Nội dung toàn văn Kế hoạch 142/KH-UBND 2021 thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP tỉnh Cà Mau
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/KH-UBND | Cà Mau, ngày 08 tháng 10 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 09/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (viết tắt là Nghị quyết số 105/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh mạch, không trùng đối tượng thụ hưởng, không bỏ sót đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị:
- Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng COVID-19 được Trung ương phân bổ cho tỉnh, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, khu công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa; người làm việc tại các công trình trọng điểm của tỉnh; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.
- Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm trên tinh thần tiết kiệm hiệu quả.
b) Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương, đơn vị quan liên quan khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; thường xuyên thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch.
- Trên nền tảng công nghệ số do các cơ quan Trung ương xây dựng, triển khai việc hướng dẫn đồng bộ và thống nhất trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh,... nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan về phòng, chống dịch bệnh; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh; nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, kinh nghiệm hay gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Tăng cường truyền thông về tác dụng, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ làm việc trực tuyến, từ xa; xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc gây hoang mang trong Nhân dân theo quy định pháp luật.
c) Các sở, ngành, địa phương, đơn vị quan liên chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.
2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng
a) Sở Giao thông vận tải:
- Hướng dẫn cấp Giấy nhận diện mã QR code cho các phương tiện vận tải đường bộ tham gia hoạt động trên “luồng xanh” của đơn vị vận tải, doanh nghiệp kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh và cá nhân tham gia vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn đồng bộ và thống nhất việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
- Phối hợp với Sở Y tế rà soát, đề xuất danh sách ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thuộc đối tượng người điều khiển phương tiện và người đi theo phương tiện tham gia vận tải hàng hóa.
b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương:
- Tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo cân đối vật tư, hàng hoá quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, không để lợi dụng tăng giá.
- Tăng cường cung cấp thông tin thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các huyện, thành phố Cà Mau đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.
- Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn cho ít nhất 70 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương và các hội, hiệp hội tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh lịch thời vụ và kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế; không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, nhất là lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển sang sản xuất và phân phối các sản phẩm nông sản theo phương thức đặt hàng tương lai để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua việc tổng hợp, dự báo sản lượng, chất lượng hàng hóa và liên kết chào bán. Có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hóa trên từng lĩnh vực sản xuất cụ thể.
d) Hải quan tỉnh:
- Áp dụng Điều 50 Luật Hải quan năm 2014 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.
- Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
- Hướng dẫn các chi cục hải quan trực thuộc bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan liên tục, kịp thời, an toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, phân bón…; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhập khẩu hàng thiết yếu cho công tác phòng, chữa bệnh, thực phẩm dinh dưỡng y tế và sữa cho trẻ em.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ các mặt hàng nông, thủy sản.
e) Các sở, ngành, địa phương, đơn vị quan liên:
- Cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa bàn và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; xem xét cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch; huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.
- Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “Ba tại chỗ”,... và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa bàn, khu vực.
3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: tiếp tục đẩy nhanh, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Sở Giao thông vận tải: yêu cầu các doanh nghiệp vận tải niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
c) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để bị trục lợi chính sách.
d) Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh: khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; xem xét, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo quy định.
đ) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
e) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong phạm vi chức năng quản lý.
g) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương bình và Xã hội, địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; triển khai thực hiện chính sách tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi được các cơ quan Trung ương ban hành.
h) Liên đoàn Lao động tỉnh: đề xuất bổ sung các giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn do dịch COVID-19; xem xét miễn, giảm nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022 để người lao động có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
i) Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện về cấp giấy phép, gia hạn giấy phép lao động, xác nhận đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại tỉnh phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan Trung ương.
- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã làm thêm từ 200 đến 300/giờ phù hợp với diễn biến dịch bệnh và điều kiện của doanh nghiệp theo quy định.
- Đề xuất mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thống nhất giải pháp sau khi kiểm soát được dịch bệnh, ổn định thị trường; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, quay lại tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp, đồng thời có giải pháp tạo việc làm cho người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh.
b) Sở Y tế hướng dẫn quy trình về cách ly y tế an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác.
c) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất về quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nhà ở, lưu trú cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...
d) Công an tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an như: cắt giảm thời gian giải quyết, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tổ chức thực hiện ngoài giờ hành chính, không để tồn đọng hồ sơ quá hạn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau trong phạm vi quản lý, theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch này, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
b) Tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
c) Chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
d) Giao Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp làm đầu mối kịp thời tiếp nhận phản ảnh các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chuyển đến cấp thẩm quyền giải quyết; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao, cử cán bộ, công chức chuyên trách, chuyên nghiệp làm đầu mối để giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi nhận được phản ánh, kiến nghị.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
3. Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, liên minh hợp tác xã tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên, hộ kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nhân lực, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng quý, tổng hợp kết quả thực hiện cũng như những khó khăn vướng mắc phát sinh, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo, cơ quan cấp trên./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |