Nội dung toàn văn Kế hoạch 31/KH-BCĐTKLPCTN tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng 2016
BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PCTN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/KH-BCĐTKLPCTN | Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Ban Chỉ đạo tổng kết ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Tổ chức Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá tình hình, kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng hiện nay và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện căn bản hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác PCTN giai đoạn 2016-2020.
- Thông qua việc tổ chức Hội nghị tổng kết để tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong PCTN, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN và những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác PCTN; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN 10 năm qua, tạo động lực mới để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn xã hội trong công tác PCTN.
2. Yêu cầu
Việc tổ chức Hội nghị tổng kết phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, đạt được mục đích đã đề ra và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, chính trị.
II. NỘI DUNG CHUẨN BỊ HỘI NGHỊ
1. Chủ trì hội nghị: Thủ tướng Chính phủ
2. Đại biểu:
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo Thanh tra các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cá nhân điển hình, xuất sắc trong PCTN và Ban Tổ chức Hội nghị.
3. Khách mời:
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban và các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
4. Thời gian, địa điểm:
- Thời gian tổ chức Hội nghị: 01 buổi sáng, trong khoảng thời gian từ ngày 20-30/4/2016;
- Địa điểm: Hội trường Bộ Quốc phòng.
5. Chương trình:
- Phát biểu khai mạc Hội nghị: Thủ tướng Chính phủ.
- Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020: Tổng Thanh tra Chính phủ.
- Báo cáo tham luận của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan (6 tham luận): Ban Nội chính Trung ương; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tài chính; UBND TP Hồ Chí Minh; UBND tỉnh Quảng Ninh và Trung ương Hội Cựu chiến binh.
- Báo cáo đánh giá công tác tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết.
- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN và trong việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.
- Phát biểu bế mạc Hội nghị: Thủ tướng Chính phủ.
6. Các hoạt động truyền thông:
- Họp báo trước và sau Hội nghị để tuyên truyền, thông báo kết quả Hội nghị và kết quả thực hiện Luật PCTN (đưa nội dung vào họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ);
- Tổ chức giao lưu với gương điển hình tiên tiến về PCTN trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (nếu có cá nhân được tặng Huân chương dũng cảm hoặc Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong việc tố giác hành vi tham nhũng);
- Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, chiếu phim tư liệu, đưa tin về công tác PCTN và kết quả tổng kết.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN
Chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị, phát hành giấy mời, xét duyệt các tài liệu Hội nghị; thông báo, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chuẩn bị tham luận.
2. Thanh tra Chính phủ:
- Là Cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này; chủ trì chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá công tác tổng kết, báo cáo tổng hợp kết quả biểu dương, khen thưởng; tổng hợp các trường hợp bộ, ngành, địa phương, cơ quan gửi đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân qua Ban Chỉ đạo tổng kết để gửi, đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xem xét, trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.
- Chủ trì chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị và công tác lễ tân, khánh tiết;
- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.
3. Văn phòng Chính phủ
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ chuẩn bị phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị và theo dõi việc thực hiện Kế hoạch này.
4. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương)
Xét duyệt hồ sơ do các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo tổng kết gửi đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTN, trình cấp có thẩm quyền khen thưởng (xong trước ngày 15/4/2016) để kịp thời khen thưởng, biểu dương trong Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.
5. Bộ Tài chính
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ để bố trí kinh phí cho việc tổ chức Hội nghị.
6. Bộ Công an
Chủ trì các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho Hội nghị.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền về PCTN, các gương điển hình tiên tiến và các hoạt động của Hội nghị.
- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài quan tâm tăng cường tuyên truyền, đưa tin trước, trong và sau Hội nghị.
8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam
Tổ chức đưa tin về Hội nghị; tổ chức các chương trình giao lưu với gương điển hình tiên tiến về PCTN.
9. Các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Cử đại biểu tham dự Hội nghị đúng thành phần; chuẩn bị tham luận theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tổng kết./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN |