Nội dung toàn văn Kế hoạch 3184/KH-BLĐTBXH 2017 thực hiện 668/QĐ-TTg xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3184/KH-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KHUYẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN VỀ XÓA BỎ MỌI HÌNH THỨC PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI PHỤ NỮ CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Thực hiện Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch triển khai với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Xác định vai trò, trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (sau đây gọi tắt là Công ước CEDAW) và triển khai Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc (sau đây gọi là Ủy ban CEDAW).
2. Tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động trong Kế hoạch được đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định chính sách về cấm phân biệt đối xử trong Bộ Luật Lao động nhằm phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới.
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế
Đơn vị phối hợp: Vụ Bình đẳng giới, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và các đơn vị có liên quan.
Kết quả dự kiến: Báo cáo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số điều của Bộ Luật Lao động
Thời hạn hoàn thành: 2019.
2. Tăng cường thanh tra và kiểm tra về tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lao động việc làm.
Đơn vị chủ trì: Thanh tra Bộ
Đơn vị phối hợp: Văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo thực hiện pháp luật về lao động việc làm đảm bảo nguyên tắc CEDAW.
Thời hạn hoàn thành: Hàng năm.
3. Nghiên cứu, đề xuất về luật pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống trợ giúp xã hội cho phụ nữ.
Đơn vị chủ trì: Cục Bảo trợ xã hội
Đơn vị phối hợp: Vụ Bình đẳng giới, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo đánh giá tác động giới trong trợ giúp xã hội.
Thời hạn hoàn thành: 2020.
4. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các tổ chức và người dân về Hiến pháp, Công ước CEDAW và luật pháp chính sách về bình đẳng giới, bằng các hình thức phù hợp và đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan truyền thông.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bình đẳng giới
Đơn vị phối hợp: Báo Lao động và Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Trung tâm Thông tin và các đơn vị có liên quan khác
Kết quả hoạt động: số lượng các chương trình truyền thông và tài liệu tập huấn, tuyên truyền được phát hành; số lượng người tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về CEDAW và luật pháp chính sách về bình đẳng giới.
Thời hạn hoàn thành: Hàng năm.
5. Tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới trong lao động việc làm và hướng tới tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong giáo dục nghề nghiệp.
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Đơn vị phối hợp: Vụ Bình đẳng giới và các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo tình hình thực hiện lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp thông qua kết quả tỷ lệ nữ tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Thời hạn hoàn thành: 2020.
6. Nghiên cứu và xem xét khả năng phê chuẩn Nghị định thư không bắt buộc và sửa đổi Điều 20 của CEDAW và các Công ước quốc tế có liên quan.
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế
Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Bình đẳng giới, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo nghiên cứu, đề xuất về khả năng tham gia Nghị định thư không bắt buộc và sửa đổi Điều 20 của CEDAW và các Công ước có liên quan.
Thời hạn hoàn thành: 2019.
7. Xây dựng Báo cáo giữa kỳ vào năm 2017 và Báo cáo định kỳ lần thứ 9 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW trước tháng 7 năm 2019
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế
Đơn vị phối hợp: Vụ Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo giữa kỳ và báo cáo định kỳ thực hiện CEDAW tại Việt Nam.
Thời hạn hoàn thành: 2017 và 2019.
8. Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về triển khai Kế hoạch thực hiện khuyến nghị của Ủy ban CEDAW trước ngày 1/12 hàng năm.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bình đẳng giới
Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan.
Kết quả hoạt động: Báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Kế hoạch thực hiện khuyến nghị về Công ước CEDAW.
Thời hạn hoàn thành: Hàng năm.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị.
- Tài trợ, viện trợ, huy động từ xã hội và cộng đồng.
- Các nguồn hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI
1. Căn cứ vào Kế hoạch này, các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung hoạt động được phân công, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ và thời gian hoàn thành.
2. Chủ động lồng ghép thực hiện Kế hoạch trong triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị, nhất là các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
3. Kế hoạch này được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 và giao cho Vụ Bình đẳng giới là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.
4. Hàng năm, báo cáo tiến độ thực hiện và kết quả đạt được về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) trước ngày 15 tháng 11 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |