Nghị định 200-CP Điều lệ lập kế hoạch nhập khẩu, ký kết hợp đồng, giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu đã được thay thế bởi Quyết định 207-HĐBT huỷ bỏ các văn bản pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 04/07/1991.
Nội dung toàn văn Nghị định 200-CP Điều lệ lập kế hoạch nhập khẩu, ký kết hợp đồng, giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 200-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1973 |
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ LẬP KẾ HOẠCH NHẬP KHẨU, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG, GIAO NHẬN VÀ TRẢ TIỀN HÀNG NHẬP KHẨU.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 9 năm 1973.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, bản Điều lệ lập kế hoạch nhập khẩu, ký kết hợp đồng, giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu.
Điều 2. – Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1974.
Điều 3. – Những quy định trước đây không phù hợp với bản điều lệ này đều bãi bỏ.
Điều 4. – Các ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước và các Bộ hữu quan chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
ĐIỀU LỆ
LẬP KẾ HOẠCH NHẬP KHẨU, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG,GIAO NHẬN VÀ TRẢ TIỀN HÀNG NHẬP KHẨU.
Để góp phần cải tiến quản lý kinh tế, đưa việc quản lý công tác nhập khẩu vào nề nếp từ khâu lập kế hoạch đến khâu trả tiền hàng nhập khẩu, phân rõ và tăng cường trách nhiệm của các ngành, các đơn vị có liên quan, thúc đẩy hạch toán kinh tế, lưu thông hàng hóa và bảo đảm nộp nhanh, gọn cho ngân sách các khoản thu của Nhà nước về nguồn hàng nhập khẩu, Hội đồng Chính phủ quy định Điều lệ lập kế hoạch nhập khẩu, ký kết hợp đồng, giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu.
Chương 1
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. – Kế hoạch nhập khẩu phải thể hiện đường lối phương hướng phát triển kinh tế và các chính sách nhập khẩu, bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước, tiết kiệm ngoại hối, tận dụng mọi nguồn thiết bị, vật tư kỹ thuật và hàng hóa sẵn có trong nước và phải được Hội đồng Chính phủ xét duyệt. Trong khi chưa có kế hoạch nhập khẩu dài hạn, phải lập kế hoạch nhập khẩu trước năm kế hoạch một năm.
Điều 2. – Kế hoạch nhập khẩu là một bộ phận của kế hoạch cân đối thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hóa, gắn liền với kế hoạch sản xuất, xây dựng, vận tải và lưu thông hàng hóa trong nước.
Thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hóa nhập khẩu phải có vốn thanh toán trong nước; vốn thanh toán phải được cân đối trong kế hoạch tài vụ, sản xuất và kinh doanh của các ngành hoặc ngân sách Nhà nước.
Điều 3. – Kế hoạch nhập khẩu phải được xây dựng từ cơ sở căn cứ trên những đơn hàng yêu cầu nhập khẩu của các đơn vị cơ sở.
Các tổ chức cung ứng của các Bộ sau đây có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu nhập khẩu vật tư kỹ thuật, thiết bị, hàng hóa của các ngành, các đơn vị cơ sở;
- Vật tư kỹ thuật thông dụng do Bộ vật tư tổng hợp;
- Vật tư kỹ thuật chuyên dụng do các Bộ có nhu cầu, tự lập kế hoạch;
- Hàng hóa tiêu dùng thực phẩm và một số nguyên liệu gia công do Bộ Nội thương tổng hợp;
- Lương thực do Bộ Lương thực thực phẩm tổng hợp;
- Vật tư quan trọng mà nhu cầu phần lớn tập trung vào một Bộ, nhưng các Bộ khác cũng có yêu cầu lẻ tẻ thì do Bộ có nhu cầu lớn tổng hợp.
- Đối với những mặt hàng số lượng ít thì tùy theo loại giao cho Bộ Nội thương hoặc Bộ vật tư kinh doanh theo phương thức thương nghiệp; các Bộ này có trách nhiệm tìm hiểu và tổng hợp nhu cầu của các ngành để đặt hàng với cơ quan ngoại thương.
Điều 4. – Bộ Ngoại thương có trách nhiệm chỉ đạo các Tổng công ty xuất nhập khẩu thực hiện kế hoạch nhập khẩu. Các Tổng công ty này phải hướng dẫn các ngành, các đơn vị lập đơn hàng, thông báo giá cả hàng nhập khẩu tính bằng tiền trong nước, ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị đặt hàng và chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu từ khi ký kết hợp đồng với nước ngoài cho đến khi giao xong hàng cho các đơn vị đặt hàng.
Điều 5. - Các cơ quan vận tải (ga, cảng) có trách nhiệm tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu trên các phương tiện vận tải từ nước ngoài vào, bảo quản hàng hóa đó trong quá trình xếp dỡ, lưu kho, lưu bãi và giao cho các đơn vị đặt hàng theo lệnh giao hàng của Tổng công ty đã nhập hàng đó.
Điều 6. – Các đơn vị đặt hàng phải trả tiền hàng nhập khẩu cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu khi lô hàng đầu tiên được dỡ từ trên tầu biển, hoặc khi toa xe chở hàng đã vào sân ga giao nhận. Căn cứ để trả tiền là các hóa đơn do các Tổng công ty xuất nhập khẩu lập theo chứng từ gốc của nước ngoài.
Sau khi thu tiền của các đơn vị đặt hàng, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải nộp ngay ngân sách Nhà nước số tiền phải nộp.
Nếu hàng hóa giao thiếu so với lệnh giao hàng của Tổng công ty xuất nhập khẩu và chứng từ kèm theo thì ga cảng phải lập biên bản hợp lệ hoặc nếu phẩm chất, quy cách hàng nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng kinh tế thì đơn vị đặt hàng phải yêu cầu cơ quan giám định hàng hóa xuất nhập khẩu lập biên bản giám định. Căn cứ vào biên bản giao nhận thiếu hụt hoặc biên bản giám định phẩm chất hàng hóa nhập khẩu không đúng quy cách, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải hoàn lại tiền thanh toán cho các đơn vị đặt hàng hoặc bồi thường tổn thất do hàng hóa sai quy cách, phẩm chất trực tiếp gây nên.
Chương 2
LẬP KẾ HOẠCH NHẬP KHẨU
Điều 7. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, căn cứ đường lối, chính sách, phương hướng phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ và dựa trên các chỉ tiêu cân đối, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại thương, Bộ Vật tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngành hữu quan, lập dự án và số kiểm tra kế hoạch hàng nhập khẩu trình Hội đồng Chính phủ duyệt.
Trong khi chưa có kế hoạch dài hạn, cùng thời gian Hội đồng Chính phủ giao kế hoạch chính thức hàng năm cho các ngành, các địa phương, thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải lập và thông báo số kiểm tra kế hoạch nhập khẩu của năm sau năm kế hoạch.
Điều 8. – Chậm nhất trong tháng 12 của năm trước năm kế hoạch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải thông báo số kiểm tra kế hoạch nhập khẩu của năm sau năm kế hoạch đã được Hội đồng Chính phủ duyệt cho các Bộ phụ trách các ngành cung ứng, kể cả các Bộ có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu nhập khẩu, các Bộ có nhu cầu lớn (nói ở điều 3) và cho Bộ Ngoại thương (để biết và thăm dò thị trường bên ngoài).
Trong số kiểm tra kế hoạch, những thiết bị, vật tư kỹ thuật nằm trong danh mục do Nhà nước quản lý phải được ghi rõ từng mặt hàng với quy cách, phẩm chất, số lượng cụ thể; riêng đối với sắt thép có nhiều quy cách thì có thể chỉ ghi chủng loại lớn; đối với những mặt hàng linh tinh thì phân phối kim ngạch bằng tiền trong nước theo từng nhóm, từng loại.
Điều 9. – Các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu, căn cứ số kiểm tra kế hoạch Nhà nước giao, căn cứ sự hướng dẫn của các Bộ có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu nhập khẩu và các Bộ chủ quản, căn cứ vào dự kiến vốn của kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm sau, sau khi đã kiểm tra kỹ tồn kho và hàng hóa đã ký nhập của các năm trước mà chưa về, phải xác định đơn hàng nhập khẩu có ghi rõ số lượng, quy cách, phẩm chất, điều kiện kỹ thuật của từng loại hàng để trình thủ trưởng các Bộ, Tổng cục (nếu là đơn vị thuộc trung ương quản lý) hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (nếu là đơn vị thuộc địa phương quản lý) xét duyệt. Sau khi đơn hàng nhập khẩu được xét duyệt, chậm nhất là cuối tháng 2 năm trước năm kế hoạch, các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu phải gửi đơn hàng nhập khẩu cho các tổ chức cung ứng nói ở điều 3 để cân đối và tổng hợp từng loại, đồng thời gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để nghiên cứu và chuẩn bị tổng hợp kế hoạch nhập khẩu chung.
Điều 10. – Các tổ chức cung ứng thuộc các Bộ nói ở điều 3, có trách nhiệm tổng hợp, cân đối và soát xét lại nhu cầu của đơn vị sử dụng về từng loại, đối chiếu nhu cầu với khả năng sản xuất trong nước và với lực lượng tồn kho để xác định nhu cầu nhập khẩu và gửi lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước dể xét duyệt.
Khi xét duyệt bản tổng hợp nhu cầu nhập khẩu, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải căn cứ các nguyên tắc sau đây:
a) Những thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hóa có thể sản xuất trong nước và huy động lực lượng tồn kho hoặc thay thế bằng loại khác tương tự đã có, thì không cho nhập khẩu;
b) Những thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hóa có thể tranh thủ nhập khẩu được ở các nước xã hội chủ nghĩa thì không cho nhập khẩu từ thị trường tư bản.
Điều 11. – Sau khi xét duyệt các bản tổng hợp nhu cầu nhập khẩu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước gửi các bản tổng hợp đó cho các Bộ, Tổng cục (nói ở điều 3) và Bộ Ngoại thương. Căn cứ bản tổng hợp này, chậm nhất là cuối tháng 3 của năm trước năm kế hoạch, các tổ chức cung ứng lập đơn đặt hàng nhập khẩu gửi cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu. Quá hạn trên, các Tổng công ty nhập khẩu có quyền từ chối đơn đặt hàng, trừ trường hợp có ý kiến can thiệp của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Điều 12. – Các Bộ đặt hàng phải chỉ định những cơ quan có tư cách giao dịch với các Tổng công ty xuất nhập khẩu để tập trung đầu mối đặt hàng, ký hợp đồng, nhận hàng và trả tiền rồi phân phối lại cho các đơn vị sử dụng trong các ngành và các địa phương. Ngoài những cơ quan đó, các đơn vị nhập hàng chuyên dụng với số lượng lớn có thể trực tiếp giao dịch với Tổng công ty xuất nhập khẩu, nếu được Bộ chủ quản cho phép và Bộ Ngoại thương chấp thuận.
Điều 13. – Đơn đặt hàng, sau khi đã được Tổng công ty xuất nhập khẩu chấp nhận bằng văn bản, có giá trị ràng buộc người đặt hàng. Nếu cơ quan ngoại thương căn cứ vào đơn đặt hàng để đàm phán với nước ngoài và được nước ngoài chấp nhận, thì người đặt hàng dù có ký hợp đồng hay từ chối ký hợp đồng với Tổng công ty xuất nhập khẩu cũng phải nhận hàng và trả tiền cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Điều 14. – Các Tổng công ty xuất nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra các đơn đặt hàng, bảo đảm tổng giá trị các đơn đặt hàng khớp với kim ngạch được phân bổ và mặt hàng hóa hợp với chính sách nhập khẩu của Nhà nước; nếu không phù hợp thì Tổng công ty xuất nhập khẩu phải báo cáo cho Bộ Ngoại thương và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết đồng thời báo ngay cho các đơn vị đặt hàng điều chỉnh lại.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ lúc nhận được công văn hay điện báo (căn cứ vào dấu bưu điện), các đơn vị đặt hàng phải điều chỉnh lại đơn đặt hàng. Nếu gặp trường hợp mặt hàng, số lượng, quy cách, phẩm chất, điều kiện kỹ thuật quá phức tạp, thì Tổng công ty xuất nhập khẩu và đơn vị đặt hàng phải trao đổi ý kiến cụ thể đi tới sự thỏa thuận giữa hai bên.
Quá hạn trên, nếu không cử người đến Tổng công ty xuất nhập khẩu để điều chỉnh đơn đặt hàng, thì đơn vị đặt hàng phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do việc chậm trễ đó gây nên.
Điều 15. – Trên cơ sở đặt hàng đã được xác định giữa đơn vị đặt hàng và các Tổng công ty xuất nhập khẩu, Bộ Ngoại thương lập danh mục hàng hóa nhập khẩu theo từng thị trường, lên phương án đàm phán với nước ngoài để trình Chính phủ duyệt trong tháng 5 hoặc chậm nhất là đầu tháng 6 của năm trước năm kế hoạch.
Đồng thời với việc lập danh mục hàng hóa để chuẩn bị đàm phán, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải lập đơn đặt hàng với nước ngoài.
Điều 16. – Sau khi các hiệp định về kinh tế đã được ký kết với nước ngoài, Bộ Ngoại thương phải cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp kết quả đàm phán – có đối chiếu với từng yêu cầu – báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các mặt hàng đàm phán đạt yêu cầu, hoặc đối với các mặt hàng không đạt yêu cầu mà chỉ do một đơn vị đặt hàng thì Bộ Ngoại thương, được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm, thông báo kết quả đàm phán cho các đơn vị đặt hàng, đồng gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các mặt hàng không đạt yêu cầu hoặc thấy cần phải có sự điều chỉnh, phân phối lại thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, cân đối lại nhu cầu và phân phối lại cho các Bộ, nhưng nếu các Bộ không đồng ý thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình lên Thủ tướng Chính phủ xét và quyết định, sau đó Bộ Ngoại thương thông báo cho các đơn vị đặt hàng và các Bộ có liên quan thi hành.
Điều 17. – Đối với thiết bị toàn bộ, thủ tục lập kế hoạch nhập khẩu sẽ quy định riêng.
Chương 3
KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
Điều 18. – Nhận được chỉ tiêu kế hoạch nhập khẩu chính thức, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải cùng với đơn vị đặt hàng điều chỉnh lại đơn đặt hàng cho phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch chính thức và tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế theo chế độ hiện hành. Thời hạn và thủ tục điều chỉnh đơn đặt hàng theo các quy định nói trong điều 14 của bản điều lệ này.
Điều 19. – Trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch nhập khẩu chính thức (trừ thiết bị toàn bộ và những trường hợp có khó khăn đặc biệt), các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải căn bản hoàn thành ký kết hợp đồng với nước ngoài, đồng thời thông báo kết quả ký kết, bằng văn bản, cho các đơn vị đặt hàng.
Điều 20. – Các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải ký kết hợp đồng với nước ngoài theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng, coi đó là nghĩa vụ đối với người đặt hàng và trách nhiệm đối với Nhà nước.
Nếu cần thay đổi về quy cách, phẩm chất, thời hạn giao hàng, v.v... với nước ngoài, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải có sự thỏa thuận của đơn vị đặt hàng, nếu không đơn vị đặt hàng có quyền từ chối nhận hàng và không thanh toán tiền hàng, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải chịu mọi hậu quả.
Sau khi Tổng công ty xuất nhập khẩu đã ký kết hợp đồng với nước ngoài theo đúng đơn đặt hàng thì các đơn vị đặt hàng không được điều chỉnh đơn đặt hàng về số lượng, quy cách, điều kiện kỹ thuật, trừ trường hợp Tổng công ty xuất nhập khẩu có thể thương lượng được với nước ngoài.
Nếu nước ngoài không có khả năng cung cấp hàng hóa theo đúng số lượng, quy cách, phẩm chất, điều kiện kỹ thuật, thời gian giao hàng ghi trong đơn đặt hàng hay trong hợp đồng kinh tế mà các Tổng công ty xuất nhập khẩu cũng không thể thương lượng đặt hàng với nước khác được, thì các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải kịp thời thông báo cho các đơn vị đặt hàng biết để điều chỉnh lại yêu cầu cho phù hợp với khả năng.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng công văn hay điện báo (căn cứ vào dấu bưu điện) các đơn vị đặt hàng phải trả lời cho Tổng công ty xuất nhập khẩu để cùng nhau điều chỉnh lại hợp đồng kinh tế. Quá hạn này, nếu không nhận được trả lời, Tổng công ty xuất nhập khẩu gửi công văn hay điện báo lần thứ hai cho đơn vị đặt hàng. Quá hạn 5 ngày kể từ ngày nhận công văn hay điện báo lần thứ hai, nếu không trả lời thì coi như các đơn vị đặt hàng không chấp nhận sự thay đổi và các Tổng công ty xuất nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm với Nhà nước cũng như với đơn vị đặt hàng về việc không nhập khẩu được hàng.
Điều 21. – Đối với những loại hàng nhập khẩu theo quyết định của Chính phủ mà chưa có đơn vị đặt hàng thì Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan nhận và trả tiền số hàng đó, đồng thời báo cho Bộ chủ quản và Bộ Tài chính biết, Cơ quan này phải ký hợp đồng với Tổng công ty xuất nhập khẩu và khi hàng về phải nhận và trả tiền cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Trong trường hợp này, Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp vốn đặc biệt hoặc ngân hàng cho vay vốn đặc biệt, tùy trường hợp cụ thể sẽ nói ở điều 43.
Điều 22. – Căn cứ vào hợp đồng đã ký với các đơn vị đặt hàng trong nước và với nước ngoài, Bộ Ngoại thương lập kế hoạch đưa hàng về cả năm và từng quý gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Điều hòa vận tải, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông vận tải phải đảm bảo thực hiện kế hoạch này.
Cơ quan nào muốn thay đổi kế hoạch này, dành ưu tiên cho một số hàng nào về trước, để lui một số hàng khác về sau thì phải lấy ý kiến của các đơn vị đã đặt cả hai loại hàng đó và của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rồi trình Thủ tướng Chính phủ xét và quyết định cho Bộ Ngoại thương thi hành. Trong trường hợp này, các Tổng công ty ngoại thương nhập khẩu các loại hàng đó không phải chịu trách nhiệm về việc giao hàng không đúng thời hạn ghi trong hợp đồng kinh tế hay trong đơn đặt hàng.
Điều 23. – Bộ Ngoại thương phối hợp với Ủy ban Pháp chế và Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước xây dựng mẫu hợp đồng kinh tế cho từng loại hàng nhập khẩu làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng giữa các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị đặt hàng.
Điều 24. – Giá ghi trong hợp đồng kinh tế ký kết giữa các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị đặt hàng quy định như sau:
1. Giá bán buôn hàng nhập khẩu dựa trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước và căn cứ theo hệ thống giá hiện hành cho đến khi có chế độ và chính sách giá mới; Ủy ban Vật giá Nhà nước ấn định và ban hành giá bán buôn hàng nhập sau khi có ý kiến của Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính.
2. Trường hợp chưa có giá bán buôn hàng nhập chính thức do Ủy ban Vật giá Nhà nước ban hành thì, sau khi ký hợp đồng với nước ngoài, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải báo cáo cho Ủy ban Vật giá Nhà nước giá hàng nhập khẩu kèm theo quy cách phẩm chất mặt hàng và các tài liệu cần thiết để Ủy ban Vật giá Nhà nước kịp thời ấn định và ban hành giá chính thức để ghi vào hợp đồng kinh tế.
Quá hạn 30 ngày, kể từ ngày Tổng công ty xuất nhập khẩu cung cấp tài liệu và giá cả, nếu Ủy ban Vật giá Nhà nước chưa công bố giá chính thức hoặc trường hợp hàng về đột xuất mà chưa có giá thì Bộ Ngoại thương quy định giá tạm tính theo nguyên tắc lấy giá vốn nhập khẩu cộng với chênh lệch ngoại thương như những hàng cùng loại. Các đơn vị đặt hàng trả tiền cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu theo giá tạm tính đó. Sau khi Ủy ban Vật giá Nhà nước ấn định giá chính thức, các đơn vị đặt hàng sẽ thanh toán mức chênh lệch giá với Bộ Tài chính (không thanh toán với các Tổng công ty xuất nhập khẩu); các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị đặt hàng dùng giá đó để làm căn cứ thanh toán tiền hàng cho các năm sau.
3. Đối với những mặt hàng không thuần nhất như dụng cụ, phụ tùng, hóa chất thí nghiệm, nguyên liệu, vật liệu linh tinh, Ủy ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Tài chính và Bộ Ngoại thương ấn định tỷ lệ chênh lệch để tính giá gộp cho từng loại hàng mà không tính giá từng mặt hàng cụ thể,...
Chương 4
GIAO, NHẬN HÀNG NHẬP KHẨU
Điều 25. – Việc giao nhận hàng nhập khẩu phải căn cứ vào các văn kiện sau đây:
- Các văn kiện về thương mại, vận tải giữa nước ta với nước ngoài đã ký kết;
- Nghị định số 38-CP ngày 8-3-1962 của Hội đồng Chính phủ;
- Bản điều lệ này;
- Các thể lệ do Bộ Giao thông vận tải và Bộ Ngoại thương quy định để cụ thể hóa các văn kiện cơ bản nói trên.
Điều 26. – Hàng hóa nhập khẩu, về nguyên tắc được Tổng công ty xuất nhập khẩu giao cho đơn vị đặt hàng tại cảng Việt-nam hoặc ra biên giới Việt-nam. Theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng, Tổng công ty xuất nhập khẩu có thể giao hàng tại ga liên vận đường sắt quốc tế do hai bên ấn định trong hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp này, đơn vị đặt hàng phải chịu thêm tiền phí vận chuyển từ ga biên giới đến ga liên vận giao hàng.
Tổng cục đường sắt phải đưa hàng đến ga liên vận do Tổng công ty xuất nhập khẩu chỉ định theo đúng nguyên tắc quy định của Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế. Nếu Tổng cục đường sắt đưa hàng về không đúng ga chỉ định, không đúng kỳ hạn vận chuyển quy định thì Tổng cục đường sắt phải bồi thường mọi thiệt hại, phí tổn do việc đưa hàng không đúng gây nên cho đơn vị đặt hàng.
Hàng nhập khẩu bằng đường biển giao theo số lượng ghi trên vận đơn đường biển, hàng nhập khẩu bằng đường sắt giao theo số lượng ghi trên vận đơn đường sắt liên vận quốc tế (kèm theo biên bản thương vụ nếu có). Những chứng từ này là cơ sở để Tổng công ty xuất nhập khẩu làm lệnh cho ga, cảng giao hàng cho đơn vị đặt hàng và để lập hóa đơn đòi tiền.
Trong trường hợp giao cả toa còn niêm phong nguyên vẹn thì nhà ga phải giao nguyên toa cho đơn vị đặt hàng. Nếu trong quá trình dỡ hàng nguyên toa, người nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt hay thấm ướt thì người nhận hàng phải mời đại diện Tổng công ty xuất nhập khẩu tại ga, cơ quan giám định hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan, ga trưởng đến chứng kiến và lập biên bản; cơ quan giám định lập biên bản giám định; ga trưởng lập biên bản thương vụ theo đúng quy định khoản 15 (điều 12 – 16 SMGS) trong quy tắc chi tiết của Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế ký năm 1967.
Điều 27. – Để thi hành quy định ở điều 4 và 5 của điều lệ này:
a) Các Tổng công ty xuất nhập khẩu có nhiệm vụ:
- Xác nhận với các cơ quan vận tải kế hoạch tiếp nhận hàng nhập khẩu từng năm, từng quý; lịch tầu; cơ cấu mặt hàng; điều kiện kỹ thuật khi bốc dỡ, vận chuyển, giao nhận;
- Cung cấp các tài liệu cần thiết cho việc giao nhận hàng hóa (vận tải đơn, lệnh giao hàng…) nếu tàu biểu không giao những tài liệu đó cho cơ quan vận tải;
- Thanh toán cho cơ quan vận tải các khoản phí tổn về giao nhận, bốc xếp, bảo quản và vận chuyển hàng nhập khẩu.
Trong quá trình giao nhận hàng, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải có đại diện tại chỗ để theo dõi việc giao nhận và giải quyết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, những vấn đề xảy ra trong việc giao nhận.
b) Với chức năng được Nhà nước quy định và với tư cách là người được Tổng công ty xuất nhập khẩu ủy thác, cơ quan vận tải (ga và cảng) có trách nhiệm:
- Nhập hàng hóa trên phương tiện vận tải từ nước ngoài vào ga, vào cảng;
- Giao hàng cho các đơn vị đặt hàng trong nước theo lệnh giao hàng của các Tổng công ty xuất nhập khẩu, làm đầy đủ thủ tục giao nhận;
- Cung cấp cho Tổng công ty xuất nhập khẩu đầy đủ những chứng từ phải lập trong việc giao nhận, bảo đảm quyền lợi cho các tổng công ty xuất nhập khẩu, giúp đỡ đại diện của tổng công ty xuất nhập khẩu tại ga, cảng để theo dõi, nắm tình hình hàng hóa trong quá trình giao nhận.
- Căn cứ vào những nhiệm vụ trên đây, các Tổng công ty xuất nhập khẩu ký những hợp đồng để thực hiện kế hoạch hàng năm, hàng quý với cơ quan vận tải. Trong trường hợp chưa ký được hợp đồng, cơ quan vận tải vẫn phải tiến hành việc giao nhận hàng nhập khẩu theo kế hoạch nói ở điều 22.
Điều 28. – Để chuẩn bị cho việc giao nhận được tốt, các Tổng công ty xuất nhập khẩu phải thông báo tình hình hàng hóa từ nước ngoài về cho các đơn vị đặt hàng và các cơ quan có liên quan:
1. Đối với đơn vị đặt hàng:
a) Hàng về bằng đường biển báo 2 lần:
- Lần thứ nhất, ít nhất 7 ngày trước khi tầu đến cảng Việt-nam (địa điểm hoa tiêu)
- Lần thứ hai, trong vòng 24 giờ sau khi tàu đến cảng Việt-nam (địa điểm hoa tiêu)
Nếu hàng về từ một hải cảng ở gần nước ta (trong khu vực Châu Á) thì chỉ báo một lần sau khi tầu đến cảng Việt-nam (địa điểm hoa tiêu), theo cách thức báo lần thứ hai trên đây.
b) Hàng về bằng đường sắt, báo hai lần:
- Lần thứ nhất, theo kế hoạch hàng về từng tháng;
- Lần thứ hai, sau khi tầu đến ga hoặc được ga trực tiếp báo cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
2. Đối với cảng:
Hàng tháng, các Tổng công ty xuất nhập khẩu cung cấp cho cảng:
- Lịch tầu đến trong tháng;
- Cơ cấu tổng quát hàng trên tầu cũng như những hướng dẫn cần thiết cho việc chuẩn bị giao nhận, nhất là đối với những hàng nguy hiểm (dễ nổ, dễ cháy, dễ gây nhiễm độc, có phóng xạ), hàng có quy cách, phẩm chất đặc biệt, hàng hóa quá cỡ, quá nặng.
Riêng đối với tàu khởi hành từ một cảng ở gần nước ta (trong khu vực Châu Á), Tổng công ty xuất nhập khẩu phải báo cho cảng, khi tàu rời cảng xuất phát (cảng xếp hàng), có kèm theo bảng hướng dẫn đã nêu trên.
3. Đối với đường sắt:
Tổng công ty xuất nhập khẩu phải thông báo cho Tổng cục đường sắt khối lượng hàng hóa nhập khẩu dự kiến chuyên chở cả năm và từng quý bằng đường sắt; hàng tháng hai bên phải xác định khối lượng và loại hàng chở về trong tháng sau.
Điều 29. – Khi nhận được giấy báo của Tổng công ty xuất nhập khẩu, đơn vị đặt hàng cử người đến Tổng công ty xuất nhập khẩu, hay cơ quan đại diện Tổng công ty xuất nhập khẩu tại địa điểm giao hàng (ga, cảng) nhận lệnh giao hàng và nhận hàng tại ga hay cảng.
Người đến nhận hàng phải có giấy ủy nhiệm do thủ trưởng đơn vị đặt hàng hay người được ủy quyền ký. Tên, họ và mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký giấy ủy nhiệm phải được thông báo trước cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Quá hạn giao hàng do cơ quan vận tải quy định mà đơn vị đặt hàng không cử người đến nhận hàng thì Tổng công ty xuất nhập khẩu có trách nhiệm đôn đốc đơn vị đặt hàng đến nhận hàng. Nếu đơn vị đặt hàng không cử người đến nhận hàng thì phải chịu mọi phí tổn lưu kho, lưu bãi, mọi phí di chuyển nếu cơ quan vận tải phải vận chuyển đến địa điểm khác để giải phóng kho, bãi, đồng thời phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro, tổn thất do việc chậm nhận hàng gây nên.
Ngoài những chi phí trên, các đơn vị đặt hàng còn phải chịu phạt về nhận hàng chậm. Mức phạt này do Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải quy định và tiền phạt trích vào lợi nhuận của đơn vị đặt hàng.
Tổng công ty xuất nhập khẩu phải ứng mọi chi phí mà đơn vị đặt hàng phải trả cho ga, cảng. Các đơn vị đặt hàng phải hoàn lại các chi phí đó, kể cả lãi vay ngân hàng cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu. Quá hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hóa đơn đòi tiền của Tổng công ty xuất nhập khẩu, nếu đơn vị đặt hàng không hoàn các khoản chi phí nói trên thì ngân hàng phục vụ bên mua phải tự động trích tài khoản của đơn vị đặt hàng trả cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Cơ quan vận tải phải chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa nhập khẩu về đến ga, cảng kể cả số hàng chưa được giao nhận phải di chuyển đến địa điểm khác.
Nếu đơn vị đặt hàng mang phương tiện vận tải đến nhận hàng mà ga, cảng không giao hàng đúng thời hạn quy định thì ga, cảng phải bồi thường mọi phí tổn cho đơn vị đặt hàng. Thời hạn và thể thức bồi thường cũng áp dụng như trên.
Điều 30. – Việc bốc dỡ hàng nhập khẩu tại ga, cảng, kể cả hàng phải sang mạn, do cơ quan vận tải đảm nhiệm.
Đối với hàng có cơ cấu đặc biệt hoặc thuộc loại nguy hiểm, để giúp đỡ ga, cảng bốc dỡ tốt, các đơn vị đặt hàng cần cử người hướng dẫn ga, cảng bốc dỡ; trường hợp đặc biệt, ga, cảng không có khả năng thì đơn vị đặt hàng mới tự tổ chức lấy việc bốc dỡ.
Việc bốc dỡ tại kho bãi riêng của đơn vị đặt hàng do đơn vị đặt hàng tự làm lấy.
Điều 31. – Việc bốc dỡ hàng nhập khẩu để giao cho đơn vị đặt hàng phải căn cứ theo vận đơn và phải theo lô hàng.
Nếu hàng xếp trên toa xe hoặc tầu biển không theo đúng vận đơn, lô hàng thì khi bốc dỡ, ga, cảng phải chọn lọc và sắp xếp theo đúng lô hàng, vận đơn.
Hàng phải được bốc dỡ đúng quy trình kỹ thuật và định mã. Nếu hàng xếp trên tầu biển không đúng sơ đồ hàng, lô hàng, vận đơn thì trước khi dỡ hàng, cảng phải cùng với tầu lập biên bản hợp lệ.
Trong quá trình bốc dỡ và giao nhận, bên bốc dỡ và bên nhận hàng có nhiệm vụ phát hiện các hiện tượng hàng bị hư hỏng, thừa, thiếu và xếp riêng các hàng đó để cùng các bên hữu quan lập biên bản hợp lệ và các chứng từ khác để làm cơ sở cho việc xác định trách nhiệm của các bên hữu quan và cho việc xử lý mọi vụ tranh chấp.
Điều 32. – Hàng để tại kho, bãi của ga, cảng phải sắp xếp thích hợp với tính chất của hàng theo lô hàng và vận đơn, bảo đảm cho việc nhận hàng hay kiểm tra hàng được dễ dàng.
Điều 33. – a) Đối với hàng giao lẻ, nếu số lượng hoặc trọng lượng được giao không phù hợp với số lượng hoặc trọng lượng ghi trong lệnh giao hàng thì ga, cảng phải lập biên bản thừa, thiếu với người nhận hàng và gửi cho Tổng công ty xuất nhập khẩu một bản sao của biên bản đó. Nếu ga, cảng không lập biên bản giao nhận, thì người nhận hàng phải báo cho đại diện Tổng công ty xuất nhập khẩu tại ga, cảng, cùng với hải quan tại ga, cảng lập biên bản. Biên bản do hải quan lập có giá trị pháp lý và cơ quan vận tải phải bồi thường nếu việc thiếu hụt hàng đó do những thiếu sót trong việc quản lý của cơ quan vận tải gây ra.
Đối với hàng bị tổn thất hay nghi là bị tổn thất thì trước khi nhận hàng đơn vị đặt hàng phải yêu cầu cơ quan giám định hàng xuất nhập khẩu giám định tại địa điểm giao hàng. Chi phí giám định do đơn vị đặt hàng trả; nếu biên bản giám định xác nhận hàng bị hư hỏng thì khi đòi bồi thường, đơn vị đặt hàng được tính thêm chi phí giám định đó vào số tiền đòi Tổng công ty xuất nhập khẩu bồi thường.
b) Đối với những lô hàng lớn, các Tổng công ty xuất nhập khẩu làm lệnh giao nguyên toa, nguyên tầu cho đơn vị đặt hàng và đơn vị đặt hàng nhận hàng với cơ quan vận tải theo đúng thủ tục quy định ở mục a của điều 33 này hoặc ở điều 26 (nếu là toa xe còn niêm phong nguyên vẹn). Bộ Tài chính, Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông vận tải quy định tỷ lệ chênh lệch trọng lượng cho phép đối với từng loại hàng; tỷ lệ chênh lệch này được ghi vào hợp đồng kinh tế và khi đòi tiền hàng, Tổng công ty xuất nhập khẩu căn cứ vào tỷ lệ chênh lệch đó mà tính tiền với đơn vị đặt hàng.
Điều 34. – a) Đối với hàng lẻ, sau khi giao hàng cho đơn vị đặt hàng, cơ quan vận tải phải kết toán với Tổng công ty xuất nhập khẩu số hàng đã giao theo từng lô hàng với từng vận tải đơn. Cơ sở để kết toán là biên bản kết toán giữa cảng với tầu (từng lô hàng, từng vận tải đơn) và lệnh giao hàng, các phiếu xuất kho cho đơn vị đặt hàng có chữ ký của người nhận hàng.
b) Đối với những lô hàng giao nguyên toa và nguyên tầu, sau khi giao hàng xong cho đơn vị đặt hàng, cơ quan vận tải phải kết toán với Tổng công ty xuất nhập khẩu số hàng đã giao trên cơ sở biên bản kết toán với tầu (nếu hàng dỡ từ tầu biển), vận đơn đường sắt (nếu hàng giao bằng đường sắt) và biên bản giao nhận hợp lệ giữa cơ quan vận tải và đơn vị đặt hàng, lệnh giao hàng của Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Điều 35. – Trường hợp ký mã hiệu trên hàng ghi không đúng với ký mã hiệu của đơn vị đặt hàng, Tổng công ty xuất nhập khẩu có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản để đại diện đơn vị đặt hàng nhận hàng. Sau khi nhận về, nếu phát hiện hàng đó không đúng là của đơn vị đặt hàng như Tổng công ty đã xác nhận thì Tổng công ty phải bồi thường cho đơn vị đặt hàng mọi tổn thất và chi phí do sự nhầm lẫn đó gây ra.
Điều 36. – Tổng công ty xuất nhập khẩu chịu mọi phí tổn dỡ hàng và đưa hàng từ phương tiện vận tải nước ngoài về vào kho, bãi của ga, cảng giao nhận. Đơn vị đặt hàng chịu mọi phí tổn bốc xếp hàng từ kho, bãi của ga, cảng giao nhận lên phương tiện vận tải của mình. Trường hợp đơn vị đặt hàng đưa phương tiện vận tải cập bến phương tiện vận tải từ nước ngoài về để nhận hàng thì phí tổn dỡ hàng vẫn do Tổng công ty xuất nhập khẩu chịu.
Điều 37. – Nếu sau khi đưa hàng nguyên đai, nguyên kiện về kho mới phát hiện hàng hóa bên trong bị thiếu hụt, hư hỏng mà không có dấu vết gì tỏ ra bị mất mát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ ga, cảng ra đến kho, hoặc phát hiện quy cách, phẩm chất không phù hợp với hợp đồng hoặc đơn đặt hàng, thì đơn vị đặt hàng phải giữ nguyên trạng hàng hóa, báo ngay cho Tổng công ty xuất nhập khẩu biết để cử người đến xem xét và giám định. Đơn vị đặt hàng phải bảo quản hàng này cho đến khi Tổng công ty xuất nhập khẩu giải quyết xong với các bên có liên quan.
Quá hạn 5 ngày, kể từ ngày gửi công văn, điện báo hỏa tốc (căn cứ dấu bưu điện) nếu Tổng công ty xuất nhập khẩu không trả lời thì đơn vị đặt hàng phải yêu cầu cơ quan giám định hàng nhập khẩu xét nghiệm lập biên bản để đòi bồi thường.
Mọi chi phí về giám định do các đơn vị đặt hàng trả và sẽ được Tổng công ty xuất nhập khẩu bồi hoàn nếu biên bản giám định xác nhận là số lượng, quy cách, phẩm chất hàng không phù hợp với số lượng, quy cách, phẩm chất ghi trong hợp đồng kinh tế. Biên bản giám định là cơ sở pháp lý để đơn vị đặt hàng đòi Tổng công ty xuất nhập khẩu bồi thường.
Điều 38. – Đơn vị đặt hàng phải tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng nhập khẩu bị thiếu hụt hay sai quy cách phẩm chất trong thời gian ngắn nhất: trong vòng 30 ngày đối với hàng thiếu hụt về số lượng, trọng lượng và trong vòng 45 ngày đối với hàng sai quy cách, phẩm chất, kể từ ngày dỡ hàng khỏi phương tiện vận tải từ nước ngoài về, trừ trường hợp có quy định riêng trong hợp đồng kinh tế.
Quá thời hạn đó, Tổng công ty xuất nhập khẩu có quyền từ chối việc khiếu nại của đơn vị đặt hàng.
Điều 39. – Tổng công ty xuất nhập khẩu bồi thường xong phải làm ngay thủ tục đòi những nơi (trong nước và ngoài nước) chịu trách nhiệm về sự mất mát, hư hỏng, giao hàng thiếu, giao hàng sai quy cách bồi thường. Tiền bồi thường phải nộp trả vào số vốn do Bộ Tài chính ứng cho Tổng công ty xuất nhập khẩu nói ở điều 47 dưới đây.
Nếu vì thiếu trách nhiệm mà đuối lý không đòi được thì Tổng công ty xuất nhập khẩu phải trích lợi nhuận của mình trả số vốn đã vay Bộ Tài chính để bồi thường cho đơn vị đặt hàng.
Chương 5
TRẢ TIỀN HÀNG NHẬP KHẨU
Điều 40. – Ngân hàng ngoại thương Việt-nam nhận các bộ chứng từ thanh toán tiền hàng do ngân hàng nước ngoài chuyển đến, sau khi ghi chép, gửi toàn bộ và nguyên vẹn các bộ chứng từ đó cho công ty xuất nhập khẩu trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc (không kể chủ nhật và ngày lễ) kể từ khi nhận được chứng từ của ngân hàng nước ngoài, đồng thời ghi NỢ cho Tổng công ty xuất nhập khẩu và trả tiền cho nước ngoài, nếu là hàng trao đổi mậu dịch với các nước xã hội chủ nghĩa.
Nếu là hàng thuộc tài khoản viện trợ hoặc vay nợ thì Ngân hàng ngoại thương ghi NỢ cho Tổng công ty xuất nhập khẩu, đồng thời báo ngay cho Bộ Tài chính, thủ tục ghi NỢ do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại thương quy định.
Sau khi thu tiền của đơn vị đặt hàng, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải nộp ngay cho ngân sách Nhà nước số tiền phải nộp.
Điều 41. – Nhận được chứng từ thanh toán tiền hàng nhập khẩu do Ngân hàng Ngoại thương chuyển, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải kiểm tra lại nội dung chứng từ. Nếu nội dung chứng từ không phù hợp với hợp đồng giữa Tổng công ty với nước ngoài hoặc thư tín dụng, thì Tổng công ty xuất nhập khẩu phải từ chối trả tiền trong thời hạn quy định của điều kiện chung về giao hàng (với các nước xã hội chủ nghĩa), hoặc thư tín dụng (với các nước tư bản chủ nghĩa).
Điều 42. – Căn cứ vào bộ chứng từ gốc để thanh toán tiền hàng nhập khẩu do Ngân hàng ngoại thương chuyển, Tổng công ty xuất nhập khẩu lập hóa đơn báo trước gửi cho đơn vị đặt hàng để đơn vị chuẩn bị vốn thanh toán tiền hàng và chuẩn bị mọi việc để nhận hàng; giá ghi trong hóa đơn là giá ghi trong hợp đồng kinh tế. Nếu chưa ký hợp đồng mà chứng từ nước ngoài đã gửi về thì lấy giá bán buôn hàng nhập khẩu hay giá tạm tính nói trong điều 24 của bản điều lệ này. Trước khi hàng về, nếu Ủy ban Vật giá Nhà nước ban hành giá chính thức thì hóa đơn thanh toán phải điều chỉnh theo giá chính thức. Trong phạm vi 5 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn báo trước, các đơn vị đặt hàng phải trả lời cho Tổng công ty xuất nhập khẩu. Quá thời hạn trên, nếu đơn vị đặt hàng không trả lời thì coi như chấp nhận và khi hàng về, phải nhận và trả tiền cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Nhận được hóa đơn báo trước, nếu mặt hàng ghi trong hóa đơn phù hợp với đơn đặt hàng, hợp đồng kinh tế hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì đơn vị đặt hàng phải:
- Yêu cầu cơ quan tài chính cấp vốn, nếu vốn thuộc ngân sách Nhà nước;
- Làm thủ tục vay ngân hàng, nếu thuộc vốn vay.
Điều 43. – Việc phân biệt nguồn vốn cấp phát và cho vay quy định như sau:
1. Vốn để trả tiền mua thiết bị toàn bộ, mua hàng hóa dự trữ của Nhà nước, mua hàng hóa cho quốc phòng, cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp được Nhà nước cho phép đặt hàng nhập khẩu thẳng với ngoại thương (không qua các tổ chức cung ứng) hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định nhận hàng nhập khẩu (nếu thuộc ngân sách cấp phát) thì do ngân sách Nhà nước cấp phát.
2. Vốn để trả cho hàng hóa vật tư thuộc nhu cầu sản xuất và lưu thông, (không phân biệt là để dự trữ hoặc đưa vào luân chuyển của các đơn vị kinh doanh nói ở điều 12) được giải quyết bằng vốn lưu động tự có, hoặc được ngân hàng phục vụ đơn vị (ngân hàng Nhà nước hoặc ngân hàng kiến thiết) cho vay. Đối với vật tư kỹ thuật, hàng hóa đưa vào dự trữ đặc biệt, ngân sách Nhà nước chuyển vốn cho ngân hàng để cho các đơn vị kinh doanh vay dự trữ.
3. Đối với những vật tư kỹ thuật, hàng hóa nhập khẩu chưa phân biệt được ngay là thuộc vốn vay ngân hàng hay vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước thì ngân hàng Nhà nước tạm thời cho vay có thời hạn (một tháng) toàn bộ giá trị vật tư, hàng hóa đó để đơn vị đặt hàng kịp thời trả tiền cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Trong thời hạn đó, đơn vị đặt hàng phải phân biệt được nguồn vốn để thanh toán. Phần thuộc ngân sách Nhà nước cấp phát thì do Bộ Tài chính cấp vốn, phần thuộc tín dụng thì do ngân hàng (ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng kiến thiết cho vay).
Để bảo đảm điều kiện thanh toán những vật tư, hàng hóa nhập khẩu tạm thời chưa phân biệt được nguồn vốn thanh toán, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước căn cứ kế hoạch nhập khẩu hàng năm, có chia ra quý, tính toán nguồn vốn ngân sách Nhà nước bổ sung cho Ngân hàng Nhà nước để cho vay.
Điều 44. – Nếu chứng từ thanh toán tiền hàng nhập khẩu của nước ngoài gửi tới trước khi hàng về thì khi lô hàng đầu tiên bắt đầu được dỡ từ trên tầu biển xuống, hoặc khi toa xe chở hàng đã vào sân ga giao nhận, các đơn vị đặt hàng phải trả tiền cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu theo hóa đơn đòi tiền lập trên cơ sở chứng từ gốc nước ngoài, kèm theo lệnh giao hàng, giấy nhờ thu và các giấy tờ khác ghi trong hợp đồng đã gửi trước.
Quá hạn 5 ngày kể từ ngày lô hàng đầu tiên của tầu biển được dỡ hoặc toa xe đã vào sân ga giao nhận ghi trong lệnh giao hàng mà đơn vị đặt hàng không trả lời, hoặc không trả tiền như trường hợp nói trong điều 46, thì:
1. Ngân hàng phục vụ bên mua phải tự động trích tài khoản của đơn vị đặt hàng trả cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Đối với thiết bị toàn bộ do vốn ngân sách Nhà nước cấp thì ngân hàng Nhà nước báo cho ngân hàng kiến thiết và ngân hàng kiến thiết phải trích tài khoản của đơn vị đặt hàng trả cho Tổng công ty xuất nhập khẩu. Nếu đơn vị đặt hàng chưa được ngân sách cấp vốn, thì ngân hàng kiến thiết cho đơn vị đặt hàng vay bắt buộc để trả cho Tổng công ty xuất nhập khẩu, đồng thời báo ngay cho Bộ Tài chính để chuyển vốn trả cho ngân hàng kiến thiết.
Đối với những vật tư, hàng hóa thuộc tín dụng giải quyết thì ngân hàng cho vay bắt buộc; mỗi lần cho vay bắt buộc ngoài khoản lãi cho vay, ngân hàng còn phạt đơn đặt hàng 0,50% trên số tiền ghi trên giấy đòi nợ của Tổng công ty xuất nhập khẩu (khoản tiền phạt này ngân hàng phải nộp vào ngân sách Nhà nước). Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất thích hợp trong biểu lãi suất của Nhà nước đã quy định.
2. Ngân hàng Nhà nước tự động trích tài khoản của Bộ Tài chính mở tại ngân hàng để trả tiền cho Tổng công ty xuất nhập khẩu về những việc dưới đây:
- Hàng nhập khẩu thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp được Nhà nước cho phép đặt thẳng với ngoại thương,
- Hàng nhập khẩu thuộc dự trữ của Nhà nước,
- Hàng nhập khẩu thuộc cơ quan được Chính phủ chỉ định nhận hàng mà vốn do ngân sách Nhà nước cấp.
3. Ngân hàng áp dụng kỷ luật phạt chậm trả theo tỷ lệ 0,025% một ngày trên số tiền chậm trả đối với tất cả các đơn vị đặt hàng chậm trả.
Riêng đối với hàng nhập khẩu thuộc viện trợ vay nợ, nếu đưa vào dự trữ Nhà nước hoặc cấp cho quốc phòng sẽ do ngân sách Nhà nước ghi thu, ghi chi. Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản của Bộ Tài chính mở tại ngân hàng để trả phí ngoại thương cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu và báo NỢ cho Bộ Tài chính.
Điều 45. – Nếu hàng về mà chưa có chứng từ thanh toán tiền hàng của nước ngoài, thì Tổng công ty xuất nhập khẩu gửi giấy báo giao hàng cho đơn vị đặt hàng để đơn vị này cử người đến gặp đại diện Tổng công ty xuất nhập khẩu tại địa điểm giao hàng (ga, cảng) nhận lệnh giao hàng và đến ga, cảng nhận hàng. Căn cứ giấy tờ gửi theo hàng của nước ngoài, Tổng công ty xuất nhập khẩu lập hóa đơn đòi tiền và ngân hàng cũng áp dụng thể thức thanh toán tiền hàng nói ở điều 44 của bản điều lệ này.
Điều 46. - Đơn vị đặt hàng chỉ được từ chối trả tiền những hàng không có trong đơn đặt hàng hay hợp đồng kinh tế, trừ những mặt hàng do Chính phủ quyết định phải nhận đã nói ở điều 21 của điều lệ này.
Nếu các Tổng công ty xuất nhập khẩu chứng minh hoặc cơ quan trọng tài kết luận là đơn vị đặt hàng từ chối trả tiền không có lý do chính đáng, thì ngoài việc phải trả tiền hàng cho Tổng công ty xuất nhập khẩu, đơn vị đặt hàng còn chịu phạt 5% trên số tiền từ chối; khoản tiền phạt này do ngân hàng Nhà nước thu và nộp và ngân sách Nhà nước.
Điều 47. – Đơn vị đặt hàng phải gửi vào chứng từ về hàng hóa thiếu hụt hoặc kém phẩm chất cho Tổng công ty xuất nhập khẩu kèm theo hóa đơn đòi lại tiền mua hàng và đòi bồi thường thiệt hại qua ngân hàng.
Trong hạn 2 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn đòi tiền mua hàng và đòi bồi thường do ngân hàng chuyển, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải tiến hành chấp nhận và hoàn lại số tiền hàng thiếu hoặc hỏng cho đơn vị đặt hàng, kể cả lãi vay ngân hàng và các phí tổn khác phải bồi thường nếu có.
Quá hạn 5 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn đòi tiền, nếu Tổng công ty xuất nhập khẩu không trả lời, thì ngân hàng tự động trích tài khoản của Tổng công ty xuất nhập khẩu cho đơn vị đặt hàng.
Nếu Tổng công ty xuất nhập khẩu có đủ tài liệu chứng minh hoặc nếu cơ quan trọng tài kết luận là việc khiếu nại của đơn vị đặt hàng không có lý do chính đáng thì đơn vị đặt hàng phải trả lại cho Tổng công ty xuất nhập khẩu số tiền đã được bồi thường kể cả lãi vay ngân hàng.
Để Tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn bồi hoàn kịp thời cho đơn vị đặt hàng về hàng hóa nhập khẩu bị thiếu hụt, sai quy cách, phẩm chất, Bộ Tài chính ứng cho Tổng công ty xuất nhập khẩu một số vốn gửi tại ngân hàng. Số vốn này không được dùng vào bất kỳ mục đích gì khác ngoài mục đích thanh toán nói trên. Định kỳ từng quý, Tổng công ty xuất nhập khẩu phải thanh toán với Bộ Tài chính số vốn đã ứng.
Điều 48. – Sau khi bồi thường cho các đơn vị đặt hàng, nếu Tổng công ty xuất nhập khẩu có đủ tài liệu chứng minh là hàng hóa thiếu hụt, hư hỏng do cơ quan vận tải gây nên thì Tổng công ty xuất nhập khẩu có quyền đòi cơ quan vận tải bồi thường.
Quá hạn 5 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn đòi tiền kèm theo các giấy tờ chứng minh của Tổng công ty xuất nhập khẩu, nếu cơ quan vận tải không trả lời thì ngân hàng tự động trích tài khoản của cơ quan vận tải trả cho Tổng công ty xuất nhập khẩu.
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 49. - Điều lệ này cần được phổ biến rộng rãi cho cán bộ các ngành hữu quan và các đơn vị nhập hàng để nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh.
Điều 50. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, căn cứ những điều quy định trong điều lệ này, ban hành những thông tư liên bộ hoặc chỉ thị riêng đối với những điểm cần thiết để hướng dẫn cán bộ nhân viên ngành mình.