Nghị định 168-HĐBT quy định tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp các ngành đã được thay thế bởi Nghị định 14/2010/NĐ-CP tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và được áp dụng kể từ ngày 20/04/2010.
Nội dung toàn văn Nghị định 168-HĐBT quy định tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp các ngành
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168-HĐBT | Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1990 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 168-HĐBT NGÀY 19-5-1990 QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG VÀ BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO CÁC CẤP VÀ CÁC NGÀNH
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh về đê điều ban hành kèm theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 26-LCT/HĐNN8 ngày 16-11-1989;
Theo đề nghị của Trưởng ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay thành lập:
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp ở địa phương.
Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục.
Điều 2.
Thành phần của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương gồm:
Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi làm Trưởng ban.
Một Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi làm Phó trưởng ban thường trực.
Một Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng làm Phó trưởng ban.
Một Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là Phó trưởng ban.
Các đại diện (cấp phó) của các Bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Giao thông vận tải và Bưu điện, Năng lượng, Xây dựng, Thương nghiệp, Nội vụ, Y tế, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Tổng cục Khí tượng thuỷ văn làm Uỷ viên
Điều 3.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:
Đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương lập và thực hiện các phương án, kế hoạch công tác phòng, chóng lụt, bão hàng năm.
Ra lệnh điều động nhân lực, phương tiện v.v... để ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách vượt quá khả năng xử lý của ngành và địa phương.
Chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả do lũ bão gây ra.
Tổ chức tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, phổ biến các kinh nghiệm và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác phòng chống lụt, bão cho các địa phương, các ngành.
Ban có Văn phòng (sử dụng cán bộ của Bộ Thuỷ lợi kiêm nhiệm), có con dấu, được cấp kinh phí hoạt động tính vào kinh phí cấp cho Bộ Thuỷ lợi theo kế hoạch hàng năm.
Điều 4.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp tỉnh, huyện, xã và tương đương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp lập ra. Thành phần của Ban gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban, Trưởng ngành thuỷ lợi làm Phó ban thường trực, các Uỷ viên là Trưởng hoặc Phó các ngành có liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão của địa phương. Trụ sở của Ban đặt tại cơ quan thuỷ lợi. Kinh phí hoạt động của Ban do ngân sách tỉnh cấp, tính trong kinh phí cấp cho ngành thuỷ lợi.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp mình xây dựng và chi đạo thực hiện các phương án phòng, chống lụt, bão trong phạm vi địa bàn lãnh thổ; tổ chức hộ đê và phòng, chống lụt, bão, bảo vệ các khu vực kinh tế, dân cư trong địa phương; khắc phục hậu quả do lũ, bão gây ra.
Điều 5.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục do Thủ trưởng Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục (sau đây gọi chung là Bộ), thành lập, do một đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Bộ:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão của ngành, bảo vệ các cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người do ngành trực tiếp quản lý.
Quản lý vật tư, phương tiện dự phòng phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt theo chức năng quản lý của ngành.
Theo lệnh điều động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, cung cấp kịp thời các vật tư, kỹ thuật phương tiện... do ngành quản lý để chi viện, ứng cứu kịp thời cho các tình huống đột xuất và việc khắc phục hậu quả lũ bão.
Đúc kết các kinh nghiệm phòng, tránh bão, lụt để phổ biến cho các địa phương và đơn vị ngành.
Điều 6.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 7.
Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Đỗ Mười (Đã ký) |