Nội dung toàn văn Kết luận số 120-KL/TW xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 2016
BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 120-KL/TW | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2016 |
KẾT LUẬN
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QCDC Ở CƠ SỞ
Tại phiên họp ngày 04/12/2015, sau khi nghe Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ Chính trị đã kết luận như sau:
1- Chỉ thị số 30-CT/TW đã được triển khai sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống đạt kết quả khá toàn diện. Các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ cơ sở được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và yêu cầu của đất nước. Chế độ dân chủ đại diện được phát huy; chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao; cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đã được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Công tác tuyên truyền, giáo dục có trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng và đạt nhiều kết quả tốt. Quá trình thực hiện Chỉ thị đã góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị còn một số hạn chế, yếu kém. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị chưa thực sự thường xuyên. Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị thời gian gần đây chưa được chú trọng. Một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chậm được xây dựng và hoàn thiện. Dân chủ chưa thực sự đi đôi với giữa gìn trật tự, kỷ cương. Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở dịch vụ, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập… chưa xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức và trách nhiệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở một số nơi chưa quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Có nơi buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc thực hiện. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chưa được cụ thể hóa. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân ở một số nơi chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; chưa phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
2- Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
2.1- Tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.
2.2- Cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phạm vi được phân công phụ trách, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; chú trọng các địa bàn, các cơ sở thực hiện chưa tốt.
2.3- Các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban đảng, đảng đoàn trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chống quan liêu và cách hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Kịp thời xử lý việc lợi dụng dân chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2.4- Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt hơn chế độ dân chủ đại diện. Tích cực rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là các quyền đã được Hiến pháp quy định. Tiếp tục thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
2.5- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.
2.6- Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, để nhân dân nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp, để người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Chú trọng tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; báo chí phải đưa tin trung thực, phản biện khách quan, đúng bản chất vấn đề.
2.7- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở; tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh số 34-PL/UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản luật có liên quan. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền dân chủ phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế.
Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu những vấn đề về dân chủ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
2.8- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung Kết luận này cụ thể hóa thành chương trình công tác của cấp ủy, chỉ đạo triển khai, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Ban Dân vận Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản của Trung ương Đảng có liên quan đến xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |