Nghị định 136/2004/NĐ-CP tổ chức hoạt động Thanh tra Giao thông vận tải đã được thay thế bởi Nghị định 57/2013/NĐ-CP tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải và được áp dụng kể từ ngày 28/09/2013.
Nội dung toàn văn Nghị định 136/2004/NĐ-CP tổ chức hoạt động Thanh tra Giao thông vận tải
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/2004/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2004 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 136/2004/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí, chức năng của Thanh tra giao thông vận tải
Thanh tra giao thông vận tải được tổ chức thành hệ thống, ở Trung ương thuộc Bộ Giao thông vận tải, ở địa phương thuộc Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính), thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng của Thanh tra giao thông vận tải
1. Tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến giao thông vận tải tại Việt Nam; trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Nội dung hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải
1. Thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này về việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao.
2. Thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định này về việc:
a) Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, định mức đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông vận tải; điều kiện, tiêu chuẩn và các chứng chỉ, giấy tờ chuyên môn của người điều khiển, tham gia vận hành phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;
b) Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vận tải;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải;
d) Đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông vận tải.
3. Phát hiện, lập biên bản, có biện pháp ngăn chặn, quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý vi phạm hành chính.
4. Giúp Thủ trưởng cơ quan cùng cấp tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn nội dung, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra giao thông vận tải cấp dưới.
6. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với luật, pháp lệnh và yêu cầu quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải
Hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời. Không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra của Thanh tra giao thông vận tải.
Điều 5. Mối quan hệ công tác của Thanh tra giao thông vận tải
1. Các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra giao thông vận tải hoạt động dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cùng cấp và sự chỉ đạo về công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của cơ quan Thanh tra cấp trên.
2. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chịu sự chỉ đạo về công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Tổng Thanh tra Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở; quản lý, chỉ đạo về công tác, tổ chức và hoạt động nghiệp vụ thanh tra đối với Thanh tra của các Cục tương ứng thuộc Bộ Giao thông vận tải.
4. Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan khác trong quá trình thanh tra đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải và trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.
Chương 2:
HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI
MỤC I:
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Điều 6. Hệ thống tổ chức
1. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ) và Thanh tra giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không của các Cục tương ứng thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải).
2. Thanh tra Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính (sau đây gọi tắt là Thanh tra Sở).
3. Các tổ chức thanh tra giao thông vận tải có con dấu và tài khoản riêng.
MỤC II: THANH TRA BỘ
Điều 7. Tổ chức của Thanh tra Bộ
1. Thanh tra Bộ là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
2. Thanh tra Bộ có Phòng trực thuộc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập.
3. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thanh tra viên; các chức danh trên được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ
1. Tham gia xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đối với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, chương trình, kế hoạch công tác, nghiệp vụ thanh tra.
4. Tổ chức thực hiện công tác chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giúp Bộ trưởng tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý về tổ chức và hoạt động thanh tra; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.
7. Giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Kiểm tra, xác minh, ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quyết định xử lý vi phạm của Thanh tra Cục, Thanh tra Sở nếu có căn cứ xác định quyết định đó trái pháp luật hoặc gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
MỤC III:
THANH TRA CỦA CÁC CỤC THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Điều 9. Tổ chức Thanh tra Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải
1. Thanh tra Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
2. Thanh tra Cục có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên; các chức danh trên được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của Cục.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Cục trưởng.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy trình, quy phạm, quy định về chuyên môn - kỹ thuật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định này thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành của Cục.
3. Đình chỉ hành vi trái pháp luật chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
4. Tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.
5. Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
MỤC IV: THANH TRA SỞ
Điều 11. Tổ chức của Thanh tra Sở
1. Thanh tra Sở là cơ quan trực thuộc Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính), thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về giao thông vận tải của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).
2. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên; các chức danh trên được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở; quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Giám đốc Sở.
2. Quản lý công tác thanh tra, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải cho Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra.
3. Tổ chức thực hiện công tác chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải :
a) Thanh tra việc chấp hành các quy trình, quy phạm, quy định về chuyên môn - kỹ thuật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định này thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Đình chỉ hành vi trái pháp luật chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
c) Tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp luật;
d) áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chương 3:
THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA
Điều 13. Thanh tra viên
1. Thanh tra viên giao thông vận tải (sau đây gọi là Thanh tra viên) là người được phân công làm công tác thanh tra tại tổ chức Thanh tra giao thông vận tải, được bổ nhiệm theo Quy chế thanh tra viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định của Nghị định này.
2. Thanh tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định của pháp luật chuyên ngành;
b) Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện quyền hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định này.
3. Thanh tra viên được hưởng lương theo các ngạch công chức và phụ cấp đối với thanh tra.
4. Ngoài những quy định chung về điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch thanh tra, Thanh tra viên phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác phù hợp với ngành, lĩnh vực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
5. Thanh tra viên các cấp được tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp Thẻ thanh tra theo quy định của pháp luật.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục cấp, đổi, thu hồi Thẻ Thanh tra viên chuyên ngành giao thông vận tải.
Điều 14. Cộng tác viên thanh tra
1. Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của cơ quan Thanh tra giao thông vận tải, được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của cơ quan thanh tra hoặc cấp có thẩm quyền. Cộng tác viên thanh tra làm việc theo sự phân công của tổ chức thanh tra hoặc Thanh tra viên giao thông vận tải.
2. Cộng tác viên thanh tra phải có phẩm chất chính trị tốt; có ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan, công minh; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra được giao.
3. Các tổ chức Thanh tra giao thông vận tải sử dụng cộng tác viên theo pháp luật thanh tra và Quy chế cộng tác viên thanh tra của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Khi được cấp có thẩm quyền trưng tập, cộng tác viên thanh tra được hưởng nguyên lương, chế độ công tác phí và tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Quy chế cộng tác viên thanh tra trong ngành giao thông vận tải.
Chương 4:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THANH TRA
Điều 15. Căn cứ tiến hành thanh tra
1. Chương trình, kế hoạch thanh tra được phê duyệt.
2. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
4. Những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông vận tải do cơ quan thông tin đại chúng hoặc cơ quan thanh tra, Thanh tra viên, cơ quan nhà nước khác phát hiện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
5. Những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Các hình thức tiến hành thanh tra
1. Thanh tra giao thông vận tải tiến hành thanh tra theo Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên độc lập.
2. Đoàn thanh tra hoạt động theo quy định hiện hành.
3. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra giao thông vận tải. Trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông vận tải, Thanh tra viên được quyền dùng Thẻ Thanh tra viên để xử lý mà không cần có quyết định của cấp có thẩm quyền, nhưng ngay sau khi xử lý, Thanh tra viên phải báo cáo vụ việc với Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.
4. Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về quyết định và các biện pháp xử lý của mình.
5. Khi xử lý vi phạm, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên giao thông vận tải phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Nghị định này.
Chương 5:
TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU, CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 17. Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu
1. Thanh tra giao thông vận tải có trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu riêng.
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu tương tự, gây sự nhầm lẫn với Thanh tra giao thông vận tải.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của Thanh tra giao thông vận tải sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước.
Điều 18. Cơ sở vật chất kỹ thuật
1. Các tổ chức Thanh tra giao thông vận tải có trụ sở và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra. Tùy theo từng chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải phải trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phù hợp để phục vụ hoạt động của các tổ chức thanh tra và thanh tra viên.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho Thanh tra giao thông vận tải các cấp.
Điều 19. Kinh phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải do ngân sách nhà nước cấp và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc cấp phát, quản lý kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 20. Chế độ khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra giao thông vận tải được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 21. Xử lý vi phạm
1. Người cản trở, đưa hối lộ, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, vi phạm pháp luật về thanh tra; người lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, vì động cơ cá nhân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà kết luận thanh tra, xử lý vi phạm không đúng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình hoạt động thanh tra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm đình chỉ (có thời hạn) hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi Thẻ Thanh tra viên đối với Thanh tra viên giao thông vận tải.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; bãi bỏ Nghị định số 80/CP ngày 05 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải; Quyết định số 204/TTg ngày 28 tháng 12 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam và các quy định trước đây về Thanh tra giao thông vận tải trái với Nghị định này.
Điều 23. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra giao thông vận tải.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |