Nội dung toàn văn Kế hoạch 3604/KH-UBND 2017 thực hiện 102/2017/NĐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm Hà Nam
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3604/KH-UBND | Hà Nam, ngày 13 tháng 12 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 102/2017/NĐ-CP NGÀY 01/9/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
Thực hiện Quyết định số 2300/QĐ-BTP ngày 13/11/2017 của Bộ Tư pháp về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, thống nhất và đồng bộ các quy định pháp luật mới về đăng ký biện pháp bảo đảm đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phù hợp quy định pháp luật hiện hành;
- Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện bám sát các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai của Bộ Tư pháp và các chương trình, kế hoạch liên quan của UBND tỉnh.
- Xác định nội dung công việc gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động tích cực của cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm ở địa phương, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất và hiệu quả.
- Bảo đảm sự phối hợp thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên hiệu quả, đúng tiến độ đã nêu trong Kế hoạch.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 102/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Nam, các Văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức hành nghề công chứng và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018.
2. Rà soát, cập nhật và trình UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính lĩnh vực giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Thời gian thực hiện: Sau khi Bộ Tư pháp công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực giao dịch bảo đảm.
3. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp;
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2018 và những năm tiếp theo.
4. Tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ, trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường
- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Thời gian thực hiện: Kể từ ngày 01/12/2017.
5. Xây dựng Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Hà Nam
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Sau khi nhận được hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
6. Tổ chức cập nhật, tích hợp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vào Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Thời gian thực hiện: Sau khi hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng.
7. Kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.
8. Báo cáo Bộ Tư pháp về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được đảm bảo từ Ngân sách nhà nước cấp hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này;
- Tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 102/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm;
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn kinh phí để triển khai các nội dung của Kế hoạch này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương;
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Triển khai việc cập nhật, tích hợp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vào Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm sau khi hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng.
3. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí và các điều kiện triển khai thực hiện Kế hoạch.
4. Sở Thông tin và truyền thông: Phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |