Nội dung toàn văn Kế hoạch 914/KH-UBND 2023 Đề án chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng môi trường Nghệ An
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 914/KH-UBND | Nghệ An, ngày 27 tháng 11 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN LỢI VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái (sau đây gọi tắt là Đề án), Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày 19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với những nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.
- Từng bước giảm dần tàu cá sử dụng nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, hàng năm cắt giảm tối thiểu 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi; 4-5% đối với tàu vùng lộng, vùng ven bờ.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến 2025
- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân và phát huy vai trò của các Tổ đồng quản lý, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Đánh giá được trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng.
- Đến 31/12/2025 cắt giảm được 184 tàu cá đang hoạt động (so với 01/01/2023), còn lại 3.209 chiếc, trong đó: Cắt giảm tàu cá hoạt động vùng khơi 40 chiếc, còn lại 1.101 chiếc; Cắt giảm tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ 144 chiếc, còn lại 2.108 chiếc.
- Chuyển đổi nghề khai thác: Khảo sát, xây dựng các mô hình chuyển đổi từ lưới kéo sang các nghề câu, rê có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá Nghệ An đảm bảo hiệu quả, bền vững.
b) Giai đoạn từ năm 2026 - 2030
- Đến 31/12/2030 cắt giảm được 672 tàu cá đang hoạt động (so với 31/12/2025), còn lại 2.537 chiếc, trong đó: Cắt giảm tàu cá hoạt động vùng khơi 96 chiếc, còn lại 1.005 chiếc; Cắt giảm tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ 576 chiếc, còn lại 1.532 chiếc.
- Chuyển đổi nghề khai thác: Chuyển đổi 20 tàu làm nghề lưới kéo khai thác vùng khơi sang nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, lưới rê (trừ rê thu ngừ); Chuyển đổi 100 tàu khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề kinh tế khác.
- Tập huấn nghề cho 3.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi cắt giảm tàu cá và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).
II. NHIỆM VỤ
1. Thông tin truyền thông, tuyên truyền
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
2. Tăng cường quản lý nhà nước vè khai thác hải sản
- Thực hiện, sửa đổi bổ sung Quy định tiêu chí đặc thù về cấp văn bản chấp thuận thuê, mua, cải hoán, đóng mới tàu cá theo hướng giảm nghề khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu sang nghề khai thác chọn lọc, tiêu tốn ít nhiên liệu; hạn chế mua tàu cá từ ngoại tỉnh đối với tàu đã cũ (trên 10 năm), làm nghề có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
- Hằng năm tiến hành rà soát thống kê số lượng tàu cá (trong đó chú trọng điều tra tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ) trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Khuyến khích chuyển đổi nghề, ứng dụng hoa học kỹ thuật
- Khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề từ nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo) sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề khai thác hải sản tại Nghệ An, đảm bảo hiệu quả, bền vững.
- Triển khai các đề tài ứng dụng khoa học, điều tra về các loài thủy sản, hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài hải sản, tổ chức quản lý khu vực có hệ sinh thái đa dạng.
(Phụ lục chi tiết các nhiệm vụ kèm theo)
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
1. Về công tác quản lý nhà nước
- Thực hiện nghiêm việc quản lý hạn ngạch khai thác theo nghề, kiểm soát tốt hoạt động thống kê sản lượng lên bến và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành thủy sản đảm bảo đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
- Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Kiểm ngư, Công an, Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các đơn vị liên quan và các cơ quan truyền thông.
2. Về cơ chế chính sách
Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang các nghề không khai thác hoặc các nghề ảnh hưởng ít đến nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân khai thác hải sản có nhu cầu chuyển đổi nghề.
3. Về khuyến ngư
- Xây dựng các mô hình hoạt động du lịch trải nghiệm kết hợp với khai thác, chế biến, sử dụng hải sản nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.
- Xây dựng các mô hình chuyển đổi từ nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển ven bờ, vùng cửa sông, cửa lạch.
4. Về khoa học và công nghệ
- Từng bước hoàn thiện, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động khai thác hải sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Nghiên cứu, tìm hiểu chuyển giao nghề khai thác mới sử dụng ít nhiên liệu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch:
- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, có lồng ghép các Chính sách, Chương trình/Đề án/Dự án đầu tư công giai đoạn 2030.
- Nguồn kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái với các nội dung, hình thức tuyên truyền thiết thực, phù hợp với địa phương.
- Chủ trì xây dựng các nhiệm vụ, chính sách, quy định về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
- Lập dự toán kinh phí thực hiện hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm tra, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
- Là cơ quan thường trực hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp số liệu và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ khả năng cân đối vốn, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thủy sản trong Kế hoạch này theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
3. Sở Tài chính
Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm đảm bảo từ Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành trong khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao các mô hình khai thác hải sản phù hợp với đặc điểm, điều kiện hiện nay của các chủ tàu; ứng dụng khoa học, công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nâng cao giá trị, chất lượng hải sản khai thác.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề theo quy định để thay thế nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác có liên quan tổ chức tuyên truyền các mô hình chuyển đổi nghề hiệu quả, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái.
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch này.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã ven biển ưu tiên thực hiện thủ tục giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân để chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng thủy sản theo quy định.
8. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An
- Định kỳ hàng quý có tin bài, phóng sự tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình chuyển đổi nghề khai thác từ nghề ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi sang làm các nghề khác hiệu quả hơn.
- Truyền thông về trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
9. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các đoàn thể, hội, hiệp hội nghề nghiệp thực hiện đầy đủ và hiệu quả những nội dung liên quan trong Kế hoạch.
- Tuyên truyền vận động ngư dân tham gia khai thác trên biển chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản đồng thời kịp thời báo cáo các vi phạm trên biển cho các cơ quan chức năng để xử lý.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển
- Tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai Kế hoạch tại địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực thủy sản, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các Tổ đồng quản lý tổ chức quán triệt cho các chủ tàu nội dung Kế hoạch, tham mưu đề xuất các mô hình, hình thức hoạt động thay thế nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
- Các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã ven biển báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 11 hàng năm. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC:
NHIỆM VỤ CHI TIẾT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN LỢI VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
(Kèm theo Kế hoạch số 914/KH-UBND ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh Nghệ An)
TT | Tên nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Thông tin truyền thông, tuyên truyền | |||
- | Tuyên truyền, xây dựng các pano, phát tờ rơi có nội dung về bảo vệ nguồn lợi và chuyển đổi nghề | Sở Nông nghiệp và PTNT/Chi cục Thủy sản | Sở Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An | 2024-2030 |
- | Xây dựng phóng sự, phim tài liệu, tin bài về công tác chuyển đổi nghề khai thác hải sản, các mô hình chuyển đổi nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao. | Sở Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Nghệ An | Sở Nông nghiệp và PTNT/Chi cục Thủy sản | 2024-2030 |
2 | Công tác quản lý nhà nước về khai thác hải sản | |||
- | Sửa đổi bổ sung tiêu chí đặc thù về cấp văn bản chấp thuận thuê, mua, cải hoán, đóng mới tàu cá theo hướng giảm nghề khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu sang nghề khai thác chọn lọc, tiêu tốn ít nhiên liệu; hạn chế mua tàu cá từ ngoại tỉnh đối với tàu đã cũ tuổi trên 10 năm, làm nghề có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. | Sở Nông Nghiệp và PTNT/Chi cục Thủy sản | UBND các huyện, thị xã ven biển | 2024-2025 |
- | Tổ chức thống kê tàu cá hàng năm trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiệu quả các nghề khai thác thủy sản | Sở Nông nghiệp và PTNT/Chi cục Thủy sản | UBND các huyện thị xã ven biển | 2024-2030 |
3 | Khuyến khích chuyển đổi nghề khai thác |
|
|
|
- | Điều tra, đánh giá thực trạng và nhu cầu chuyển đổi Nghề của cộng đồng ngư dân khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025 | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện thị xã ven biển | 2024-2026 |
- | Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới kéo sang nghề khai thác thân thiện với môi trường; chuyển đổi nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng sang làm nghề khác | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện thị xã ven biển | 2025-2030 |
- | Xây dựng 01 đến 02 mô hình chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá Nghệ An, đảm bảo hiệu quả, bền vững. | Sở Nông nghiệp và PTNT/Chi cục Thủy sản | Viện nghiên cứu Hải sản; UBND các huyện thị xã ven biển | Đang thực hiện theo Quyết định số 2713/QĐ-UBND ngày 09/9/2022 |