Nội dung toàn văn Kế hoạch 4052/KH-UBND triển khai thực hiện CT 08/2006/CT-TTg ngăn chặn chặt phá đốt khai thác rừng trái phép
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4052/KH-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 2006 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/2006/CT-TTG NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép;
Căn cứ tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc các Sở - ngành chức năng căn cứ vào tình hình, đặc điểm và chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ - rừng theo kế hoạch sau:
1. Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng:
1.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quận - huyện, phường - xã có rừng thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 21/2002/CT-TTg và Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của cấp mình, nơi nào chưa có Ban chỉ đạo thì phải thành lập ngay.
1.2- Trong quí II năm 2006 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chính quyền địa phương nơi có rừng thực hiện:
1.2.1- Kiểm tra việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và đất lâm nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
1.2.2- Kiểm tra các công trình xây dựng trái phép trong đất lâm nghiệp, tổ chức phá bỏ các công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
1.2.3- Khẩn trương thực hiện việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng; cắm mốc, xác định địa giới các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và có phương án bảo vệ khoanh nuôi, trồng rừng, nhất là các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chậm nhất đến cuối quý II năm 2006 phải hoàn thành và báo cáo trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện.
1.3- Đối với những địa phương có rừng thường xảy ra tình trạng chặt, phá rừng trái phép, Chính quyền địa phương cần chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ của đơn vị chủ rừng truy quét những cá nhân, tổ chức phá rừng trên địa bàn quản lý. Tại các khu rừng trong vùng giáp ranh giữa các tỉnh, cần duy trì phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng.
1.4- Tăng cường biện pháp bảo vệ đối với rừng phòng hộ Cần Giờ, Uỷ ban nhân dân huyện cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao khoán bảo vệ rừng cho các đơn vị hộ gia đình để tổ chức bảo vệ rừng; chỉ đạo cơ quan Công an, Quân sự huyện và Uỷ ban nhân dân các xã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm Cần Giờ tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, đào bới đất rừng để bắt địa sâm trái phép.
1.5- Công an thành phố cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng súng thể thao, chấm dứt tình trạng lợi dụng để săn bắn trái phép động vật hoang dã. Chỉ đạo phòng nghiệp vụ rà soát việc cấp giấy phép sử dụng súng thể thao, thu hồi những giấy phép sử dụng súng đã cấp không đúng đối tượng, đến cuối quí II/2006 báo cáo kết quả cho Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố.
1.6- Hàng năm, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; Chi cục Kiểm lâm thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
1.7- Chi cục Kiểm lâm tăng cường biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, nâng cao vai trò cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn, đặc biệt ở những địa bàn trong vùng giáp ranh; làm tham mưu cho chính quyền cấp huyện, xã triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng:
2.1- Chi cục Kiểm lâm, Uỷ ban nhân dân các cấp quận, huyện có rừng phổ biến, quán triệt đến đơn vị cơ sở Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố đến năm 2010 đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2005 và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/2006/CT-UB ngày 13 tháng 01 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2006.
3. Tăng cường quản lý lâm sản:
3.1- Uỷ ban nhân dân quận - huyện, các sở - ngành chức năng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở mua bán, tiêu thụ gỗ, các loại động vật hoang dã trái phép và việc quảng cáo mua bán các mặt hàng động vật hoang dã trái phép.
3.2- Trong quý II/2006 tổ chức đợt truy quét, xoá các tụ điểm mua bán gỗ, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố. Chi cục Kiểm lâm lập kế hoạch và chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng của thành phố thực hiện.
3.3- Chi cục Kiểm lâm lập danh sách những đối tượng “chuyên nghiệp” khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn phường, xã và gửi cho từng địa phương để có biện pháp quản lý và đấu tranh ngăn chặn, nhất là khu vực trung tâm thành phố như quận 1, quận 3.
4. Tổ chức thực hiện:
4.1- Ban chỉ đạo của thành phố về thực hiện Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg và Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo các sở ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện phối hợp thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
4.2- Các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức đúng và chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định pháp luật.
4.3- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các nội dung công việc nêu trên.
4.4- Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thông tin; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện căn cứ vào tình hình, đặc điểm và chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan mình.
4.5- Hàng tháng, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan chức năng như Chi cục Quản lý thị trường, Công an các quận - huyện báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nội dung công việc được giao. Báo cáo gửi về Chi cục Kiểm lâm - Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 21/2002/CT-TTg và Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của thành phố để theo dõi, tổng hợp báo cáo Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố.
4.6- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức sơ kết việc thực hiện kế hoạch này, Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2006 và Chỉ thị số 21/2002/ CT-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện kế hoạch này đạt kết quả cao nhất./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |