Nghị định 173-CP

Nghị định 173-CP năm 1963 ban hành điều lệ bảo vệ đê điều do Hội đồng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Nghị định 173-CP điều lệ bảo vệ đê điều


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
--------

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 173-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1963

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và văn hóa trong nước và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp;

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thủy lợi;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ ngày 24 tháng 7 năm 1963,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo nghị định này, bản điều lệ bảo vệ đê điều.

Điều 2. Ông Bộ trưởng Bộ Thủy lợi quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bản điều lệ này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ

BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 173-CP ngày 21-11-1963)

MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Đê Điều là một công trình chống lũ, ngăn nước mặn do nhân dân ta xây dựng từ lâu đời. Từ sau hòa bình lập lại đến nay, được sự giúp đỡ của Nhà nước, hàng năm nhân dân ta đã góp nhiều công sức để không ngừng củng cố và tăng cường các hệ thống đê sông, đê biển, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước, bảo vệ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tuy nhiên đê điều hiện nay còn nhiều nhược điểm: đê đắp bằng đất, xây dựng đã lâu năm và hình thành từ các bờ nhỏ, trong thân đê có nhiều hang hốc, tổ mối, móng đê có nhiều chỗ xấu. Mặt khác đê ngày càng được đắp cao và mở rộng làm cho cống dưới đê trở nên ngắn, lại đã dùng lâu năm nên bị yếu; dòng nước luôn luôn thay đổi, sóng triều vỗ mạnh khi có gió bão, nền đê, kè thường bị xói chân, sạt mái… Bởi vậy việc bảo vệ đê điều, phòng và chống lụt, bão là cực kỳ quan trọng và là nhiệm vụ của toàn dân. Tuy nhiên việc bảo vệ đê điều còn bị xem nhẹ, còn có những hành động làm tổn hại đê, kè, cống.

Điều lệ này quy định chế độ bảo vệ đê điều phòng, chống lụt, bão, ngăn ngừa những hành động gây tổn hại cho đê, kè, cống, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước.

Chương 1.

NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Điều lệ này áp dụng cho tất cả các đê và kè, cống phụ thuộc vào đê, thuộc phạm vi trung ương quản lý, bao gồm:

Đê sông chính;

Đê sông nhánh;

Đê biển;

Đê bao thành phố.

Đối với những đê điều thuộc phạm vi địa phương quản lý, ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ căn cứ vào tinh thần điều lệ này mà quy định việc bảo vệ.

Điều 2. Các đê và kè, cống phụ thuộc vào đê điều có một phạm vi bảo vệ quy định như sau:

a) Đối với đê: kể từ chân đê trở ra:

Phạm vi bảo vệ

Đê sông chính

Đê sông nhánh

Để biển

Đê bao thành phố

Về phía đồng

20m

10m

20m

5m

Về phía sông hay biển

20m

10m

100m

5m

b) Đối với kè: Phạm vi bảo vệ kè quy định như sau: Kể từ đầu kè trở ngược và cuối kè trở xuôi dọc bờ sông mỗi bên 100 thước; từ đỉnh kè trở vào chân đê 50 thước và từ chân kè trở ra phía sông 20 thước.

c) Đối với cống: Phạm vi bảo vệ cống quy định như sau: Kể từ giới hạn xây dựng cuối cùng ở thượng và hạ lưu cống trở ra mỗi phía 50 thước.

Trong những trường hợp cần thiết, ông Bộ trưởng Bộ Thủy lợi có thể quyết định sửa đổi những phạm vi bảo vệ trên đây sau khi đã thỏa thuận với ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương có đê. Những sửa đổi này phải được công bố cho nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp hữu quan biết.

Điều 3. Việc xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều quy định như sau:

a) Cấm xây dựng bất kỳ công trình gì trên mặt đất hoặc đào xuống đất trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ trường hợp đặc biệt được Bộ Thủy lợi cho phép.

b) Ngoài phạm vi bảo vệ, nếu muốn đào ao, giếng, kênh, mương… ở phía trong đê (phía đồng) thì cứ đào sâu một thước phải cách xa phạm vi bảo vệ thêm 10 thước, đào sâu hai thước phải cách xa phạm vi bảo vệ thêm 20 thước… Nếu thăm dò trước khi đào mà thấy phía dưới có những chất như bùn, cát chảy và các thứ đất xấu khác thì không nên đào; trong trường hợp thật cần thiết phải đào, thì phải được Bộ Thủy lợi cho phép.

c) Đối với những công trình (nhà cửa, kho tầng, hàng quán, ao giếng) của các cơ quan và nhân dân đã sẵn có trong phạm vi bảo vệ thì giải quyết như sau:

1. Loại xây dựng đã lâu, xét không ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ đê điều, thì ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể đề nghị Bộ Thủy lợi cho phép để nguyên như cũ. Chủ nhân của những công trình này không được xây dựng thêm những công trình mới hoặc mở rộng công trình hiện có, không được đào sâu thêm ao giếng hoặc trồng những thứ cây lớn có thể ăn sâu vào thân đê.

2. Loại xét có thể ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ đê điều thì theo quyết định của bộ Thủy lợi, ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quy định thời gian (không quá ba năm) và giúp đỡ chủ nhân những công trình đó di chuyển dần công trình đi nơi khác, đồng thời chỉ thị thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ đê điều trong khu vực có thể bị ảnh hưởng.

3. Loại xét nguy hiểm cho việc bảo vệ đê điều thì ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thông báo và giúp đỡ cho các chủ nhân loại công trình đó di chuyển trước mùa lụt sắp tới.

4. Trường hợp các công trình, nhà cửa, kho tầng, chuồng trại ở gần bờ sông, bờ biển đang bị xói lở, hoặc ao giếng, đầm lạch ở phía đồng đã phát hiện hang hốc, mạch sủi có thể gây nguy hiểm cho đê, kè, cống, thì dẫu không nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải thông báo và giúp đỡ chủ nhân các loại công trình đó di chuyển hoặc lấp lại trước mùa lụt bão tới.

Điều 4. Đối với những cây cỏ trên mặt đê, mái đê, cơ đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều:

- Cấm trồng các loại cây to có rễ ăn sâu vào thân đê, gây hư hại cho đê, dễ bị gió đánh đỗ khi có bão hoặc làm cản dòng nước lũ….

- Những cây hiện có phạm vào thân đê, bờ kè, máng cống, và những cây khác xét có thể bị đỗ, gây nên vỡ đê khi có lũ, bão đều phải đẵn ngay, đào hết gốc, rễ và lấp kín lại;

- Trên mặt đê, mái đê, cơ đê chỉ được trồng cỏ, không được trồng bất cứ loại cây gì khác;

- Trong phạm vi bảo vệ của đê, kè, cống, bãi sông, bãi biễn, nhân dân được trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải cách chân đê, bờ kè ít nhất là một thước và những người nào trồng trọt, chăn nuôi ở đoạn nào thì phải theo dõi, phát hiện những hang cày, tổ mối, mạch sủi và những hư hỏng khác của đê, kè, cống ở đoạn ấy, để báo cho cơ quan có trách nhiệm biết và xử lý kịp thời.

- Cấm chặt phá các cây chống sóng, ngăn gió; cuốc hoặc nhổ cỏ trên mặt đê và thân đê, mái kè, bờ cống. Cấm cột và thả trâu bò đàn trên đê. Những nơi thiếu chỗ chăn dắt trâu bò, thì tạm thời có thể cho phép chăn trâu bò ăn lẻ ở trên đê, nếu đoạn đê đó không phải là đường giao thông. Tuyệt đối cấm việc cho trâu bò ăn cỏ trên những đê mới đắp chưa qua mùa mưa bão. Khi mức nước đã lên trên mức báo động hai hoặc có tin bão sắp đổ bộ, thì tuyệt đối cấm việc cho trâu bò ăn cỏ trên tất cả mọi con đê.

Điều 5. Cấm dùng mặt đê, mái đê để chứa hoặc sản xuất các nguyên liệu, vật liệu, như : vôi, ghạch, ngói, cát, sạn, rơm rạ… làm cản trở cho công tác chống lụt, bão, làm xói mòn đê, hoặc tạo điều kiện cho mối, kiến, cày, cáo làm tổ vào thân đê.

- Cấm dùng mái kè làm nơi găm đậu ca nô, thuyền bè, làm nơi bốc dỡ hàng hóa hoặc đánh cá, vớt củi. Cấm chứa các vật liệu nặng như đá, ghạch, cát, sạn… trên bờ kè, để khỏi gây sạt lở cho kè.

- Ngoài những khu vực được thiết bị riêng do ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, cấm dùng mái để làm bến kéo gỗ, tre, nứa hoặc bốc dỡ các hàng hóa nặng khác để khỏi gây hư hỏng cho đê;

- Cấm phá hoại hoặc lấy những vật liệu phòng và chống lụt, bão và các vật liệu xây dựng kè, cống.

Điều 6. Cấm dùng mặt đê, cơ đê chưa được rãi đá hoặc rãi nhựa làm đường cho ô tô, máy kéo hoặc xe súc vật kéo, xe ba gác đi lại làm nứt, lún, hư hỏng mặt đê, trừ trường hợp quy định dưới đây:

Trừ loại xe bánh xích, các loại xe trọng tải không quá sức chịu đựng của cống, trong mùa khô nếu có những việc đột xuất cần đi một vài chuyến thì sẽ được châm chước cho đi lại trên đê. Nhưng nếu muốn sử dụng mặt đê, cơ đê làm đường vận chuyển thường xuyên thì : đối với ô tô, máy kéo phải được phép của ủy ban hành chính cấp tỉnh; đối với xe trâu bò, xe ba gác phải được phép của ủy ban hành chính cấp huyện. Những cơ quan hay tập thể được phép sử dụng phải bảo đảm việc tu sửa mặt đê do xe cộ làm hỏng. Trong mùa lụt, bão thì cần hạn chế việc đi lại của xe cộ. Khi mức nước đã trên báo động hai thì cấm tất cả các loại xe nói trên đi lại trên đê.

Quy định trên đây không áp dụng đối với những xe ô tô làm việc hộ đê, chống lụt, bão, cứu thương, cứu hỏa và xe quân sự khẩn cấp.

Điều 7. Cấm tự ý đóng cống, mở cống, kích chèn cửa cống, cho thuyền bè đi qua cống (trừ âu thuyền hoặc các cống lớn đã được cơ quan quản lý quy định) hoặc đánh cá trong phạm vi bảo vệ cống.

Cấm thuyền, bè, ca nô, tầu thủy đi lại hoặc nạo vét lòng sông trong phạm vi bảo vệ kè.

Điều 8. Cấm không ai được tự ý xẻ đê. Việc xẻ đê tạm thời chống hạn hoặc để xây dựng các công trình phải được Bộ Thủy lợi cho phép.

Những quãng đê bị cắt ngang làm đường giao thông (đường sắt, đường ô tô, đường bộ) thì mặt các đường giao thông nơi bị cắt đó phải cao hơn mức báo động ba và ở bên cạnh nơi bị cắt phải có số đất dự trữ tương ứng với chỗ đê bị cắt đê có thể lấp bịt lại được ngay khi có lệnh của ban chỉ huy chống lụt, chống bão khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 9. Ở những quãng bờ sông, bờ biển đã hoặc đang sạt lở, kể từ mép bờ sông, bờ biển trở vào phía đồng 100 m chỉ được sản xuất lúa, hoa màu hay cây công nghiệp ngắn ngày.

Ở những bãi sông, bãi biển nơi đã trồng các dãi rừng cây chống sóng, ngăn gió thì cấm chặt phá hoặc thả trâu bò phá hoại cây cối. Việc khai thác các rừng cây nói trên phải được sự thỏa thuận của Bộ Thủy lợi và Tổng cục Lâm Nghiệp.

Những quãng sông có bãi sa bồi nằm giữa (chia sông làm hai luồng) nếu độ cao của bãi sa bồi dưới mức nước báo động ba thì chỉ được dùng để sản xuất lúa, hoa màu, hay cây công nghiệp ngắn ngày, không được trồng các cây to lâu năm. Ở những quãng sông bị thắt hẹp, hai bên bờ sông không được lắp đê bồi, không được làm đường giao thông cao, không được làm nhà, xây dựng những công trình có tường kiên cố (ghạch, đá, bê tông), không được trồng các loại cây to làm cản trở dòng chảy. Việc xây dựng các mỏ cầu, trụ cầu qua sông, cần được sự thỏa thuận trước của cơ quan quản lý đê điều.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 10. Bộ Thủy lợi có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thi hành điều lệ này và phổ biến kinh nghiệm công tác bảo vệ đê điều cho các ngành, các cấp có liên quan.

Điều 11. Các bộ, các ngành có liên quan đến việc bảo vệ đê điều, có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các cấp và các cơ sở trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ này.

Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, các đơn vị quân đội và công an nhân dân vũ trang đóng ở các vùng có đê có nhiệm vụ tích cực tham gia công tác bảo vệ đê điều ở địa phương nơi mình ở.

Điều 12. Ủy ban hành chính các cấp có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi tình hình đê điều ở địa phương mình và giáo dục, động viên nhân dân chấp hành điều lệ bảo vệ đê điều, tích cực giúp đỡ các cơ quan quản lý đê điều.

Đối với những quãng đê xung yếu, ủy ban hành chính các cấp từ huyện trở lên có nhiệm vụ; căn cứ vào điều lệ này và sự hướng dẫn của bộ Thủy lợi và ủy ban hành chính cấp trên, đề ra những biện pháp bảo vệ thích đáng, và đảm bảo việc thực hiện những biện pháp ấy.

Điều 13. Trong mùa lụt, bão, ban chỉ huy chống lụt, chống bão các cấp có nhiệm vụ giúp đỡ ủy ban hành chính địa phương kiểm tra, đôn đốc việc thi hành điều lệ này và trực tiếp lãnh đạo công tác phòng và chống lụt, bão

Chương 3.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 14. Bảo vệ đê, kè, cống là nhiệm vụ của các tổ chức quản lý, bảo vệ đê điều, đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của các cơ quan Nhà nước và của nhân dân đặc biệt là nhân dân ở những vùng có đê, kè, cống.

- Khen thưởng: những đơn vị hoặc cá nhân tích cực thi hành những quy tắc bảo vệ đê điều, kịp thời phát hiện với những cơ quan Nhà nước có trách nhiệm biết những chỗ hư hỏng của đê, kè, cống, ngăn chặn và tố cáo những hành động gây tổn hại cho đê, kè, cống sẽ được khen thưởng.

- Kỷ luật: những đơn vị hoặc cá nhân vi phạm chế độ bảo vệ đê điều quy định trong điều lệ này, nếu gây thiệt hại nhẹ sẽ bị xử phạt theo thể lệ hiện hành. Những hành động làm hại đê, kè cống, gây tổn thất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước sẽ bị truy tố trước tòa án.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 15. Những quy định trước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 16. Các ông bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Công An và các ông chủ tịch ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành điều lệ này.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 173-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu173-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành...
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báoSố 42
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 173-CP điều lệ bảo vệ đê điều


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 173-CP điều lệ bảo vệ đê điều
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu173-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người kýPhạm Văn Đồng
                Ngày ban hành...
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báoSố 42
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Nghị định 173-CP điều lệ bảo vệ đê điều

                          Lịch sử hiệu lực Nghị định 173-CP điều lệ bảo vệ đê điều