Nghị định 123-CP điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nông nghiệp đã được thay thế bởi Nghị định 141-HĐBT Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá và được áp dụng kể từ ngày 24/08/1982.
Nội dung toàn văn Nghị định 123-CP điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nông nghiệp
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 123-CP | Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1963 |
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý kỹ thuật nhằm thực hiện thống nhất hóa, cơ giới hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, nâng cao phẩm chất sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đồng thời tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao hiệu suất lao động và hạ giá thành sản xuất;
Xét đề nghị của Ủy ban khoa học Nhà nước trong công văn số 223-KHH ngày 08 tháng 3 năm 1963;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 08 tháng 8 năm 1963,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp.
Điều lệ này là cơ sở pháp lý để thống nhất từng bước tiêu chuẩn hóa các sản phẩm công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng do Nhà nước thu mua để làm nguyên liệu công nghiệp, để xuất khẩu hoặc có quan hệ rất lớn đến đời sống của nhân dân.
Điều 2. - Ủy ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thi hành điều lệ này.
Điều 3. - Bản điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. – Trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp được đặt ra nhằm mục đích thống nhất hóa, cơ khí hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính lắp lẫn và tính tổ hợp của sản phẩm; bảo đảm sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; rút ngắn thời gian thiết kế và sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động, giảm giá thành sản xuất.
Điều 2. - Tất cả các sản phẩm công nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp quan trọng do Nhà nước thu mua để làm nguyên liệu công nghiệp, để xuất khẩu hoặc có quan hệ rất lớn đối với đời sống của nhân dân đều phải được tiêu chuẩn hóa.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp cần được tiến hành một cách tích cực, nhưng phải từng bước và có kế hoạch cụ thể.
Điều 3. – Tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp gồm có những loại cơ bản sau đây:
a) Các tiêu chuẩn về thông số và kích thước cơ bản;
b) Các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật;
c) Các tiêu chuẩn về phương pháp thử;
d) Các tiêu chuẩn về ghi nhãn hiệu, bao gói, vận chuyển, bảo quản
e) Các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn diện, gồm đủ các mục: thông số và kích thước cơ bản; yêu cầu kỹ thuật; phương pháp thử; cách ghi nhãn hiệu, bao gói, vận chuyển, bảo quản;
g) Các tiêu chuẩn về những vần đề kỹ thuật chung.
Điều 4. – Tiêu chuẩn của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp được phân làm ba cấp:
a) Tiêu chuẩn Nhà nước để áp dụng trong tất cả các ngành sản xuất, được quy định cho những sản phẩm do nhiều ngành cùng sản xuất, cùng sử dụng, hoặc do một ngành sản xuất để nhiều ngành sử dụng.
b) Tiêu chuẩn ngành để áp dụng trong từng ngành, được quy định:
- Khi chưa có tiêu chuẩn Nhà nước;
- Khi cần cụ thể hóa tiêu chuẩn Nhà nước. Trong trường hợp này, nội dung tiêu chuẩn ngành nhất thiết phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và các quy định khác ở trong các tiêu chuẩn Nhà nước;
- Cho những sản phẩm của một ngành sản xuất ra và chỉ để ngành đó sử dụng.
c) Tiêu chuẩn xí nghiệp để áp dụng trong từng xí nghiệp, được quy định:
- Khi chưa có tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành;
- Khi cần cụ thể hóa tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành. Trong trường hợp này, nội dung tiêu chuẩn xí nghiệp nhất thiết phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và các quy định khác ở trong các tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành.
- Cho những sản phẩm của một xí nghiệp sản xuất ra và chỉ để xí nghiệp đó sử dụng.
Điều 5. – Tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành có hai hình thức:
a) Loại ban hành chính thức, bắt buộc phải chấp hành kể từ ngày tiêu chuẩn có hiệu lực;
b) Loại ban hành để khuyến khích áp dụng
Chương 2:
NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP.
Điều 6. - Việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp do Ủy ban khoa học Nhà nước cùng với các Bộ và Tổng cục có quản lý sản xuất đảm nhiệm. Việc trực tiếp nghiên cứu xây dựng do các viện Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, các viện Thiết kế và chế tạo, các trường đại học và chuyên nghiệp và các xí nghiệp tiến hành, có sự cộng tác của các cơ quan hữu quan khác.
Điều 7. - Việc tổ chức và tiến hành nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp đặt dưới sự hướng dẫn chung của Ủy ban khoa học Nhà nước.
Điều 8. - Kế hoạch tiêu chuẩn hóa là một bộ phận của kế hoạch kinh tế quốc dân. Hàng năm đồng thời với việc làm kế hoạch kinh tế, các Bộ, Tổng cục phải tùy theo chức năng và các yêu cầu cụ thể đặt ra một kế hoạch nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho năm sau. Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn phải được gửi về Ủy ban khoa học Nhà nước để Ủy ban nghiên cứu, tổng hợp và trình Chính phủ duyệt.
Điều 9. – Khi nghiên cứu để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, cần căn cứ vào:
- Các số liệu điều tra, thống kê về kinh tế kỹ thuật và về thiên nhiên ở trong nước;
- Các tiêu chuẩn hiện đang áp dụng;
- Kinh nghiệm thực tế về thiết kế, sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp;
- Kết quả nghiên cứu khoa học;
- Các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế tương ứng; đặc biệt chú ý những tiêu chuẩn đã được kiến nghị thống nhất trong toàn phe xã hội chủ nghĩa.
Điều 10. - Nội dung của tiêu chuẩn kỹ thuật phải thể hiện được:
- Tính tiên tiến, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến mà nâng cao chất lượng của sản phẩm;
- Tính thực tế, có chiếu cố đến các điều kiện cụ thể về kinh tế kỹ thuật và thiên nhiên ở nước ta;
- Tính kinh tế, nhằm đạt tới một hiệu suất kinh tế cao hơn;
- Sự quan tâm đầy đủ đến sức khỏe và an toàn của người lao động.
Điều 11. – Tiêu chuẩn nhà nước và tiêu chuẩn ngành phải trình bày theo hình thức thống nhất do Ủy ban khoa học Nhà nước quy định.
Điều 12. - Đối với từng tiêu chuẩn, phải có một cơ quan biên soạn. Trong quá trình nghiên cứu cơ quan biên soạn cần tranh thủ sự cộng tác tích cực của các đơn vị sản xuất, đơn vị sử dụng và tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật; các cơ quan làm kế hoạch vật tư, các cơ quan thương nghiệp… có liên quan.
Điều 13. – Căn cứ vào kết quả nghiên cứu cơ quan biên soạn viết bản dự thảo tiêu chuẩn. Dự thảo phải được đem thảo luận ở Hội đồng khoa học kỹ thuật hoặc ở cuộc họp cán bộ khoa học kỹ thuật của cơ quan biên soạn, sau đó được gửi kèm với một bản thuyết minh đến những nơi có liên quan để lấy ý kiến. Dự thảo và thuyết minh đều phải có chữ ký của thủ trưởng cơ quan biên soạn.
Điều 14. – Trong bản thuyết minh cần nêu rõ:
- Mục đích, ý nghĩa của tiêu chuẩn mới;
- Cơ sở khoa học và kinh tế kỹ thuật của tiêu chuẩn mới, gồm các kết quả nghiên cứu; các số liệu điều tra, thống kê trong nước; các số liệu điều tra, thống kê trong nước; các số liệu tham khảo rút ra từ tài liệu của nước ngoài, lợi ích kinh tế so với tiêu chuẩn cũ hoặc so với khi chưa có tiêu chuẩn.
Điều 15. – Nơi nhận được bản dự thảo phải trả lời cho cơ quan biên soạn theo thời gian do cơ quan biên soạn yêu cầu. Bản trả lời phải cụ thể; từng vấn đề đồng ý hay không đồng ý cần có luận điểm rõ ràng và phải có chữ ký của cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm.
Điều 16. – Cơ quan biên soạn có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các nơi gửi đến để sửa chữa bản dự thảo và phải viết một bản tiếp thu, nêu những ý kiến đã chấp nhận và những ý kiến đã bác bỏ, riêng về những ý kiến đã bác bỏ, cần có luận điểm rõ ràng
Chương 3:
XÉT DUYỆT VÀ BAN HÀNH CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP
Điều 17. – Các tiêu chuẩn Nhà nước nói chung do Ủy ban khoa học Nhà nước xét duyệt và ban hành. Những tiêu chuẩn có tính chất đặc biệt quan trọng sẽ do Ủy ban khoa học Nhà nước trình Chính phủ ban hành.
Riêng các tiêu chuẩn Nhà nước về dược phẩm, thuốc thú y và y cụ do các Bộ quản lý sản xuất các sản phẩm đó trực tiếp xét duyệt và ban hành sau khi đã thống nhất ý kiến với các ngành sử dụng các loại sản phẩm đó và đã đăng ký tại Ủy ban khoa học Nhà nước.
Điều 18. – Các bản dự thảo tiêu chuẩn Nhà nước mà cơ quan biên soạn đã sửa chữa lần cuối gửi đến Ủy ban khoa học Nhà nước xét duyệt đều phải có chữ ký của thủ trưởng cơ quan biên soạn và phải kèm theo các phụ lục sau đây:
- Bản thuyết minh;
- Bản tiếp thu ý kiến của các nơi;
- Các bản ghi kết luận của các cuộc thảo luận về bản dự thảo;
- Bản kê những tài liệu trong và ngoài nước đã tham khảo.
Điều 19. – Sau khi nhận được dự thảo tiêu chuẩn Nhà nước do các ngành biên soạn, Ủy ban khoa học Nhà nước phải thẩm tra lại nội dung của dự thảo, sửa chữa những điểm cần thiết, sau đó gửi cho một số ngành có liên quan để làm thí điểm.
Điều 20. - Thời gian làm thí điểm sẽ quy định riêng cho từng trường hợp cụ thể tùy theo tính chất, nội dung của tiêu chuẩn và dựa trên ý kiến của những ngành có liên quan. Trong thời gian này, các ngành và các cơ sở sản xuất vẫn có thể tiếp tục góp ý kiến để hoàn thành bản dự thảo.
Điều 21. - Hết thời hạn làm thí điểm, Ủy ban khoa học Nhà nước phải tổng hợp kết quả và các ý kiến nhận xét, triệu tập một cuộc hội nghị các cơ quan hữu quan để bàn bạc thêm và kết luận. Sau đó Ủy ban khoa học Nhà nước sửa chữa bản dự thảo lần cuối rồi ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành.
Điều 22. – Các tiêu chuẩn Nhà nước đã ban hành phải được đăng ký vào một sổ riêng và phải được công bố trên công báo, trừ các tiêu chuẩn kỹ thuật được coi là tài liệu bí mật Nhà nước thì không công bố trên công báo. Ủy ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ tổ chức việc xuất bản, phát hành, in lại các tiêu chuẩn Nhà nước. Các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm phổ biến các tiêu chuẩn Nhà nước xuống đến từng cơ sở có liên quan ở trong Bộ, Tổng cục mình.
Điều 23. – Tiêu chuẩn ngành do Bộ trưởng hoặc Tổng cục trưởng xét duyệt và ban hành. Cơ quan biên soạn tiêu chuẩn ngành phải gửi dự thảo và các tài liệu phụ lục kèm theo (như đã quy định ở điều 18) đến bộ phận chuyên trách về tiêu chuẩn hóa của các Bộ, Tổng cục để những nơi này thẩm tra nội dung, tổ chức làm thí điểm và sửa chữa lần cuối trước khi trình Bộ trưởng hoặc Tổng cục trưởng xét duyệt. Tiêu chuẩn ngành đã được xét duyệt, trước khi ban hành phải gửi đến Ủy ban khoa học Nhà nước đăng ký vào sổ riêng để tiện việc quản lý. Từng Bộ, Tổng cục tự tổ chức lấy việc xuất bản, phát hành, in lại các tiêu chuẩn của ngành mình.
Điều 24. – Tiêu chuẩn xí nghiệp do xí nghiệp tổ chức việc thẩm tra nội dung và làm thí điểm. Giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm xét duyệt và ban hành các tiêu chuẩn xí nghiệp sau khi đã trình lên Bộ, Tổng cục để thông qua và đăng ký.
Điều 25. – Các cơ quan ban hành các tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn xí nghiệp, có quyền quy định một số tiêu chuẩn kỹ thuật mà mình ban hành là tài liệu bí mật nếu xét thấy cần thiết. Các cơ quan, đơn vị sản xuất và công nhân, viên chức phải giữ bí mật các tài liệu đó trong khi sử dụng và sau khi sử dụng.
Chương 4:
QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP
Điều 26. - Kể từ ngày các tiêu chuẩn kỹ thuật có hiệu lực, mọi cơ quan và đơn vị sản xuất hoặc tiêu thụ thuộc phạm vi áp dụng như đã quy định ở điều 4 cho từng cấp tiêu chuẩn, đều phải triệt để chấp hành.
Điều 27. – Các cơ quan quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và giám đốc các xí nghiệp có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ công nhân giải quyết các khó khăn trong việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành.
Các cơ quan chuyên trách về tiêu chuẩn hóa, đo lường và các cơ quan kiểm nghiệm hàng hóa có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và các xí nghiệp trong việc kiểm tra, phát hiện các vụ làm sai tiêu chuẩn kỹ thuật.
Các xí nghiệp cần tăng cường việc kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra phân chất sản phẩm để bảo đảm làm đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành và dần dần nâng cao các tiêu chuẩn đó.
Điều 28. – Trong trường hợp vì có khó khăn mà cơ sở hoặc ngành sản xuất thấy cần thiết phải tạm hoãn hoặc có sự châm chước trong việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải làm đơn xin ngoại lệ. Đơn xin gửi về cơ quan đã ban hành tiêu chuẩn. Trong đơn phải nêu rõ lý do, thời hạn và yêu cầu cụ thể về mức độ châm chước trong việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Riêng đối với các tiêu chuẩn Nhà nước do Chính phủ đã ban hành thì việc xét đơn xin ngoại lệ, tùy trường hợp, có thể được Chính phủ ủy nhiệm cho Ủy ban khoa học Nhà nước phụ trách.
Điều 29. - Việc thay thế hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành phải do cơ quan ban hành tiêu chuẩn quyết định.
Điều 30. – Trình tự nghiên cứu và xét duyệt việc thay thế hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật giống như trình tự nghiên cứu và xét duyệt bản gốc đã được quy định ở các chương II và III.
Điều 31. - Việc thay thế hoặc sửa đổi tiêu chuẩn kỹ thuật phải được thông báo cho các cơ quan và đơn vị hữu quan biết. Văn bản về thay thế, sửa đổi phải được đăng ký vào sổ riêng. Trong văn bản phải ghi rõ từng điều khoản mới sửa đổi, đối chiếu với điều khoản cũ đã áp dụng trước kia.
Chương 5:
TỔ CHỨC CHUYÊN TRÁCH VỀ TIÊU CHUẨN HÓA Ở CÁC BỘ, TỔNG CỤC VÀ XÍ NGHIỆP
Điều 32. – Các Bộ, Tổng cục có quản lý sản xuất phải tổ chức những bộ phận chuyên trách để giúp Bộ, Tổng cục nghiên cứu và chỉ đạo công tác tiêu chuẩn hóa trong các ngành và xí nghiệp.
Nhiệm vụ chủ yếu của những bộ phận này là:
1. Làm kế hoạch tiêu chuẩn hóa của Bộ, Tổng cục;
2. Điều hòa phối hợp công tác tiêu chuẩn hóa giữa các ngành sản xuất và xí nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục quản lý;
3. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn Nhà nước;
4. Phổ biến và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật trong các ngành và xí nghiệp;
5. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm tiêu chuẩn của các xí nghiệp.
Điều 33. - Tổ chức và biên chế của những bộ phận trên do từng Bộ, Tổng cục tùy theo yêu cầu và điều kiện cụ thể mà quyết định trong phạm vi kế hoạch biên chế đã được Chính phủ xét duyệt và có sự tham gia ý kiến của Ủy ban khoa học Nhà nước.
Điều 34. - Những bộ phận chuyên trách về tiêu chuẩn hóa của từng Bộ, Tổng cục chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ, Tổng cục sở quan; riêng về nghiệp vụ thì theo sự hướng dẫn chung của viện Đo lường và tiêu chuẩn thuộc Ủy ban khoa học Nhà nước.
Điều 35. - Ở các xí nghiệp cần có cán bộ chuyên trách về tiêu chuẩn hóa để làm các nhiệm vụ sau đây:
1. Lập kế hoạch tiêu chuẩn hóa của xí nghiệp;
2. Phổ biến và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn kỹ trong xí nghiệp;
3. Cộng tác chặt chẽ với bộ phận kiểm tra kỹ thuật của xí nghiệp để quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật;
4. Thường xuyên theo dõi, thu thập số liệu và kinh nghiệm sản xuất để phục vụ cho việc xây dựng hoặc thay thế, sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật;
5. Xây dựng tiêu chuẩn xí nghiệp và góp phần xây dựng các tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Nhà nước.
Điều 36. - Số cán bộ chuyên trách về tiêu chuẩn hóa của từng xí nghiệp do Bộ, Tổng cục sở quan quyết định, trong phạm vi kế hoạch biên chế đã được Chính phủ xét duyệt.
Xí nghiệp nào chưa đủ điều kiện cử người chuyên trách thì tạm giao cho cán bộ kỹ thuật khác kiêm nhiệm, nếu được Bộ, Tổng cục sở quan đồng ý.
Điều 37. - Những cán bộ chuyên trách về tiêu chuẩn hóa ở các xí nghiệp chịu sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc xí nghiệp: riêng về nghiệp vụ thì theo sự hướng dẫn của các cơ quan tiêu chuẩn cấp trên.