định.
c) Thời gian thực hiện: Năm 2021 và năm 2022.
Căn cứ vào tình hình cung ứng vắc xin từ Trung ương và các nhóm đối tượng ưu tiên theo tình huống dịch, dự kiến chia 3 đợt2 (Chi tiết tại Phụ lục II).
2. Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư: Việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin phòng COVID-19 phải tuân thủ theo các quy định hiện hành3, theo phân tuyến (khu vực -tỉnh - tuyến y tế cơ sở).
3. Dự trù vắc xin, vật tư tiêm chủng
- Tổng số đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh cần tiêm từ nguồn vắc xin hỗ trợ từ Trung ương là 121.377 người với 267.029 liều (hệ số hao phí vắc xin là 1,1).
- Dự kiến đối tượng, vắc xin, vật tư tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo lộ trình sử dụng vắc xin: Chi tiết tại Phụ lục II.
4. Tập huấn
- Tổ chức Hội nghị và tập huấn triển khai kế hoạch cho cán bộ tại các đơn vị, địa phương có liên quan; các cán bộ trực tiếp triển khai tiêm chủng.
- Nội dung: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZenneca; giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
5. Truyền thông về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng.
- Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch triển khai tiêm.
6. Tổ chức tiêm chủng: Tổ chức triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo phân bổ vắc xin của Trung ương, đảm bảo an toàn tiêm chủng và các biện pháp phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2; đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng.
- Phương thức triển khai: Tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất.
- Cơ sở thực hiện tiêm chủng: Chỉ tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định.
- Tổ chức buổi tiêm chủng: Tổ chức tốt từng buổi tiêm chủng một, đảm bảo an toàn, hiệu quả, theo hướng dẫn của Bộ Y tế4. Chú ý khám sàng lọc trước tiêm, giám sát và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm, xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định.
7. Theo dõi, giám sát và báo cáo
- Tuyến tỉnh, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra, giám sát các điểm tổ chức tiêm chủng trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch tiêm; hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
- Các cơ sở tiêm chủng thực hiện báo cáo kịp thời, đúng theo quy định của từng đợt tiêm kể cả các sự cố bất lợi sau tiêm theo quy định.
IV. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí Trung ương:
- Hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ.
- Miễn phí toàn bộ bằng hiện vật: Bao gồm vắc xin, vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm, hộp an toàn), không bao gồm bông y tế, cồn y tế.
2. Nguồn kinh phí địa phương: Kinh phí thực hiện được cân đối từ nguồn dự toán chi sự nghiệp y tế giao hàng năm cho Sở Y tế. Trường hợp thiếu nguồn, Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) để xem xét xử lý theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu đề ra.
- Chủ động liên hệ với Bộ Y tế đề xuất nhu cầu vắc xin, vật tư liên quan tiêm chủng, tài liệu truyền thông, thực hiện tiếp nhận, bảo quản, phân phối đúng theo quy định.
- Hướng dẫn, tổ chức tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức liên quan hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trước khi triển khai, đặc biệt là các cơ sở y tế thuộc Bộ Công an, Quân đội đóng chân trên địa bàn (khi có yêu cầu).
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch (nếu cần).
- Tổng hợp báo cáo tiến độ tiêm vắc xin hàng ngày. Kết thúc chiến dịch báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến dịch.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối dự toán chi sự nghiệp y tế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng, lợi ích của Kế hoạch cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành, vận động các đối tượng trong diện tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin đầy đủ.
4. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sư đoàn 10:
- Phối hợp Sở Y tế xây dựng Kế hoạch tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, đồng thời hỗ trợ ngành y tế trong việc đảm bảo trật tự tại các điểm tiêm (nếu cần).
- Chỉ đạo lực lượng bệnh xá, quân y và các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành y tế để thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 cho các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị mình; đồng thời, hỗ trợ các nguồn lực để triển khai thực hiện tốt Chiến dịch trên địa bàn tỉnh, chú trọng các xã vùng sâu, vùng xa.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Tiểu ban Tuyên truyền - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022, tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 để các đối tượng trong diện tiêm chủng hiểu rõ và tích cực tham gia.
6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp và tham gia tích cực với ngành Y tế trong việc triển khai thực hiện hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, bổ sung nội dung công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cấp huyện và cấp xã; xây dựng Kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương để triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan, phối hợp các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và huy động cộng đồng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.
- Bố trí kinh phí địa phương hỗ trợ một số hoạt động thực hiện triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.
- Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
- Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022.
- Văn bản số 1384/BYT-DP ngày 06/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19.
- Văn bản số 102/MT-YT ngày 17/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Văn bản số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế “Hướng dẫn tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19”
- Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZenneca”.
- Văn bản số 1873/BYT-DP ngày 20/3/2021 của Bộ Y tế về việc giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
2 - Đợt 1: Nhóm ưu tiên 1 - Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
- Đợt 2: Nhóm ưu tiên 2, 3 và ½ nhóm 4 (giáo viên).
- Đợt 3: ½ nhóm 4 (giáo viên), 5,6,7,8,9.
3 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
4 Văn bản số 102/MT-YT ngày 17/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZenneca”. Văn bản số 1873/BYT-DP ngày 20/3/2021 của Bộ Y tế về việc giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 “Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19”.