Nội dung toàn văn Kế hoạch 186/KH-UBND 2019 xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch Hải Phòng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 186/KH-UBND | Hải Phòng, ngày 11 tháng 7 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05/CT-TTG NGÀY 01/03/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THEO QUY HOẠCH ĐƯỢC DUYỆT
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Nhằm quán triệt và cụ thể hóa những nội dung của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, cụ thể:
- Thực hiện và triển khai các giải pháp thiết thực để công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị đồng bộ, đảm bảo chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch để đảm bảo đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
2. Yêu cầu:
Các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI:
1. Nội dung chung:
Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo nội dung chi tiết tại mục 5 của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019, bao gồm:
- Lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị theo đúng quy định pháp luật. Lập Chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, Chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực phát triển đô thị và Ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định. Hoàn thành trước năm 2020.
- Cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị. Bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận. Từng bước thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng.
- Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế xin cho.
- Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực.
- Thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
2. Nội dung thực hiện cụ thể của các Sở, ngành, quận, huyện:
a) Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch này.
- Căn cứ chức năng quản lý, triển khai thực hiện, báo cáo các nhiệm vụ cụ thể:
+ Lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể;
+ Lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
+ Từng bước thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu;
+ Tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng;
+ Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế xin cho;
+ Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực;
+ Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị;
+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương theo quy định.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Căn cứ chức năng quản lý, triển khai thực hiện, báo cáo các nhiệm vụ cụ thể:
- Thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, làm cơ sở để phê duyệt quyết định đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của thành phố;
- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của thành phố bao gồm danh mục dự án và mức vốn cụ thể cho từng dự án nhằm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị;
- Thực hiện nghiêm việc đấu thầu dự án để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường:
Căn cứ chức năng quản lý, triển khai thực hiện, báo cáo các nhiệm vụ cụ thể:
- Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị theo đúng quy định pháp luật;
- Thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
d) Sở Giao thông Vận tải:
Căn cứ chức năng quản lý, triển khai thực hiện, báo cáo các nhiệm vụ cụ thể:
- Chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị.
- Bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận.
e) Sở Thông tin và Truyền thông:
Triển khai tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai nói chung và quán triệt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt đến các cơ quan, tổ chức, nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
f) Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
Căn cứ chức năng quản lý, triển khai thực hiện, báo cáo các nhiệm vụ cụ thể:
- Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Lập Chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực phát triển đô thị và Ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định;
- Tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng.
- Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực.
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành xây dựng các kế hoạch cụ thể của đơn vị mình cho phù hợp, sát thực tế và triển khai thực hiện nhằm đạt mục đích, yêu cầu mà kế hoạch chung đề ra.
2. Thủ trưởng các Sở, ngành và đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ gửi báo cáo 6 tháng (trước ngày 01/7) và hàng năm (trước ngày 31/12) về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Giao Sở Xây dựng là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo dõi việc thực hiện kế hoạch, tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm kết quả thực hiện và dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Xây dựng.
4. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh nội dung, các Sở, ngành, đơn vị có văn bản kịp thời gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |