Nội dung toàn văn Nghị định 19/2004/NĐ-CP hướng dẫn Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2004/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 2004 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 19/2004/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2003
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 (sau đây gọi là Luật) về số đại biểu Hội đồng nhân dân, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; các tổ chức phụ trách bầu cử; lập danh sách cử tri; tuyên truyền và vận động bầu cử; trình tự bầu cử và kết quả bầu cử; bầu cử thêm, bầu cử lại và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 2. Quyền bầu cử và ứng cử
Quyền bầu cử và quyền ứng cử tại Điều 2 của Luật được quy định như sau:
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú:
1. Đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; trừ những trường hợp đã được quy định tại Điều 25 của Luật.
2. Đủ 21 tuổi trở lên, có đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định đều có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trừ những trường hợp đã được quy định tại Điều 31 của Luật.
Điều 3. Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử
Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử tại Điều 2 của Luật được quy định như sau:
1. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ấn định. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.
Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm sau.
2. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.
Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bầu cử
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử theo Điều 5 của Luật được quy định như sau:
1. Bộ Nội vụ giúp Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, thực hiện công tác bầu cử của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp; phát hành mẫu phiếu bầu, mẫu thẻ cử tri, mẫu thẻ đại biểu Hội đồng nhân dân và các biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử.
2. Các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tích cực, chủ động tham gia công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật; cử người tham gia phối hợp, thực hiện công tác bầu cử theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức phụ trách bầu cử.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện công tác bầu cử, bảo đảm phương tiện vật chất cho cuộc bầu cử; giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức phòng, chống cháy, nổ tại các địa điểm bỏ phiếu, bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
4. Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai công tác chuẩn bị và phục vụ bầu cử theo phân công của Uỷ ban nhân dân.
Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi tiến độ cuộc bầu cử, tổng hợp kết quả cuộc bầu cử và thống kê số lượng, chất lượng, cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 5. Kinh phí phục vụ bầu cử
Kính phí tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo Điều 8 của Luật được quy định như sau:
1. Kinh phí bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ lập phương án phân bổ ngân sách phục vụ bầu cử trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán kinh phí bầu cử, bảo đảm để kinh phí bầu cử được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
Chương 2:
SỐ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU
Điều 6. Cách tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Cách tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo Điều 9 của Luật được quy định như sau:
1. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi đơn vị hành chính được tính trên cơ sở dân số của từng đơn vị theo quy định tại Điều 9 của Luật.
2. Căn cứ để tính số đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi địa phương là số liệu dân số có đến ngày 31 tháng 12 của năm trước năm tiến hành cuộc bầu cử do Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp.
Điều 7. Ấn định số lượng đơn vị bầu cử và xác định đơn vị bầu cử
Số lượng đơn vị bầu cử tại Điều 11 của Luật được quy định như sau:
1. Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ quy định tại Điều 11 của Luật và tình hình cụ thể địa phương để ấn định số đơn vị bầu cử và danh sách các đơn vị bầu cử, trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; số đơn vị bầu cử và danh sách đơn vị bầu cử cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ấn định và trình Chính phủ phê chuẩn.
2. Việc xác định đơn vị bầu cử được thực hiện như sau:
a) Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) thì đơn vị bầu cử được xác định là huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện), liên huyện hoặc liên xã;
b) Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện thì đơn vị bầu cử được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), liên xã hoặc liên thôn;
c) Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã thì đơn vị bầu cử được xác định là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc (gọi chung là thôn), tổ dân phố hoặc liên thôn, liên tổ dân phố;
d) Trường hợp thành lập hai đơn vị bầu cử ở một đơn vị hành chính huyện, xã hoặc ở một thôn, tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử có trách nhiệm xác định ranh giới rõ ràng, hợp lý giữa các đơn vị bầu cử để việc tổ chức thực hiện bầu cử được thuận lợi.
Điều 8. Số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử
Số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử tại Điều 10 của Luật được quy định như sau:
1. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bầu theo đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá năm đại biểu.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để ấn định số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, nhưng hạn chế số đơn vị được bầu dưới ba đại biểu và trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ấn định và trình Chính phủ phê chuẩn.
Điều 9. Trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng
Khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng theo Điều 42 của Luật được quy định như sau:
1. Trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng ở một đơn vị bầu cử là trường hợp khuyết người ứng cử sau khi danh sách những người ứng cử đã được công bố do một hoặc một số người ứng cử bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chết hoặc vì lý do khác phải xoá tên hoặc rút tên khỏi danh sách người ứng cử, dẫn đến số người ứng cử ở đơn vị bầu cử không còn nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất là hai người như quy định tại Điều 42 của Luật.
2. Trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng xảy ra trước khi niêm yết danh sách những người ứng cử hai ngày trở lên, thì Hội đồng bầu cử sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn người có tín nhiệm cao nhất trong số người còn lại ở danh sách hiệp thương lần thứ ba để bổ sung vào danh sách những người ứng cử.
3. Trường hợp không lựa chọn được người để bổ sung vào danh sách những người ứng cử hoặc trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng xảy ra sau thời gian quy định tại khoản 2 Điều này, thì Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử quyết định việc giảm số đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng, trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; đối với đơn vị bầu cử cấp tỉnh thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ phê chuẩn.
Điều 10. Phân định khu vực bỏ phiếu
Phân định khu vực bỏ phiếu theo Điều 13 của Luật được quy định như sau:
1. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) căn cứ vào hoàn cảnh địa dư, phân bố dân cư và khả năng tổ chức của địa phương, phân chia khu vực bỏ phiếu và trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn:
a) Mỗi khu vực bỏ phiếu có thể là một thôn, tổ dân phố hoặc là liên thôn, liên tổ dân phố;
b) Trường hợp do số cử tri đông, phải phân chia thôn, tổ dân phố thành nhiều khu vực bỏ phiếu thì Uỷ ban nhân dân cấp xã xác định rõ ranh giới và thông báo để cử tri nhận biết khu vực bỏ phiếu.
2. Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định việc phân chia khu vực bỏ phiếu ở đơn vị mình.
Chương 3:
CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ
Điều 11. Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử
Việc thành lập các tổ phụ trách bầu cử theo Điều 16 của Luật được quy định như sau:
1. Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ấn định ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử theo đúng thời hạn quy định của Luật;
2. Trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử được tổ chức như sau:
a) Thành viên Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có thể là thành viên Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
b) Thành viên Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thể là thành viên Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện;
c) Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã kiêm nhiệm vụ của Tổ bầu cử và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 17, Điều 18 của Luật trong trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu.
Điều 12. Trách nhiệm của thành viên tổ chức phụ trách bầu cử
Thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử phải nắm vững các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; các văn bản hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại các Điều 16, 17 và 18 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên tổ chức bầu cử phải luôn công tâm, khách quan, trung thực đối với các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 13. Thay đổi hoặc bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử
Trường hợp tổ chức phụ trách bầu cử bị khuyết thành viên do bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chết hoặc vì lý do khác, thì Uỷ ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp quyết định thay đổi hoặc bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử.
Chương 4:
LẬP DANH SÁCH CỬ TRI
Điều 14. Danh sách cử tri
Lập danh sách cử tri theo Điều 23 và 24 của Luật được quy định như sau:
1. Uỷ ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy đơn vị (đối với các đơn vị vũ trang nhân dân) lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu như sau:
a) Người đủ tuổi theo quy định của pháp luật được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử tại nơi mình cư trú, trừ những trường hợp thuộc quy định tại khoản 1 Điều 25 và Điều 31 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Trong thời hạn lập danh sách cử tri, những người chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử;
c) Trường hợp tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi lao động, làm ăn hoặc vì lý do khác, nếu đã đăng ký tạm trú từ sáu tháng trở lên ở nơi cư trú mới thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại địa phương nơi cư trú mới để thực hiện quyền bầu cử;
d) Trường hợp tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi thăm người thân, đi du lịch hoặc vì lý do khác thì ghi tên vào danh sách cử tri nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện quyền bầu cử;
đ) Sinh viên, học sinh, học viên có hộ khẩu tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện;
e) Quân nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương (gần nơi đóng quân) có thể được Thủ trưởng đơn vị cấp giấy chứng nhận để ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở nơi cư trú.
Điều 15. Thời gian niêm yết danh sách cử tri
Thời gian niêm yết danh sách cử tri theo Điều 26 của Luật được quy định như sau:
Chậm nhất là ba mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và những nơi công cộng trong khu vực bỏ phiếu; đồng thời thông báo rộng rãi địa điểm niêm yết để nhân dân biết và kiểm tra.
Chương 5:
TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG BẦU CỬ
Điều 16. Tuyên truyền cho cuộc bầu cử
Thông tin, tuyên truyền cho bầu cử theo các Điều 44 và 45 của Luật được quy định như sau:
1. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương có trách nhiệm đưa tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, các quy định của pháp luật về bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc trong kiểm tra, giám sát cuộc bầu cử ở địa phương và trong phạm vi cả nước; cổ động để cử tri tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp bảo đảm công tác thông tin cho cuộc bầu cử; tổ chức tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử ở địa phương theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử.
Điều 17. Vận động bầu cử
Việc vận động bầu cử theo Điều 46 của Luật được quy định như sau:
Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc của người ứng cử với cử tri nơi công tác, nơi cư trú hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 18. Nguyên tắc vận động bầu cử
1. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thực hiện quyền vận động bầu cử trong phạm vi địa phương đó.
2. Việc vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu hai mươi bốn giờ.
3. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền những quan điểm trái với Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến uy tín, danh dự và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
4. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được sử dụng tiền, phương tiện vật chất khác của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân không được lợi dụng vận động bầu cử để quyên góp tiền, phương tiện vật chất hoặc kêu gọi tài trợ để phục vụ cho việc vận động bầu cử.
Điều 19. Các hình thức, nội dung vận động bầu cử
Các hình thức, nội dung vận động bầu cử theo điều 46 của Luật được quy định như sau:
1. Việc vận động bầu cử được tiến hành dưới các hình thức sau đây:
a) Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức;
b) Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác;
c) Trả lời phỏng vấn trên báo chí, phát thanh, truyền hình địa phương.
2. Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm:
a) Trình bày dự kiến chương trình hoạt động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Trao đổi với cử tri những vấn đề cùng quan tâm;
c) Trả lời các câu hỏi của cử tri.
Điều 20. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong vận động bầu cử
1. Hội đồng bầu cử chỉ đạo công tác vận động bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; bảo đảm cho việc tổ chức vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
4. Các cơ quan báo chí có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc trả lời phỏng vấn của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương.
Điều 21. Kinh phí vận động bầu cử
Kinh phí vận động bầu cử lấy từ nguồn kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân do Nhà nước cấp và kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chương 6:
TRÌNH TỰ BẦU CỬ VÀ KẾT QUẢ BẦU CỬ
Điều 22. Thời gian bầu cử
Thời gian bầu cử theo Điều 48 của Luật được quy định như sau:
Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ đến mười chín giờ cùng ngày. Tuỳ tình hình cụ thể, Tổ bầu cử có thể quyết định bắt đầu cuộc bỏ phiếu sớm hơn và kết thúc muộn hơn giờ quy định, nhưng không được bắt đầu trước năm giờ và kết thúc quá hai mươi giờ cùng ngày.
Khu vực bỏ phiếu nào đã có một trăm phần trăm cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bầu thì Tổ bầu cử ở nơi đó có thể kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm hơn giờ quy định.
Điều 23. Địa điểm bỏ phiếu và phòng bỏ phiếu
Địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) phải bảo đảm trang nghiêm, có đủ các điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho việc bầu cử và thuận tiện cho cử tri đến bầu cử.
Điều 24. Thẻ cử tri
Công dân có tên trong danh sách cử tri được phát thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử của mình:
1. Thẻ cử tri của công dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri ký tên và đóng dấu;
2. Thẻ cử tri của quân nhân ở đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.
Điều 25. Các trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến ngày bỏ phiếu
Việc gián đoạn, hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn theo Điều 54 của Luật được quy định như sau:
1. Trong ngày bầu cử, cuộc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, hoả hoạn hoặc các trường hợp bất khả kháng khác làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong giấy tờ và hòm phiếu, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết, đồng thời tổ chức hòm phiếu phụ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để cuộc bỏ phiếu được tiếp tục.
2. Hội đồng bầu cử cấp tỉnh báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định trong các trường hợp sau:
a) Hoãn ngày bỏ phiếu ở các đơn vị bầu cử do ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt hoặc vì lý do khác không thể tiến hành ngày bỏ phiếu theo quy định của Luật;
b) Tổ chức bỏ phiếu sớm hơn ngày bầu cử đã được ấn định đối với những đơn vị bầu cử có khó khăn về địa hình, giao thông và phương tiện đi lại.
Điều 26. Báo cáo tình hình trong ngày bầu cử
1. Hội đồng bầu cử các cấp có trách nhiệm báo cáo tình hình trong ngày bầu cử đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp; đối với cấp tỉnh thì báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp báo cáo cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp về tình hình, tiến độ thực hiện công tác bầu cử ở địa phương; đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì báo cáo Chính phủ.
3. Nội dung báo cáo tình hình trong ngày bầu cử gồm:
a) Giờ khai mạc và không khí ngày bầu cử;
b) Số cử tri đi bầu và tiến độ đi bầu cử của cử tri địa phương;
c) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội và những khó khăn ảnh hưởng đến việc cử tri đi bỏ phiếu;
d) Những vấn đề phát sinh cần xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn;
đ) Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương.
Điều 27. Kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử
Kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử theo các Điều 55, 56, 57, 58, 59 và 60 của Luật được quy định như sau:
1. Tổ bầu cử phải tiến hành kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu và niêm phong phiếu bầu theo đúng trình tự quy định tại các Điều 55, 56, 57, 58 và 59 của Luật, đồng thời tạo điều kiện để phóng viên báo chí và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu;
Trước khi mở hòm phiếu và tiến hành kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu và niêm phong số phiếu không sử dụng đến để bàn giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã lưu trữ, quản lý sau khi cuộc bầu cử kết thúc;
Biên bản kiểm phiếu được gửi đến Ban bầu cử, Uỷ ban nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.
2. Ban bầu cử kiểm tra các biên bản kiểm phiếu do Tổ bầu cử chuyển đến, tổng hợp để lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử do mình phụ trách để gửi tới Hội đồng bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
3. ở đơn vị bầu cử chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì Ban bầu cử kiêm Tổ bầu cử lập biên bản kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử để gửi tới Hội đồng bầu cử và Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Điều 28. Trường hợp có sự kiện làm gián đoạn việc kiểm phiếu
Trường hợp có sự kiện xảy ra làm gián đoạn việc kiểm phiếu hoặc không thể tiến hành kiểm phiếu được thì Tổ bầu cử phải niêm phong hòm phiếu hoặc số phiếu đã kiểm, báo cáo ngay với Ban bầu cử, Hội đồng bầu cử để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Tổng kết bầu cử
Tổng kết bầu cử theo Điều 66 của Luật được quy định như sau:
1. Hội đồng bầu cử các cấp lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử và báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương theo quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
Biên bản tổng kết cuộc bầu cử ở cấp huyện, cấp xã được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử ở cấp tỉnh được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương;
Báo cáo Tổng kết công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp; đối với cấp tỉnh thì gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 30. Lưu trữ, quản lý hồ sơ, phương tiện sau khi kết thúc cuộc bầu cử
Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử có trách nhiệm lưu trữ, quản lý toàn bộ hồ sơ, tài liệu, con dấu của các Tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình;
Uỷ ban nhân dân cấp xã lưu trữ, quản lý các biên bản kiểm phiếu, toàn bộ phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (kể cả phiếu bầu không sử dụng đến đã được niêm phong), con dấu và hòm phiếu do Tổ bầu cử bàn giao theo quy định pháp luật.
Chương 7:
BẦU CỬ THÊM, BẦU CỬ LẠI VÀ BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 31. Tổ chức phụ trách bầu cử trong bầu cử thêm, bầu cử lại
Việc bầu cử thêm, bầu cử lại theo các Điều 62, 63, 64 và 65 của Luật được quy định như sau:
1. Các tổ chức phụ trách bầu cử trong lần bầu cử đầu tiên tiếp tục làm nhiệm vụ trong cuộc bầu cử thêm, bầu cử lại.
2. Trường hợp Tổ bầu cử hoặc thành viên Tổ bầu cử vi phạm pháp luật bầu cử hoặc không được nhân dân tín nhiệm thì Uỷ ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập Tổ bầu cử mới hoặc bổ sung thành viên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 32. Thẩm quyền quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại các Điều 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74 và 75 của Luật.
Chương 8:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Tổ chức thực hiện
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức có liên quan thực hiện Nghị định này.
Điều 34. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 81/CP ngày 01 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) năm 1994.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |