Nội dung toàn văn Kế hoạch 202/KH-UBND 2022 phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu Kiên Giang 2021 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 202/KH-UBND | Kiên Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2021- 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị Quốc gia giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 23/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 20/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” tại tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 20/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức lập các Đề án phân loại đô thị, Chương trình phát triển từng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 23/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025;
Thực hiện Công văn số 2752/BXD-PTĐT ngày 22/7/2022; Công văn số 1862/BXD-PTĐT ngày 25/5/2021 của Bộ Xây dựng về việc triển khai Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với các nội dung sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị (PTĐT), góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế; rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị (PTĐT) trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và huyện, thành phố trong điều hành, quản lý PTĐT ứng phó với BĐKH.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị được cảnh báo có nguy cơ rủi ro cao.
- Xây dựng khung nhiệm vụ và giải pháp ứng phó thích nghi với BĐKH và nước biển dâng, hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, PTĐT toàn tỉnh.
- Đề xuất các chương trình, dự án thí điểm, dự kiến kinh phí và phân công các Sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện.
- Định hướng PTĐT tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ môi trường, quy hoạch tổng thể thích ứng thiên tai, BĐKH.
2. Phạm vi và thời gian thực hiện:
2.1. Phạm vi thực hiện kế hoạch:
Thực hiện trên hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị Quốc gia giai đoạn 2021-2030, gồm 34 đô thị. Cụ thể:
- Các đô thị từ loại I đến loại IV, gồm 14 đô thị. Cụ thể: 02 đô thị loại I là thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc, 01 đô thị loại II là thành phố Hà Tiên; 01 đô thị loại III là thị xã Kiên Lương; 10 đô thị loại IV là các thị trấn Tân Hiệp, Minh Lương, Giồng Riềng, Thứ Ba, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Sóc Sơn, Gò Quao, Thứ Mười Một, đô thị Lại Sơn;
- Các đô thị loại V, gồm 20 đô thị, gồm:
+ Giai đoạn 2021-2025: 10 đô thị loại V, gồm: Tắc Cậu, huyện Châu Thành; U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng; Thổ Chu, thành phố Phú Quốc; Thuận Hưng, huyện Giồng Riềng (xem xét chuyển đổi là đô thị Long Thạnh); Hòn Tre, An Sơn, Nam Du, huyện Kiên Hải; Xẻo Nhàu; Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành; Thứ Bảy, huyện An Biên.
+ Giai đoạn 2026-2030: 10 đô thị loại V hình thành mới, gồm: Thổ Sơn, Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất; Vĩnh Phú, huyện Giang Thành; Thạnh Đông A, Thạnh Đông, Cây Dương, huyện Tân Hiệp; Định An, huyện Gò Quao; Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận; Nhà Ngang, huyện U Minh Thượng
2.2. Thời gian thực hiện:
- Giai đoạn 2021-2025: Thực hiện tại 03 đô thị là các thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên. Ưu tiên phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện các chương trình, nhiệm vụ được giao tại Mục III Phụ lục II đối với thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên được nêu tại Phụ lục I, Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện tại 11 đô thị. Cụ thể: Các thị trấn hiện trạng gồm: Kiên Lương, Giồng Riềng, Thứ Ba, Tân Hiệp, Minh Lương, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Sóc Sơn, Gò Quao, Thứ Mười Một, đô thị Lại Sơn.
- Giai đoạn sau năm 2030: Mở rộng phạm vi áp dụng các đô thị toàn tỉnh.
3. Các nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị (gọi tắt là Atlas đô thị và khí hậu).
3.2. Tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch PTĐT; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực PTĐT có khả năng chịu tác động từ BĐKH.
3.3. Rà soát, áp dụng bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH.
3.4. Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.
3.5. Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, PTĐT ứng phó với BĐKH. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của BĐKH tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.
3.6. Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm PTĐT tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với BĐKH; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.
4. Sản phẩm của kế hoạch
Gồm có 06 sản phẩm chính như sau:
4.1. Hình thành cơ sở dữ liệu cảnh báo rủi ro đô thị; Atlas đô thị và khí hậu tại các đô thị.
4.2. Triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch và PTĐT; lồng ghép các hướng dẫn và nội dung quản lý rủi ro, ngập úng trong PTĐT.
4.3. Các định hướng, quy hoạch (quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch đô thị), chương trình PTĐT đã được điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó với BĐKH và có giải pháp kiểm soát PTĐT.
4.4. Các chỉ tiêu xác định các khu vực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo tại các đô thị ứng phó với BĐKH làm cơ sở đầu tư xây dựng hiệu quả.
4.5. Áp dụng bổ sung hệ thống các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và PTĐT tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với BĐKH; cập nhật, vận hành và đánh giá rủi ro trên nền dữ liệu Atlas đô thị và khí hậu; cao năng lực quản lý rủi ro, ứng phó với BĐKH.
4.6. Hợp tác quốc tế nghiên cứu, thí điểm một số chương trình, dự án thí điểm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm PTĐT tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với BĐKH; thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia ứng phó với BĐKH.
5. Kinh phí thực hiện
5.1. Kinh phí từ nguồn ngân sách (bao gồm vốn đầu tư phát triển, nguồn chi thường xuyên) theo phân cấp, quy định về ngân sách Nhà nước, về đầu tư công và các quy định có liên quan; lồng ghép trong các chương trình, dự án; nguồn đóng góp và tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
5.2. Khuyến khích huy động vốn từ hợp tác quốc tế, vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án thí điểm.
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Sở Xây dựng:
- Triển khai, đánh giá kết quả giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở quyết định việc triển khai giai đoạn tiếp theo đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Tổng hợp báo cáo kết quả trước ngày 15/12 hàng năm và dự kiến kế hoạch năm tiếp để UBND tỉnh gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas đô thị và khí hậu.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tổng hợp kế hoạch, nguồn vốn, sắp xếp, phân kỳ đầu tư hàng năm cho các chương trình, dự án.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực, nghiệp vụ tư vấn, quản lý PTĐT ứng phó với BĐKH.
- Tổ chức chuyển giao các kết quả, hướng dẫn kỹ thuật và các quy định pháp luật mới về PTĐT ứng phó với BĐKH; hình thành đầu mối quản lý PTĐT.
6.2. Các Sở, ban ngành cấp tỉnh:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và đúng quy định của pháp luật; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch này.
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ: Tư vấn, cung cấp thông tin, dữ liệu, bản đồ, kịch bản BĐKH quốc gia; lồng ghép Kế hoạch này vào chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; bổ sung danh mục các nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗ trợ phục vụ Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các Sở, ngành và UBND huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, chương trình nêu tại Kế hoạch này.
- Các Sở, ngành liên quan khác: Tham gia thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch được phân công; tư vấn, cung cấp thông tin, dữ liệu và lồng ghép các nhiệm vụ, hoạt động liên quan của Sở, ngành mình vào các hoạt động của Kế hoạch.
6.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Phân công đơn vị đầu mối chủ trì triển khai Kế hoạch và và báo cáo định kỳ hàng năm với Sở Xây dựng.
- Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn nghiên cứu khoa học và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai Kế hoạch này.
- Chủ động rà soát quy hoạch và thực tế PTĐT và các điểm dân cư, xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng của BĐKH.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas đô thị và khí hậu.
Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung không phù hợp, vướng mắc, phát sinh; các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố đề xuất ý kiến đến Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp, triển khai tốt Kế hoạch nêu trên./.
| KT. CHỦ TỊCH |