Nội dung toàn văn Kế hoạch 91/KH-UBND 2019 thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 05 tháng 4 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THU GOM, XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG VÀ HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG TẠI CÁC VÙNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và Quyết định số 663/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/02/2019 về việc ban hành Hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và hóa chất bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2020, với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Mục đích
- Thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp và hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường tự nhiên để nâng cao chất lượng môi trường sống.
- Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn bền vững; cải thiện môi trường nông thôn góp phần xây dựng và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV, thu gom và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Nâng cao hiệu quả quản lý đối với cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn Tỉnh.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và sự điều hành triển khai cụ thể của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong việc thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, quyết liệt, kiên trì và đồng bộ.
- Thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp và hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh để bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, của doanh nghiệp và của người sử dụng thuốc BVTV.
- Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng thuốc BVTV trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Việc tuyên truyền, giáo dục về công tác thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh phải kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường nhằm thay đổi căn bản về nhận thức và hành động trong công tác tái tạo và bảo vệ môi trường.
3. Chỉ tiêu chủ yếu
- Đến năm 2020, hoàn thiện xây dựng, lắp đặt, cải tạo hệ thống các bể chứa, khu lưu chứa (theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng) đảm bảo cho công tác thu gom, lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và đặc điểm tình hình các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thiện xây dựng 01 khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu giữ, tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị, các địa phương.
- 100% hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra được xử lý tiêu hủy đúng quy định.
- Đến năm 2020 khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy đúng quy định đạt trên 90%. Dự kiến khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các địa phương trên địa bàn Tỉnh trong 2 năm 2019 - 2020 khoảng 24 tấn (12 tấn/năm).
- Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
A. Đối tượng thực hiện
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
B. Nội dung thực hiện
1. Hoàn thiện xây dựng hệ thống các bể chứa, khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh
- Khảo sát, xác định các địa điểm đặt bể chứa, khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
- Đến năm 2020, hoàn thiện xây dựng, lắp đặt, cải tạo hệ thống bể chứa, khu lưu chứa (theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng) đảm bảo cho công tác thu gom, lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và đặc điểm tình hình các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh
Xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh nhằm tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tiếp nhận từ các đơn vị, các địa phương trên địa bàn Tỉnh. (Thực hiện theo Công văn số 7625/BNN-BVTV ngày 23/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật giả, nhập lậu, ngoài Danh mục, không được phép sử dụng).
3. Thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp và hóa chất bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn Tỉnh
- Thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng quy định tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 12tấn/năm. Tổng 2 năm 2019 - 2020 khoảng 24 tấn.
- Thực hiện vận chuyển, tiêu hủy thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng trong Tỉnh.
4. Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
4.1. Tập huấn
- Tổ chức tập huấn hướng kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; hướng dẫn thu gom và xử lý trước tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho người sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất trồng trọt trên địa bàn toàn tỉnh; Các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Dự kiến tổ chức 34 lớp tập huấn hướng kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, hướng dẫn thu gom và xử lý trước tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho người sử dụng thuốc BVTV.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sử dụng thuốc BVTV thực hiện quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng (chất thải nguy hại) theo quy định Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
4.2. Tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV về các nguy cơ do hóa chất BVTV, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua tờ rơi, pano, áp phích... Dự kiến xây dựng in ấn phát hành 6.000 tờ rơi; 52 pano, áp phích; 6.000 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Xây dựng và phát sóng 02 phóng sự truyền hình, đưa tin, bài về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Xây dựng và phát hành 2.000 đĩa phát thanh tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát trên Đài truyền thanh tại các địa phương.
(Chi tiết các nhiệm vụ tại phụ lục kèm theo)
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về công tác xây dựng bể chứa, khu lưu chứa; cải tạo bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
- Khuyến khích các địa phương xã hội hóa, chủ động nguồn kinh phí xây dựng bể chứa, khu lưu chứa; cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lập kế hoạch, bố trí kinh phí xây dựng bể chứa, khu lưu chứa; cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý. Bể chứa, khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải được xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và theo hướng dẫn tại Công văn số 4001/SNN&PTNT-BVTV ngày 29/11/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định, đảm bảo nhiệm vụ đến hết năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn hoàn thành xây dựng bể chứa, khu lưu chứa; cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng quy định tại các vùng sản xuất nông nghiệp đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch đã đề ra.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) lập dự toán kinh phí, triển khai thực hiện theo quy định nhiệm vụ xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tiếp nhận từ các đơn vị, các địa phương trên địa bàn Tỉnh (trên cơ sở mặt bằng quỹ đất hiện có Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang quản lý).
2. Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp và hóa chất bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn toàn Tỉnh
2.1. Công tác thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
- Người sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các bể chứa đã được xây dựng, lắp đặt trên đồng ruộng.
- Thực hiện phân cấp quản lý làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo quản, vận hành các bể chứa, khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Có các hướng dẫn, tuyên truyền để đảm bảo các cấp quản lý cũng như người sử dụng thuốc BVTV thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định; Xây dựng và thực hiện hương ước ở các cộng đồng dân cư về giám sát thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, bảo quản bể chứa, đưa nội dung này vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
- UBND cấp huyện thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), các tổ chức có sử dụng thuốc BVTV đóng trên địa bàn, trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa và thu gom tập kết về khu lưu chứa (nếu có) hoặc nơi tập kết chung của cấp huyện, xã theo quy định.
- Căn cứ vào thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa. Đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa trực tiếp thu gom hoặc ký hợp đồng thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ bể chứa đến khu lưu chứa hoặc nơi tập kết chung của cấp huyện theo quy định, báo cáo khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thời gian một năm hai kỳ vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm về Sở Tài nguyên Môi trường để có phương án vận chuyển và tiêu hủy.
- Tăng cường đối thoại với các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV để có các giải pháp hữu ích trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
2.2. Công tác vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp và hóa chất bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn toàn Tỉnh
- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được xác định là chất thải nguy hại theo quy định tại Phụ lục 1 Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.
- Việc vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ phải do đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp thực hiện theo quy định.
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thực hiện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để vận chuyển, xử lý tiêu hủy chung cho toàn Tỉnh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, thuốc BVTV, hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại và Quyết định 663/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/02/2019 về việc ban hành Hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
3. Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể về bảo vệ môi trường trong công tác thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người sử dụng thuốc về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; Thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách lồng ghép vào các chương trình, dự án hoặc các buổi tập huấn mùa vụ.
- Cấp huyện, xã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt pano, áp phích hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tăng cường thời lượng phát các bản tin trên đài phát thanh, truyền hình của địa phương về sử dụng thuốc BVTV, công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
4. Về công tác quản lý
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng, thu gom, xử lý hóa chất BVTV và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá việc xây dựng bể chứa, khu lưu chứa (nếu có) bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
- UBND cấp huyện phân rõ trách nhiệm cho UBND cấp xã và các ban ngành của địa phương về công tác quản lý bể chứa, khu lưu chứa (nếu có) bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý để bảo quản sử dụng có hiệu quả đúng quy định.
- Đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa đứng tên đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; kê khai chứng từ và chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.
5. Về cơ chế chính sách và nguồn lực tài chính
(1) Cơ chế chính sách;
- Tạo động lực, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho công tác thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường để thực hiện công tác thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
(2). Nguồn lực tài chính:
Hàng năm, bố trí phân bổ kinh phí để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch theo nguyên tắc:
- UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện:
+ Tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
+ Tiêu hủy thuốc BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng.
+ Xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV giả nhập lậu, không có tên trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam va bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu giữ, tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị các địa phương.
+ Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- UBND cấp huyện bố trí kinh phí thực hiện xây dựng bể chứa, khu lưu chứa (nếu có); cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và các chi phí liên quan đến công tác thu gom, xử lý trước tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý và các chi phí khác có liên quan.
6. Phân kỳ thực hiện Kế hoạch
6.1. Năm 2019:
- Xây dựng hệ thống các bể chứa, khu lưu chứa (nếu có); cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh.
- Khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh cần tiêu hủy khoảng 12 tấn.
- Chuẩn bị nội dung xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu giữ, tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị, các địa phương.
- Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Tổ chức 18 lớp, cụ thể: Đông Triều: 03 lớp; Uông Bí: 01 lớp; Quảng Yên: 03 lớp; Hoành Bồ: 01 lớp; Hạ Long: 01 lớp; Cẩm Phả: 01 lớp; Vân Đồn: 01 lớp; Tiên Yên: 01 lớp; Ba Chẽ: 01 lớp; Bình Liêu: 01 lớp; Đầm Hà: 01 lớp; Hải Hà: 02 lớp; Móng Cái: 01 lớp.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV về các nguy cơ do hóa chất BVTV, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua tờ rơi, pano, áp phích...
Xây dựng, in ấn phát hành 3.000 tờ rơi; 26 pano, áp phích; 3.000 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Xây dựng và phát sóng 01 phóng sự truyền hình tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Xây dựng và phát hành 1.000 đĩa phát thanh tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát trên Đài truyền thanh tại các địa phương.
6.2. Năm 2020:
- Hoàn thiện xây dựng theo quy định hệ thống các bể chứa, khu lưu chứa (nếu có); cải tạo để đảm bảo theo quy định bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam thu giữ trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh.
- Khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh cần tiêu hủy khoảng 12 tấn.
- Thực hiện đầu tư xây dựng 01 khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu giữ, tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị, các địa phương.
- Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
- Tổ chức 16 lớp, cụ thể: Đông Triều: 03 lớp; Uông Bí: 01 lớp; Quảng Yên: 02 lớp; Hoành Bồ: 01 lớp; Hạ Long: 01 lớp; Cẩm Phả: 01 lớp; Vân Đồn: 01 lớp; Tiên Yên: 01 lớp; Ba Chẽ: 01 lớp; Bình Liêu: 01 lớp; Đầm Hà: 01 lớp; Hải Hà: 01 lớp; Móng Cái: 01 lớp.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV về các nguy cơ do hóa chất BVTV, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua tờ rơi, pano, áp phích...
- Xây dựng, in ấn phát hành 3.000 tờ rơi; 26 pano, áp phích; 3.000 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Xây dựng và phát sóng 01 phóng sự truyền hình tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Xây dựng và phát hành 1.000 đĩa phát thanh tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát trên Đài truyền thanh tại các địa phương.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn ngân sách địa phương (Ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo phân cấp hiện hành hoặc huy động từ các nguồn tài trợ, các nguồn xã hội hóa, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nội dung (2) và (4) được giao theo Kế hoạch.
- Hướng dẫn kiểm tra các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc sử dụng thuốc BVTV và công tác thu gom lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án, tập huấn mùa vụ để tập huấn cho người sử dụng thuốc về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong xây dựng bể chứa, khu lưu chứa và thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV giả, nhập lậu, không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Kinh phí trang bị xe chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ chuyên chở các loại hóa chất độc hại, các loại hóa chất thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Dioxin, 2,4D, thuốc chứa hợp chất thủy ngân thu giữ, tiếp nhận từ các địa phương, cơ quan thanh tra, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường... về khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chờ xử lý tiêu hủy.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung và thuốc bảo vệ thực vật nói riêng trên địa bàn tỉnh; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. Sở Tài Nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn theo quy định để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương triển khai thực hiện nội dung (3) trong Kế hoạch.
- Làm đầu mối trong việc tổ chức thực hiện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để vận chuyển, xử lý tiêu hủy chung cho toàn tỉnh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Kê khai chứng từ và chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT .
3. Sở Tài chính
Căn cứ vào dự toán chi tiết do Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường lập theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và kinh phí được bố trí hàng năm 2019-2020 để thẩm định phân bổ theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm truyền thông tỉnh, Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú, Phóng viên chuyên trách phụ trách theo dõi địa bàn của các cơ quan báo chí, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa/Đài Truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và thu gom, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu việc sử dụng hóa chất BVTV trong nông nghiệp, giảm thiểu xả thải vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ra môi trường.
7. Ban Xây dựng nông thôn mới
Chủ động xây dựng kế hoạch trong nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hàng năm cho địa phương để triển khai xây dựng bể chứa, khu lưu chứa, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
8. Đề nghị Cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể Tỉnh
Chỉ đạo các cấp Hội, các cấp đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung (1) và một số nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí; Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng bể chứa, khu lưu chứa (nếu có); Cải tạo bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Phương án tổ chức thực hiện thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức có sử dụng thuốc BVTV đóng trên địa bàn, trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa và tập kết về khu lưu chứa (nếu có) hoặc nơi tập kết chung của cấp huyện theo quy định.
- Chỉ đạo công tác quản lý bể chứa, khu lưu chứa và hoạt động thu gom, chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức có sử dụng thuốc BVTV đóng trên địa bàn.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thu gom, phân loại vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định.
- Quy định, bố trí địa điểm khu lưu chứa (nếu có) hoặc nơi tập kết bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chung cho cấp huyện.
- Thực hiện nghiêm túc Quyết định 663/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/02/2019 về việc ban hành Hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Tổng hợp tình hình phát sinh, khó khăn vướng mắc trong công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
10. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã
- Xác định điểm đặt bể chứa, điểm đặt khu lưu chứa (nếu có); xây dựng, hoặc lắp đặt bể chứa đảm bảo theo quy định và theo nội dung của Kế hoạch.
- Tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa, tập kết về khu lưu chứa và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.
- Căn cứ vào thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa. Đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa trực tiếp thu gom hoặc ký hợp đồng thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ bể chứa đến khu lưu chứa hoặc nơi tập kết chung của cấp huyện theo quy định.
- Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với người sử dụng thuốc BVTV theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
- Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này và báo cáo kết quả triển khai thực hiện định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc Thủ trưởng các cơ quan chủ động báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THU GOM, XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG VÀ HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG TẠI CÁC VÙNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI 2019 - 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 91/KH-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
STT | Tên nhiệm vụ | Sản phẩm | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng | Nhiệm vụ | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) | Sở Tài chính, UBND cấp huyện, xã | 2019 - 2020 |
2 | Chuẩn bị nội dung xây dựng khu lưu chứa chung cho toàn tỉnh chứa thuốc BVTV giả, nhập lậu, không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu giữ, tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị, các địa phương | Nhiệm vụ | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) | Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện | 2019 |
3 | Hoàn thiện xây dựng, cải tạo hệ thống bể chứa, khu lưu chứa (nếu có) bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT | Nhiệm vụ | UBND cấp huyện | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính | Hoàn thành 2020 |
4 | Vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thuốc BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ... | Nhiệm vụ | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND cấp huyện | 2019 - 2020 |