Kế hoạch 1376/KH-UBND

Nội dung toàn văn Kế hoạch 1376/KH-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Ninh Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1376/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 10 tháng 4 năm 2023

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2023 - 2030”

Căn cứ Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” (GDMN);

Căn cứ Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 20/11/2017 về việc đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2030” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn), cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC MẦM NON TẠI VÙNG KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Toàn tỉnh có 06 huyện, 01 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; trong đó: vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có 28 xã, với 71 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi (61 thôn thuộc xã khu vực III, 02 thôn thuộc xã khu vực II, 04 thôn thuộc xã khu vực I và 04 thôn thuộc xã có thôn vùng DTTS và miền núi) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, Khu vực II, Khu vực I thuộc đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; có 01 huyện nghèo (Bác Ái) và 01 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

1. Kết quả đạt được

1.1. Về quy mô trường, lớp học (đính kèm theo thống kê biểu số 1)

Tính đến thời điểm tháng 01/2023, toàn tỉnh có 22/63 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG) công lập có trụ sở đặt tại các thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển (sau đây gọi tắt là vùng khó khăn) với tổng số 161 nhóm, lớp và huy động được 4.290/10.147 trẻ MN ra lớp, đạt tỷ lệ 42,2%, cụ thể ở từng độ tuổi:

- Nhà trẻ: có 04 nhóm trẻ và huy động 80/3.744 trẻ nhà trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ 2,1% (trong đó: có 06 trẻ nhà trẻ1 ở thôn Láng Ngựa và Núi Ngỗng của xã Nhơn Sơn thuộc vùng khó khăn nhưng đi học ở các cơ sở GDMN thuộc thôn Đắc Nhơn và xã Mỹ Sơn ở vùng thuận lợi).

- Mẫu giáo: có 157 lớp MG và huy động 4.145/5.616 trẻ MG ra lớp - đạt tỷ lệ 73,8% (trong đó: có 42 trẻ MG2 ở thôn Láng Ngựa và Núi Ngỗng của xã Nhơn Sơn thuộc vùng khó khăn nhưng đi học ở các cơ sở GDMN thuộc thôn Đắc Nhơn và xã Mỹ Sơn ở vùng thuận lợi).

100% trẻ MN ra lớp tại các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn đều được học 2 buổi/ngày.

Riêng trẻ MN là người DTTS thuộc vùng khó khăn: Toàn tỉnh có 3.538/7.216 trẻ MN là người DTTS ra lớp, đạt tỷ lệ 49,0%. Trong đó: có 04 nhóm trẻ và huy động 47/2.761 trẻ nhà trẻ là người DTTS3 ra lớp, đạt tỷ lệ 1,7%; 146 lớp MG và huy động 3.491/4.455 trẻ MG là người DTTS4 ra lớp, đạt tỷ lệ 78,4%; 100% trẻ MN là người DTTS ra lớp được tăng cường tiếng Việt.

1.2. Về chất lượng đội ngũ (đính kèm theo thống kê biểu số 2)

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 1.358 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc trong các cơ sở GDMN công lập5. Trong đó, có 18 cán bộ quản lý và 299 giáo viên đang công tác tại các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển. Cụ thể:

- Về cán bộ quản lý: 100% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, trong đó có 06 cán bộ quản lý là người DTTS (01 người dân tộc Raglai và 05 người dân tộc Chăm).

- Về giáo viên:

+ Giáo viên dạy nhóm trẻ: có 09 giáo viên/04 nhóm trẻ, đạt định mức 2,25 giáo viên/nhóm trẻ. Trong đó: có 06/09 giáo viên đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo chuyên môn, chiếm tỷ lệ 66,67% và 03/09 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định, chiếm tỷ lệ 33,33%; có 08/09 giáo viên dạy nhà trẻ là người DTTS6 - chiếm tỷ lệ 78% và có 07/09 giáo viên người dân tộc Raglai dạy lớp tăng cường tiếng Việt có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ (tiếng Raglai) để thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ; chưa có giáo viên nào được tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về tiếng Raglai, tiếng Chăm.

+ Giáo viên dạy lớp MG: có 290 giáo viên/157 lớp, đạt định mức 1,85 giáo viên/lớp. Trong đó: có 282/290 giáo viên đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo chuyên môn - chiếm tỷ lệ 97,2% và 18/290 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định chiếm tỷ lệ 2,8%; có 150/290 giáo viên là người DTTS7 - chiếm tỷ lệ 51,7%; có 146 lớp MG thuộc vùng người dân tộc Chăm và Raglai được tăng cường tiếng Việt và có 266 giáo viên dạy lớp tăng cường Tiếng Việt, trong đó: có 98 giáo viên (là người DTTS) biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ để dạy tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ; có 02/266 giáo viên người DTTS (Raglai) dạy lớp tăng cường tiếng đã được tham gia bồi dưỡng tiếng Raglai - chiếm tỷ lệ 0,8%.

1.3. Tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi (đính kèm theo thống kê biểu số 3)

Tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho GDMN ngày càng tăng nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là các cơ sở GDMN vùng khó khăn. Bên cạnh việc tăng ngân sách Nhà nước cho giáo dục, việc thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ từ 3-5 tuổi ở những vùng khó khăn được quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo đúng quy định8; đồng thời, các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn cũng đã thực hiện hợp đồng nhân viên nấu ăn theo định mức quy định và chi trả 2.400.000 đồng/01 tháng/45 trẻ em và chi hỗ trợ thêm cho giáo viên dạy lớp ghép, lớp tăng cường tiếng Việt ở điểm lẻ là 450.000 đồng/tháng theo quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, trong năm 2019 và năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã ưu tiên ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình “Sữa học đường” theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em MG và tiểu học đến năm 2020. Huyện Bác Ái là huyện nghèo và là huyện duy nhất được lựa chọn triển khai thí điểm Chương trình “Sữa học đường” (theo Nghị Quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X về việc quy định chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2019 - 2020)9.

Các nguồn vốn đầu tư (đặc biệt là nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) đã được địa phương quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, giảm bớt khó khăn về thiếu phòng học, xóa bỏ tình trạng học tạm, học nhờ. Các phòng học xây mới theo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật về diện tích, không gian, ánh sáng, bảo đảm kiên cố, bền vững phù hợp với lứa tuổi của trẻ theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và trẻ mầm non trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có chỗ học tập, sinh hoạt khang trang, hiện đại, khuyến khích trẻ đến trường. Đã đầu tư xây mới 149 phòng học và một số nhà vệ sinh, tường rào, sân trường trong giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn 79.241 triệu đồng, trong đó: nguồn vốn xổ số kiến thiết là 12.131 triệu đồng/26 phòng; Chương trình mục tiêu Quốc gia là 23.231 triệu đồng/51 phòng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 11.479 triệu đồng/27 phòng, đặc biệt là nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ là 32.400 triệu đồng/45 phòng học). Năm 2021, 2022 UBND tỉnh tiếp tục đầu tư 15 dự án cho các trường MN, MG trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia (giảm nghèo bền vững là 16.000 triệu đồng/9 dự án; Nông thôn mới là 3.400 triệu đồng/3 dự án; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là 1.500 triệu đồng/3 dự án). Tính đến tháng 01/2023, toàn tỉnh có 183 phòng/161 nhóm, lớp trong các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, đạt định mức 1,1 phòng/nhóm, lớp. Trong đó: có 93/183 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 50,8% và 90/183 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 49,2%. Tuy định mức phòng học/lớp hiện đang vượt mức quy định, nhưng vẫn còn tình trạng thừa - thiếu phòng học cục bộ ở một số địa phương nên phải mượn phòng học để tổ chức thu nhận trẻ hoặc thừa phòng học ở các điểm lẻ nhưng không có giáo viên để thực hiện thu nhận trẻ ra lớp (huyện Bác Ái10: thừa 03 phòng học; huyện Ninh Sơn11: thừa 06 phòng học; huyện Thuận Bắc: thừa 07 phòng học12; Thuận Nam: thừa 08 phòng học13). Ngoài ra, các cơ sở GDMN vùng khó khăn còn xây dựng kế hoạch, tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp các tổ chức, đoàn thể và huy động cộng đồng tham gia đóng góp cơ sở vật chất, cải tạo, sửa chữa và xây dựng bếp ăn cho từng điểm trường, cải tạo làm mới sân trường, lớp học, trồng cây xanh tạo bóng mát, đảm bảo sân chơi an toàn cho trẻ hoạt động vui chơi.

Hằng năm, UBND tỉnh đều cấp kinh phí cho ngành giáo dục để trang bị các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu trong lớp14 và một số thiết bị, đồ chơi ngoài trời15 theo quy định của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho việc đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu còn hạn chế, nên hầu hết chỉ tập trung đầu tư mua sắm cho các lớp MG 5 tuổi để phục vụ công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đã chỉ đạo các địa phương, các cơ sở GDMN tăng cường việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho trẻ trong trường mầm non và tổ chức cuộc thi nhằm phát huy phong trào tự làm đồ dùng dạy học - đồ chơi phù hợp trẻ và điều kiện của địa phương. Trong những năm qua, mặc dù các nhóm, lớp dưới 5 tuổi chưa được đầu tư, trang bị đồ dùng đồ chơi; đa số cơ sở GDMN vùng khó khăn có nhiều điểm lẻ (có từ 2 lớp học trở lên) có sân chơi nhưng chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị đồ chơi ngoài trời theo quy định, nhưng ngành GDĐT các địa phương luôn đẩy mạnh phát động cuộc thi tự làm đồ dùng đồ chơi hằng năm để đáp ứng cho nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ. Bên cạnh đó, các cơ sở GDMN ở vùng khó khăn luôn thực hiện tốt công tác tham mưu chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, cũng như sự tham gia của cha mẹ trẻ trong việc cải tạo sân chơi, làm các đồ chơi ngoài trời để trẻ được hoạt động vui chơi, phát triển thể lực, tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi để trẻ được hoạt động và trải nghiệm, giúp trẻ lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng cần thiết và phát triển theo độ tuổi, đáp ứng mục tiêu chương trình GDMN, cũng như chương trình giáo dục của các nhà trường theo đặc điểm vùng miền.

1.4. Việc triển khai các chương trình và đổi mới phương pháp giáo dục mầm non; công tác chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng trẻ

Việc tổ chức tập huấn và triển khai Chương trình GDMN theo chỉ đạo của Bộ GDĐT được ngành giáo dục thực hiện đồng bộ và kịp thời từ tỉnh đến các cơ sở GDMN, như: Thực hiện lập kế hoạch giáo dục qua phần mềm; tăng cường giáo dục kỹ năng cho trẻ trong các hoạt động; chú trọng thực hiện các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đồng thời, tạo cơ hội cho trẻ tích cực hoạt động và tham gia thông qua môi trường, sắp xếp và tổ chức hoạt động,... Triển khai nghiêm túc, sáng tạo chuyên đề “xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường MN”. Bên cạnh đó, việc tổ chức hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh MN, Tiểu học vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn II từ năm 2020-2025” trong tất cả cơ sở GDMN có trẻ em người DTTS được ngành giáo dục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, các nhà trường cũng đã tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục của nhà trường và của các lớp để triển khai thực hiện Chương trình GDMN theo quy định của Bộ GDĐT; kế hoạch giáo dục trẻ ở các lớp ghép nhiều độ tuổi và lớp tăng cường Tiếng Việt ở vùng khó khăn phù hợp với đặc điểm vùng miền, phù hợp với điều kiện thực tế của trường, duy trì và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, của gia đình trẻ, cũng như khả năng của trẻ được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm đầy đủ. Ngoài ra, các cơ sở GDMN cũng đã đề ra giải pháp đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ được thực hành, trải nghiệm và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhằm phát triển năng lực cho trẻ, phát huy tiềm năng của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện; đặc biệt, trẻ 5 tuổi là người DTTS còn được chuẩn bị tốt về tiếng Việt trước khi vào lớp 1, giúp trẻ có khả năng thích nghi tốt với môi trường giáo dục mới ở Tiểu học.

Trong những năm qua, chất lượng bữa ăn cho trẻ được các cơ sở GDMN quan tâm, tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng việc xây dựng, chọn thực đơn phù hợp với đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế của gia đình trẻ; đặc biệt chú trọng việc kiểm thực ba bước và sắp xếp bếp theo quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh,... Mặc dù các cơ sở GDMN ở vùng khó khăn (huyện Bác Ái và Thuận Bắc) đã có nhiều cách làm sáng tạo để tổ chức, bổ sung bữa ăn cho trẻ bằng việc tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, huy động lương thực, thực phẩm từ gia đình của trẻ, từ các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương,... đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, rau, quả,... để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ, nhằm chung tay góp phần phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, cũng như duy trì tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở GDMN vùng khó khăn.

2. Những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

2.1. Những hạn chế, khó khăn

Ở vùng khó khăn còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, ít lớp, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, cũng như nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Tỷ lệ huy động trẻ MN ra lớp ở vùng khó khăn còn thấp so với mục tiêu huy động theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg (trẻ nhà trẻ: ra lớp chỉ đạt 2,1% thấp hơn 17,9% so với mục tiêu huy động đến năm 2025 và thấp hơn 22,9% so với mục tiêu huy động đến năm 2030; trẻ MG: ra lớp đạt 73,8% thấp hơn 16,2% so với mục tiêu huy động đến năm 2025 và thấp hơn 22,2% so với mục tiêu huy động đến năm 2030); các cơ sở GDMN vùng khó khăn còn thiếu 08 cán bộ quản lý16 và 56 giáo viên17; rào cản ngôn ngữ giữa giáo viên và trẻ gây ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn.

Nguồn tài chính cho GDMN chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cấp học, đặc biệt là các cơ sở GDMN thuộc vùng khó khăn. Hiện nay còn thiếu các phòng thuộc khối phòng phục vụ học tập (thiếu phòng giáo dục nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng đa năng), khối phòng hành chính quản trị (thiếu phòng làm việc của cán bộ quản lý và nhân viên, hầu hết đang dùng phòng học, phòng nghỉ của trẻ để làm việc); bếp ăn chưa đảm bảo theo quy định, thiếu nhà vệ sinh dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng. Một số cơ sở GDMN vùng khó khăn còn thiếu phòng học nên phải mượn phòng để tổ chức thu nhận trẻ (huyện Bác Ái: còn 03 phòng học mượn18); có điểm lẻ thừa phòng học nhưng cũng không thể mở lớp do không có giáo viên để thực hiện, vì các địa phương đều ưu tiên giáo viên cho các lớp MG 5 tuổi để thực hiện phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp (chỉ đạt tỷ lệ 50,8%); diện tích phòng học ở một số nơi chưa đủ và chưa đúng thiết kế theo quy định của Điều lệ trường MN và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3907:2011 về yêu cầu thiết kế trường MN. Mặc dù có sự quan tâm đầu tư từ kinh phí ngân sách nhà nước, từ các nguồn xã hội hóa cùng với sự nỗ lực của các cơ sở GDMN để tạo ra nhiều đồ dùng học tập, đồ chơi theo từng chủ đề trong năm học, nhưng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu trong lớp và ngoài trời vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu thực hành, trải nghiệm của trẻ, nhất là đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dưới 5 tuổi.

Chính sách cho các vùng và các đối tượng đặc thù còn hạn chế, chưa phù hợp vì thiếu đối tượng là trẻ nhà trẻ, trong khi trẻ nhà trẻ học tại cơ sở GDMN ở vùng khó khăn được tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú (MN Phước Đại và MN Phước Bình của huyện Bác Ái); một số nơi chưa có nhà bếp và chi phí sử dụng để tổ chức trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ở vùng khó khăn ăn trưa chủ yếu từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP là 160.000 đồng/tháng/trẻ (trung bình mỗi ngày trẻ được tiền ăn của trẻ là 7.200-7.300 đồng/ngày) và không có nguồn thu từ cha mẹ trẻ để tăng thêm lượng và chất trong bữa ăn bán trú của trẻ em nên không thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày cho trẻ em tại trường theo quy định của Chương trình GDMN và theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì thế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở vùng khó khăn hằng năm luôn cao hơn so với trẻ ở vùng đồng bằng, vùng thành thị (nhất là huyện Bác Ái19), ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ ở vùng khó khăn.

2.2. Nguyên nhân

Xuất phát điểm của GDMN thấp, một thời gian dài trước đó hệ thống trường lớp chủ yếu là các nhà trẻ, trường MG gắn với hợp tác xã, công ty, GDMN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho GDMN còn hạn chế. Tỷ trọng đầu tư cho GDMN chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển GDMN. Nguồn vốn ODA cho GDMN rất ít, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho đối tượng trẻ ở vùng khó khăn, trẻ em người DTTS; các dự án đầu xây dựng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở GDMN vùng khó khăn.

Những năm qua, mặc dù các địa phương đã ưu tiên mọi nguồn lực để ưu tiên phát triển GDMN vùng khó khăn, nhưng nhiều cơ sở GDMN có nhiều điểm lẻ (chỉ có 1 lớp hoặc 2 lớp), có điểm lẻ cách xa điểm trung tâm, sân chơi chật hẹp, có điểm lẻ không có quỹ đất để đầu tư xây dựng, vì thế gây khó khăn cho việc huy động nguồn vốn để tập trung đầu tư, xây dựng, sửa chữa, cũng như mua sắm thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho tất cả các điểm lẻ của các cơ sở GDMN vùng khó khăn.

Hiện nay, các cơ sở GDMN vùng khó khăn vẫn còn thiếu nhiều cán bộ quản lý và giáo viên để thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ do thực hiện tinh giảm biên chế 10% hằng năm.

Do giáo viên người Kinh dạy trẻ người dân tộc Chăm và Raglai nên khó khăn trong quá trình giao tiếp với trẻ; giáo viên người dân tộc Chăm dạy trẻ người dân tộc Raglai hay giáo viên người dân tộc Raglai dạy trẻ người dân tộc Chăm phần nào cũng bị hạn chế đến việc nghe và hiểu giữa giáo viên với trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; đồng thời, giáo viên chưa được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ của trẻ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với trẻ em

Đến năm 2025, có ít nhất 10% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 85% trẻ em trong độ tuổi MG vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi.

Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi MG vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi.

Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

b) Đối với giáo viên

Đến năm 2025: bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ;

Đến năm 2030: bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.

c) Đối với cơ sở giáo dục mầm non

Đến năm 2030: phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp MN của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Rà soát, nghiên cứu bổ sung, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở GDMN vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ, bao gồm một số chính sách: hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang ven biển.

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn, nhất là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người DTTS; hoàn thiện các chính sách đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người DTTS; thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế thu hút, động viên giáo viên công tác lâu dài ở vùng khó khăn.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp: ưu tiên đầu tư kinh phí để xóa phòng học nhờ, phòng học tạm; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; mua sắm đồ dùng học tập đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN vùng khó khăn.

2. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về: công tác quản lý, triển khai Chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người DTTS, đặc biệt quan tâm đến trẻ em nhà trẻ, trẻ MG bé mới ra lớp; thăm quan chia sẻ học tập mô hình điểm.

Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người DTTS.

Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em.

Bổ sung nội dung giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu, mua sắm thêm đồ dùng học tập cho vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, MG 3-4 tuổi; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng GDMN vùng khó khăn.

Chú trọng bổ sung đồ dùng đồ chơi trong và ngoài lớp, xây dựng mô hình môi trường giáo dục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy ưu thế của vùng miền, có cảnh quan môi trường phù hợp nhất với trẻ và văn hóa riêng của cơ sở; tạo dựng và nhân rộng mô hình điểm làm nơi tập huấn, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cho GDMN vùng khó khăn.

4. Triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em

Triển khai Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em người DTTS. Rà soát, hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp GDMN phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.

Chú trọng khai thác yếu tố văn hóa bản địa trong tổ chức, thực hiện Chương trình GDMN đối với trẻ em vùng khó khăn, trẻ em người DTTS.

Tổ chức biên soạn, tập huấn và chia sẻ tài liệu, học liệu thân thiện, phù hợp với trẻ em tại các cơ sở GDMN vùng khó khăn; đẩy mạnh tập huấn việc thực hiện chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy trẻ em người DTTS.

Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em; xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong các cơ sở GDMN có trẻ em người DTTS; quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ, trẻ MG mới ra lớp chưa nói được tiếng Việt.

5. Huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

a) Huy động nguồn lực xã hội và cộng đồng

Hình thành cơ chế, khuyến khích tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp MN. Vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển GDMN vùng khó khăn.

Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em là người DTTS; động viên, khuyến khích cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và các hoạt động thiết thực khác cho trẻ em người DTTS.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn.

b) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành

Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của các ban dân tộc, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em ở gia đình và cộng đồng.

Lồng ghép triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Chương trình này với Đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 202520.

c) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật; hợp tác và tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc nâng chất lượng GDMN, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người DTTS, phát triển GDMN vùng khó khăn.

6. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2030”

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2030”, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn.

Hình thành chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức đối với các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn.

Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Biên soạn tài liệu truyền thông, tập huấn về thực hiện Chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm vùng miền, về chuẩn bị tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho cha, mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS.

Phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con, em đến trường, lớp MN và học 2 buổi/ngày.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch hằng năm của địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành.

b) Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao và giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

c) Nguồn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

2. Việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch tài chính cho các nhiệm vụ của Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn của Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” đúng lộ trình đề ra, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội và chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung sau đây:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách đối với GDMN vùng khó khăn phù hợp Luật giáo dục và phù hợp với điều kiện thực tế với tỉnh.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư theo mục tiêu Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo giai đoạn và theo đúng Kế hoạch đề ra, trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt.

d) Chủ trì rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ MN vùng khó khăn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo quy định hiện hành.

đ) Chủ động tham mưu UBND xây dựng Kế hoạch và tổ chức tập huấn/bồi dưỡng tiếng DTTS (tiếng Chăm, tiếng Raglai) cho giáo viên dạy các lớp có trẻ người DTTS.

e) Tổ chức giám sát, kiểm tra, thường xuyên đánh giá, tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo từng giai đoạn, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, thuận lợi, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh đề kịp thời có những giải pháp tích cực nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

2. Ban Dân tộc tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở GDĐT, các ban, ngành và các địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển GDMN vùng khó khăn, tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Phối hợp với Sở GDĐT, các ban, ngành liên quan kiểm tra việc triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển GDMN đối với trẻ em người DTTS để bảo đảm các mục tiêu của Kế hoạch; kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở GDĐT, các ban, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xã hội và nâng cao năng lực để thực hiện Kế hoạch; bảo đảm việc thực hiện quyền trẻ em tại vùng khó khăn theo chức năng quản lý được giao.

Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chính sách có liên quan đối với giáo viên và trẻ MN vùng khó khăn theo chức năng quản lý được giao.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tổng hợp, trình UBND tỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm thực hiện các nhiệm vụ, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm bao gồm các nội dung để thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, cân đối và ưu tiên các nguồn kinh phí để đầu tư phát triển cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho các cơ sở GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 trong các chương trình, dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các ban, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo phân cấp Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu đề xuất về chế độ, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ MN tại vùng khó khăn phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

7. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, Ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn;

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, hợp đồng, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha, mẹ, cán bộ quản lý, giáo viên và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Ninh Thuận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Khuyến học Việt Nam và các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đầu tư, chăm lo, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn.

10. UBND các huyện, thành phố

Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn tại địa phương, báo cáo về Sở GDĐT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn tại địa phương.

Ban hành các cơ chế chính sách cần thiết của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở GDMN vùng khó khăn. Triển khai chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung số phòng học còn thiếu cho các cơ sở GDMN vùng khó khăn theo Luật Đầu tư công và các quy định khác của pháp luật.

Hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em người DTTS học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.

Chỉ đạo, tổ chức, chủ động tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ sung biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cho các cơ sở GDMN vùng khó khăn thuộc địa phương, để bảo đảm thực hiện mục tiêu Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2023 - 2030”./.


Nơi nhận:
- Bộ GDĐT, Vụ GDMN (b/c);
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TU (thay b/c);
- Ban VHXH - HĐND tỉnh (thay b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và Ban Dân tộc tỉnh;
- Các Hội: LHPN, Nông dân, Khuyến học và
Đoàn TNCS HCM tỉnh;
- Các Sở: GDĐT, LĐ-TB&XH; NN&PTNN;
KHĐT, TC, NV, TT&TT;
- UBND các huyện, TP;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT, VXNV. NAM.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên



1 Thôn Láng Ngựa: MG Nhơn Sơn 01 trẻ và MN Sao Mai 04 trẻ; Thôn Núi Ngỗng: MG Nhơn Sơn 01 trẻ.

2 Thôn Láng Ngựa: MG Nhơn Sơn 04 trẻ, MN Sao Mai 01 trẻ, Nhóm trẻ Hoa Sen (Nhơn Sơn) 08 trẻ, MG Mỹ Sơn 02 trẻ; Thôn Núi Ngỗng: MG Nhơn Sơn 10 trẻ, MN Sao Mai 02 trẻ và MG Mỹ Sơn 02 trẻ.

3 Bao gồm: 03 trẻ người dân tộc Chăm và 44 trẻ người dân tộc Raglai.

4 Bao gồm: 259 trẻ người dân tộc Chăm, 01 trẻ người DT Chơ Ro và 3.231 trẻ người dân tộc Raglai.

5 Bao gồm: 140 cán bộ quản lý; 1.048 giáo viên và 170 nhân viên.

6 01 giáo viên người dân tộc Chăm và 07 giáo viên người dân tộc Raglai.

7 66 giáo viên người dân tộc Chăm và 84 giáo viên người dân tộc Raglai.

8 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính Phủ về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em MG và chính sách đối với giáo viên MN; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển GDMN.

9 Năm học 2019-2020: có 1.323 trẻ được uống sữa với 140.162 hộp sữa (loại 180ml) từ tháng 10/2019 đến tháng 7/2020 (nghỉ học tháng 3 và 4/2020 do dịch COVID-19); năm học 2020-2021: có 2.014 trẻ được uống sữa với 199.665 hộp sữa (loại 180ml) từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021.

10 MG Phước Hòa: thừa 02 phòng học (điểm lẻ thôn Chà Panh); MG Phước Thành: thừa 01 phòng học (điểm lẻ thôn Đá Ba Cái).

11 MG Hoa Đào: thừa 02 phòng học (cơ sở chính ở thôn Ú, sử dụng làm phòng làm việc của cán bộ quản lý, nhân viên, vì chưa có phòng tổ chức hành chính) và 02 phòng học (02 điểm lẻ thôn Tà Nôi và thôn Gia Hoa, diện tích phòng học chật hẹp và không có sân chơi nên sử dụng phòng học tổ chức cho trẻ học tập, vui chơi); MG Mỹ Sơn thừa 02 phòng học (02 điểm lẻ thôn Nha Húi và thôn Mỹ Hiệp).

12 MG Bắc Sơn: thừa 04 phòng học (cơ sở chính ở thôn Bỉnh Nghĩa), 02 phòng học (điểm lẻ thôn Xóm Bằng) và 01 phòng học (điểm lẻ thôn Xóm Bằng 2).

13 MG Phước Hà: thừa 01 phòng học (điểm lẻ thôn Là A), 03 phòng học (cơ sở chính ở thôn Giá) và 01 phòng học (điểm lẻ thôn Trà Nô); MG Phước Dinh: thừa 02 phòng học (cơ sở chính thôn Sơn Hải 1 + 2) và thừa 01 phòng học (điểm lẻ thôn Vĩnh Trường).

14 Thông tư số 34/2013/TT-BGDĐT ngày 17/9/2013 của Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số thiết bị quy định tại Danh mục đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ GDĐT.

15 Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành danh mục thiết bị và đồ chơi ngoài trời cho GDMN.

16 MG Phước Đại 01; MG Phước Thắng 02; MG Phước Tiến 01; MG Mỹ Sơn 01; MG Phước Thái 01; MG Phước Chiến 01; MG Công Hải 01; MG Phước Dinh 02.

17 Huyện Bác Ái: 27; huyện Ninh Sơn: 02; huyện Ninh Phước: 02; huyện Thuận Bắc: 23; huyện Thuận Nam: 03.

18 MG Phước Bình 01 phòng (thôn Bạc Rây 2), Phước Tân 01 phòng (thôn Ma Lâm), MG Phước Thành 01 phòng (thôn Ma Rớ).

19 Cuối năm 2021-2022, toàn huyện có 11,7% trẻ nhẹ cân và 16,7% trẻ thấp còi (toàn tỉnh có 5,48% trẻ nhẹ cân, thấp còi).

20 Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1376/KH-UBND

Loại văn bảnKế hoạch
Số hiệu1376/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/04/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhậtnăm ngoái
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1376/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 1376/KH-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Ninh Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 1376/KH-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Ninh Thuận
                Loại văn bảnKế hoạch
                Số hiệu1376/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Thuận
                Người kýNguyễn Long Biên
                Ngày ban hành10/04/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhậtnăm ngoái

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Kế hoạch 1376/KH-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Ninh Thuận

                            Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 1376/KH-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Ninh Thuận

                            • 10/04/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực