Nội dung toàn văn Nghị định 194-CP điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 194-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1964 |
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ GIỮ GÌN VỆ SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ điều 73 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Để tăng cường việc giữ gìn vệ sinh phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phục vụ quốc phòng và xây dựng nếp sống mới trong nhân dân;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế:
Căn cứ quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 5 năm 1964:
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.
Điều 2. – Các ông Bộ trưởng, các ông Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành điều lệ này.
| T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
ĐIỀU LỆ
VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
(Ban hành kèm theo Nghị định số 194-CP ngày 31-12-1964)
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe là việc rất cần thiết trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta, vì giữ gìn được vệ sinh, bảo vệ được sức khỏe là tạo được điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh công tác và học tập, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống mới và làm cho đời sống gia đình thêm hạnh phúc.
Việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe có lợi ích như vậy, nên thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các ban quản trị các hợp tác xã và mọi người công dân phải coi đây là nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà ra sức thực hiện nghiêm chỉnh.
Bản điều lệ này quy định những nguyên tắc lớn của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe; thủ trưởng mỗi ngành ở trung ương, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần căn cứ vào hoàn cảnh, trình độ cụ thể của từng ngành, từng địa phương và căn cứ vào bản điều lệ này mà có những quy định cụ thể và hướng dẫn nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức thi hành.
II. VỆ SINH ĐỀ PHÒNG VÀ CHỐNG BỆNH DỊCH
Điều 1. – Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội, chủ nghiệm các hợp tác xã, chủ hộ tập thể, chủ hộ gia đình, khi phát hiện hoặc nghi có bệnh dịch trong đơn vị hoặc gia đình mình, phải khai báo ngay với cơ quan y tế ở nơi gần nhất .
Điều 2. – Khi có bệnh dịch xảy ra ở địa phương nào thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi đó, theo đề nghị của cơ quan y tế, phải ra lệnh thi hành những biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch.
Điều 3. – Đề phòng và chống các bệnh dịch, mọi người phải uống hoặc tiêm, chủng một số thuốc sinh hóa và nghiêm chỉnh thi hành các biện pháp phòng và chống dịch do Bộ Y tế hoặc Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Điều 4. – Mọi người vào, ra biên giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều phải tuân theo thể lệ kiểm dịch biên giới quy định trong Nghị định số 248-TTg ngày 08 tháng 5 năm 1958.
III. VỆ SINH TRONG LAO ĐỘNG
Điều 5. – Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã phải chăm lo sức khỏe của công nhân, viên chức, xã viên trong đơn vị mình phụ trách; phải thành lập và kiện toàn tổ chức y tế của đơn vị mình để làm tốt công tác phòng bệnh, chữa bệnh; phải lập và tổ chức thực hiện kế hoạch vệ sinh phòng bệnh.
Điều 6. - Nơi làm việc của công nhân, viên chức của Nhà nước và xã viên các hợp tác xã phải hợp vệ sinh, thoáng khí, có đủ ánh sáng và không có khói, bụi, hơi độc, độ ẩm, độ nóng vượt quá mức quy định.
Ở những nơi làm việc có nhiều khói, bụi, hơi độc, hoặc độ ẩm, độ nóng cao, thì công nhân, viên chức, xã viên phải được khám sức khỏe định kỳ và được trang bị các dụng cụ cần thiết đề phòng và chống khói, bụi, hơi độc, ẩm, nóng.
Điều 7. – Phải bố trí công nhân, viên chức Nhà nước, xã viên hợp tác xã là phụ nữ làm những công việc hợp với sức khỏe và sinh lý của phụ nữ. Không được dùng phụ nữ có thai và thiếu niên dưới 16 tuổi làm việc ở những nơi có nhiều chất độc hoặc làm những việc quá nặng nhọc. Ở những cơ quan, xí nghiệp… có nhiều phụ nữ làm việc phải có các phương tiện vệ sinh riêng cho phụ nữ.
IV. VỆ SINH VỀ CÁC THỨC ĂN, UỐNG, THUỐC HÚT
Điều 8. – Những khúc sông, đoạn suối, giếng nước dùng vào việc ăn uống của nhân dân, phải được giữ gìn sạch sẽ và phải được bảo vệ. Cấm tắm giặt và vất những vật dơ bản ở trong khu vực này.
Nước do nhà máy nước cung cấp phải hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.
Ở những nơi chưa có nhà máy nước, cần đào giếng khơi hoặc xây bể lọc nước hợp vệ sinh.
Điều 9. – Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, mua bán các thức ăn, uống, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, các cửa hàng ăn uống phải có đủ các điều kiện vệ sinh theo quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Những nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến các thức ăn uống, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh phải có phẩm chất tốt và hợp vệ sinh.
Máy móc, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, chế biến, chứa đựng, đóng gói, bảo quản, chuyên chở các thức ăn uống, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh phải có đủ điều kiện vệ sinh.
Điều 10. – Việc sản xuất hàng loạt các thức ăn uống để lâu ngày, thuốc hút, thuốc chữa bệnh; phòng bệnh phải theo đúng công thức đã được quy định; mỗi loạt sản xuất phải có hồ sơ riêng.
Điều 11. – Không ai được bán ra thị trường các thức ăn, uống, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh hư hỏng có hại đến sức khỏe của người dùng.
Điều 12. – Những người trực tiếp sản xuất thức ăn, uống, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh phải được khám sức khỏe định kỳ, người đang mắc bệnh truyền nhiễm phải được phép nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc khác.
V. VỆ SINH TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC, NHÀ GỬI TRẺ VÀ TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG, VẬN CHUYỂN
Điều 13. – Các trường học, nhà gửi trẻ phải đặt xa nơi có nhiều chất độc, chất hôi thối. Các lớp học, phòng gửi trẻ cần có đủ ánh sáng, không khí và diện tích quy định theo đầu người. Bàn ghế, đồ dùng để học cần thích hợp với từng lứa tuổi.
Điều 14. – Giáo viên, người nuôi dạy trẻ, học sinh và trẻ em đang mắc những bệnh truyền nhiễm không được đến lớp học, nhà gửi trẻ.
Người đang mắc bệnh lao, bệnh hủi không được làm giáo viên hoặc làm nghề nuôi dạy trẻ.
Điều 15. – Xe lửa, tàu thủy, ca-nô, máy bay chở hành khách phải có những phương tiện vệ sinh như nước rửa, hố xí.
Không được chuyên chở hành khách chung với người đang mắc các bệnh dịch nguy hiểm, hàng hóa hôi thối, có chất độc.
VI. VỆ SINH TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ LÀM VIỆC, NHÀ Ở, NHÀ ĂN, NHÀ VĂN HÓA
Điều 16. – Từ nay, các cơ quan có trách nhiệm, khi xét duyệt thiết kế những nhà sẽ xây dựng ở các thành phố, thị xã, những xí nghiệp, nhà ở… do Nhà nước xây dựng, phải xét duyệt cả mặt thiết kế về vệ sinh; nếu trong khi thi công có vi phạm nghiêm trọng về mặt vệ sinh, thì phải sửa chữa kịp thời, hoặc hoãn việc xây dựng để sửa chữa.
Đối với những nhà mới sẽ xây dựng của nhân dân ở nông thôn, nên để một khoảng cách thích đáng giữa nhà ở với chuồng gia súc, hố xí và nơi chứa phân, rác.
Điều 17. – Đối với những nhà cũ không hợp vệ sinh ở các thành phố, thị xã, cần sửa chữa lại cho hợp vệ sinh hơn, hoặc thi hành các biện pháp cần thiết về vệ sinh.
VII. VỆ SINH TRONG VIỆC THẢI PHÂN, RÁC, NƯỚC BẨN, KHÓI, BỤI, HƠI ĐỘC
Điều 18. – Ở trụ sở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, ở nhà ở và nơi tập trung đông người, phải có hố xí, nước rửa và dụng cụ hợp vệ sinh để đựng phân, rác.
Điều 19. – Việc lấy, chuyên chở, chế biến, sử dụng phân, rác phải theo đúng những điều kiện vệ sinh do Ủy ban hành chính địa phương quy định.
Nơi tập trung phân, rác phải xa nhà ở, cơ quan, xí nghiệp, nguồn nước uống, đường giao thông chính, nơi tập trung đông người.
Điều 20. – Các cơ sở sản xuất, chế biến, các bệnh viện phải có hệ thống cống để thải các thứ nước bẩn; phải khử độc, khử trùng những nước thải có nhiều chất độc hoặc vi trùng gây bệnh.
Điều 21. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, các phòng thí nghiệm, lò đốt bông băng của các bệnh viện có nhiều khói, bụi, hơi độc thì phải thu hồi bụi, khử độc hoặc thải các khói, bụi, hơi độc này ở trên độ cao cần thiết.
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, các phòng thí nghiệm, lò đốt bông băng của các bệnh viện có nhiều khói, bụi, hơi độc hoặc tiếng động mạnh, thì phải đặt ở khoảng cách cần thiết đối với cơ quan, nhà ở, xí nghiệp khác và nơi tập trung đông người theo đúng quy định về vệ sinh.
VIII. VỆ SINH TRONG VIỆC CHÔN CẤT, BỐC MỒ VÀ DI CHUYỂN XÁC CHẾT, HÀI CỐT
Điều 22. – Phải chôn hoặc hỏa táng người chết ở những nơi được quy định, chậm nhất là 48 giờ sau khi chết. Trường hợp đặc biệt không chôn hoặc hỏa táng kịp trong thời gian trên, thì phải khâm liệm theo đúng những quy định về vệ sinh của Bộ Y tế.
Phải chôn những người chết vì các bệnh dịch sớm hơn quy định trên đây, và chôn ở nơi được quy định gần nhất theo đúng những quy định về phòng dịch.
Điều 23. – Việc bốc mộ, di chuyển xác người chết, hài cốt, việc sử dụng đất ở nơi đã bốc mộ, phải theo đúng những quy định về vệ sinh phòng dịch.
Điều 24. – Việc di chuyển xác người chết qua biên giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải được phép của Chính phủ hoặc của một cơ quan được Chính phủ ủy nhiệm và phải khâm liệm theo đúng những quy định của Bộ Y tế.
IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP VI PHẠM ĐIỀU LỆ GIỮ GÌN VỆ SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
Điều 25. – Bộ Y tế có trách nhiệm quy định chi tiết và giải thích, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành điều lệ này với tinh thần tích cực, đồng thời phải chiếu cố đầy đủ đến điều kiện hiện nay ở nước ta.
Điều 26. – Căn cứ vào điều lệ này và những quy định chi tiết của Bộ Y tế, các ông Bộ trưởng các Bộ, các ông thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, sẽ ban hành những thể lệ và quyết định những biện pháp nhằm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe trong các đơn vị trực thuộc và trong nhân dân ở từng vùng cho sát hợp với những điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương.
Điều 27. – Cá nhân hoặc đơn vị nào vi phạm những quy định của Nhà nước về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, thì tùy theo từng trường hợp, sẽ bị phê bình, cảnh cáo, xử phạt vi cảnh theo thể lệ quản lý trị an của địa phương hoặc truy tố trước tòa án.