Văn bản khác 116/KH-UBND

Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020

Nội dung toàn văn Kế hoạch 116/KH-UBND 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Cần Thơ


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu và tiêu chí giám sát, đánh giá tái cơ cấu nông nghiệp

1. Mục tiêu tổng quát

a) Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa;

b) Xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố và cung ứng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL);

c) Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân từ 3,5%/năm trở lên;

b) Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2020: Nông nghiệp (67,1%) - lâm nghiệp (0,2%) - thủy sản (32,7%); cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp: trồng trọt (74,5%) - chăn nuôi (17,3%) - dịch vụ nông nghiệp (trên 8,2%);

c) Giá trị sản lượng trên 01 ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 115 triệu đồng và theo giá thực tế đạt 200 triệu đồng;

d) Cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp (năm 2020) đạt từ 30% - 35%;

đ) Tỷ lệ tăng vốn đầu tư trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 đạt trung bình 17%/năm;

e) Thành phố phấn đấu 36 xã (100%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn gấp 2 lần năm 2015.

3. Tiêu chí giám sát, đánh giá v cơ cu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020

Thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, hàng năm thành phố Cần Thơ căn cứ vào Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá để báo cáo kết quả thực hiện, cụ thể như sau:

STT

Tên và nội dung tiêu chí

Đơn vị tính

Chỉ tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể đạt được đến năm 2020

Chỉ tiêu cả nước

Thành phố Cần Thơ/Vùng ĐBSCL

1

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông lâm thủy sản

%/năm

≥ 3

≥ 3

2

Tốc độ tăng thu nhập trên một hecta đất trồng trọt

%/năm

≥ 3

≥ 3

3

Tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi

%/năm

≥ 5

≥ 5

4

Tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản

%/năm

≥ 5

≥ 5

5

Tốc độ tăng thu nhập trên một hecta đất rừng sản xuất

%/năm

≥ 5

Không áp dụng được cho thành phố Cần Thơ

6

Tốc độ tăng thu nhập trên một hecta đất diêm nghiệp

%/năm

≥ 3,5

Không áp dụng được cho thành phố Cần Thơ

7

Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản

%/năm

≥ 5

≥ 5

8

Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản

%/năm

≥ 3,5

≥ 5

9

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết

%

≥ 15

≥20

10

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương

%

≥ 10

≥ 10

11

Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước

%

≥20

≥ 30

12

Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận

%

≥25

Không áp dụng được cho thành phố Cần Thơ

13

Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp

%

≥ 35

≥ 41

14

Tỷ lệ nữ trong số nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp

%

≥40

≥40

15

Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch

%

≥60

≥90

II. Nội dung tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020

1. Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn

a) Diện tích đất lúa đến năm 2020 là 81.688 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa (cần được bảo vệ nghiêm ngặt) là 76.530 ha. Mở rộng diện tích lúa liên kết theo cách đồng lớn đến năm 2020 đạt bình quân 40.000 ha/vụ. Đẩy mạnh thực hiện công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân và các hợp tác xã trồng lúa. Đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững thành phố Cần Thơ (dự án VnSAT). Trong đó, tập huấn nâng cao cho 15.000 hộ nông dân đã tham gia tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và đào tạo mới cho 10.000 hộ nông dân chưa được tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”. Đào tạo lại lý thuyết cho 07 hợp tác xã (HTX) đã được tập huấn kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành cho 23 HTX chưa được tập huấn kỹ thuật “1 phải 5 giảm”. Đồng thời, nâng cao năng lực cho hộ nông dân thông qua hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để thực hiện tốt mô hình 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm;

b) Mở rộng liên kết sản xuất thông qua công tác hỗ trợ thành lập các hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành nhóm, tăng cường khả năng tiếp thị sản phẩm và phát triển các dịch vụ nông nghiệp, kỹ năng về hợp tác sản xuất, quản lý rủi ro, hoạt động tín dụng,...;

c) Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (đến năm 2018 đạt diện tích 2.000 ha, đến năm 2020 đạt diện tích 3.000 ha), vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao; trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn và giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

d) Phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao từ 80% năm 2015 lên trên 95% năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ở 04 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền. Nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 03 cấp của thành phố để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương khác trong vùng ĐBSCL; đến năm 2020, diện tích lúa giống đạt 10.000 ha gieo trồng với sản lượng 50.000 tấn. Trong đó, sản lượng giống cung ứng ra ngoài thành phố 30.000 tấn (tập trung sản xuất ở vụ Thu Đông để cung ứng giống tốt cho vụ Đông Xuân);

đ) Triển khai thực hiện Quyết định số 3348/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt đề án xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ. Thực hiện khảo nghiệm tuyển chọn bộ giống lúa ngắn ngày, cao sản, chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa của thành phố Cần Thơ. Xây dựng điểm trình diễn sản xuất các giống lúa có triển vọng tại các quận, huyện trọng điểm của thành phố Cần Thơ. Sắp xếp, củng cố hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa cho thành phố Cần Thơ. Tổ chức sản xuất và cung cấp giống lúa cấp nguyên chủng và cấp xác nhận theo đúng các quy định tại các cơ sở sản xuất lúa giống đủ điều kiện trong hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa của thành phố Cần Thơ. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản hạt giống, cập nhật các quy định nhà nước về sản xuất kinh doanh giống lúa cho cán bộ quản lý kỹ thuật, nông dân và các cơ sở sản xuất lúa giống;

e) Thực hiện liên kết viện, trường, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ, phấn đấu ít nhất 01 dòng lúa Cần Thơ mới được công nhận giống chính thức (giống Quốc gia) và được cấp ít nhất 01 văn bằng bảo hộ giống lúa mới;

g) Thực hiện Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng ĐBSCL. Diện tích đất lúa nằm trong khu vực quy hoạch phát triển đô thị hoặc được phép chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các loại đất nông nghiệp khác như: rau, hoa, cây cảnh, cây ăn trái nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân có diện tích 5.458 ha (bao gồm: Ô Môn 860 ha, Bình Thủy 374 ha, Cái Răng 652 ha, Thốt Nốt 935 ha, Vĩnh Thạnh 565 ha, Cờ Đỏ 459 ha, Phong điền 1.212 ha và Thới Lai 400 ha).

2. Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường

a) Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới trong nông nghiệp vào các điều kiện cụ thể của thành phố Cần Thơ. Góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân thành phố Cần Thơ ngang bằng với trình độ tiên tiến của các trung tâm, thành phố lớn trong cả nước. Đến năm 2020, tạo bước chuyển biến về nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất như: áp dụng giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM) và quy trình VietGAP trên rau quả tươi;

b) Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi của thành phố Cần Thơ. Từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa trên một số sản phẩm rau, quả tươi với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn nhà nước quy định. Góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Cần Thơ phát triển theo định hướng chung của cả nước;

c) Vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau; mỗi mô hình 10 ha với 25 - 30 hộ tham gia, vùng sản xuất rau, quả tươi, chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 750 ha. Ứng dụng giống lai có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM) và quy trình VietGAP trên rau quả tươi, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung triển khai thực hiện trên địa bàn có lợi thế như quận: Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền;

d) Về hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu rau an toàn: Tiếp tục hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể rau an toàn cho các quận, huyện, các HTX sản xuất rau. Xây dựng chính sách gắn kết giữa người sản xuất với các đơn vị thu mua rau an toàn; tổ chức ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Phối hợp với ngành Công Thương và các đơn vị liên quan xúc tiến các điểm kinh doanh rau, quả an toàn và hỗ trợ liên kết người sản xuất và các siêu thị để hình thành chuỗi cung ứng rau an toàn bền vững.

3. Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị:

a) Mô hình sản xuất sinh vật cảnh: Hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Trong đó, ứng dụng các giống mới, giống lai F1; áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp và công nghệ sinh học để đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất sinh vật cảnh, hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thực hiện trên địa bàn quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, và huyện Phong Điền với quy mô 30 mô hình (mỗi mô hình 02 ha với 25 - 30 hộ) liên kết hợp tác sản xuất. Các hộ dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống sinh vật cảnh, vật tư sản xuất và tổ chức hội thảo tham quan cho nông dân tham gia mô hình.

b) Phát triển vùng chuyên canh hoa kiểng:

- Hình thành vùng sản xuất hoa kiểng chuyên canh theo hướng tập trung làng nghề, nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương và góp phần tăng thu nhập cho nông dân vùng ven đô thị có quy mô diện tích đất ít. Dự kiến đưa diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố đến năm 2020 đạt 200 - 300 ha với địa bàn phân bố tập trung nhiều ở các khu vực mới đô thị hóa và khu vực ven đô thị, nhất là các khu vực sản xuất hoa kiểng truyền thống như: HTX hoa kiểng Bình Minh, Mãn Thanh, Thới Nhật (quận Ninh Kiều); khu vực Bình Chánh, Bình Phó (quận Bình Thủy); phường: Thốt Nốt, Trung Kiên (quận Thốt Nốt); các xã dọc theo đường tỉnh 923, đường huyện 28 (huyện Phong Điền).

- Sử dụng giống hoa có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM), công nghệ sinh học trên hoa kiểng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng, đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa. Bước đầu, thực hiện trên quy mô diện tích 60 ha (mỗi mô hình 01 - 02 ha, số hộ tham gia 25-30 hộ). Triển khai 30 mô hình ở các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư sản xuất và tổ chức hội thảo tham quan cho nông dân tham gia mô hình; đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, thực hiện các mô hình sản xuất hoa, cây kiểng chủ lực có thể phát triển, bao gồm:

+ Mô hình sản xuất hoa cao cấp, chủ yếu là hoa lan giỏ và lan cắt cành.

+ Mô hình sản xuất hoa trên liếp, bao gồm các loại cây chính là vạn thọ, mào gà búa lùn, mào gà hai màu, móng tay, sáo nháy, nở ngày,...

+ Mô hình sản xuất hoa trong bịch, bao gồm chủng loại cây chính là cúc lá nhám, cúc tần ô, chuồn lùn, dừa cạn, hàm chó.

+ Mô hình sản xuất hoa trong chậu, bao gồm chủng loại cây chính là cúc lá nhám, thúy, nở ngày, chuồn lùn, mồng gà.

+ Mô hình sản xuất hoa trong giỏ, bao gồm chủng loại cây chính là mào gà búa cao, thúy, dừa cạn, cúc lá nhám, tiểu hoa, flox.

+ Mô hình sản xuất cây kiểng thông thường, bao gồm chủng loại cây chính là mai vàng, croton, lá trắng, kiểm gấm, tai tượng, thu hải đường, môn các loại, muồn bông vàng, thông thiên, móng bò, đại tướng quân, cau các loại, trắc, tùng bạch đàn, tùng la hán, sứ, bông giấy.

+ Mô hình cây cảnh, cây tạo hình (bonsai), bao gồm các chủng loại chính là các loại cau (cau lùn, cau trắng, cau xanh, cau bụng), trắc, thông ngoại, kê nhật, phát đủ, huyết dụ; các loại kiểng cổ thụ, mai chiếu thủy, kim quýt, cùm rụm; tre trúc kiểng các loại, cây côn dương, tùng bách tán, thiên tuế, thiết mộc lan, đại tướng quân; các loại cây trổ hoa, muồng bông vàng, thông thiên, liêu tử, sứ ngọc lan, sứ cùi, chuối trổ, bông giấy,...

4. Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái:

Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái thành phố Cần Thơ. Phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ở huyện Phong Điền, các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và phát triển mô hình nhà vườn trong các khu đô thị sinh thái, khu dân cư ven sông Hậu và ở các cù lao với diện tích đến năm 2020 là 15.500 ha. Quy mô các cây trồng lâu năm chủ lực dự kiến như sau:

- Các cây trồng có quy mô diện tích bố trí tăng so với năm 2015, gồm: Cây xoài 3.670 ha (tăng 770 ha), cây bưởi 1.650 ha (tăng 1.090 ha) và cam, quýt, chanh 3.000 ha (tăng 368 ha). Ngoài ra, chú trọng phát triển cây dâu trồng xen trong các vườn cây lâu năm (không tính diện tích);

- Các cây trồng có quy mô diện tích bố trí giảm so với năm 2015, gồm: Cây chuối 1.310 ha (giảm 120 ha), cây chôm chôm và nhãn 1.455 ha (giảm 175 ha), các cây ăn quả khác 4.415 (giảm 1.262 ha).

a) Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp:

Phát triển vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đạt phẩm chất an toàn vệ sinh thực phẩm tại quận: Cái Răng và Bình Thủy; huyện: Phong Điền và Thới Lai. Xây dựng 50 mô hình liên kết hợp tác sản xuất (20 - 25 hộ/mô hình) chuyên canh cây ăn trái kết hợp xây dựng điểm tham quan và du lịch sinh thái nông nghiệp. Ứng dụng kỹ thuật nâng cấp chỉnh trang 100 điểm vườn theo kiểu du lịch sinh thái. Tổ chức nhóm nông dân (mô hình tổ liên kết); tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng cho nông dân theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hướng theo quy trình GAP; kỹ thuật nâng cấp chỉnh trang vườn theo kiểu du lịch sinh thái; tập huấn nông dân dịch vụ phục vụ du lịch lễ tân, ẩm thực, vệ sinh an toàn thực phẩm,... khi tiếp khách du lịch.

b) Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái:

Tuyển chọn và công nhận một số giống cây ăn trái đầu dòng như cam sành, cam soàn, cam mật, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu xiêm,...cung ứng cho thành phố và các tỉnh lân cận. Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; lưu giữ nguồn giống cây ăn trái nhằm bảo tồn và cung ứng nguồn nhân giống, thực hiện liên kết với các viện, trường trong chuyển giao, sản xuất giống cây ăn trái chất lượng cao.

c) Phục dựng và xây dựng mới một số thương hiệu cây ăn trái chủ lực:

Tái thiết lại vùng nguyên liệu đảm bảo duy trì được sự ổn định về chất lượng sản phẩm, sản lượng hàng hóa, nhằm phục dựng lại thương hiệu một số loại đặc sản địa phương và xây dựng mới thương hiệu một số loại cây ăn trái chủ lực của thành phố có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nông sản.

- Đối với nhóm sản phẩm đã có nhãn hiệu như: Xoài cát Sông Hậu, dâu Hạ Châu Phong Điền, cam mật Phong Điền, mít hạt lép Ba Láng.

+ Hỗ trợ chủ sở hữu nhãn hiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các kỳ hội chợ triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại... giúp chủ sở hữu nhãn hiệu phát triển thương hiệu.

+ Duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc cải tạo lại vùng sản xuất, từng bước thay thế dần diện tích sản xuất bởi giống cũ cho sản phẩm kém chất lượng thiếu sức cạnh tranh bằng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Song song đó, tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh, giúp chủ sở hữu nhãn hiệu phát triển thương hiệu.

+ Hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế, đóng gói, bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao giá trị trương mại của sản phẩm trên thị trường.

- Đối với nhóm sản phẩm chủ lực chưa có nhãn hiệu: Quýt tiều Thới An, sapo Long Tuyền, vú sữa Giai Xuân, nhãn Vàm Xáng, sầu riêng Tân Thới, cam xoàn,... tiến hành cải tạo lại vùng sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua:

+ Từng bước thay thế dần diện tích sản xuất bởi giống cũ cho sản phẩm kém chất lượng thiếu sức cạnh tranh bằng các giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng được đòi hỏi từ thị trường tiêu thụ.

+ Hoàn thiện các quy trình ứng dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Cần Thơ và yêu cầu từ nhà tiêu thụ. Tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, quy trình phòng trừ các sinh vật gây hại trong sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái; hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, tăng cường áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp; kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch, chú trọng đầu tư thâm canh.

+ Hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn đề án. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho tất cả sản phẩm đã có nhãn hiệu.

5. Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học

a) Chuyển dịch chăn nuôi từ các quận trung tâm về các huyện, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường (xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, đệm lót sinh học...), xây dựng vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao;

b) Phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Phát triển các loại hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị;

c) Phát triển mô hình nuôi kinh tế các loài động vật đặc trưng ĐBSCL, đặc sản của Việt Nam theo hướng nông nghiệp đô thị. Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng.

a) Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho các đối tượng nuôi chính (heo, gà, vịt):

- Xây dựng liên kết sản xuất trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các tổ sản xuất có uy tín trên địa bàn thành phố. Thực hiện tuyên truyền về lợi ích của chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời làm nhịp cầu gắn kết giữa các nhà sản xuất.

- Xây dựng 20 mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, sản xuất con giống, quy trình chăn nuôi đến giết thịt gia súc, gia cầm. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức các cuộc hội thảo giữa các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu để trao đổi kiến thức về sản xuất và quản lý trong chăn nuôi. Giai đoạn 2017 - 2020 tổ chức 14 lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ một số bệnh thông thường, hướng dẫn quản lý đàn và trại chăn nuôi, hướng dẫn xử lý môi trường, xử lý chất thải, vệ sinh thú y và chương trình quản lý sức khỏe gia súc, gia cầm,...

- Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, giúp các hộ nuôi áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ngăn ngừa và giảm thiểu các mối nguy ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Giai đoạn đến năm 2020, tổ chức 15 lớp tập huấn (04 lớp/năm) và xây dựng 150 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng 225 mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thịt, gà thịt và vịt thịt.

b) Xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP:

- Tăng cường áp dụng thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo các đối tượng nuôi chính (heo, gà, vịt) được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

- Giai đoạn 2017 - 2020, tổ chức 112 lớp tập huấn (28 lớp/năm), về các kỹ thuật chăn nuôi và tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ làm công tác chuyên môn và hộ chăn nuôi. Cấp phát tờ rơi, tài liệu về thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP 20.000 tờ/năm. Hỗ trợ xây dựng 25 mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn toàn thành phố. Phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện 02 chuyên đề/năm về tuyên truyền lợi ích và hướng dẫn thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ chăn nuôi tại địa phương.

c) Hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh:

- Xây dựng cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn đối với một số dịch bệnh nguy hiểm, tạo sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tập huấn phổ biến các kiến thức về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

- Tổ chức 05 hội thảo (01 hội thảo/năm) tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hàng năm, tổ chức 10 lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi. Thực hiện công tác tuyên truyền (4.000 tờ bướm/năm) về lợi ích của việc xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ xây dựng 20 cơ sở an toàn dịch bệnh.

d) Phát triển giống vật nuôi:

- Tăng cường tập huấn về những tiến bộ kỹ thuật và công tác quản lý giống. Hỗ trợ xây dựng các cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho cơ sở sản xuất giống. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các cơ sở cung cấp giống đạt chất lượng tốt.

- Tạo được nguồn tinh giống có chất lượng cho chăn nuôi gia súc; tuyển chọn được những giống gia cầm phù hợp với địa phương, đồng thời ứng dụng nhanh và đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật vào công tác giống gia cầm. Trong năm 2017 - 2018 sẽ đầu tư xây dựng 03 cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho các cơ sở sản xuất giống. Năm 2019, sẽ cung cấp khoảng 40% đàn giống bố, mẹ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sau năm 2020, sẽ đáp ứng được 80% đàn giống bố, mẹ theo tiêu chuẩn giống. Số lượng giống cho từng đối tượng đến năm 2020 như sau: 120.000 con heo giống, 1.700.000 con gà giống, 1.200.000 con vịt giống.

6. Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng

Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản thâm canh, chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt GAP đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và truy xuất được nguồn gốc. Củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, các đối tượng thủy đặc sản). Trong đó, tập trung tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản của thành phố cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu theo Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Thực hiện nghiên cứu và sản xuất đại trà các loại giống thủy sản đặc trưng của vùng trên cơ sở vận hành Trung tâm giống thủy sản cấp I của thành phố; hoàn thiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nghiên cứu và sản xuất tại Trung tâm. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình,.. .tham gia đầu tư sản xuất giống, cung ứng con giống chất lượng cao cho người nuôi.

a) Phát triển vùng chuyên canh cá tra:

- Ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi cá tra, xây dựng vùng ương và nuôi cá tra tập trung phù hợp với Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 theo Quyết định 3885/QĐ-BNN-TCTS ngày 11 tháng 9 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp tục thúc đẩy phát triển nuôi cá tra xuất khẩu; sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nâng tỷ trọng ngành thủy sản, đồng thời cải thiện thu nhập của người dân.

- Xây dựng vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn huyện Cờ Đỏ với quy mô 200 ha và vùng nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích 100 ha tại khu vực phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Kết hợp phổ biến các quy trình về kỹ thuật ương và nuôi cá tra chuyên canh tới người dân thông qua các khóa tập huấn và tài liệu khuyến ngư.

- Thực hiện điều tra, khảo sát địa điểm, họp nhóm nông dân và chọn các nông hộ có đủ điều kiện, sẵn sàng hợp tác xây dựng vùng ương và nuôi cá tra. Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ ương và nuôi cá tra. Tổ chức hội thảo, tham quan cho nông dân tham gia xây dựng vùng ương và nuôi cá tra học tập trao đổi kinh nghiệm. Tuyên truyền phổ biến kỹ thuật ương và nuôi cá tra thông qua các phương tiện truyền thông. Phối hợp với các ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, đánh giá kết quả xây dựng vùng ương và nuôi cá tra của các nông hộ tham gia.

b) Hỗ trợ các hộ nuôi cá tra áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt:

- Hỗ trợ người nuôi cá tra (tại các quận: Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh) tham gia áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) nhằm phát triển ngành nuôi cá tra theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Hình thành và quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng sản phẩm cá tra xuất khẩu, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng. Tổ chức sản xuất giống cá tra tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định nhằm đảm bảo cung ứng giống cá tra đủ về số lượng, an toàn dịch bệnh và có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

- Thực hiện hỗ trợ trên 150 hộ nuôi với diện tích khoảng 600 ha nuôi cá tra áp dụng và đạt chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Giai đoạn đầu, hỗ trợ chứng nhận 400 ha với 146 hộ nuôi. Giai đoạn kế tiếp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang nuôi trên địa bàn với phần diện tích còn lại. Đào đạo nguồn cán bộ hiểu về VietGAP, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý, của người sản xuất về việc áp dụng quy phạm VietGAP trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

c) Phát triển giống thủy sản chất lượng phục vụ địa phương và các tỉnh trong vùng:

- Căn cứ vào mật độ thả giống theo từng loại hình và hình thức nuôi, mùa vụ nuôi trong năm đến tính toán nhu cầu con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố. Theo đó đến năm 2020, nhu cầu giống thủy sản cần khoảng 1,3 tỷ con. Trong đó, nhu cầu giống cá nuôi chuyên thâm canh, bán thâm canh 558 triệu con; nhu cầu giống cá nuôi kết hợp 703 triệu con; nhu cầu giống cá nuôi lồng bè, vèo 6 triệu con; nhu cầu giống tôm càng xanh 10 triệu con; nhu cầu giống thủy đặc sản là 14 triệu con.

- Đến năm 2020, phát triển số lượng cơ sở sản xuất giống lên 130 cơ sở. Trong đó, sản xuất giống cá tra là 30 cơ sở; sản xuất giống cá nước ngọt (mè, trôi, rô phi, he, sặc rằn, tai tượng,...) là 52 cơ sở; sản xuất giống tôm càng xanh là 02 cơ sở; sản xuất giống tôm sú kết hợp với thẻ chân trắng, tôm càng xanh là 43 cơ sở; sản xuất giống thủy đặc sản là 03 cơ sở. Sản lượng giống cá tra ước đạt 510 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống cá nước ngọt khác đạt 780 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống tôm càng xanh đạt 06 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống thủy đặc sản đạt 09 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống tôm sú, thể chân trắng là 45 triệu con, cung cấp cho thị trường các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

- Bố trí các cơ sở sản xuất giống cá tra, cá nước ngọt khác và thủy đặc sản tập trung các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng và huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Bố trí các cơ sở sản xuất giống tôm Sú, tôm càng xanh tập trung ở quận: Ninh Kiều và Cái Răng.

- Từ năm 2017, Trung tâm giống Thủy sản cấp I, thuộc địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ sẽ được đưa vào hoạt động sản xuất với diện tích đất sử dụng là 21,4 ha, diện tích mặt nước gần 12,1 ha. Đảm bảo sản xuất, cung cấp nguồn giống có chất lượng cao; nghiên cứu thực nghiệm về nâng cao chất lượng các loài tôm, cá nước ngọt; lưu trữ và bảo tồn nguồn quỹ gen các giống loài có giá trị kinh tế cao; cải thiện chất lượng đàn cá bố mẹ bằng di truyền chọn giống; ứng dụng công nghệ sinh học và các tiến bộ kỹ thuật vào sinh sản và nuôi các loài cá, tôm, nhằm hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất giống; tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống nước ngọt mới từ các cơ sở nghiên cứu.

III. Giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

1. Các giải pháp đột phá

a) Tăng đầu tư khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là tạo ra được các giống mới cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao; đẩy mạnh ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn và mô hình nông nghiệp đô thị; xây dựng các khu, vùng và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo sự chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực ngoại thành;

b) Tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích các hộ sản xuất trong các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng cánh đồng lớn áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến làm tốt vai trò định hướng thị trường, tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân trong vùng;

c) Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Đầu tư hệ thống đê bao kiểm soát lũ kết hợp hệ thống giao thông vận chuyển đạt yêu cầu hoạt động của các phương tiện cơ giới và xây dựng các cụm tuyến dân cư hiện đại; hoàn thiện hệ thống kênh, mương tưới tiêu kết hợp với trạm bơm điện đáp ứng yêu cầu chủ động sản xuất ở quy mô lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đầu tư tập trung, đồng bộ, đảm bảo phát huy hiệu quả toàn bộ hệ thống các công trình, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.

2. Các giải pháp cụ thể thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

a) Giải pháp về tổ chức sản xuất:

- Phát triển các mối liên kết trong sản xuất:

+ Mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và liên kết 4 nhà:

. Nghiên cứu chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của Cần Thơ. Xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, gồm: Lúa gạo, cá tra, trái cây và rau, hoa, cây cảnh, nhằm triển khai đồng bộ giữa các quận, huyện của thành phố, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách hỗ trợ như vốn vay, giống, cơ giới hóa,...

. Nghiên cứu, đề xuất quy trình, thủ tục và các quy định trong việc thực hiện hợp đồng giữa nhà nông với các nhà, trong đó quy định rõ quyền lợi vật chất của các bên tham gia hợp đồng; tổ chức nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả.

. Tăng cường liên kết với các viện, trường trong vùng (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ) và cả nước, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông, thủy sản.

. Thực hiện liên kết giữa Doanh nghiệp - Tổ chức tín dụng - Nông dân trong việc vay vốn sản xuất để giảm bớt các thủ tục vay vốn hiện còn đang bất cập hoặc liên kết giữa Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nông dân trong việc hỗ trợ đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây con, quy trình sản xuất và chế biến.

. Đẩy mạnh phát triển các mối liên kết trực tiếp trong chuỗi sản xuất giữa nông dân và nông dân, giữa nông dân sản xuất và các đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ, giữa doanh nghiệp và nhóm nông dân; giữa doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra,...

. Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức ký kết hợp đồng theo hướng gia tăng cộng đồng trách nhiệm và gắn kết lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân, trước mắt mở rộng hình thức ứng trước vốn, giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và mua lại nông sản theo giá cả thống nhất ghi trong hợp đồng hoặc bán vật tư trả chậm và mua lại nông sản theo giá thỏa thuận; tiến tới các hình thức liên kết cao hơn như: Nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất rồi sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp.

. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của hộ nông dân trong việc thực thi hợp đồng kinh tế; củng cố và phát triển mạnh kinh tế tập thể để có thể đại diện hộ xã viên đứng ra ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng.

+ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể:

. Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh phát triển HTX theo Luật HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016 - 2020 tại thành phố Cần Thơ”.

. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể.

. Tổ chức nông dân tham quan, học tập mô hình đạt hiệu quả.

- Phát triển trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp:

+ Hỗ trợ các hộ có khả năng vốn, lao động và kinh nghiệm sản xuất mở rộng quy mô đất đai, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành kinh tế trang trại; khuyến khích các hộ trang trại lớn, làm ăn hiệu quả chuyển sang thành lập công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp

+ Hỗ trợ hộ ít đất chuyển nhượng đất đai và chuyển đổi nghề.

- Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả:

Nghiên cứu các mô hình liên kết thành công trong vùng và cả nước, đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá các mô hình liên kết đang thực hiện trên địa bàn thành phố nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, điều kiện và tập quán canh tác của nông dân trong từng tiểu vùng sinh thái và từng quận, huyện, trước mắt tập trung vào các mô hình sau:

+ Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn theo vùng sản xuất lúa theo hướng VietGAP, mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao. Từ kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, tham mưu đề xuất hoàn chỉnh tiêu chí, quy trình kỹ thuật, cơ chế và chính sách để từng bước áp dụng cho vùng sản xuất khác như cây ăn trái, rau an toàn.

+ Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về hiệu quả của các mô hình chăn nuôi gia công mà các công ty trong và ngoài nước, các mô hình liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong ngoài nước đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố và ở các tỉnh trong vùng, để tranh thủ nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý; từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả ra toàn thành phố.

+ Nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng các mô hình liên kết nuôi cá tra hiệu quả của các doanh nghiệp xuất khẩu ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Lâu dài, nghiên cứu, ban hành quy định để hộ, trang trại, HTX có thể sử dụng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp để góp vốn cổ phần, tham gia liên kết.

- Đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung:

+ Hoàn thiện quy hoạch và các dự án đầu tư các vùng sản xuất cây con tập trung như: vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng sản xuất rau hoa, cây cảnh, vùng phát triển chăn nuôi tập trung.

+ Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng, bao gồm: Hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống giao thông phục vụ máy móc cơ giới lưu thông và vận chuyển sản phẩm.

+ Hỗ trợ đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy tại các cơ sở chế biến nông thủy sản công nghiệp hiện đại.

b) Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm:

- Củng cố, sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản; tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào một phần hay toàn bộ các khâu tiêu thụ một sản phẩm.

- Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến và xuất khẩu nông thủy sản.

- Tăng năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo liên kết bền vững giữa người sản xuất với người chế biến.

- Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách điều tiết lợi ích hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi đối với nông sản hàng hóa.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, tổ chức các sự kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

- Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tổ chức quảng bá rộng rãi các sản phẩm chủ lực của thành phố.

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, tổ chức hệ thống thu mua và tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán, gây biến động giá cả và làm thiệt hại đến lợi ích của cả người sản xuất, chế biến và tiêu dùng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá hàng hóa, trước hết là phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.

- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác có hiệu quả thị trường nội địa.

- Tổ chức dự báo thông tin thị trường.

c) Giải pháp về khoa học, công nghệ và khuyến nông:

- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ:

Với mục tiêu công nghiệp hóa quy trình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng, giữ vững năng suất cao, bảo đảm tính vượt trội về chất lượng, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, bảo đảm thu nhập cho người sản xuất.

+ Phát triển dịch vụ khoa học, công nghệ trong nông nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện nội dung Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

+ Ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nhằm tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

+ Hoàn thiện quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và từng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

+ Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao. Khu vực cặp sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày có khả năng thâm canh cao, khu vực còn lại ưu tiên áp dụng các giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu ngập úng và chịu phèn trung bình.

+ Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm phân bón, nông dược, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng công nghiệp, an toàn thực phẩm và môi trường; các phương pháp kỹ thuật chuẩn đoán nhanh, chính xác về sâu, bệnh, dịch hại, dư lượng thuốc và hóa chất trong nông sản hàng hóa.

+ Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất như giảm diện tích lúa vụ xuân hè vì đây là vụ lúa dễ lưu truyền mầm mống sâu bệnh cho vụ hè thu và dễ bị gặp hạn cuối vụ, giảm diện tích lúa vụ hè thu chuyển qua trồng một số cây trồng cạn ngắn ngày; giảm số vụ nuôi liên tục cùng loại thủy sản trong năm bằng cách chuyển qua nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

+ Khuyến khích nông hộ, trang trại, doanh nghiệp, HTX ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học, quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố theo yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và mô hình nông nghiệp ven đô thị như phát triển rau, hoa và sinh vật cây cảnh, nhằm giảm bớt áp lực và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn lao động, tạo cảnh quan.

+ Ưu tiên cho cải tạo và xây mới các công trình thủy lợi trong các khu vực nuôi trồng thủy sản bảo đảm cách ly được nguồn nước cấp và nguồn nước thải đã bị ô nhiễm ra khỏi vùng sản xuất; hoàn thiện quy trình tưới nước tiết kiệm đối với từ cây trồng và vật nuôi nhằm tiết kiệm sử dụng nước và giảm chi phí sản xuất.

+ Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao.

+ Khuyến khích xây dựng các hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên mạng Internet, các phần phần mềm quản lý chuỗi giá trị từ sản xuất đến thành phẩm.

+ Tổ chức thu thập thông tin thị trường, phân tích và dự báo thị trường phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông:

Thực hiện khuyến nông theo ngành hàng, vùng sản xuất, đáp ứng yêu cầu mục tiêu của chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

+ Củng cố mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư từ thành phố xuống đến xã, phường và thị trấn trên cơ sở nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông ở cấp thành phố và ở quận, huyện; bố trí đủ cán bộ chuyên trách nông nghiệp cho cấp xã; tổ chức tốt mạng lưới khuyến nông và cộng tác viên ở xã và ấp, nhằm làm tốt vai trò hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Có chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ khuyến nông về cơ sở và ổn định mạng lưới khuyến nông viên.

+ Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư, đặc biệt là đưa chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào các trường và các trung tâm dạy nghề. Tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm và chuyên sâu, nhằm chuyển giao nhanh những kết quả nghiên cứu về giống, các mô hình sản xuất có hiệu quả trên từng vùng sinh thái, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

+ Tăng cường kinh phí đầu tư từ ngân sách, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia trực tiếp vào công tác khuyến nông.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống khuyến nông tự động và trực tuyến 24/7 thông qua mạng thông tin di động, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn kỹ thuật của nông dân và giảm chi phí khuyến nông truyền thống.

+ Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, trên cơ sở phát huy có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, phong phú hóa một cách thiết thực các hoạt động khuyến nông để người nông dân có thể tiếp nhận nhanh nhất, ứng dụng hiệu quả nhất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kích thích tính sáng tạo của người dân.

- Cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất:

+ Phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí nông nghiệp. Nghiên cứu các loại máy nông nghiệp có giá thành hạ, công nghệ phù hợp với đặc điểm và quy mô sản xuất, trình độ quản lý và khả năng đầu tư của nông hộ.

+ Tiếp tục chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu cơ giới hóa của mình và làm dịch vụ cho các hộ khác trong vùng, trong đó tập trung vào các khâu có tỉ lệ cơ giới hóa còn đang thấp, cụ thể:

. Đối với trồng trọt: Tập trung vào các khâu gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch và phơi sấy, đặc biệt đối với sản xuất lúa cần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình sản xuất, đảm bảo hầu hết diện tích lúa được gieo sạ bằng dụng cụ sạ hàng hoặc bằng máy; chuyển từ bơm nước bằng máy xăng, dầu sang các trạm bơm điện với quy mô công suất vừa và nhỏ; chuyển từ phun thuốc trừ sâu bình sang phun máy có công suất lớn; thu hoạch bằng máy đạt 100%; tỷ lệ sấy thóc vụ hè thu đạt trên 50% sản lượng và đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu sấy toàn bộ sản lượng.

. Đối với chăn nuôi: Tăng cường đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi như các khâu cung cấp thức ăn, nước uống, hệ thống thông gió, làm mát chuồng trại, khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường, công nghệ thiết bị giết mổ gia súc gia cầm,...

. Đối với nuôi trồng thủy sản: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và trong mô hình nuôi thâm canh, đảm bảo xử lý tốt về chất thải để đảm bảo cân bằng sinh thái, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo từng thị trường xuất khẩu.

+ Khuyến khích các cơ sở kinh doanh máy móc nông nghiệp mở rộng các hình thức bán trả góp hoặc cho thuê thông qua chính sách tín dụng và thuế.

+ Chú trọng đầu tư cải tạo mặt bằng đồng ruộng, mở rộng quy mô đất sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung đi đôi với phát triển hệ thống giao thông vận chuyển để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

d) Tăng cường quản lý chất lượng và phát triển công nghiệp chế biến:

- Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Tăng cường ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông thủy sản. Phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm nông sản và thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đảm bảo 100% cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tuyến thành phố, quận, huyện được tập huấn và thường xuyên được cập nhật các kiến thức về quản lý chất lượng nông sản và thủy sản; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản và thủy sản áp dụng Chương trình Quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản và thủy sản được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

đ) Giải pháp quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực:

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, trong đó xác định số lượng lao động, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ lao động cần đào tạo, bao gồm: Công nhân kỹ thuật bán lành nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề và công nhân có kỹ năng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các trang trại và các doanh nghiệp nông nghiệp.

- Mở các lớp tập huấn khuyến nông cho nông dân, nhất là về kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm, cơ giới hóa nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

- Chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trước hết là cán bộ HTX, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho phát triển đào tạo và dạy nghề cho nông dân.

- Tăng cường hỗ trợ đào tạo từ các viện, trường thông qua các hình thức triển khai đề tài khoa học, triển khai mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tổ chức thăm quan, hội thảo.

- Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nông dân và con em của họ có nhu cầu tham gia vào các lớp học nghề.

- Bồi dưỡng năng lực quản lý, trình độ ngoại ngữ thương mại và năng lực tư pháp cho cán bộ quản lý cấp xã và cấp huyện.

- Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO 22000,...) để sản phẩm rau quả đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

e) Giải pháp huy động vốn:

Tổng nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung đề án là 387,999 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Nhà nước là 179,49 tỷ đồng (chiếm 46,26%);

+ Ngân sách Trung ương là 6 tỷ đồng.

+ Ngân sách địa phương là 173,49 tỷ đồng.

- Nguồn vốn khác (vốn từ các thành phần kinh tế, hộ dân,...) là 208,509 tỷ đồng (chiếm 53,74%).

(Chi tiết phân kỳ nguồn vốn và phân nguồn kinh phí xem phụ lục đính kèm)

- Tăng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn:

+ Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thủy lợi, kết hợp với giao thông, điện và bố trí ổn định đời sống dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công, sử dụng các nguồn vốn đầu tư tập trung, đúng quy hoạch, kế hoạch, chống thất thoát, lãng phí đi đôi với tăng cường kiểm tra và giám sát.

+ Đầu tư hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mua sắm máy móc phục vụ cơ giới hóa, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất và cung ứng giống, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản xuất khẩu.

+ Đầu tư tăng cường năng lực kiểm soát đầu vào, qui trình sản xuất, đầu ra của sản phẩm.

+ Đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó, đặc biệt quan tâm đào tạo lực lượng lao động trẻ.

- Mở rộng nguồn vốn đầu tư tín dụng:

Đề xuất với cấp thẩm quyền phối hợp với các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế:

+ Đa dạng hóa các hình thức cho vay, trong đó chú trọng mở rộng các hình thức cho vay không phải thế chấp và cho vay bảo hiểm, tăng vốn vay trung hạn và dài hạn với lãi suất và thời gian phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi.

+ Thực hiện chính sách cho vay theo nhóm đối tượng ngành nghề, trong đó ưu tiên cho các nhóm ngành nghề thuộc các dự án xây dựng vùng sản xuất tập trung, vùng ứng dụng công nghệ cao, vùng phát triển nông nghiệp đô thị như nuôi cá tra, sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất rau, hoa, cây cảnh.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn:

+ Lập các dự án đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, nhất là các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến, kèm theo đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp.

+ Ưu tiên cho đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đi trước một bước, nhất là vùng còn tiềm năng tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo thuận lợi và khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu nông thủy sản tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài vùng ĐBSCL, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tìm kiếm và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài:

+ Đề xuất xây dựng danh mục chương trình, dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, kèm theo hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư. Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, bao gồm: Phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và cung ứng giống, phát triển công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản, sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao.

+ Kêu gọi các dự án tài trợ từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế cho lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường.

+ Liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL xây dựng, quảng bá sâu rộng hình ảnh chung về môi trường đầu tư của thành phố, của toàn vùng và từng lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

g) Phát triển thị trường đất đai:

- Phát triển thị trường đất đai ở nông thôn tiến tới sản xuất quy mô lớn.

- Tăng cường năng lực quản lý thị trường đất đai tại địa phương.

IV. Phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện kế hoạch

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch này; căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công tại Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 bảo đảm phát triển của ngành, địa phương và thành phố Cần Thơ nói chung. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, trình Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, giải quyết.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổng hợp, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm theo Kế hoạch này. Đề xuất các nội dung phát sinh, có liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp, bổ sung vào Kế hoạch hàng năm thực hiện Đề án;

b) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các sở, ngành và địa phương có liên quan, tổ chức họp định kỳ hàng năm để đánh giá, báo cáo kết quả triển khai; trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với các sở, ngành và địa phương có liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, đề nghị các sở, ban ngành thành phố và địa phương phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

PHỤ LỤC 1

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. Kinh phí thực hiện các hoạt động theo năm:

ĐVT: Triệu đồng

STT

Dự án, kế hoạch và đề tài thực hiện

Thời gian thực hiện 2017 - 2020

Tổng cộng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

Kế hoạch và dự án triển khai thực hiện tái cơ cấu trên từng lĩnh vực

161.773

108.070

59.049

54.907

383.799

1

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi

7.600

4.300

4.300

3.000

19.200

2

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thành phố Cần Thơ

12.252

6.051

6.051

6.051

30.405

3

Kế hoạch thực hiện đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi và thủy sản đến năm 2020

30.339

22.999

23.104

25.803

102.244

4

Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

75.023

51.468

5.954

2.631

135.076

5

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

11.825

7.643

2.888

3.214

25.570

6

Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau

15.534

10.697

10.697

9.297

46.226

7

Dự án xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn Vietgap

7.456

4.039

5.184

4.039

20.718

8

Dự án xây dựng 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thụ hoa kiểng

1.744

872

872

872

4.360

II

Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ

1.900

2.300

0

0

4.200

1

Phân tích và đánh giá thị trường (cung và cầu) nông sản sạch (trong nước và ngoài nước)

600

 

 

 

600

2

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thị trường (thông tin thị trường, phân tích, dự báo cung, cầu, dự báo xu thế giá (trong nước và ngoài nước) đối với các nông sản sạch chủ yếu

500

300

 

 

800

3

Phân tích và đánh giá chuỗi nông sản chủ lực của thành phố Cần Thơ để đẩy mạnh thực hiện liên kết 04 nhà

300

500

 

 

800

4

Phân tích và đánh giá sự lưu thông hàng hoá nông sản giữa Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện liên kết vùng

500

1.500

 

 

2.000

 

TỔNG VỐN THỰC HIỆN

163.673

110.370

59.049

54.907

387.999

2. Phân nguồn kinh phí thực hiện theo năm

ĐVT: Triệu đồng

STT

Nguồn vốn

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng cộng

Tỷ lệ (%)

1

Ngân sách nhà nước

70.071

42.224

36.927

30.267

179.490

46,26

-

Vốn Trung ương

2.400

1.200

1.200

1.200

6.000

1,55

-

Vốn địa phương

67.671

41.024

35.727

29.067

173.490

44,71

2

Nguồn vốn khác

93.602

68.146

22.122

24.640

208.509

53,74

Tổng cộng

163.673

110.370

59.049

54.907

387.999

100,00

 

PHỤ LỤC 2

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC QUY HOẠCH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Kèm theo Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

TT

Tên đề án, dự án và kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

 

 

1

Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan

2017

2

Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan

2018

3

Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 (tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan

2018

II

Triển khai thực hiện các đề án, dự án và kế hoạch đã được phê duyệt gắn với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp

 

 

 

1

Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan

2011 - 2020

2

Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính và các cơ quan liên quan

2014 - 2020

3

Đề án xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2014 - 2016

4

Đề án Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014 – 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính và các cơ quan liên quan

2014 - 2020

5

Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

6

Đề án phát triển kinh tế trang trại tại thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

7

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) hợp phần dự án tại thành phố Cần Thơ (đã được phê duyệt tại Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 15/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

8

Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2016 - 2020

9

Kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2016 - 2020

10

Kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2016 - 2020

11

Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2016 - 2020

III

Công tác lập mới dự án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

 

 

 

1

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ

Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan

2017 - 2020

2

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan

2018 - 2020

3

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao (tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan

2018 - 2020

IV

Công tác lập Kế hoạch và dự án triển khai thực hiện tái cơ cấu trên từng lĩnh vực

 

 

 

1

Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020”

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan

2017

2

Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

3

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt thành phố Cần Thơ1

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

4

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

5

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

6

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

7

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

V

Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ

 

 

 

1

Đề án: Phân tích và đánh giá thị trường (cung và cầu) nông sản sạch (trong nước và ngoài nước)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017 - 2018

2

Đề tài: Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thị trường (thông tin thị trường, phân tích, dự báo cung, cầu, dự báo xu thế giá (trong nước và ngoài nước) đối với các nông sản sạch chủ yếu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017 - 2018

3

Đề tài: Phân tích và đánh giá chuỗi nông sản chủ lực của thành phố Cần Thơ để đẩy mạnh thực hiện liên kết 04 nhà

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017 - 2018

4

Đề tài: Phân tích và đánh giá sự lưu thông hàng hóa nông sản giữa Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện liên kết vùng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ

 

2017 - 2018

 



1 Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau; Dự án xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP; Dự án xây dựng 10 mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng”.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 116/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu116/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành09/08/2017
Ngày hiệu lực09/08/2017
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 116/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 116/KH-UBND 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Cần Thơ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 116/KH-UBND 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Cần Thơ
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu116/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Cần Thơ
                Người kýĐào Anh Dũng
                Ngày ban hành09/08/2017
                Ngày hiệu lực09/08/2017
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Kế hoạch 116/KH-UBND 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Cần Thơ

                  Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 116/KH-UBND 2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Cần Thơ

                  • 09/08/2017

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 09/08/2017

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực