Nội dung toàn văn Kế hoạch 305/KH-BYT quy chế dân chủ quy tắc ứng xử của cán bộ công ngành y tế
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 305/KH-BYT | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2011 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ, QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH Y TẾ
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ chính trị về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; Quyết định số 29/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế (gọi tắt là Quy tắc ứng xử); Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử tại các đơn vị trong ngành Y tế năm 2011 và những năm tiếp theo, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế nhằm phổ biến đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về những nội dung cơ bản của Quy chế dân chủ ở cơ sở, của Quy tắc ứng xử đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị trong ngành Y tế.
- Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn hóa, đoàn kết, thống nhất tại các đơn vị trong ngành.
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thái độ, tác phong, lề lối làm việc, đảm bảo công khai, minh bạch, hành vi ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức y tế trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ngăn ngừa phòng chống tham nhũng lãng phí; góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế và xây dựng đơn vị phát triển.
2. Yêu cầu:
- 100% các đơn vị trong ngành Y tế xây dựng, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị y tế từ Trung ương đến địa phương được quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm những quy định trong Quy tắc ứng xử về những việc cán bộ, công chức, viên chức được làm và không được làm.
- Việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử phải được duy trì thành nền nếp, thường xuyên, liên tục gắn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; cách thức tổ chức triển khai phải phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Các đơn vị báo cáo Cấp ủy cấp trên trực tiếp, thành lập, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị (tùy theo sự chỉ đạo của Cấp ủy cấp trên, có thể lồng ghép Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy tắc ứng xử hoặc thành lập riêng) do đồng chí Bí thư Cấp ủy làm trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn làm phó trưởng ban thường trực, thành viên là đại diện các phòng, ban, bộ phận, lãnh đạo các tổ chức quần chúng. Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ các thành viên, xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch công tác cụ thể trong từng năm.
2. Về Quy chế dân chủ:
2.1. Tổ chức tuyên truyền giáo dục, học tập, quán triệt các văn bản pháp quy về dân chủ, công khai, minh bạch. Kết hợp thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành, gắn với việc thực hiện nghiêm túc Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn và các đoàn thể quần chúng khác trong việc thực hiện Quy chế dân chủ.
2.2. Chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của mỗi đơn vị y tế, trên cơ sở của Nghị định 71/1999/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ (QCTHDC) trong hoạt động của cơ quan. Công tác tổ chức thực hiện cần bám sát nội dung các văn bản liên quan đến từng lĩnh vực công tác, như:
- Tại Cơ quan Bộ Y tế: Quy chế dân chủ ban hành kèm theo Quyết định số 3452/QĐ-BYT ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Tại các bệnh viện, đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh: Quy chế thực hiện dân chủ trong các bệnh viện công lập ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Đối với hệ thống các Viện nghiên cứu: Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan khoa học và công nghệ, ban hành kèm theo Quyết định số 2265/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cũ);
- Đối với hệ thống học viện, nhà trường: Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường ban hành kèm Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đối với các báo, tạp chí thuộc Bộ Y tế: Căn cứ Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan sự nghiệp Văn hóa - Thông tin ban hành kèm theo Quyết định số 56/1999/QĐ-BVHTT ngày 14 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ);
- Đối với các doanh nghiệp, công ty thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam và Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam:
+ Thực hiện QCTHDC ở Doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/2/1999;
+ Các đơn vị doanh nghiệp đã được cổ phần hóa: Tổ chức chỉ đạo và quán triệt Nghị định 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
3. Về Quy tắc ứng xử:
- Tiếp tục tổ chức học tập nghiêm túc các nội dung của Quy tắc ứng xử được ban hành kèm theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, từ Trung ương đến địa phương:
+ Quyết định số 5303/QĐ-BYT ngày 31/12/2009 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của công chức cơ quan Bộ Y tế;
+ Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và Kế hoạch 1175/KH-BYT ngày 10/11/2008;
- Kết hợp xây dựng tiêu chí thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với vận động cán bộ, viên chức viết bản cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử.
4. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng: Báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, bản tin nội bộ về nội dung của Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.
- Phổ biến lồng ghép trong các buổi hội, họp như: Hội nghị, hội thảo, hội nghị cán bộ, viên chức, sinh hoạt khoa, phòng, ban.
- Sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật để ca ngợi những điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử; phê phán những hành vi, thái độ không phù hợp với những nội dung quy định trong Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.
- Niêm yết công khai những nội dung quy định trong Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử tại những nơi dễ nhìn thấy, nơi nhiều người qua lại, phù hợp với từng loại hình đơn vị sự nghiệp y tế.
5. 100% các đơn vị trong ngành Y tế hàng năm tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định tại Thông tư số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐVN ngày 04/12/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và nội dung hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan, Thông tư số 01/2005/TLĐLĐVN-BLĐTBXH ngày 16/5/2005 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức và hoạt động Đại hội công nhân viên chức trong các công ty nhà nước.
- Phát động các phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy kết hợp với các phong trào thi đua khác trong toàn ngành, trong đơn vị. Kiểm tra đánh giá phong trào thi đua yêu nước, thực hiện kế hoạch công tác y tế hằng năm với việc kiểm tra triển khai thực hiện Quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức vào dịp cuối năm
- Xây dựng tiêu chí đánh giá và xét danh hiệu thi đua, khen thưởng phải có tiêu chí về kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
- Ban Thanh tra nhân dân, công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức quần chúng trong các đơn vị là lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.
6. Tổ chức Hội thi “Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử” trong cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.
- Tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết nêu gương những tấm gương người tốt, việc tốt; khen thưởng kịp thời cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử; kiên quyết xử lý những cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử trái với Quy tắc ứng xử hoặc cố tình vi phạm.
7. Đặc biệt, đối với các đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh: Cùng với việc triển khai các giải pháp đồng bộ khác, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Quy chế thực hiện dân chủ trong các bệnh viện công lập, Quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
- Triển khai Đề án “Xây dựng mô hình điểm về thực hiện Quy tắc ứng xử và Giảm tình trạng quá tải bệnh viện”, tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các đơn vị khác trong ngành.
8. Củng cố, duy trì phòng tiếp công dân; xây dựng, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống đường dây nóng, hộp thư góp ý của nhân dân, thông báo công khai số máy di động của lãnh đạo khoa, phòng, ban, của đơn vị và của các cấp có thẩm quyền. Kịp thời xử lý các đơn thư kiến nghị, khiếu nại theo thẩm quyền, tránh để tồn đọng, kéo dài.
9. Hằng năm, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp triển khai nội dung của Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.
Năm 2011, Bộ y tế tổ chức tập huấn vào quý II, tại miền Trung.
10. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo ngành Y tế thường xuyên kiểm tra các đơn vị theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất.
- Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, đánh giá kết quả đạt được; xây dựng nội dung chương trình kế hoạch năm tiếp theo và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) vào trước ngày 25/10 hằng năm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế là cơ quan thường trực, làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy các cấp tại địa phương, đơn vị và các đơn vị có liên quan, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả việc triển khai thực hiện kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử ngành Y tế.
2. Các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cơ quan đại diện Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tại đơn vị và thường xuyên đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tại các địa phương, đơn vị theo từng lĩnh vực công tác thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương làm đầu mối, phối hợp Báo Sức khỏe và Đời sống chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trong toàn ngành triển khai tốt công tác tuyên truyền thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.
4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức Y tế các bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp, phối hợp với Cấp ủy địa phương, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng mục tiêu của Ban Chỉ đạo ngành Y tế.
5. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, báo cáo Cấp ủy cấp trên trực tiếp, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ từng lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
6. Bộ Y tế - Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp tổ chức, hướng dẫn công đoàn các đơn vị cùng với chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử và các nội dung trong kế hoạch, đặc biệt là công tác tổ chức Hội thi “Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử” trong cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế và Đề án “Xây dựng mô hình điểm về thực hiện Quy tắc ứng xử và Giảm tình trạng quá tải bệnh viện”.
7. Kinh phí:
- Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ dự toán và tìm nguồn kinh phí phục vụ công tác tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trong năm 2011 và những năm tiếp theo.
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, dự toán kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch về Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử trong năm 2011 và những năm tiếp theo, báo cáo Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.
- Các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết theo đặc điểm tình hình và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, báo cáo cấp có thẩm quyền, dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |