Văn bản khác 2347/KH-UBND

Nội dung toàn văn Kế hoạch 2347/KH-UBND 2022 tiêm chủng vắc xin COVID19 từ 5 đến dưới 12 tuổi Quảng Nam


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2347/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO ĐỐI TƯỢNG TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em;

- Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

- Công điện số 1675/CĐ-BYT ngày 22/10/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19;

- Công văn số 1535/BYT-DP ngày 28/3/2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em;

- Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Kế hoạch số 4568/KH-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh năm 2021-2022.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ động bằng việc sử dụng vắc xin cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đảm bảo trên 90% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên quy mô xã, phường, thị trấn.

b) Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

c) Đảm bảo phòng lây nhiễm bệnh COVID-19 trong quá trình tiêm chủng.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN TRIỂN KHAI

1. Phạm vi triển khai

Toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng tiêm chủng

Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (là trẻ đủ 5 tuổi đến đủ 11 tuổi 11 tháng 29 ngày tính từ ngày sinh đến ngày tiêm chủng) bao gồm: Trẻ em đi học tại các trường học và trẻ em không đi học, có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Bảng 1. Dự kiến phạm vi, số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2022

STT

Huyện

Số đối tượng
(Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi)

1

Tam Kỳ

14.100

2

Phú Ninh

8.910

3

Điện Bàn

21.725

4

Hội An

9.194

5

Duy Xuyên

12.583

6

Thăng Bình

16.092

7

Đại Lộc

13.237

8

Quế Sơn

6.921

9

Núi Thành

16.673

10

Hiệp Đức

3.951

11

Tiên Phước

8.531

12

Đông Giang

3.674

13

Tây Giang

2.516

14

Nam Giang

4.009

15

Bắc Trà My

7.038

16

Nam Trà My

4.684

17

Phước Sơn

4.265

18

Nông Sơn

3.151

Tổng

161.254

3. Địa điểm triển khai

a) Tổ chức các địa điểm tiêm chủng tại từng điểm trường Tiểu học, trường Mẫu giáo. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức điểm tiêm tại các trường Tiểu học, Mẫu giáo trên địa bàn, có thể tổ chức nhiều điểm tiêm chủng trong một buổi.

b) Ngoài các điểm tiêm chủng như trên, có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng trước đây tại các TTYT các huyện, thị xã, thành phố hoặc tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn cho các trường hợp tiêm chủng trong Kế hoạch này nhưng không đi học.

4. Thời gian dự kiến triển khai

Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, triển khai ngay sau khi nhận vắc xin, dự kiến thời gian triển khai trong quý II năm 2022.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Rà soát, lập danh sách đối tượng

- Trẻ đi học: Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì lập danh sách tất cả các đối tượng đang theo học tại các trường Tiểu học, Mẫu giáo trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi công lập và ngoài công lập do đơn vị quản lý.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo TTYT và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát và lập danh sách các đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi đang học tập và sinh sống tại địa phương.

- Trẻ không đi học: Cán bộ Y tế phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách các khu vực dân cư, chú ý khu công nghiệp/cụm dân cư giáp ranh. Lập danh sách trẻ trong cộng đồng theo thôn/bản, đưa vào danh sách cả trẻ vãng lai, trẻ lang thang cơ nhỡ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng.

- Rà soát, kiểm chứng lại số liệu điều tra với các nguồn quản lý đối tượng có sẵn tại Trạm Y tế, công an xã/phường….cập nhật thông tin đối tượng chuyển đến, chuyển đi vào danh sách khi có sự thay đổi.

- Hướng dẫn cha/mẹ/phụ huynh/người giám hộ đọc kỹ thông tin dành cho các bậc cha mẹ và ký vào Phiếu đồng ý tiêm chủng và chủ động thông báo cho giáo viên, cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ như: đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh, đặc biệt có phản ứng mạnh với vắc xin phòng COVID-19 ở lần tiêm chủng trước như phản ứng phản vệ, sốt cao,...

- Thời gian thực hiện: 03 – 05 ngày trước khi triển khai tiêm chủng.

2. Thông tin vắc xin sử dụng, tiếp nhận, cấp phát và phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng

a) Thông tin về vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer - BioNTech

* Tên vắc xin:

- Comirnaty;

- Tên khác: Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/03/2022;

- Vắc xin Comirnaty sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên (không sử dụng vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi).

Lưu ý: Để tránh nhầm lẫn với vắc xin dùng cho người lớn, lọ vắc xin Comirnaty cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam.

* Dạng vắc xin:

- Vắc xin dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, đóng lọ 1,3 ml tương đương 10 liều vắc xin sau pha loãng với 1,3 ml dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. (NaCl 9‰)

- Mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg vắc xin mRNA COVID-19.

* Quy cách đóng gói:

- 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều, hoặc

- 1 hộp chứa 10 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều.

* Bảo quản và hạn dùng

- Bảo quản ở nhiệt độ âm sâu từ -90°C đến -60°C. HSD 9 tháng kể từ ngày sản xuất;

- Bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C sử dụng tối đa 10 tuần;

- Vắc xin đã rã đông không được bảo quản trở lại nhiệt độ âm.

* Lịch tiêm chủng:

- Vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech được chỉ định tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi;

- Đường tiêm: tiêm bắp;

- Liều lượng: 0,2 ml;

- Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 4 tuần.

* Phản ứng sau tiêm chủng:

- Phản ứng rất phổ biến (≥10%): Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm;

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5-11 tuổi là tại vị trí tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%).

- Phản ứng thường gặp (từ 1/100 đến dưới 1/10): Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;

- Ít gặp (≥1/1.000 đến ˂1/100): Nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;

- Rất hiếm gặp (<1/10.000): Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

b) Thông tin về vắc xin Moderna sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi

* Tên vắc xin:

- Spikevax;

- Tên khác: Moderna COVID-19 Vaccine, được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Vắc xin Moderna sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cùng loại vắc xin sử dụng cho người lớn, tuy nhiên liều sử dụng cho trẻ em bằng 1/2 liều cơ bản sử dụng cho người lớn.

* Dạng vắc xin:

- Vắc xin Spikevax có dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà;

- Liều cho trẻ em 0,25ml chứa 50mcg vắc xin COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid).

- Vắc xin đóng lọ nhiều liều: Lọ 10 liều mỗi liều 0,5ml tương đương với 20 liều mỗi liều 0,25ml.

* Bảo quản, hạn dùng:

- Bảo quản nhiệt độ -25°C đến -15°C, hạn sử dụng 9 tháng kể từ ngày sản xuất

- Bảo quản nhiệt độ nhiệt độ +2°C đến +8°C, sử dụng tối đa 30 ngày.

* Lịch tiêm chủng:

- Vắc xin Spikevax được chỉ định tiêm phòng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi;

- Đường tiêm: tiêm bắp;

- Liều lượng: 0,25 ml;

- Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 28 ngày.

* Phản ứng sau tiêm chủng:

- Phản ứng rất phổ biến (≥10%): Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27,0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

- Phản ứng thường gặp (từ 1/100 đến dưới 1/10): Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;

- Ít gặp (≥1/1.000 đến ˂1/100): Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm;

- Rất hiếm gặp (<1/10.000): Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

b) Tổ chức tiếp nhận, cấp phát và phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Vắc xin sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng là vắc xin được Bộ Y tế được cấp phép sử dụng và phân bổ về tỉnh Quảng Nam.

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin từ Viện VSDT/Viện Pasteurs cung cấp; phối hợp với đơn vị của Quân khu 5 trực thuộc Bộ Quốc phòng phân bổ, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng cho TTYT tuyến huyện.

- Các đơn vị của Quân khu 5 trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển vắc xin và vật tư tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

- TTYT tuyến huyện tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng từ tuyến trên cung cấp; sau đó, cấp phát ngay vắc xin cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn theo kế hoạch.

3. Tổ chức đào tạo, tập huấn

Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ y tế tại TTYT huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế/Phòng Nghiệp vụ y, Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, lãnh đạo TTYT huyện, thị xã, thành phố và đại diện của bệnh viện trong công tác xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

Nội dung:

- Mục đích, yêu cầu, đối tượng tiêm chủng;

- Hướng dẫn điều tra, lập danh sách trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi theo trường học và trẻ tại cộng đồng;

- Truyền thông, thông báo tới các bậc cha mẹ;

- Bố trí điểm tiêm chủng phù hợp - Thực hành tiêm chủng an toàn: thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm chủng đối với nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi;

- Các biểu mẫu ghi chép, báo cáo chiến dịch;

- Các yêu cầu và kế hoạch kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

4. Tổ chức tiêm chủng

a) Hình thức tiêm chủng

Tổ chức theo hình thức chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.

Triển khai các điểm tiêm tại từng điểm trường Tiểu học, Mẫu giáo: tiêm cho các đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi đang đi học.

Tổ chức các điểm tiêm chủng tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn: tiêm cho các đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi nhưng không đi học.

Tổ chức các điểm tiêm chủng tại các TTYT huyện, thị xã, thành phố, các bệnh viện trên địa bàn: tiêm cho các đối tượng không đủ điều kiện tiêm chủng tại các điểm tiêm ở trường học và Trạm Y tế.

Bố trí các điểm tiêm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, an toàn cho nhân viên y tế và người đến tiêm, tuân thủ theo các nội dung tại

Công văn số 2251/BYT-DP ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.

Các cơ sở tiêm chủng hoàn thiện báo cáo tiêm chủng hằng ngày, báo cáo định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

b) Tổ chức tiêm chủng: Thực hiện theo đúng Quyết định số 3588/QĐ- BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Quyết định số 43/QĐ-BYT ngày 07/1/2022 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

+ Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn tại Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019, Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

+ Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế

* Lưu ý: Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu gửi kèm cho cha/mẹ/người giám hộ của trẻ xác nhận đồng ý trước khi thực hiện tiêm chủng.

c) Giám sát và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng

- Tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ về những bất lợi có thể gặp trong quá trình tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh các cách theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng: Thành lập các tổ, đội tiến hành theo dõi phản ứng, cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng, giám sát chủ động các sự cố bất lợi sau tiêm chủng đặc biệt đối với những điểm tiêm lưu động và theo quy định Bộ Y tế. Khi có xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo quy định.

5. Truyền thông

Truyền thông cần được thực hiện trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng để đảm bảo các bậc cha mẹ biết cụ thể về ý nghĩa, sự cần thiết của việc tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng trẻ em, tính an toàn của vắc xin, các phản ứng sau tiêm có thể gặp và cách xử trí, địa điểm và ngày giờ được tổ chức ở địa phương.

Nên áp dụng nhiều hình thức và phương tiện truyền thông đa dạng như các bài đăng trên báo địa phương, hệ thống loa truyền thanh của xã/ phường, trang mạng xã hội (zalo, facebook...) của trường học, TYT, TTYT.... và truyền thông trực tiếp hộ gia đình khi tiến hành điều tra, đăng ký và phát giấy mời tiêm cho các đối tượng.

Thông báo cho các thầy cô giáo về công tác tổ chức triển khai, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và liên hệ với cán bộ y tế khi cần thiết.

Phối hợp với nhà trường/các thầy cô giáo trong truyền thông cho các bậc phụ huynh. Giấy mời hay thông báo gửi đến các bậc cha mẹ/phụ huynh/người giám hộ gồm các thông tin cơ bản về tiêm chủng (loại vắc xin, phản ứng sau tiêm...), địa điểm và thời gian tiêm chủng trong chiến dịch.

Trong thời gian triển khai tại các điểm tiêm chủng nên có băng rôn, khẩu hiệu để giúp mọi người có thể dễ dàng nhận biết thông tin về chiến dịch. Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh cần được duy trì liên tục trong suốt thời gian chiến dịch.

Huy động xã hội bao gồm việc hỗ trợ nguồn lực, nhân lực của các Ban, ngành đoàn thể xã hội và đặc biệt là các bậc cha mẹ, gia đình để đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, tổ chức điểm tiêm chủng, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch.

Khuyến khích sự tham gia của các bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong quá trình triển khai chiến dịch.

6. Kiểm tra, giám sát và báo cáo các hoạt động tiêm chủng

a) Kiểm tra trước, trong và sau chiến dịch: Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

b) Báo cáo kết quả tiêm chủng hằng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch, tình hình sử dụng vắc xin: các cơ sở tiêm chủng, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

7. Quản lý bơm kim tiêm, vỏ lọ vắc xin và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Công văn số 5679/BYT- MT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục quản lý xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19 và Công văn số 1321/SYT-NVY ngày 22/7/2021 của Sở Y tế về việc quản lý, xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

8. Cập nhật dữ liệu Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

- Trong quá trình tiêm chủng, tổ (đội) công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19 thực hiện cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên Hệ thống Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại đường link https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn.

- Cuối mỗi buổi tiêm, tổ công nghệ thông tin phối hợp với ngành Y tế rà soát lại số lượng tiêm và số hồ sơ cập nhật lên Hệ thống để cập nhật, bổ sung, đảm bảo 100% các mũi tiêm được thực hiện trong ngày được cập nhật kịp thời lên Hệ thống

V. NGUỒN KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí Trung ương; nguồn kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

2. Nội dung và mức chi: Thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

- Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không được để lãng phí bất cứ nguồn vắc xin nào.

- Chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải... phối hợp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

- Chỉ đạo các Tiểu ban và Văn phòng thường trực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1917/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh.

2. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan hướng dẫn và triển khai Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị tiêm chủng:

+ Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến để đảm bảo công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.

+ Dự trù vật tư, trang thiết bị…phục vụ công tác tiêm chủng.

+ Chỉ đạo các Bệnh viện và các điểm tiêm thống nhất phương án bố trí trang thiết bị, máy móc, thuốc… phục vụ công tác hồi sức cấp cứu tại các địa điểm tiêm.

+ Chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai.

+ Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và thực hiện báo cáo theo quy định.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách toàn bộ học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; vận động cha mẹ, người giám hộ đồng ý để học sinh được tiêm vắc xin;

- Phối hợp ngành y tế chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất nhân lực hỗ trợ công tác tiêm chủng cho học sinh an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện

- Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiếp nhận khi Quân khu 5 bàn giao và bảo quản tại kho do Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) quản lý hoặc các địa điểm huy động khi cần thiết.

- Chỉ đạo tổ chức vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 từ các địa điểm bảo quản đến các địa điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về quản lý vắc xin.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử Quảng Nam: thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, sức khỏe về sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác truyền thông về COVID-19.

6. Sở Tài chính: cân đối nguồn kinh phí; thẩm định dự toán, đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin theo chiến dịch này.

7. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Trưởng Ban chỉ đạo cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện tiêm vắc xin tại địa phương mình.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (quân sự, công an, giáo dục...) cử cán bộ phối hợp với ngành y tế tham gia việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Huy động lực lượng và đảm bảo máy tính, mạng internet cho việc nhập liệu tại điểm tiêm chủng.

- Chịu trách nhiệm quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền tới người dân về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của tiêm vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng bằng nhiều hình thức. Trong đó tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, bố trí cán bộ thực hiện tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cha mẹ/người giám hộ, đối tượng tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng khi đến lượt.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các đơn vị trên địa bàn mình phụ trách.

- Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường: chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom, xử lý rác thải phát sinh tại các điểm tiêm chủng trong thời gian diễn ra chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

9. Đơn vị Viettel Quảng Nam

- Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương đưa sử dụng “Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19” vào triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến áp dụng “Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19” vào công tác quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi của UBND tỉnh Quảng Nam. Yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH Q.Nam;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX (Hạnh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

MẪU PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19

PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19

1. Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc COVID-19. Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.

2. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ…hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và:

Đồng ý cho trẻ tiêm chủng □                 Không đồng ý cho trẻ tiêm chủng □

Họ tên cha/mẹ hoặc người giám hộ: .................................................................

Số điện thoại: ..................................................................................................

Họ tên trẻ được tiêm chủng:.............................................................................

 

 

........, ngày......tháng……..năm 202…
Cha/mẹ hoặc người giám hộ
(Ký, ghi họ tên)


 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2347/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu2347/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành18/04/2022
Ngày hiệu lực18/04/2022
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật2 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2347/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 2347/KH-UBND 2022 tiêm chủng vắc xin COVID19 từ 5 đến dưới 12 tuổi Quảng Nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 2347/KH-UBND 2022 tiêm chủng vắc xin COVID19 từ 5 đến dưới 12 tuổi Quảng Nam
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu2347/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Nam
                Người kýTrần Văn Tân
                Ngày ban hành18/04/2022
                Ngày hiệu lực18/04/2022
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật2 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Kế hoạch 2347/KH-UBND 2022 tiêm chủng vắc xin COVID19 từ 5 đến dưới 12 tuổi Quảng Nam

                            Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 2347/KH-UBND 2022 tiêm chủng vắc xin COVID19 từ 5 đến dưới 12 tuổi Quảng Nam

                            • 18/04/2022

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 18/04/2022

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực