Văn bản khác 103-KL/TW

Kết luận 103-KL/TW năm 2014 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Nội dung toàn văn Kết luận 103-KL/TW 2014 sơ kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa


BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 103-KL/TW

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA X VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tại phiên họp ngày 12-9-2014, sau khi nghe Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa báo cáo kết quả hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã kết luận như sau:

I- Đánh giá kết quả thực hiện

Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được cấp ủy và chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng và đạt được nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Đã nhận thức rõ hơn về mục tiêu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn, nâng cao hơn vai trò, sức cạnh tranh của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp; huy động tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước; tạo nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao sức sản xuất của xã hội. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá đã vận hành theo nguyên tắc thị trường; thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số loại hàng hóa - dịch vụ thiết yếu. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, đã bộc lộ một số hạn chế yếu kém. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh; việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản. Quản lý, điều hành giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn lúng túng, chưa thật sự tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được đầy đủ vai trò nòng cốt trên thực tế. Hầu hết doanh nghiệp ngoài nhà nước quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên và còn hạn chế trong chuyển giao công nghệ. Trình độ phát triển của các loại thị trường còn thấp; trong đó thị trường lao động và thị trường dịch vụ công cơ cấu chưa đồng bộ và hiện đại; thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp, quá lớn vào nền kinh tế với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp. Sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân trong hoạt động quản trị quốc gia và quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Các nỗ lực đổi mới kinh tế trong nước chưa thực sự đáp ứng yêu cầu các cam kết hội nhập. Nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chưa chủ động tận dụng cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập.

Những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn có một số vấn đề chưa rõ. Chưa thực sự phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Cơ chế thực thi và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật còn kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm, năng lực phân tích, dự báo và điều chỉnh chính sách còn hạn chế.

II. Một số phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục thực hiện Nghị quyết

Sau hơn 5 năm thực hiện, về cơ bản, nội dung Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới, cần tập trung quán triệt, thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau:

1- Tạo sự đồng thuận cao hơn trong xã hội về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn, tạo được sự đồng thuận cao hơn trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bảo đảm trong xây dựng và vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các thành tố cơ bản, có quan hệ hữu cơ với nhau, gồm: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; các thể chế về chủ thể kinh tế và các loại thị trường; cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và xử lý vi phạm trong nền kinh tế.

2- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Thể chế hóa quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được xác lập trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công; quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu, nhất là các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Hoàn thiện thể chế định giá tài sản, kể cả đất đai, tài sản vô hình trong cổ phần hóa. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương nghiên cứu để sớm thành lập cơ quan chuyên trách ngang bộ m đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Mở rộng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính. Áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp công có nhu cầu và điều kiện. Tiếp tục đổi mới kinh tế hợp tác và khu vực hợp tác xã về phương thức hoạt động, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến. Tăng cường chính sách thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, chủ động lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý, công nghệ hiện đại, có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết doanh nghiệp trong nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

3- Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Tập trung cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa và ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, hướng tới loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Thực hiện các chính sách tín dụng, lãi suất, tỉ giá, các công cụ của Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản được vận hành thông suốt, phù hợp cung - cầu. Đổi mới chính sách để khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất. Xây dựng các thể chế hình thành thị trường sơ cấp, thứ cấp về đất đai, kể cả đất nông nghiệp thay thế cho cách thức giao đất, cho thuê đất, bảo đảm thị trường về đất đai hoạt động công khai, minh bạch và trật tự.

Hoàn thiện thể chế về giá, phí, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá. Hoàn thiện pháp luật về phí và lệ phí; rà soát, chuyển đổi chính sách phí, lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ. Mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá. Hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4- Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội trong từng chương trình, dự án; trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường. Chú trọng nghiên cứu, ban hành đồng bộ các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, thống nhất, tăng tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.

5- Hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.

6- Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, gia nhập các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ động hội nhập quốc tế, tham gia và khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế các hiệp định tự do hóa kinh tế song phương và đa phương, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Hoàn thiện thể chế phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp quốc tế; sớm hoàn thiện tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.

7- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung khổ pháp luật, chính sách và bộ máy thực thi bảo đảm các loại thị trường liên tục được hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, có cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức; tổ chức cung ứng các loại dịch vụ công ích, thiết yếu; giảm bất công, bất bình đẳng về thu nhập, phúc lợi và thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác. Tăng cường năng lực thiết kế tổng thể và giám sát quá trình thực hiện đổi mới thể chế kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhất thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong hoạt động kinh tế của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong xây dựng thể chế kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.

III- Tổ chức thực hiện

1- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo quán triệt Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị để xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị.

3- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban của Đảng, các tổ chức đảng theo chức năng, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 103-KL/TW

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu103-KL/TW
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/09/2014
Ngày hiệu lực29/09/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 103-KL/TW

Lược đồ Kết luận 103-KL/TW 2014 sơ kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kết luận 103-KL/TW 2014 sơ kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu103-KL/TW
                Cơ quan ban hànhBan Chấp hành Trung ương
                Người kýLê Hồng Anh
                Ngày ban hành29/09/2014
                Ngày hiệu lực29/09/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Kết luận 103-KL/TW 2014 sơ kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

                          Lịch sử hiệu lực Kết luận 103-KL/TW 2014 sơ kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

                          • 29/09/2014

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 29/09/2014

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực