Nghị định 168-CP

Nghị định 168-CP năm 1961 điều lệ về lập và chấp hành ngân sách Nhà nước do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Nội dung toàn văn Nghị định 168-CP điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 168-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1961 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ LẬP VÀ CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 23 tháng 11 năm 1960;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ về lập và chấp hành ngân sách Nhà nước nhằm:

- Tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý tài chính, cải tiến công tác kế hoạch hóa tài chính, và củng cố kỷ luật tài chính của Nhà nước.

- Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của đơn vị xí nghiệp, các cơ quan trong việc quản lý tài chính, thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân.

Điều 2. -  Tất cả những quy định trước đây về việc lập và chấp hành ngân sách Nhà nước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. -  Điều lệ này thi hành từ ngày công bố.

Điều 4. -  Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 
 
 

Phạm Văn Đồng

 ĐIỀU LỆ

VỀ LẬP VÀ CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. -  Ngân sách Nhà nước là kế hoạch tài chính cơ bản nhằm lập và dùng vốn tiền tệ tập trung của Nhà nước. Nhà nước tập trung vào ngân sách một phần thu nhập quốc dân để dùng vào việc phát triển có kế hoạch nền kinh tế quốc dân, nâng cao phúc lợi vật chất và văn hóa của nhân dân, củng cố quốc phòng, tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Vốn ngân sách Nhà nước được lập, chủ yếu dựa vào các khoản thu nhập của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không ngừng tăng lên, trên cơ sở sản xuất mở rộng và cải tiến không ngừng.

Nhân dân đóng góp một phần thu nhập của mình vào ngân sách Nhà nước, bằng cách nộp các khoản thuế do Nhà nước quy định, và những khoản khác do các cá nhân và các tổ chức tự nguyện góp vào công quỹ.

Điều 2. - Ngân sách là một công cụ để giám đốc nền kinh tế quốc dân; khi lập ngân sách cũng như trong quá trình chấp hành ngân sách, phải tiến hành kiểm tra tình hình tài vụ, tình hình kinh doanh và tình hình thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch kinh tế của các Bộ, các địa phương, các xí nghiệp, các cơ quan Nhà nước, nhằm:

Phát hiện và động viên mọi nguồn thu tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân;

Thực hiện chế độ tiết kiệm, đảm bảo phân phối vốn theo các tỷ lệ cân đối đã định trong kế hoạch kinh tế quốc dân, lập vốn dự trữ của Nhà nước.

Điều 3. – Ngân sách Nhà nước gồm có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Việc phân phối thu và chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương căn cứ vào chế độ phân cấp quản lý kinh tế và tài chính của Nhà nước, do Hội đồng Chính phủ quy định nhằm: bảo đảm nhu cầu kinh phí của Nhà nước ở cấp trung ương, đồng thời nâng cao tính tích cực của địa phương, bảo đảm sự phát triển nhanh chóng và cân đối giữa các địa phương, giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung.

Điều 4. -  Năm ngân sách bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng và kết thúc ngày 31 tháng 12 dương lịch.

Ngân sách Nhà nước, được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phê chuẩn, là một đạo luật: các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, các xí nghiệp, các tổ chức và cơ quan các ngành, các cấp phải thực hiện ngân sách Nhà nước một cách nghiêm chỉnh, nộp đầy đủ và kịp thời những khoản thu đã quy định trong ngân sách, và triệt để thực hành tiết kiệm trong việc chi dùng vốn của Nhà nước.

Chương 2:

LẬP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 5. - Ngân sách Nhà nước có liên quan mật thiết với kế hoạch kinh tế quốc dân. Về thu cũng như về chi, nó phải hoàn toàn ăn khớp với kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân của Nhà nước.

Lập dự án ngân sách Nhà nước phải xuất phát từ nhiệm vụ bảo đảm đầy đủ vốn để thực hiện những chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, nâng cao phúc lợi vật chất và văn hóa của nhân dân, thực hiện việc củng cố quốc phòng, bảo đảm các mặt hoạt động khác của Nhà nước, đồng thời phải bảo đảm thu chi thăng bằng, và cố gắng thu nhiều hơn chi một ít.

Điều 6. - Lập dự án ngân sách Nhà nước, các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các xí nghiệp, các tổ chức, các cấp và các ngành phải tính toán đầy đủ và chính xác những khoản thu, phải phát hiện những nguồn vốn hiện có trong nền kinh tế quốc dân để tăng thêm vốn cho ngân sách; phải tính toán chi một cách tiết kiệm nhất và phải bảo đảm các chỉ tiêu tài chính ăn khớp với các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế quốc dân, đồng thời phải đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và chế độ hiện hành về quản lý tài chính của Nhà nước.

Điều 7. - Trong dự án ngân sách Nhà nước chỉ được tính những khoản thu, khoản chi đã được quy định trong các chế độ, thể lệ hiện hành. Chỉ khi nào được Hội đồng Chính phủ cho phép, mới được ghi các khoản thu, chi mới vào dự án ngân sách.

Điều 8. - Các khoản thu ghi vào dự án ngân sách Nhà nước gồm: những khoản thu về quốc doanh, thu về lợi nhuận xí nghiệp, thu về thuế và các khoản thu khác do các xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức khác, các cơ quan nộp cho Nhà nước; những khoản thu về thuế và các khoản thu khác do nhân dân đóng góp.

Điều 9. -  Các khoản chi ghi vào dự án ngân sách gồm những khoản chi về kiến thiết kinh tế, chi về văn hóa xã hội, chi về quốc phòng, chi về hành chính, chi để lập các nguồn dự trữ vật tư và tài chính của Nhà nước, chi về các công việc khác đã được Nhà nước quy định.

Điều 10. -  Chi về kiến thiết kinh tế bao gồm các khoản cấp vốn kiến thiết cơ bản, cấp vốn lưu động, cấp kinh phí cho các sự nghiệp kinh tế, cho các nhu cầu khác của các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan Nhà nước, cho việc lập và tăng cường dự trữ vật tư, bảo đảm phát triển nền kinh tế quốc dân một cách có kế hoạch và nhanh chóng.

Chi về văn hóa, xã hội, bao gồm các khoản cấp vốn kiến thiết cơ bản cho các công trình xây dựng về văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, y tế, xã hội; các khoản cấp vốn để thực hiện các sự nghiệp văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, y tế, xã hội, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội. Lúc định mức chi của Nhà nước về văn hóa xã hội phải căn cứ vào mức tăng thu nhập quốc dân và khả năng vốn của ngân sách Nhà nước.

Chi về hành chính bao gồm các khoản chi để đảm bảo sự hoạt động của các cơ quan quyền lực của Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước, các Tòa án nhân dân và các Viện Kiểm sát nhân dân. Xác định các khoản chi về hành chính phải căn cứ vào nhiệm vụ tăng cường đi đôi với tinh giản bộ máy quản lý Nhà nước, tiết kiệm các khoản chi về bộ máy đó.

Điều 11. – Hàng năm, Hội đồng Chính phủ ban hành chỉ thị về nhiệm vụ, phương châm, cách thức và thời hạn lập dự án ngân sách Nhà nước, song song với chỉ thị lập dự án kế hoạch kinh tế quốc dân.

Bộ Tài chính căn cứ vào chỉ thị của Hội đồng Chính phủ ra thông tư hướng dẫn cụ thể các ngành các cấp tiến hành lập dự án ngân sách Nhà nước.

Các Bộ, các cơ quan chủ quản trực thuộc Hội đồng Chính phủ tổ chức việc lập dự án kế hoạch thu chi tài vụ và dự án dự toán kinh phí của mình, các Ủy ban hành chính địa phương tổ chức việc lập dự án ngân sách địa phương.

Để đảm bảo sự thống nhất khi làm ngân sách, việc lập dự án kế hoạch tài vụ và dự án dự toán kinh phí phải theo đúng những khoản, mục, biểu mẫu do Bộ Tài chính quy định sau khi đã thỏa thuận với Tổng cục Thống kê trung ương.

Điều 12. - Khi lập dự án kế hoạch tài vụ cũng như dự án dự toán kinh phí, các thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp và tổ chức khác của Nhà nước, phải phối hợp chặt chẽ các bộ phận phụ trách kế hoạch, phụ trách tài vụ, phụ trách vật tư. Các dự án lập ra đều phải quán triệt tinh thần chỉ thị của Hội đồng Chính phủ về chủ trương lập ngân sách Nhà nước.

Điều 13. -  Căn cứ vào nhiệm vụ ghi trong kế hoạch kinh tế quốc dân, vào chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, và thông tư của Bộ Tài chính, các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hướng dẫn cụ thể cách thức, thời hạn lập dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí cho các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan trực thuộc, theo trình tự dưới đây:

Thủ trưởng các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ giao số kiểm tra tài vụ cho các cơ quan trực thuộc, và hướng dẫn các xí nghiệp và tổ chức kinh doanh do mình quản lý lập dự án kế hoạch tài vụ;

Cán bộ phụ trách các xí nghiệp và tổ chức kinh doanh, căn cứ vào con số kiểm tra và hướng dẫn của cấp trên mà lập dự án kế hoạch tài vụ cho xí nghiệp mình. Thủ trưởng của Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lập dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của cơ quan mình.

Sau khi lập xong dự án kế hoạch tài vụ, cán bộ phụ trách các xí nghiệp và tổ chức kinh doanh gửi lên cơ quan cấp trên trực tiếp. Cơ quan này xét và gửi lên Bộ hay cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ xét các dự án kế hoạch tài vụ và các dự toán kinh phí của các cơ quan trực thuộc, lập thành dự án kế hoạch tài vụ tổng hợp và dự toán kinh phí chung cho cơ quan có chi ra thành từng quý gửi lên Hội đồng Chính phủ để xét; và gửi một bản cho Bộ Tài chính để nghiên cứu lập dự án ngân sách trung ương, một bản cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để kiểm tra sự cân đối và ăn khớp giữa kế hoạch kinh tế quốc dân và kế hoạch tài vụ.

Điều 14. -  Căn cứ vào chỉ thị của Hội đồng Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính về việc lập dự án ngân sách Nhà nước, căn cứ vào dự án kế hoạch kinh tế quốc dân của Nhà nước và dự án kế hoạch kinh tế quốc dân của địa phương, Ủy ban hành chính địa phương hướng dẫn các ngành, các cơ quan địa phương lập dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, Ủy ban hành chính địa phương xét dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của các ngành, các cơ quan lập dự án ngân sách của địa phương, gửi lên Hội đồng Chính phủ để xét, và gửi cho Bộ Tài chính để nghiên cứu và tổng hợp, cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để kiểm tra.

Điều 15. -  Giúp cho Ủy ban hành chính địa phương lập dự án ngân sách địa phương là cơ quan Tài chính đồng cấp. Trong quá trình làm dự án ngân sách địa phương, cơ quan Tài chính căn cứ theo những nguyên tắc về lập ngân sách như đã quy định ở những điều trên mà thẩm tra các dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của xí nghiệp, tổ chức và cơ quan của địa phương, lập dự án ngân sách địa phương trình Ủy ban hành chính xét. Những ý kiến bất đồng giữa ngành chuyên môn với cơ quan Tài chính sẽ do Ủy ban hành chính xét định.

Lập và xét ngân sách địa phương, phải bảo đảm thu chi thăng bằng trên cơ sở chế độ phân cấp quản lý tài chính hiện hành. Trường hợp phải dự trù những khoản chi có tính chất đột xuất, Ủy ban hành chính địa phương phải cố gắng tăng thu giảm chi để bảo đảm các khoản chi đó; chỉ trong trường hợp không tự giải quyết được thì mới đề nghị trung ương trợ cấp; ngân sách trung ương trợ cấp trong phạm vi khả năng của mình.

Điều 16. - Bộ Tài chính có nhhiệm vụ nghiên cứu và tổng hợp các dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, nghiên cứu và tổng hợp các dự án ngân sách địa phương, để lập dự án ngân sách Nhà nước bao gồm dự án ngân sách trung ương và dự án ngân sách địa phương.

Khi lập dự án ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính phải:

- Đảm bảo sự cân đối giữa các chỉ tiêu tài chính và các nhiệm vụ đã quy định trong dự án kế hoạch kinh tế quốc dân.

- Phát hiện và tính toán đầy đủ các nguồn thu trong nền kinh tế quốc dân; tính toán hợp lý và tiết kiệm các khoản chi; xác định đúng đắn các khoản nộp vào ngân sách và các khoản chi do ngân sách cấp phát;

- Kiểm tra tình hình quản lý tài vụ, kinh doanh và tình hình thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch của các Bộ, các xí nghiệp, các tổ chức và cơ quan;

- Đảm bảo sự chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách hiện hành về giá cả, tiền lương tiêu chuẩn chi phí vật tư, tiền tệ, và các tiêu chuẩn định mức khác.

Điều 17. - Sau khi lập xong dự án ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính làm báo cáo trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt, đồng thời gửi một bản cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Kèm theo dự án ngân sách Nhà nước, phải gửi: dự án ngân sách trung ương; các dự án kế hoạch tài vụ tổng hợp của các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ; các dự án ngân sách địa phương.

Khi đệ trình dự án ngân sách Nhà nước lên Hội đồng Chính phủ, Bộ Tài chính phải gửi cho các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ bản nhận xét về dự án kế hoạch tài vụ tổng hợp và dự án dự toán kinh phí, mà Bộ Tài chính đã đệ trình lên Hội đồng Chính phủ, và gửi cho Ủy ban hành chính địa phương bản nhận xét của Bộ Tài chính về dự án ngân sách của địa phương.

Trường hợp có Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay Ủy ban hành chính địa phương không đồng ý về mức thu, mức chi do Bộ Tài chính ghi vào dự án ngân sách Nhà nước, thì Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hoặc Ủy ban hành chính địa phương đó báo cáo lên Hội đồng Chính phủ xét; đồng thời gửi một bản sao báo cáo này cho Bộ Tài chính.

Điều 18. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra dự án kế hoạch tài vụ tổng hợp của các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, kiểm tra dự án ngân sách địa phương, kiểm tra dự án ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính lập và trình Hội đồng Chính phủ, về các mặt cân đối giữa chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu ngân sách, về tính chất chính xác của các khoản dự trù, về mặt bảo đảm vốn cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân.

Điều 19. - Hội đồng Chính phủ xét dự án ngân sách Nhà nước căn cứ vào báo cáo của Bộ Tài chính, vào nhận xét của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng thời nghiên cứu ý kiến của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Ủy ban hành chính địa phương, điều chỉnh những khoản thu chi nếu thấy cần thiết, và thông qua ngân sách Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn.

Điều 20. - Ngay sau khi Hội đồng Chính phủ đã thông qua dự án ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính phải gửi cho các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ các dự án kế hoạch tài vụ tổng hợp và dự toán kinh phí của Bộ hoặc cơ quan đó đã được ghi vào ngân sách Nhà nước; gửi cho Ủy ban hành chính địa phương các tài liệu về số thu chi của ngân sách địa phương.

Điều 21. -  Sau khi ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê chuẩn, Bộ Tài chính phải:

- Thông báo cho các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ kế hoạch tài vụ tổng hợp và dự toán kinh phí của Bộ hoặc cơ quan đó đã được ghi vào ngân sách Nhà nước.

- Thông báo cho Ủy ban hành chính địa phương tổng số thu chi ngân sách địa phương được ghi vào ngân sách Nhà nước.

Điều 22. -  Các Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có nhiệm vụ phổ biến kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí cho cán bộ phụ trách các bộ máy quản lý trực thuộc và từ đó phổ biến đến các xí nghiệp, công trường, tổ chức và cơ quan.

Cán bộ phụ trách các xí nghiệp, căn cứ vào nhiệm vụ đã được quy định, động viên cán bộ, công nhân, nhân viên tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ của xí nghiệp, nhằm phát huy mọi khả năng của xí nghiệp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch, sử dụng tiết kiệm vốn, tăng thêm vốn cho ngân sách, ra sức củng cố và nâng cao chế độ hạch toán kinh tế. Kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ phải gửi lên cấp trên phê chuẩn. Khi phê chuẩn, phải phát hiện các nhân tố tích cực nhằm đảm bảo thực hiện vượt mức kế hoạch.

Cán bộ phụ trách các công trường, căn cứ vào nhiệm vụ kiến thiết cơ bản đã được quy định, động viên cán bộ, công nhân, nhân viên tham gia lập kế hoạch xây dựng và kế hoạch thu chi tài vụ nhằm đẩy mạnh tốc độ thi công, hoàn thành đúng hạn khối lượng công trình, giảm giá thành xây dựng, tiết kiệm vốn, thực hiện tốt chế độ hạch toán kinh tế.

Cán bộ phụ trách các cơ quan các tổ chức của Nhà nước, căn cứ vào nhiệm vụ công tác đã được quy định, động viên cán bộ, công nhân, nhân viên tham gia lập kế hoạch thu chi nhằm tiết kiệm vốn, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ công tác.

Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ trình dự án ngân sách địa phương cho Hội đồng nhân dân xét và phê chuẩn như điều 82 của Hiến pháp đã quy định.

Chương 3:

CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 23. -  Hội đồng Chính phủ chấp hành ngân sách Nhà nước thông qua các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính địa phương.

Chấp hành ngân sách Nhà nước bao gồm việc chấp hành ngân sách trung ương, chấp hành ngân sách địa phương, chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của các Bộ, các cơ quan, các xí nghiệp và tổ chức thuộc các ngành, các cấp.

Các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, chấp hành ngân sách Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ và chức trách của mình, nhằm:

- Đảm bảo thu đầy đủ và kịp thời tất cả số thu đã ghi vào ngân sách, cố gắng thu vượt mức và đúng chính sách, đúng chế độ của Nhà nước.

- Đảm bảo cung cấp kịp thời số vốn cần thiết theo những khoản chi đã được ghi trong ngân sách, đảm bảo chi tiêu, theo đúng những mục tiêu phải thực hiện.

- Đảm bảo thực hiện chế độ tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh tế quốc dân.

Điều 24. -  Các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có nhiệm vụ:

- Chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của các xí nghiệp, các tổ chức và cơ quan trực thuộc, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu đã quy định, đồng thời đảm bảo sử dụng hết sức tiết kiệm các khoản chi của ngân sách. Các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ phải thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính và kinh doanh của các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan; phải xây dựng kế hoạch thu chi quý tích cực hơn kế hoạch cả năm và gửi các kế hoạch đó cho Bộ Tài chính; phải kết hợp chặt chẽ việc quản lý tài vụ với quản lý kế hoạch kinh tế quốc dân quản lý sự nghiệp và mọi mặt công tác của ngành mình phụ trách.

- Điều chỉnh kịp thời các dự án kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí chính thức của các xí nghiệp, các tổ chức và cơ quan trực thuộc, sau khi ngân sách Nhà nước đã được chính thức phê chuẩn và ban hành.

- Đề ra những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho mỗi xí nghiệp, tổ chức, cơ quan trực thuộc đều hoàn thành tốt kế hoạch tài vụ, dự toán kinh phí và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tài chính và kỷ luật quản lý tiền mặt. Trong trường hợp cần thiết có thể gửi kiến nghị lên Hội đồng Chính phủ về các biện pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí của Bộ hay cơ quan mình.

Điều 25. -  Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo việc chấp hành ngân sách Nhà nước ở địa phương:

- Đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu của ngân sách địa phương và của ngân sách trung ương.

- Đề ra những biện pháp để các cấp chính quyền và các cơ quan trực thuộc hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các khoản chi của ngân sách.

- Lập và chấp hành kế hoạch thu chi quý của ngân sách địa phương và báo cáo lên Bộ Tài chính.

Điều 26. -  Tất cả các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan đều có nhiệm vụ:

- Chấp hành nghiêm chỉnh, đúng đắn kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí.

- Nộp đủ và kịp thời vào ngân sách Nhà nước những khoản tiền do luật lệ hiện hành quy định, không được giữ lại các khoản đó để chi tiêu, trừ trường hợp cụ thể do Nhà nước đã quy định.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các phương hướng và mục đích chi tiêu của kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí.

- Thi hành triệt để chế độ tiết kiệm trong việc sử dụng mọi của cải vật chất và tiền tệ.

Điều 27. - Mọi việc chấp hành không đầy đủ và kịp thời nhiệm vụ nộp tiền cho Nhà nước của tất cả các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, các ngành các cấp đều là vi phạm kỷ luật tài chính.

Cơ quan Tài chính có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp nộp tiền đúng hạn cho Nhà nước; nếu nộp chậm, cơ quan Tài chính có quyền phạt theo quy định của Nhà nước, cơ quan Tài chính có quyền yêu cầu các cơ quan Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản của cơ quan, tổ chức, xí nghiệp gửi lại Ngân hàng, để nộp cho ngân sách các khoản tiền không nộp đúng hạn; các cơ quan Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thi hành quyết định của cơ quan Tài chính.

Điều 28. - Tiền của ngân sách Nhà nước cấp phát cho những xí nghiệp, tổ chức kinh doanh của Nhà nước phải được sử dụng theo đúng với mục đích của kế hoạch tài vụ.

Tiền của ngân sách Nhà nước cấp phát cho các Bộ, cơ quan thuộc loại do ngân sách cấp kinh phí, phải được sử dụng theo đúng với hướng chi tiêu đã định trong bản dự toán kinh phí đã được duyệt.

Mọi việc chi tiêu tiền được cấp phát vào những mục đích ngoài quy định của ngân sách đều là vi phạm kỷ thuật tài chính.

Không có kinh phí, không được chi; nếu muốn chi thêm, ngoài dự trù ngân sách được phê chuẩn, thì phải xin Hội đồng Chính phủ cấp thêm kinh phí.

Điều 29. - Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

- Lập kế hoạch thu chi hàng quý trình Hội đồng Chính phủ. Kế hoạch thu chi hàng quý phải thăng bằng, phù hợp với tình hình và nhu cầu chấp hành kế hoạch kinh tế quốc dân hàng quý, giữ vững thăng bằng giữa tài chính, vật tư và tiền tệ; kế hoạch thu chi quý phải tích cực hơn ngân sách cả năm; hết sức khai thác mọi khả năng tiềm tàng để tăng thu, triệt để thực hành chế độ tiết kiệm.

- Thường xuyên kiểm tra việc thu nộp vào ngân sách, tổ chức việc cấp phát vốn kịp thời và không gián đoạn, kiểm tra việc thực hiện chế độ tiết kiệm, việc chấp hành kế hoạch sản xuất và tài vụ của các xí nghiệp, cơ quan.

- Đề ra những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt ngân sách Nhà nước và trong trường hợp cần thiết, đề ra những kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi thích hợp trình Hội đồng Chính phủ xét định.

- Xét những đề nghị có liên quan đến việc chấp hành ngân sách Nhà nước của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, và nếu cần, trình lên Hội đồng Chính phủ xét định.

- Hướng dẫn Ủy ban hành chính địa phương chấp hành ngân sách địa phương.

Điều 30. - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ vào kế hoạch tài chính Nhà nước và theo quy định của Bộ Tài chính mà tổ chức và kiểm tra việc thu nộp tài chính Nhà nước, tiến hành việc phát tiền, và tham gia giám đốc việc sử dụng tài chính Nhà nước đối với các cơ quan, các xí nghiệp.

Để tăng cường việc quản lý tiền mặt, nguyên tắc cấp phát vốn ngân sách là “cấp phát hạn mức” theo thể thức do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong khi chấp hành ngân sách Nhà nước, các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các xí nghiệp, tổ chức, trung ương cũng như địa phương phải triệt để tuân theo những nguyên tắc và biện pháp của Nhà nước về quản lý tiền mặt. Không tôn trọng những nguyên tắc và biện pháp về quản lý tiền mặt là vi phạm kỷ luật tài chính của Nhà nước.

Điều 31. – Các cơ quan Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khi xác định vốn và cấp vốn cho các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các tổ chức, xí nghiệp, cơ quan phải kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo:

- Số dự trù chỉ ăn khớp với mục tiêu phải thực hiện đã ghi trong kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí;

- Số tiền cấp phát lần trước đã được sử dụng đúng với mục tiêu phải thực hiện;

- Kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, được chấp hành tốt.

Các cơ quan Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có quyền hạn chế hoặc tạm đình chỉ cấp vốn của ngân sách, và báo cáo lên cấp trên giải quyết nếu xét thấy có tình trạng sử dụng tiền cấp phát không đúng với mục tiêu phải thực hiện đã quy định hoặc có tình trạng vi phạm kỷ luật tài chính.

Điều 32. -  Khi năm ngân sách đã kết thúc, tất cả các khoản thu thuộc về năm trước, nếu thu từ ngày 1-1 năm mới trở về sau, đều phải ghi vào ngân sách mới. Các tồn khoản của ngân sách ở Ngân hàng Nhà nước đều phải kết toán, sang năm mới không được sử dụng tiền cấp phát của năm trước còn lại, trừ những trường hợp được Nhà nước quy định. Mọi khoản tiền chi ở kho bạc Nhà nước kể từ ngày 1-1 năm mới, đều phải tính vào ngân sách năm mới.

Cách thức kết toán ngân sách hàng năm do Bộ Tài chính quy định sau khi thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước; yêu cầu của quy định này là đảm bảo kết toán gọn gàng và công việc chi tiêu không bị gián đoạn.

Điều 33. - Trong năm ngân sách, nếu Hội đồng Chính phủ có quyết định điều chỉnh ngân sách Nhà nước thì các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Bộ Tài chính phải điều chỉnh kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí theo đúng quyết định của Hội đồng Chính phủ.

Điều 34. - Tuyệt đối ngăn cấm các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ngành, các cấp tự ý tăng chi về vốn lưu động, về vốn kiến thiết cơ bản, về quỹ tiền lương và kinh phí quản lý hành chính đã ghi trong ngân sách Nhà nước.

Những kinh phí khác thì được phép điều chỉnh trong phạm vi và điều kiện được Hội đồng Chính phủ quy định.

Điều 35. - Các Ủy ban hành chính địa phương có quyền điều chỉnh các khoản chi thuộc ngân sách địa phương, nhưng phải đảm bảo theo đúng phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước, và phải được Hội đồng nhân dân phê chuẩn.

Điều 36. – Trong quá trình chấp hành ngân sách địa phương, nếu thu bị giảm so với dự toán thì Ủy ban hành chính địa phương phải có kế hoạch giảm chi một cách thích đáng.

Trong năm kế hoạch, nếu tăng được thu, tiết kiệm được chi, thì địa phương có quyền sử dụng số thu trội vào những công việc lợi ích chung ở địa phương, nhưng không được vượt quá con số khống chế của trung ương về biên chế và tiền lương, hoặc ảnh hưởng đến sự cân đối chung của kế hoạch Nhà nước.

Nếu do tăng thu, tiết kiệm chi mà cuối năm có kết dư thì Ủy ban hành chính địa phương có thể sử dụng số kết dư này trong năm sau.

Điều 37. - Chế độ thống kê kế toán và báo cáo tình hình chấp hành ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính quy định sau khi thỏa thuận với Tổng cục Thống kê trung ương.

Công tác thống kê, kế toán ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính và cơ quan Tài chính, cơ quan Ngân hàng Nhà nước các cấp, các ngành, các xí nghiệp, công trường và các cơ quan chủ quản ở địa phương đảm nhiệm.

Điều 38. -  Các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp có nhiệm vụ thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước, phải báo cáo tình hình chấp hành kế hoạch thu chi, và báo cáo quyết toán cho Nhà nước. Báo cáo phải chính xác, trung thực, thu chi phải đúng với tình hình ghi trong sổ sách kế toán, và theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Tài chính quy định; báo cáo quyết toán phải kèm theo bản phân tích tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, phân tích sâu sắc các mặt hoạt động kinh tế nhằm rút kinh nghiệm để tăng cường công tác quản lý tài chính, kiểm tra tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, kiểm tra sự tôn trọng chế độ và kỷ luật tài chính của Nhà nước, kiểm tra mức độ hoàn thành kế hoạch kinh tế quốc dân và tình hình thực hiện nhiệm vụ chung của Nhà nước.

Điều 39. -  Các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có nhiệm vụ hàng tháng, hàng quý, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí; hàng năm lập quyết toán năm và gửi cho Bộ Tài chính đúng theo thể thức và thời hạn. Nếu không tôn trọng thời hạn quy định, thì Bộ Tài chính có quyền tạm đình chỉ cấp phát cho đến khi nhận được báo cáo.

Điều 40. -  Báo cáo quyết toán lập theo trình tự dưới đây:

Xí nghiệp, tổ chức kinh doanh, đơn vị sự nghiệp hay hành chính lập báo cáo quyết toán gửi lên Cục (hay cơ quan quản lý trực tiếp) xét duyệt;

Cục (hay cơ quan quản lý trực tiếp) xét duyệt và báo cáo lên Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Bộ (hay cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ) lập quyết toán của mình gửi Hội đồng Chính phủ xét duyệt, đồng gửi cho Bộ Tài chính.

Điều 41. – Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ lập và trình tổng quyết toán cả năm của ngân sách địa phương cho Hội đồng nhân dân phê chuẩn, và sau đó gửi lên Hội đồng Chính phủ xét duyệt, đồng gửi một bản cho Bộ Tài chính.

Các cơ quan Tài chính địa phương có nhiệm vụ lập và trình báo cáo tình hình chấp hành ngân sách hàng tháng, hàng quý, hàng năm, và bản phân tích tình hình chấp hành ngân sách địa phương lên Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt.

Điều 42. -  Bộ Tài chính có nhiệm vụ xét các báo cáo hàng tháng, hàng quý của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và của các địa phương, tổng hợp làm báo cáo tình hình chấp hành ngân sách Nhà nước hàng tháng, hàng quý cho Hội đồng Chính phủ; hàng năm Bộ Tài chính có nhiệm vụ xét quyết toán của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và tổng quyết toán ngân sách địa phương, tổng hợp lập tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, trình Hội đồng Chính phủ chậm nhất trong tháng 6 năm sau.

Điều 43. -  Hội đồng Chính phủ xét, thông qua tổng quyết toán ngân sách Nhà nước và trình Quốc hội phê chuẩn.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 44. - Để việc lập và chấp hành ngân sách Nhà nước được tốt, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ thường xuyên giám đốc và kiểm tra việc tôn trọng kỷ luật thu chi tài chính, kiểm tra việc sử dụng vốn của Nhà nước trong các xí nghiệp, các tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám đốc tài chính đối với các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan trực thuộc; thủ trưởng các ngành, các cấp, các xí nghiệp có nhiệm vụ giúp đỡ Bộ Tài chính làm công tác kiểm tra cho tốt.

Thủ trưởng các đơn vị xí nghiệp, sự nghiệp, cơ quan có nhiệm vụ chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh các điều quy định trong điều lệ này, đảm bảo việc chấp hành kế hoạch thu chi tài vụ và dự toán kinh phí trong đơn vị được tốt. Mọi vi phạm kỷ luật tài chính, vi phạm các điều quy định trong bản điều lệ này, tùy theo lỗi nặng nhẹ, sẽ bị thi hành kỷ luật một cách thích đáng, và có thể bị truy tố trước pháp luật.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 168-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu168-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/10/1961
Ngày hiệu lực08/11/1961
Ngày công báo08/11/1961
Số công báoSố 43
Lĩnh vựcTài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 168-CP điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 168-CP điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu168-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người kýPhạm Văn Đồng
                Ngày ban hành20/10/1961
                Ngày hiệu lực08/11/1961
                Ngày công báo08/11/1961
                Số công báoSố 43
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Nghị định 168-CP điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước

                          Lịch sử hiệu lực Nghị định 168-CP điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước

                          • 20/10/1961

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 08/11/1961

                            Văn bản được đăng công báo

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 08/11/1961

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực