Nội dung toàn văn Kế hoạch 19/KH-UBND 2017 nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng xe buýt Lào Cai 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/KH-UBND | Lào Cai, ngày 20 tháng 01 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
V/V TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Quyết định số 3446/QĐ-BGTVT ngày 04/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT Phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Đảm bảo tính kết nối của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt với các loại hình vận tải hành khách khác và các đầu mối vận tải (nhà ga, bến xe khách, khu công nghiệp, khu du lịch...). Quy hoạch phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt theo hướng mở rộng phạm vi phục vụ, đồng bộ với loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
2. Hình thành các tuyến VTHKCC bằng xe buýt để thay thế dần dần các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh. Tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đạt từ 1%-5%.
3. Phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt theo hướng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.
4. Từng bước nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt theo hướng an toàn, tiện lợi với chi phí hợp lý.
II. NỘI DUNG:
Để triển khai thực hiện tốt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
1. Mở rộng hệ thống tuyến và tăng cường khả năng tiếp cận đối với VTHKCC bằng xe buýt
a) Quy hoạch phát triển, mở rộng hệ thống tuyến VTHKCC bằng xe buýt nhằm mở rộng phạm vi phục vụ và tăng cường khả năng tiếp cận đối với nhiều người dân. Ưu tiên đầu tư các tuyến xe buýt chuyên trách phục vụ nhu cầu đi lại đặc thù (xe buýt kết nối khu công nghiệp, khu du lịch, xe buýt chuyên chở học sinh, mini buýt...).
b) Nghiên cứu thí điểm triển khai một số tuyến VTHKCC bằng xe buýt để có thể thay thế các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: TP Lào Cai - Huyện Bát Xát; TP Lào Cai - Huyện Bảo Thắng; TP Lào Cai - Huyện Bắc Hà; TP Lào Cai - Huyện Văn Bàn...
c) Nâng cao khả năng tiếp cận của mọi đối tượng hành khách (bao gồm cả người khuyết tật) tại khu vực các điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối xe buýt thông qua hệ thống giao thông ưu tiên (như: biển báo, bến, bãi trông giữ phương tiện cá nhân...).
2. Hỗ trợ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt
a) Triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt của HĐND và UBND tỉnh đã ban hành đối với các tuyến xe buýt đang được hỗ trợ. Nghiên cứu hỗ trợ đối với các tuyến xe buýt khác nhằm duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới tuyến đã có, tiến tới tăng tần suất chạy xe.
b) Trước mắt ưu tiên hỗ trợ đầu tư công nghệ trong việc triển khai hệ thống vé thông minh áp dụng cho hai tuyến xe buýt đang được trợ giá.
3. Tăng cường thông tin hoạt động VTHKCC bằng xe buýt
a) Tăng cường cung cấp, cập nhật thông tin về hoạt động VTHKCC bằng xe buýt tại các website; tại các khu dân cư, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu du lịch...
b) Nghiên cứu triển khai lắp đặt bảng điện tử cung cấp thông tin các tuyến xe buýt tại các điểm đầu cuối. Triển khai lắp biển thông tin tuyến, sơ đồ tuyến tại các nhà chờ xe buýt.
c) Khuyến khích các đơn vị vận tải xe buýt xây dựng chương trình nhận diện thương hiệu xe buýt (màu sơn phương tiện, logo, đồng phục...).
4. Nâng cao tính tiện lợi của dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt
a) Tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên VTHKCC bằng xe buýt; bố trí thời gian hoạt động của mỗi tuyến xe buýt phù hợp với tính chất hoạt động của mỗi tuyến buýt và nhu cầu đi lại của người dân theo từng khu vực.
b) Tăng số lượng nhà chờ được lắp đặt tại các điểm dừng xe buýt, ưu tiên tại các điểm dừng dọc đường Trần Hưng Đạo (thành phố Lào Cai).
c) Tăng số lượng phương tiện được trang bị hệ thống thông báo bằng âm thanh.
5. Đảm bảo tính an ninh, an toàn giao thông
Thực hiện 100% lái xe, nhân viên phục vụ, đội ngũ quản lý được đào tạo, tập huấn xử lý các tình huống phát sinh (tai nạn, sự cố kỹ thuật, phòng chống khủng bố...).
6. Tăng cường công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực
a) Áp dụng quản lý, theo dõi chất lượng VTHKCC bằng xe buýt thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại (camera, thiết bị giám sát hành trình) kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ảnh của khách hàng để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt như: lộ trình, dừng đón trả khách đúng quy định, thời gian hoạt động theo biểu đồ, chi phí, thái độ phục vụ...
b) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành VTHKCC bằng xe buýt. Tổ chức tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn của nguồn nhân lực phục vụ VTHKCC bằng xe buýt.
c) Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử, bảo quản phương tiện và thực hành tiết kiệm nhiên liệu.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông Vận tải
a) Chủ trì, phối hợp tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó có mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt, hoàn thành trong năm 2017.
b) Tăng cường công tác quản lý hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; chủ trì, phối hợp thực hiện các biện pháp để thực hiện nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt theo các giải pháp tại kế hoạch này.
c) Căn cứ điều kiện thực tế, xây dựng đề án sử dụng phương tiện đặc thù đưa vào hoạt động xe buýt đảm bảo kết nối với các đầu mối giao thông báo cáo UBND tỉnh và Bộ GTVT để xem xét, cho áp dụng. Tham gia xây dựng, điều chỉnh, bổ sung đối với các nội dung quy định về hoạt động VTHKCC bằng xe buýt theo quy định.
d) Phối hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách, hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với hành khách đi lại bằng xe buýt và đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.
đ) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn triển khai áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý tốt nguồn hỗ trợ từ ngân sách.
2. Sở Kế hoạch & Đầu tư
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, phối hợp hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển VTHKCC trên địa bàn tỉnh trong đó có quy hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có), hướng dẫn việc thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với hành khách đi lại bằng xe buýt và đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
b) Phối hợp triển khai áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt
c) Phối hợp thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển VTHKCC trong đó có VTHKCC bằng xe buýt (hoàn thành trong năm 2017).
4. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất quy hoạch điểm đỗ (điểm đầu tuyến, điểm cuối tuyến) dành cho xe buýt công cộng (hoàn thành trong năm 2017). Trong những năm tiếp theo, khi đề xuất phê duyệt đầu tư xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch phải đồng thời đầu tư hạ tầng cho xe buýt hoạt động.
5. Sở Tư pháp
Thực hiện thẩm định, tham gia ý kiến đối với các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Các sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh; UBND các Huyện, Thành phố Lào Cai và các đơn vị vận tải xe buýt căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện các giải pháp liên quan để nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nội dung kế hoạch, các sở, ngành liên quan và các địa phương phối hợp tổ chức thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |