Nội dung toàn văn Kế hoạch 150/KH-UBND 2022 phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 150/KH-UBND | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” và Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố năm 2022, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; trọng tâm nội dung phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
2. Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh, bảo quản, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng tiền chất; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, không để tội phạm lợi dụng các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất... vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy và các vi phạm pháp luật khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật; chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
3. Tăng cường, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Thành phố, Hải quan, Quản lý thị trường trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn việc thực hiện quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, bảo quản, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại trong quá trình thực hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
4. Công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, khoa học, khách quan, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch thống nhất và không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
5. Quá trình thực hiện lồng ghép với việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống ma túy năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố và công tác chuyên môn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương. Kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy nói riêng.
II. NỘI DUNG
1. Công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện
- Phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 22/01/2020 và Kế hoạch số 175-KH/TU ngày 22/01/2020 của Thành ủy; Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 26/01/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố phòng, chống ma túy năm 2022.
- Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; triển khai đồng bộ các giải pháp trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
- Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập Tổ công tác liên ngành Thành phố và Quyết định số 2645/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu cấp ủy, các Sở, ngành đối với công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa
- Tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, bảng tin an ninh trật tự của các xã, phường, thị trấn…, thông tin về những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để vi phạm pháp luật, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia công tác phòng, chống ma túy.
- Phổ biến pháp luật, tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy cho cán bộ trực tiếp thực hiện của các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an Thành phố và các Sở, ngành: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan, Quản lý thị trường.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác kiểm soát tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất (điển hình như đơn vị, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chợ thuốc Hapulico...); chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm nâng cao nhận thức và năng lực phòng, chống thất thoát tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần vào sản xuất trái phép chất ma túy.
3. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, trao đổi thông tin
- Các Sở, ngành: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Thành phố, Hải quan, Quản lý thị trường thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp kiểm soát liên ngành; thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bệnh viện có hoạt động mua bán, kinh doanh, phân phối, sử dụng tiền chất; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong lĩnh vực y tế, công nghiệp.
- Các Sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong quá trình thực hiện trực tiếp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có); kịp thời trao đổi thông tin, tài liệu với đơn vị có liên quan để tiếp tục xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an các tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy trao đổi thông tin, hỗ trợ đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy; phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy xâm nhập, vận chuyển vào, qua địa bàn thành phố Hà Nội.
4. Tăng cường phối hợp, mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy nhất là hợp tác trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trọng tâm là các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, kiểm soát hàng hóa buôn lậu trong đó có tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần...
5. Quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện; tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy nói chung, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nói riêng trên địa bàn Thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an Thành phố (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố)
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố ban hành, triển khai các văn bản về công tác phòng, chống ma túy, phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nói riêng.
- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy Thành phố.
- Chủ động nắm tình hình, thực hiện công tác điều tra cơ bản lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tổ chức điều tra, xác minh, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng các loại tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện để sản xuất, điều chế ma túy theo từng đối tượng và lĩnh vực cụ thể; nâng cao nhận thức về quản lý, bảo quản, sử dụng tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố, tránh thất thoát, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng thu mua phục vụ cho mục đích sản xuất, điều chế ma túy.
- Thường xuyên phối hợp với các ngành: Y tế, Công Thương, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; rà soát, thống kê các doanh nghiệp, công ty hoạt động quốc tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, công ty vận tải có hoạt động vận chuyển hàng... phòng ngừa các hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc tân dược, thuốc thú y chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy trong xuất nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất, không để tội phạm lợi dụng chiết xuất, sản xuất ma túy; rà soát, phát hiện kịp thời các đơn vị, cá nhân trồng trái phép cây có chứa chất ma túy...
- Thực hiện nghiêm các quy định về chế độ lấy mẫu, quản lý, sử dụng và tiêu hủy các chất ma túy, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện phục vụ mục đích nghiên cứu, giám định, huấn luyện nghiệp vụ, điều tra tội phạm về ma túy. Trong quá trình điều tra, khám phá các vụ án về ma túy, nếu phát hiện các vi phạm liên quan công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy hoặc để tội phạm ma túy lợi dụng mua bán, sản xuất, chiết xuất và sử dụng các loại ma túy... kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan chức năng các giải pháp, biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị thành viên Tổ công tác liên ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của các đơn vị, cơ sở có liên quan hoạt động kiểm soát ma túy trên địa bàn Thành phố. Định kỳ tổ chức họp các Sở: Y tế, Công Thương, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm triển khai, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm đối với công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Công Thương
- Rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý các doanh nghiệp, tổ chức được Bộ Công Thương cấp phép sản xuất, mua bán, phân phối, trao đổi, kinh doanh các tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp; các công ty, doanh nghiệp có hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng tiền chất trên địa bàn Thành phố.
- Thực hiện quản lý các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi, vận chuyển, sử dụng, bảo quản, tồn trữ các loại tiền chất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật hiện hành như: hệ thống sổ sách theo dõi, phần mềm theo dõi, hóa đơn, chứng từ, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho... Kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chế độ theo dõi sổ sách, chứng từ; khuyến khích, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý riêng đối với hoạt động sản xuất, mua bán, phân phối, trao đổi, kinh doanh các tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phối hợp, tham gia kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch, chương trình công tác của Tổ công tác liên ngành Thành phố.
3. Sở Y tế
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý các Bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, Viện nghiên cứu có giường bệnh được pha chế thành phần thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất cho người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú; các Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thay thế bằng thuốc Methadone có cấp phát Methadone/Buprenorphine; các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh, nhà thuốc trên địa bàn Thành phố được phép sản xuất, mua bán, trao đổi, phân phối nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất, thuốc dạng phối hợp có thành phần thuộc Danh mục các chất ma túy và tiền chất theo các Nghị định của Chính phủ: số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và số 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy trình chuyên môn, công tác dược bệnh viện đối với Bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo phân cấp quản lý của Sở Y tế. Cấp, cấp lại, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp, cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, triển khai và giám sát công tác quản lý kinh doanh thuốc, hành nghề dược (cấp, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề dược), cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp, tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành các hoạt động hợp pháp về ma túy đối với cơ sở y tế trực thuộc, các nhà thuốc trên địa bàn khi có yêu cầu để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
4. Cục Hải quan thành phố Hà Nội
- Rà soát, thống kê, cập nhật danh sách các đơn vị, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y chứa ma túy, tiền chất trên địa bàn Thành phố. Mở hồ sơ, theo dõi, thống kê các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất và các vụ bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; hàng hóa buôn lậu bị bắt giữ và xử lý trong đó có tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
- Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả việc vận chuyển hàng hóa qua hình thức chuyển phát nhanh, vận tải quốc tế...) kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng các hoạt động này để đưa các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và ma túy vào trong Thành phố cũng như đưa ra nước ngoài bất hợp pháp; có chế tài xử lý nghiêm khắc với hành vi thiếu trách nhiệm hoặc tiếp tay, bao che trong khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức Hải quan...
- Thực hiện theo dõi thống kê, tổng hợp số liệu, lập danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả việc vận chuyển hàng hóa qua hình thức chuyển phát nhanh, vận tải quốc tế...) tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tuyên truyền cho người dân nhận biết được các loại cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca), các quy định của pháp luật nghiêm cấm trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; rà soát phát hiện kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân trồng trái phép các cây có chứa chất ma túy; quản lý chặt chẽ các cửa hàng bán thuốc thú y có chứa chất ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy theo các quy định của pháp luật và theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y.
- Tiếp tục rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý đối với các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép sản xuất, kinh doanh, pha chế, sử dụng thuốc thú y có chứa các chất ma túy; các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, các phòng khám, chữa bệnh cho thú y được cấp phép hoặc tự phát có hoạt động mua bán, sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy trên địa bàn Thành phố.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố thực hiện kiểm soát các loại thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất khi sản xuất, mua bán, phân phối, trao đổi, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật hiện hành như: hệ thống sổ sách theo dõi, hóa đơn chứng từ, phiếu xuất nhập kho... đảm bảo thực hiện đúng các quy định.
- Phối hợp, tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành các hoạt động hợp pháp về ma túy theo Kế hoạch, Chương trình của Tổ công tác liên ngành hoặc khi có yêu cầu để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
6. Cục quản lý thị trường Thành phố
- Nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ..., chủ động thông báo đến cơ quan thường trực của Tổ Công tác liên ngành khi phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến vận chuyển, lưu trữ tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, chất ma túy tại các kho hàng, bến bãi; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng có liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường theo chương trình của Tổ Công tác liên ngành.
7. Các Sở, ban, ngành Thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị và theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của đơn vị.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội
Thực hiện Quy chế phối hợp với Công an Thành phố định kỳ phát sóng Bản tin 141; mở chuyên mục riêng về phòng, chống ma túy, tăng cường tuyên truyền về các loại ma túy và tác hại, cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới liên quan các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; đồng thời nêu gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng, chống ma túy....
9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn của địa phương, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp, Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản công tác phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo Kế hoạch này.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, lựa chọn các loại hình thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đặc biệt cần quan tâm đến những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, chú trọng chỉ đạo tuyên truyền điểm với các đối tượng có nguy cơ cao như chủ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập, cơ sở y tế, nhà thuốc... có liên quan đến mua bán, vận chuyển, cấp phát chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
- Chủ động rà soát, thống kê các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn có các hoạt động liên quan tiền chất, chất gây nghiện, thuốc hướng thần...; phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị có liên quan khi có yêu cầu; theo dõi, quản lý, kịp thời phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung được phân công, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương.
2. Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo: định kỳ 06 tháng (trước ngày 17/6), 01 năm (trước ngày 17/12), kết quả thực hiện gửi Công an Thành phố (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố) tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.
3. Giao Công an Thành phố - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này. Chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá công tác triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |