Nội dung toàn văn Nghị định 103/2002/NĐ-CP chế độ đền bù trợ cấp cá nhân gia đình cơ quan tổ chức tham gia phòng chống ma tuý bị thiệt hại tính mạng sức khoẻ tài sản
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/2002/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2002 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 103/2002/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2002 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐỀN BÙ VÀ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH, CƠ QUAN, TỔ CHỨC THAM GIA PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ BỊ THIỆT HẠI VỀ TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, TÀI SẢN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều 14 Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị định này quy định việc đền bù đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại (sau đây viết gọn là đối tượng bị thiệt hại) về tài sản; chế độ trợ cấp đối với cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ do tham gia phòng, chống ma tuý.
Điều 2.
1. Chế độ trợ cấp thiệt hại được Nhà nước thực hiện theo quy định của Nghị định này là chế độ trợ cấp thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại do tham gia phòng, chống ma túy.
2. Việc đền bù thiệt hại được Nhà nước thực hiện theo quy định của Nghị định này là đền bù thiệt hại về tài sản đối với đối tượng bị thiệt hại không phải do người phạm tội về ma tuý trực tiếp gây ra; trường hợp thiệt hại về tài sản do người phạm tội về ma tuý gây ra thì được giải quyết theo quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Điều 3. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế bị thiệt hại về tài sản, người nước ngoài bị thiệt hại về tính mạng, bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ do tham gia phòng, chống ma tuý trên lãnh thổ Việt Nam được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đền bù hoặc thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định của Nghị định này. Nếu các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Điều 4.
1. Đối tượng bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng đó có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đền bù cho mình thiệt hại về tài sản, thực hiện chế độ trợ cấp khi người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ do tham gia phòng, chống ma tuý; trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng thì gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của người chết có quyền đề nghị thực hiện chế độ trợ cấp.
2. Nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đền bù thiệt hại về tài sản cho đối tượng bị thiệt hại và thực hiện chế độ trợ cấp đối với người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Nghị định này. Việc thực hiện đền bù hoặc trợ cấp phải quyết định bằng văn bản.
Chương 2:
ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN
Điều 5.
1. Thiệt hại được đền bù bao gồm tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng do tham gia phòng, chống ma tuý và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
2. Giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị thiệt hại, kể cả tính khấu hao tài sản.
3. Nếu tài sản bị thiệt hại có khả năng phục hồi nguyên trạng thì được phục hồi nguyên trạng. Nếu tài sản bị mất hoặc không phục hồi được nguyên trạng thì được đền bù.
Điều 6.
1. Cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc ngành Công an, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan có trách nhiệm giải quyết việc đền bù đối với thiệt hại về tài sản trong các vụ án do mình thụ lý. Trong trường hợp vụ án do cơ quan, tổ chức khác phát hiện, bắt giữ thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm chuyển giao cho cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý (đơn vị tiếp nhận điều tra vụ án) những tài liệu có liên quan đến sự việc đã gây ra thiệt hại về tài sản để xem xét, giải quyết việc đền bù.
2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) có trách nhiệm giải quyết đền bù thiệt hại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra tại địa phương mình.
3. Đối tượng bị thiệt hại có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý nơi thụ lý vụ án, Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra thiệt hại để đề nghị được đền bù thiệt hại. Đơn đề nghị cần trình bày rõ nội dung sự việc đã gây ra thiệt hại, những tài sản bị thiệt hại, giá trị thiệt hại và mức đền bù, những tài liệu chứng minh giá trị tài sản, giá trị thiệt hại... để làm căn cứ giúp cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
4. Khi nhận được đơn đề nghị đền bù của đối tượng bị thiệt hại, trong thời hạn chậm nhất 15 ngày, cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý nơi thụ lý vụ án, ủy ban nhân dân nơi xảy ra thiệt hại có trách nhiệm xem xét, quyết định việc đền bù hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc đền bù theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
5. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm đền bù có thể thành lập Hội đồng tư vấn xét giải quyết việc đền bù thiệt hại. Hội đồng tư vấn bao gồm: Đại diện cơ quan có trách nhiệm đền bù làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học - kỹ thuật có liên quan. Người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng để phát biểu ý kiến; ý kiến của những người này được ghi vào biên bản.
Hội đồng tư vấn xét giải quyết việc đền bù thiệt hại có nhiệm vụ xem xét, kiểm tra, đánh giá thiệt hại và kiến nghị mức đền bù thiệt hại. Hội đồng tư vấn thảo luận và kết luận theo đa số; biên bản họp hội đồng tư vấn được chuyển đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Nghị định này để quyết định việc đền bù.
Điều 7.
1. Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự ở Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 2.000.000 (hai triệu) đồng đối với các vụ án do đơn vị mình thụ lý.
2. Thủ trưởng cơ quan điều tra thuộc Công an từ cấp tỉnh trở lên, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự ở Tổng cục và cấp tương đương trong Quân đội, Thủ trưởng cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý Bộ Công an quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 5.000.000 (năm triệu) đồng đối với các vụ án do đơn vị mình thụ lý.
3. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Hải quan cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và tương đương quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 10.000.000 (mười triệu) đồng đối với các vụ án do cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý hoặc đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan thuộc quyền thụ lý.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới mười triệu đồng đối với các vụ việc khác về ma tuý xảy ra tại địa phương mình.
5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên đối với các vụ án do cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý hoặc đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan thuộc quyền thụ lý.
6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên đối với các vụ việc khác về ma tuý xảy ra tại địa phương mình.
Chương 3:
CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI VỀ TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ
Điều 8.
1. Thiệt hại do bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
2. Người bị thiệt hại do bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ được người có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Nghị định này xem xét, quyết định trợ cấp một lần bằng tiền; mức trợ cấp bao gồm các chi phí thực tế theo quy định tại khoản 1 Điều này. Những trường hợp trợ cấp từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên phải lập Hội đồng tư vấn để xét trợ cấp nhưng tối đa không vượt quá 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng cho một người bị thiệt hại.
Điều 9.
1. Thiệt hại về tính mạng bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
2. Gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại về tính mạng được trợ cấp một lần bằng tiền; mức trợ cấp bao gồm các chi phí thực tế theo quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng tối đa không vượt quá 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng cho một người chết.
Điều 10.
1. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trợ cấp những thiệt hại không quá 10.000.000 (mười triệu) đồng.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định trợ cấp những thiệt hại từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên.
Điều 11.
1. Người bị thiệt hại do bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, gia đình của người bị thiệt hại về tính mạng hoặc người đại diện hợp pháp của những người này có thể gửi đơn đến cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thụ lý vụ án để đề nghị được trợ cấp thiệt hại. Đơn đề nghị cần trình bày rõ nội dung sự việc đã gây ra thiệt hại, những thương tích, tổn hại về sức khoẻ, giấy chứng tử trong trường hợp chết, những giấy tờ, hoá đơn chứng từ xác nhận các chi phí thực tế... để làm căn cứ giúp cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
2. Khi nhận được đơn đề nghị trợ cấp của người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm giải quyết trợ cấp phải xem xét, quyết định trợ cấp kịp thời theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm giải quyết trợ cấp thành lập Hội đồng tư vấn xét giải quyết trợ cấp. Hội đồng tư vấn xét giải quyết trợ cấp bao gồm: Đại diện cơ quan có trách nhiệm giải quyết trợ cấp làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học - kỹ thuật, cơ quan y tế có liên quan. Người bị thiệt hại, gia đình của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng để phát biểu ý kiến; ý kiến của những người này được ghi vào biên bản.
4. Hội đồng tư vấn xét giải quyết trợ cấp có nhiệm vụ đánh giá mức độ tổn hại về sức khoẻ, tính mạng trên cơ sở căn cứ vào kết luận giám định pháp y, kết luận giám định pháp y tâm thần, kết luận giám định thương tật, các giấy tờ, tài liệu có liên quan và quy định của cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn thương tật để đánh giá thiệt hại và kiến nghị mức trợ cấp. Hội đồng tư vấn thảo luận và kết luận theo đa số; biên bản họp Hội đồng tư vấn được chuyển đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 10 của Nghị định này để quyết định việc trợ cấp.
Chương 4:
KINH PHÍ ĐỀN BÙ, TRỢ CẤP THIỆT HẠI
Điều 12. Kinh phí để đền bù và trợ cấp nói trên được trích một phần từ Quỹ phòng, chống ma tuý, một phần do ngân sách nhà nước các cấp bảo đảm.
Điều 13.
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết đền bù, trợ cấp lập dự toán kinh phí trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan thực hiện quy định này.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
Điều 15. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |