Nội dung toàn văn Kế hoạch 466/KH-UBATGTQG năm 2013 bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết 2014
ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 466/KH-UBATGTQG | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐỢT HOẠT ĐỘNG CAO ĐIỂM BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT GIÁP NGỌ VÀ LỄ HỘI XUÂN 2014
Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI); Chương trình hành động của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Nghị quyết số 53/2013/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 của Quốc hội Khóa XIII, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và lễ hội xuân 2014 với các nội dung sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Bảo đảm giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, bảo đảm đi lại thuận tiện, trật tự, an toàn cho người dân trong Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và lễ hội xuân 2014.
2. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông của người dân trong dịp Tết.
3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao ngay trong những tháng đầu năm 2014, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả chương trình công tác Năm an toàn giao thông 2014.
4. Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
5. Thời gian thực hiện từ 15/12/2013 đến 15/02/2014.
II. Các hoạt động trọng tâm
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về nguyên nhân, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao trong dịp Tết, tạo thái độ, ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật TTATGT, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông, tuyên truyền thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải và người dân.
- Tăng cường kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tổ chức vận tải phục vụ Tết của các lực lượng, các doanh nghiệp vận tải, nhà ga, bến xe, bến tàu; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện chở khách (ô tô, máy bay, tàu hỏa, phương tiện thủy).
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vi phạm trong hoạt động vận tải; trọng tâm là tuyến Bắc - Nam, các quốc lộ có mật độ lưu thông cao, tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông.
- Xây dựng phương án giải tỏa khách ùn đọng tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, bảo đảm không để khách phải ở lại qua đêm tại các điểm trên trong đêm 30 Tết vì không có vé.
- Xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các đô thị lớn và khu vực tổ chức các lễ hội lớn.
- Chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo hiệu; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các công trình đang thi công.
- Triển khai các biện pháp ngăn chặn đua xe trái phép ở đô thị.
III. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công an
- Có Kế hoạch bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông trong tất cả các ngày trước, trong và sau Tết, nhất là tuyến Bắc - Nam, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, những đoạn đường đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tăng cường tuần tra lưu động;
- Chỉ đạo công an các địa phương huy động lực lượng CSGT phối hợp với cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách, xe tải và xe mô tô vi phạm; tập trung xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định; đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai; vi phạm quy định về thời gian lái xe; đón, trả khách không đúng nơi quy định; đặc biệt là điều khiển phương tiện khi vi phạm quy định liên quan đến sử dụng rượu, bia;
- Phối hợp với ngành giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động vận tải ngay khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến đối với xe ô tô không đảm bảo các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện và thể lệ vận tải;
- Có phương án phòng, chống đua xe máy trái phép.
2. Bộ Giao thông vận tải
- Chỉ đạo công tác tổ chức vận tải và bảo đảm TTATGT Tết Dương lịch, Tết Giáp Ngọ và mùa Lễ hội xuân 2014 đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện và an toàn cho hành khách, vận chuyển hàng hóa; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý tình trạng tăng giá vé trái quy định. Huy động tối đa phương tiện vận chuyển hành khách đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, kiên quyết không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện;
- Tăng cường kiểm tra việc bán vé tàu, xe, máy bay các ngày cao điểm Tết; thông báo công khai lượng vé tàu, xe, máy bay phục vụ tết, số lượng vé còn lại tại các nhà ga, bến xe, sân bay, trên website, trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết các trường hợp phương tiện chở quá số người quy định tại các bến, điểm đón, trả khách và trong suốt hành trình vận chuyển; có phương án để kịp thời vận chuyển tiếp hành khách trên các phương tiện chở quá tải bị phát hiện và xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường;
- Chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo hiệu; xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, các đoạn đường đèo dốc nguy hiểm; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các công trình đang thi công và tạm ngừng thi công, hoàn trả mặt đường êm thuận trước Tết, trọng tâm là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên;
- Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bảo đảm an toàn phương tiện, chấn chỉnh đội ngũ lái xe tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, chấp hành đúng quy định về thời gian lái xe, quy định khi đi trên đường đèo dốc nguy hiểm để tránh xảy ra tai nạn;
- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm đưa trung tâm tích hợp dữ liệu giám sát hành trình vào hoạt động nhằm tăng cường công tác kiểm soát, cảnh báo các vi phạm về tốc độ của xe chở khách;
- Chỉ đạo Sở GTVT phối hợp chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh; nhắc nhở hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi thuyền, đò qua sông, ra các đảo ven bờ;
- Tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác vận tải và bảo đảm TTATGT Tết Dương lịch, Tết Giáp Ngọ và mùa Lễ hội xuân 2014 tại các địa phương.
3. Các cơ quan thành viên của Ủy ban
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, chấn chỉnh học sinh đi xe đạp điện phải tuân thủ quy tắc giao thông; chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp giáo dục ý thức tham gia giao thông của học sinh, sinh viên; chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để bán vé tàu, xe tại trường cho học sinh, sinh viên, ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh, sinh viên về quê ăn tết.
b) Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự các cấp phối hợp với các lực lượng khác trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
c) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân; tuyên truyền các nguyên nhân, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao trong dịp Tết và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông như: đội mũ bảo hiểm, đã uống rượu, bia không lái xe, tuân thủ quy định tốc độ, biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc. Kênh VOV giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng thời lượng phát sóng “giờ cao điểm” để thông báo và hướng dẫn giao thông tránh ùn tắc.
d) Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương chỉ đạo các Tổ chức đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến cán bộ, hội viên, đoàn viên trong cả nước; triển khai đến cấp cơ sở phường, xã, thị trấn và tập trung vào đối tượng là thanh, thiếu niên. Vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy, tai nạn đò ngang, tai nạn đường ngang đường sắt: đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; tuân thủ tốc độ quy định; đã uống rượu, bia không lái xe; quan sát an toàn khi qua đường sắt; chấp hành quy định an toàn khi đi đò. Tham gia, phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động bảo đảm TTATGT, tham gia hỗ trợ, sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn giao thông.
đ) Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, kiểm tra các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý bến xe, bến khách ngang sông, quản lý các loại phương tiện vận tải; thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và các bến đò ngang; cung cấp số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Ban An toàn giao thông, phòng Cảnh sát giao thông.
4. Tổ chức huy động lực lượng và thường trực chỉ đạo.
a) Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và lễ hội xuân 2014.
b) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí lực lượng trực 24/24h để chỉ đạo kịp thời công tác đảm bảo an toàn giao thông trong đợt cao điểm từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 9 tháng 2 năm 2014.
5. Chế độ báo cáo
a) Khi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ngay thông tin ban đầu bằng điện thoại về bộ phận trực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Trong những ngày cao điểm, hàng ngày Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố gửi báo cáo tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông bằng fax hoặc email về Văn phòng Ủy ban trước 11 giờ sáng ngày hôm sau. Ngày nào không xảy ra tai nạn giao thông gây chết người hoặc không ùn tắc giao thông thì không cần báo cáo.
b) Trong những ngày cao điểm (25 tháng 1 đến ngày 9 tháng 2 năm 2014) Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt và Cục Cảnh sát đường thủy chuyển bằng fax hoặc email đến Văn phòng Ủy ban trước 12 giờ hàng ngày các thông tin về tai nạn giao thông và tình hình trật tự giao thông trong ngày hôm trước để báo cáo Chủ tịch Ủy ban.
c) Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Cục Cảnh sát đường thủy và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp số liệu về tai nạn giao thông và tình hình TTATGT 9 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ (từ ngày 28/1/2014 đến hết ngày 5/2/2014), so sánh với 9 ngày nghỉ tết Quý Tỵ (từ ngày 09/2/2013 đến hết ngày 17/2/2013); chuyển bằng fax hoặc email về Văn phòng Ủy ban trước 18 giờ ngày 5 tháng 02 năm 2014 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 08 giờ ngày 06 tháng 02 năm 2014.
Các báo cáo gửi Văn phòng Ủy ban: số fax: 04.38.223.592 hoặc Email: [email protected]
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Cơ quan thành viên Ủy ban, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch triển khai đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và lễ hội xuân 2014, tổ chức thực hiện tại ngành, địa phương./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |