Nội dung toàn văn Kế hoạch 3241/KH-UBND phân kỳ 5 năm hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy Bình Dương
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3241/KH-UBND | Bình Dương, ngày 18 tháng 09 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
PHÂN KỲ 05 NĂM, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 4287/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án). Để tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phân kỳ thực hiện Đề án 05 năm (giai đoạn 2015 - 2020) như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo theo lộ trình Đề án đề ra từ nay đến năm 2020, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2. Yêu cầu:
Việc xây dựng kế hoạch phân kỳ phải bám sát vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đúng lộ trình, nội dung Đề án đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN 05 NĂM (2015 - 2020):
1. Nội dung tổng quát triển khai thực hiện trong 05 năm:
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy hiện có trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Bình Dương đảm bảo về tổ chức, biên chế theo mô hình tổ chức của Bộ Công an quy định, đồng thời thành lập các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy ở các địa phương cấp huyện, thị chưa có; đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương huyện, thị chưa xây dựng trụ sở, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
2. Lộ trình phát triển về tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trong 05 năm (2015 - 2020):
2.1. Năm 2015:
- Thành lập Phòng Pháp chế, điều tra xử lý về cháy, nổ (căn cứ Quyết định số 5972/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - BCA).
- Thành lập 02 Đội nghiệp vụ thuộc Phòng Tham mưu (căn cứ Quyết định số 5967/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an):
+ Đội Văn thư hành chính, hồ sơ.
+ Đội Nghiên cứu khoa học, lịch sử, đối ngoại.
- Thành lập 01 Đội nghiệp vụ thuộc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và Đào tạo, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (căn cứ Quyết định số 5977/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an):
+ Đội Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
2.2. Năm 2016:
- Tách Đội Hướng dẫn, kiểm tra và thẩm duyệt an toàn phòng cháy, chữa cháy thuộc Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về Phòng cháy thành 02 Đội nghiệp vụ (căn cứ Quyết định số 5973/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - BCA):
+ Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn Phòng cháy chữa cháy;
+ Đội Hướng dẫn, thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy.
- Thành lập 02 Đội nghiệp vụ thuộc Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (căn cứ Quyết định số 5974/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an):
+ Đội Hướng dẫn, chỉ đạo về Phương án chữa cháy;
+ Đội Cứu nạn, cứu hộ dưới nước.
- Thành lập 08 Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương và Công văn số 2338/UBND-KTN ngày 18/7/2014 của UBND tỉnh):
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu đô thị mới Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Phước Hòa, huyện Phú Giáo;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Bình Thắng, thị xã Dĩ An;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Vĩnh Tân (khu công nghiệp Vsip II), thị xã Tân Uyên;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.
- Thành lập 02 Đội Cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương):
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 1;
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 2.
- Thành lập Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 7 (Bắc Tân Uyên) và 01 Đội Cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp trực thuộc (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương).
2.3. Năm 2017:
- Thành lập 02 Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương và 02 Đội Cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp trực thuộc (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương):
+ Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 8 (Phú Giáo);
+ Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 9 (Dầu Tiếng).
- Thành lập 03 Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương:
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Thạnh Phước thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 5 (Tân Uyên).
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực phường Phú Mỹ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 1 (Thủ Dầu Một).
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực An Sơn, thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 2 (Thuận An).
- Thành lập 04 Đội Cứu nạn, cứu hộ thuộc các Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương):
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 3;
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 4;
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 5;
+ Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 6.
2.4. Năm 2018:
- Thành lập Phòng Tổ chức cán bộ (tách ra từ Phòng Chính trị, căn cứ Quyết định số 5968/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an).
- Thành lập Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (căn cứ Quyết định số 5978/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an và Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương).
- Nâng cấp Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu đô thị mới Bình Dương thành Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Trung tâm chính trị hành chính tỉnh và 01 Đội Cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp trực thuộc (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương).
2.5. Năm 2019:
- Nâng cấp Đội Cứu nạn, cứu hộ dưới nước thuộc Phòng Cứu nạn, cứu hộ thành Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (căn cứ Quyết định số 5976/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an).
- Thành lập 03 Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực thuộc các Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương (căn cứ Công văn số 2338/UBND-KTN ngày 18/7/2014 của UBND tỉnh):
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Thuận Giao thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 2 (Thuận An);
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Tân Mỹ (cụm khu công nghiệp Tân Mỹ, Bắc Tân Uyên) thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 7;
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Tam Lập thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 8 (Phú Giáo).
2.6. Năm 2020:
- Tăng cơ cấu Ban Giám đốc từ 04 đồng chí lên 05 đồng chí (trong đó: đồng chí Giám đốc phụ trách chung; 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách công tác Phòng ngừa về cháy, nổ; 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách công tác Pháp chế, điều tra, xử lý về cháy, nổ; 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách công tác Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách công tác Xây dựng lực lượng - Hậu cần kỹ thuật).
- Tách Phòng Chính trị thành 03 phòng nghiệp vụ:
+ Phòng Công tác Đảng và công tác Quần chúng (căn cứ Quyết định số 5969/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an).
+ Phòng Chính trị (căn cứ Quyết định số 5970/QĐ-X11 ngày 10/6/2014 của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an).
+ Thanh tra Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh.
- Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy, điều hành công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Tham mưu tương đương với đơn vị cấp Phòng (căn cứ Kế hoạch 3686/KH-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Bình Dương).
- Thành lập 02 Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực thuộc các Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy địa phương (căn cứ Công văn số 2338/UBND-KTN ngày 18/7/2014 của UBND tỉnh):
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Lái Thiêu thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 2 (Thuận An);
+ Đội Chữa cháy chuyên nghiệp khu vực Tân Lập thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Số 7 (Bắc Tân Uyên).
3. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh từ nay đến năm 2020:
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm chủ động phối hợp với Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy liên kết mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ nhằm nâng cao về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 cán bộ, chiến sỹ có trình độ trên Đại học chiếm tỷ lệ 02 - 03% quân số, Đại học và Cao đẳng chiếm tỷ lệ 50 - 60% quân số, Trung cấp Chính trị chiếm tỷ lệ 55 - 60% quân số; 50% lãnh đạo từ cấp phòng trở lên đạt trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn về trình độ theo chức danh công tác và chức vụ lãnh đạo, chỉ huy được bổ nhiệm.
4. Lộ trình phát triển lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng Phòng cháy chữa cháy dân phòng và lực lượng Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành từ nay đến năm 2020:
4.1. Phát triển lực lượng Phòng cháy và chữa cháy cơ sở:
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở hiện có và bảo đảm xây dựng các đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp theo quy định. Đối với cơ sở có dưới 10 người thì tất cả những người làm việc tại cơ sở là thành viên đội Phòng cháy chữa cháy và do người lãnh đạo cơ sở đó làm đội trưởng; đối với cơ sở có từ 10 người đến 50 người thì tối thiểu 10 người là đội viên đội Phòng cháy chữa cháy, trong đó có 01 đội trưởng; đối với cơ sở có trên 50 người đến 100 người thì tối thiểu 15 người là đội viên đội Phòng cháy chữa cháy, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó; đối với cơ sở có trên 100 người thì tối thiểu là 25 người là đội viên đội Phòng cháy chữa cháy, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó; đối với cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc làm việc theo ca thì mỗi bộ phận, phân xưởng, mỗi ca làm việc có 01 tổ Phòng cháy chữa cháy cơ sở, có từ 05 đến 09 người là đội viên đội Phòng cháy chữa cháy, do đội trưởng hoặc đội phó kiêm tổ trưởng.
Tại các cơ sở phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có diện tích dưới 150m2 tùy theo quy mô, tính chất hoạt động trang bị cho mỗi đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở từ 05 đến 10 bình chữa cháy xách tay; các cơ sở có diện tích từ 150m2 trở lên tùy theo quy mô, tính chất hoạt động phải trang bị cho mỗi đội phòng cháy chữa cháy cơ sở từ 15 đến 20 bình chữa cháy xách tay. Đối với các cơ sở có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ (theo Phụ lục II, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ) phải trang bị máy bơm chữa cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Kinh phí đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và tổ chức hoạt động của các đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở do cơ sở tự đầu tư theo quy định.
4.2. Phát triển lực lượng Phòng cháy chữa cháy dân phòng:
Tập trung xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, bảo đảm đều khắp ở các ấp, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn theo quy định. Mỗi đội dân phòng có từ 10 đến 30 người hoặc nhiều hơn khi thấy cần thiết, trong đó có 01 đội trưởng và các đội phó giúp việc. Đội dân phòng có thể được chia thành nhiều tổ theo cụm dân cư, khu vực; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 10 người hoặc nhiều hơn khi thấy cần thiết, trong đó có 01 tổ trưởng và các tổ phó giúp việc. Từ nay đến năm 2020 có kế hoạch phấn đấu xây dựng đạt tỷ lệ 100% các ấp, khu phố thuộc đơn vị cấp xã có đội dân phòng vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Tùy theo đặc điểm và điều kiện của từng địa phương mà trang bị các phương tiện chữa cháy cho phù hợp, đảm bảo khi có sự cố cháy, nổ xảy ra lực lượng dân phòng có thể sử dụng, khống chế được đám cháy ngay từ giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, mỗi đội dân phòng cần bảo đảm trang bị từ 10 đến 15 bình chữa cháy xách tay, đến năm 2020 đội dân phòng được trang bị máy bơm chữa cháy. Kinh phí trang bị và hoạt động của lực lượng này được đầu tư theo hướng xã hội hóa.
4.3. Phát triển lực lượng Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành:
Ngoài các cơ sở phải lập đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành theo quy định Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy chữa cháy thì tại các cơ sở là kho dự trữ quốc gia; kho xăng dầu có trữ lượng từ 50.000m3 trở lên; nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện có công suất từ 200MW trở lên; cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên, cơ sở sản xuất phân đạm từ 180.000 tấn/năm trở lên, cơ sở dệt từ 20 triệu mét vuông/năm; nhà máy lọc dầu; khu công nghiệp, khu chế xuất có diện tích từ 50 héc ta trở lên phải lập đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành.
Biên chế của đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành phải bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy của cơ sở và phù hợp với tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở xem xét, quyết định về tổ chức, biên chế và đầu tư các trang bị, phương tiện cho đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành. Đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành làm việc theo ca, bảo đảm thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ban lãnh đạo đội gồm có 01 đội trưởng và các đội phó giúp việc.
Chế độ, chính sách đối với đội Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành thực hiện đầy đủ theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh là cơ quan Thường trực; căn cứ lộ trình kế hoạch phân kỳ đề ra từ nay đến năm 2020 chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện đạt kết quả cao kế hoạch phân kỳ này.
2. Giải pháp về vốn để đầu tư mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xây dựng doanh trại cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Bình Dương theo kế hoạch phân kỳ đề ra: Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ 51% trong tổng kinh phí thực hiện và đề xuất Bộ Công an hỗ trợ 49% kinh phí để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn tài trợ, viện trợ, hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để viện trợ các loại phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới.
3. Đề xuất Bộ Công an hàng năm bổ sung tăng cường chỉ tiêu biên chế cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, đảm bảo theo mô hình tổ chức và lộ trình phát triển và đề xuất tăng chỉ tiêu lựa chọn số công dân phục vụ có thời hạn có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân để đào tạo cán bộ chuyên sâu kỹ thuật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh để triển khai thực hiện kế hoạch này đảm bảo theo lộ trình đề ra. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh - Cơ quan Thường trực) trước ngày 31/10 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an.
5. Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh sớm hoàn thành công tác giải tỏa, đền bù để bàn giao đất xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một (hoàn thành công tác bàn giao đất trước năm 2017 để triển khai xây dựng trụ sở làm việc trước năm 2020).
6. Việc triển khai thực hiện kế hoạch phân kỳ về phát triển hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phân kỳ có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, nhưng phải đảm bảo phát triển hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 đề ra.
7. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này của các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tham mưu, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an tình hình, kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phân kỳ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |