Kế hoạch 5491/KH-UBND

Nội dung toàn văn Kế hoạch 5491/KH-UBND 2023 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Lâm Đồng 2023 2025


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5491/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 26 tháng 6 năm 2023

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 5301/KH-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1266/KHĐT-ĐKKD ngày 13/6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023 - 2025 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, chú trọng tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể; tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Kế hoạch của UBND tỉnh xác định các nội dung cụ thể; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây được gọi là Chương trình) ban hành tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

II. MỤC TIÊU:

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

1. Nâng tổng số hợp tác xã lên thành 578 hợp tác xã, 05 liên hiệp hợp tác xã, 452 tổ hợp tác.

2. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng về doanh thu bình quân hàng năm của hợp tác xã khoảng 8%/năm.

3. Số hợp tác xã khá, giỏi chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã trong toàn tỉnh, không còn mô hình hợp tác xã tồn tại hình thức.

4. Phấn đấu 70% cán bộ quản lý hợp tác xã được qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về hợp tác xã và pháp luật liên quan.

5. Phấn đấu mỗi địa phương (huyện, thành phố) phát triển ít nhất 02 hợp tác xã nông nghiệp/01 năm trong đó ít nhất có 01 mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả có chuỗi liên kết gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có 116 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; 15% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; 70% các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh.

7. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu ít nhất 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

III. NỘI DUNG, NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Hỗ trợ thành lập mới và củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã

1.1. Đối tượng hỗ trợ:

a) Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhu cầu phát triển, mở rộng.

b) Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

c) Người dân có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế tập thể.

1.2. Nội dung hỗ trợ:

a) Tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó:

- Chi tổ chức các lớp tập huấn tập trung theo quy định tại Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định mức chi công tác phí và mức chi hội nghị tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh Lâm Đồng.

- Chi thù lao và các khoản chi khác cho giảng viên, báo cáo viên theo quy định tại Nghị quyết số 106/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở trong nước thuộc tỉnh Lâm Đồng.

b) Hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với quy định hiện hành.

c) Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương bảo đảm 100%.

2. Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể

2.1. Đối tượng hỗ trợ:

a) Thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể.

b) Công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tại các sở, ngành và địa phương (bao gồm: công chức chuyên trách và công chức kiêm nhiệm).

c) Công chức, viên chức của Liên minh hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

d) Giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

2.2. Điều kiện được hỗ trợ:

a) Được tổ chức kinh tế tập thể, đơn vị chủ quản cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của đơn vị; đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; có năng lực và trình độ phù hợp với khoá học.

b) Đối với trường hợp cử đi đào tạo dài hạn: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, đối tượng được hỗ trợ phải dưới 50 tuổi và cam kết bằng văn bản làm việc trong khu vực kinh tế tập thể ít nhất gấp đôi thời gian tham gia khoá đào tạo, chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với Nhà nước trong trường hợp không thực hiện cam kết.

2.3. Nội dung hỗ trợ:

a) Đào tạo:

- Hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn ở.

- Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước và nước ngoài về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Học bổng bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định.

b) Bồi dưỡng:

- Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình khoá học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự đối với công chức nhà nước.

- Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: cấp học bổng bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành) và tổ chức các khoá bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước.

c) Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể: Hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.

2.4. Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ:

a) Đào tạo:

- Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách địa phương bảo đảm 100% kinh phí trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (mức hỗ trợ cụ thể được quy định tại Nghị quyết số 103/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng).

- Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: Ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí.

b) Bồi dưỡng:

- Đối với thành viên, người lao động tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách Trung ương: Bảo đảm 100% kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập; hỗ trợ 100% chi phí ăn ở đối với các tổ chức kinh tế tập thể nằm trong vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành; đối với các vùng khác: Hỗ trợ 90% đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% đối với các tổ chức kinh tế tập thể khác.

- Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên: Ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí.

c) Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách địa phương hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/người, tối đa 02 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm (mức hỗ trợ cụ thể được quy định tại Nghị quyết số 103/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng).

3. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

3.1. Đối tượng hỗ trợ: Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

3.2. Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có sản phẩm gắn liền với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP.

3.3. Nội dung hỗ trợ:

a) Kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

b) Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

c) Xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cho các tổ chức kinh tế tập thể.

3.4. Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ:

a) Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể.

b) Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ hợp tác xã trong việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm

4.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

4.2. Cơ chế đầu tư:

a) Điều kiện hỗ trợ:

- Hợp tác xã căn cứ nhu cầu cần hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc chế biến sản phẩm có đơn đề nghị gửi cấp chính quyền địa phương nơi hợp tác xã tổ chức sản xuất, kinh doanh.

- Các địa phương căn cứ và tình hình thực tế quy định số lượng thành viên cụ thể, ưu tiên các hợp tác xã có số lượng thành viên lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn đặc biệt khó khăn

b) Nội dung hỗ trợ:

- Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên.

- Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp (bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trực chính giao thông nội đồng, đường ranh cản lửa, đường lâm nghiệp).

- Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè.

c) Nguồn vốn và mức hỗ trợ:

- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, hợp tác xã và vốn hợp pháp khác.

- Mức hỗ trợ:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100%; căn cứ mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn đề xuất đối ứng của hợp tác xã, vốn từ các nguồn hợp pháp khác và tính chất của dự án/phương án cấp chính quyền địa phương xem xét, quyết định mức hỗ trợ dự án/phương án từ nguồn ngân sách địa phương.

Đối với các dự án có tính chất liên vùng, khu vực do các bộ, cơ quan Trung ương quản lý: Ngân sách Trung ương đầu tư tối đa 100% tổng mức đầu tư của dự án.

d) Phương thức hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ cho các hợp tác xã thông qua cấp chính quyền địa phương xây dựng, mua sắm, bàn giao cho hợp tác xã; trường hợp hợp tác xã có đủ năng lực, cấp có thẩm quyền xem xét giao cho hợp tác xã tự thực hiện dự án, mua sắm với tổng mức đầu tư không qua 03 tỷ đồng.

4.3. Cơ chế quản lý sau đầu tư:

Hỗ trợ của Nhà nước là tài sản không chia của hợp tác xã. Hợp tác xã tự trang trải chi phí cho vận hành, bảo dưỡng công trình sau khi công trình được đưa vào hoạt động; khi hợp tác xã giải thể thì phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản hỗ trợ của Nhà nước được chuyển cho chính quyền địa phương nơi hợp tác xã đã tiến hành đăng ký thành lập quản lý.

5. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể

5.1. Đối tượng hỗ trợ: các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; các tổ chức liên quan đến hình thành, tổ chức, quản lý và hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.

5.2. Nội dung hỗ trợ: Xây dựng, vận hành và duy trì trang tin điện tử (website) về kinh tế tập thể; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể kết nối với hệ thống đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán (nếu có).

5.3. Nguồn kinh phí: Ngân sách Trung ương bảo đảm 100% cho xây dựng và vận hành hệ thống website, cơ sở dữ liệu.

6. Các hỗ trợ khác đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện theo quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Liên minh hợp tác xã tỉnh và các sở, ngành, địa phương:

a) Xây dựng kế hoạch hằng năm để thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

b) Tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo các nội dung của Chương trình và Kế hoạch này; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung.

c) Tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung của Chương trình và Kế hoạch này từ nguồn ngân sách trung hạn và hằng năm của địa phương theo quy định.

d) Hằng năm, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành có liên quan theo quy định (trước ngày 15/12 hằng năm).

đ) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí thực hiện Chương trình.

b) Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình theo quy định.

3. Các Sở, ban, ngành, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Chương trình và Kế hoạch này.

b) Xây dựng Kế hoạch thực hiện một số nội dung hỗ trợ của Chương trình phù hợp với lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành; Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tổng hợp chung.

c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chuyên ngành việc thực hiện Chương trình, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01/12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

4. Liên minh hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan:

a) Thực hiện một số nội dung chương trình như: Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

b) Tổng hợp nhu cầu kinh phí hằng năm thực hiện Chương trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp.

c) Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01/12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

5. UBND các huyện, thành phố:

a) Căn cứ tình hình, điều kiện của địa phương xây dựng Kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn quản lý; tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình và Kế hoạch này gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên minh hợp tác xã tỉnh tổng hợp.

b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình và Kế hoạch này trên địa bàn.

c) Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã tỉnh trước ngày 01/12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình và Kế hoạch này.

7. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch của UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động đề xuất,gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem
xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- TTTU; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh; các đoàn thể CT-XH;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Liên minh HTX tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT,TH3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phúc

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 5491/KH-UBND

Loại văn bảnKế hoạch
Số hiệu5491/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành26/06/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật10 tháng trước
(30/06/2023)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 5491/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 5491/KH-UBND 2023 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Lâm Đồng 2023 2025


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 5491/KH-UBND 2023 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Lâm Đồng 2023 2025
                Loại văn bảnKế hoạch
                Số hiệu5491/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Lâm Đồng
                Người kýNguyễn Ngọc Phúc
                Ngày ban hành26/06/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThương mại
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật10 tháng trước
                (30/06/2023)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Kế hoạch 5491/KH-UBND 2023 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Lâm Đồng 2023 2025

                            Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 5491/KH-UBND 2023 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Lâm Đồng 2023 2025

                            • 26/06/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực