Nghị định 214-CP

Nghị định 214-CP năm 1980 Điều lệ kiểm dịch thực vật do Hội đồng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Nghị định 214-CP Điều lệ kiểm dịch thực vật


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 1980

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 214 - CP NGÀY 14 - 7 – 1980 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 - 7 - 1960.
Căn cứ vào yêu cầu bảo vệ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phục vụ lưu thông trong nước và quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật với nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành Điều lệ kiểm dịch thực vật kèm theo nghị định này.

Điều 2. - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều lệ này.

Điều 3. - Điều lệ kiểm dịch thực vật được thi hành kể từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

KIỂM DỊCH THỰC VẬT
(Ban hành kèm theo nghị định số 214 - CP ngày 14 - 7 – 1980 của Hội đồng Chính phủ).

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Mục đích của công tác kiểm dịch thực vật là nhằm ngăn chặn những loài sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm lây lan giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài, bảo vệ tốt thực vật và sản phẩm thực vật phục vụ lưu thông trong nước và phục vụ quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa nước ta với các nước khác.

Điều 2. - Đối tượng của công tác kiểm dịch thực vật bao gồm:

1. Những loài sâu, bệnh, cỏ dại ghi trong danh sách sâu, bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp công bố. Đó là những loại sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm có khả năng từ nước ngoài lây lan vào Việt Nam , hoặc từ vùng này lây lan sang vùng khác trong nước.

2. Những sâu, bệnh, cỏ dại được coi là đối tượng kiểm dịch ghi trong hợp đồng hoặc hiệp định giao nhận hàng hoá ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước khác.

Điều 3 - Vật phẩm, phương tiện, công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

1. Cây, bộ phận của cây và sản phẩm chế biến từ các bộ phận đó (trừ những sản phẩm đã qua chế biến mà không còn khả năng truyền sâu, bệnh, cỏ dại);

2. Những công cụ chế biến, phương tiện vận chuyển, bao bì, đồ lót những vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật;

3. Sâu, mầm mống bệnh và cỏ dại còn sống hoặc chết, đất mẫu và đất mang theo các vật phẩm;

4. Những vật phẩm khác không có nguồn gốc thực vật nhưng có khả năng truyền sâu bệnh, cỏ dại cho cây trồng và sản phẩm cây trồng.

Những vật phẩm, phương tiện, công cụ nói trên đều phải qua kiểm dịch khi nhập khẩu vào Việt Nam , khi vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam , khi vận chuyển ra khỏi một vùng có dịch ở Việt Nam và khi xuất khẩu sang các nước có ký hợp đồng hoặc hiện định với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mặt kiểm dịch thực vật.

Điều 4 - Nội dung kiểm dịch thực vật bao gồm các biện pháp phòng ngừa,

phát hiện, ngăn chặn, diệt trừ sâu, bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch, và khi cần phải tiêu huỷ những vật phẩm nhiễm dịch.

Điều 5 - Các tổ chức và tư nhân trong nước và nước ngoài có những vật phẩm, phương tiện, công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật nói ở điều 3, đều phải tuỳ trường hợp thực hiện một hoặc nhiều biện pháp kiểm dịch thực vật nói ở điều 4 đối với vật phẩm, phương tiện, công cụ của mình.

Chương 2:

TỔ CHỨC CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Mục I. KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CỬA KHẨU

Điều 6 - Tại các ga xe lửa, cửa khẩu đường bộ biên giới, cửa biển, bến cảng, sân bay, bưu điện ngoại dịch, v.v... (gọi tắt là cửa khẩu) có các trạm kiểm dịch thực vật.

Các trạm kiểm dịch thực vật chỉ định địa điểm cụ thể để kiểm tra, lấy mẫu và làm các thủ tục kiểm dịch thực vật (gọi là địa điểm kiểm dịch) đối với các lô vật phẩm xuất, nhập khẩu tại các nơi nói trên theo nguyên tắc vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kiểm dịch vừa thuận tiện cho cơ quan kiểm dịch và chủ vật phẩm.

Điều 7 - Chủ các vật phẩm nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp trước khi lô vật phẩm đến cửa khẩu ít nhất 10 ngày để Bộ Nông nghiệp cấp phiếu đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu, phiếu này cấp cho một hoặc nhiều lô vật phẩm trong một thời hạn nhất định.

Điều 8 - Trước khi làm thủ tục kiểm dịch thực vật, chủ vật phẩm kiểm dịch phải nộp tại trạm kiểm dịch thực vật gần nhất giấy khai báo kiểm dịch thực vật theo mẫu do Bộ Nông nghiệp quy định và những giấy tờ có liên quan đến việc kiểm dịch lô vật phẩm đó. Chủ các vật phẩm kiểm dịch thực vật có trách nhiệm cộng tác và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan kiểm dịch thực vật làm việc.

Điều 9 - Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được giấy khai báo kiểm dịch thực vật, cơ quan kiểm dịch thực vật phải tiến hành việc lấy mẫu và kiểm tra các mẫu vật phẩm.

Sau khi kiểm tra các mẫu vật phẩm, nếu lô vật phẩm không bị nhiễm dịch, cơ quan kiểm dịch thực vật phải cấp ngay giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho chủ vật phẩm; nếu lô vật phẩm bị nhiễm dịch thì cơ quan kiểm dịch phải công bố ngay các biện pháp xử lý.

Trong trường hợp có những vấn đề phức tạp mà biện pháp xử lý phải được cấp trên quyết định thì thời hạn công bố các biện pháp xử lý được phép kéo dài 24 giờ từ sau khi làm xong việc kiểm dịch.

Trong những trường hợp đặc biệt do có khó khăn khách quan không thể làm xong các thủ tục kiểm dịch trong vòng 24 giờ hoặc không thể công bố các biện pháp xử lý các trường hợp phức tạp trong thời hạn đã định thì cơ quan kiểm dịch phải báo ngay cho chủ vật phẩm kiểm dịch biết và phải hẹn rõ thời gian nào làm xong.

Điều 10 - Trong khi vận chuyển từ các cửa khẩu vào nội địa Việt Nam , chủ vật phẩm phải theo các quy định sau đây:

1. Chuẩn bị sẵn sàng giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật cấp cho từng lô vật phẩm để xuất trình khi cần thiết;

2. Đóng gói kín, không để rơi vãi dọc đường;

3. Đi đúng tuyến đường, bốc dỡ đúng địa điểm đã khai báo và phải tránh các tuyến đường và các địa điểm do cơ quan kiểm dịch thực vật quy định. Trường hợp cần phải phân tán, chuyển tải khác với phương án đã khai báo thì chủ vật phẩm phải báo ngay cho cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc bảo vệ thực vật gần nhất để được cơ quan đó chấp thuận mới được thực hiện.

Điều 11 - Những vật phẩm sau đây được Bộ Nông nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định miễn hoặc châm chước thủ tục kiểm dịch thực vật cửa khẩu.

1. Hành lý xách tay và lương thực, thực phẩm mang theo ăn dọc đường của hành khách;

2. Sản phẩm thực vật đã chế biến còn nguyên nhãn hiệu bao bì đóng gói gửi theo phương tiện vận tải và bưu phẩm, bưu kiện hoặc hàng hoá đã có dấu hiệu kiểm dịch thực vật của nước gửi.

Điều 12 - Khi có tàu, thuyền chở vật phẩm thuộc diện kiểm dịch gặp tai nạn dạt vào bờ biển Việt Nam hoặc có vật phẩm do tàu thuyền, máy bay vứt bỏ, thả xuống biển trôi dạt vào lãnh thổ Việt Nam, thì chủ tàu thuyền hoặc người phát hiện đầu tiên phải báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan kiểm dịch thực vật gần nhất để tiến hành các thủ tục kiểm dịch trước khi xử lý.

Mục II. KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CÁC VÙNG TRONG NƯỚC

Điều 13 - Ở các đơn vị sản xuất, chế biến, thí nghiệm, bảo quản các vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật, thủ trưởng đơn vị (hoặc chủ nhiệm hợp tác xã nếu là đơn vị kinh tế tập thể) chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình sâu, bệnh, cỏ dại trong phạm vi cơ sở của mình.

Khi nghi ngờ hoặc phát hiện có sâu, bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật, thủ trưởng đơn vị phải thi hành các biện pháp bao vây, diệt trừ và chậm nhất là 12 giờ sau phải báo ngay cho Uỷ ban nhân dân địa phương và cho cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc bảo vệ thực vật gần nhất.

Điều 14 - Thể thức công bố có dịch và hết dịch thực vật.

1. Khi dịch sâu, bệnh, cỏ dại nêu ở khoản 1, điều 2 trên đây xuất hiện ở vùng nào thì vùng đó coi là vùng có dịch thực vật và cơ quan kiểm dịch thực vật phải báo cáo ngay với Uỷ ban nhân dân cấp mình để có biện pháp bao vây tiêu diệt dịch.

2. Nhận được báo cáo, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, tỉnh, thành phố hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phải xác minh và nếu có dịch phải thi hành các biện pháp sau đây:

a. Ra Công bố có dịch thực vật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo có dịch; Công bố có dịch thực vật phải được truyền đạt ngay đến các cơ quan, tập thể, cá nhân có trách nhiệm bao vây tiêu diệt dịch.

b. Niêm yết Công bố có dịch thực vật dọc các đường giao thông ra vào vùng có dịch và ở các địa điểm công cộng trong vùng có dịch; trong công bố cần quy định các biện pháp phải áp dụng khi vận chuyển những vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật ra khỏi vùng có dịch.

c. Tổ chức ngay các trạm kiểm dịch thực vật tạm thời tại các địa đầu ra vào vùng có dịch; niêm yết thủ tục, thời gian, địa điểm kiểm dịch tại các nơi đó.

3. Khi hết dịch thì phải ra công bố hết dịch.

Điều 15 - Khi có dịch ở các cảng, bến tàu, bến xe, nhà ga, thì phải đình chỉ việc vận chuyển các vật phẩm nhiễm dịch; các cơ quan có vật phẩm nhiễm dịch và cơ quan vận chuyển, bốc dỡ các vật phẩm đó phải tuân theo những quy định của cơ quan kiểm dịch thực vật nhằm ngăn ngừa dịch lan tràn ra các nơi khác. Nếu xét thấy việc đình chỉ vận chuyển vật phẩm nhiễm dịch sẽ gây trở ngại lớn cho các hoạt động giao thông, vận tải, bốc dỡ, lưu thông phân phối thì cơ quan kiểm dịch có trách nhiệm báo cáo ngay với các Bộ Nông nghiệp, Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan để các Bộ nói trên có quyết định xử lý. Trong trường hợp xin ý kiến các Bộ không thể kịp thời giải quyết được thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyết định việc đình chỉ vận chuyển các vật phẩm nhiễm dịch nói trên, đồng thời báo cáo ngay với Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan biết.

Điều 16 - Thủ tục kiểm dịch thực vật tại các vùng trong nước.

1. Các vật phẩm, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chế biến, bao bì, đồ lót những vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật đã công bố, khi chuyển ra ngoài vùng có dịch phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật cấp.

2. Để được kiểm dịch, chủ vật phẩm phải nộp tại trạm kiểm dịch thực vật gần nhất giấy khai báo kiểm dịch thực vật theo mẫu do Bộ Nông nghiệp quy định.

3. Ngay sau khi nhận được giấy khai báo, trạm kiểm dịch thực vật phải trả lời rõ việc kiểm dịch được tiến hành ở đâu, vào lúc nào và những gì chủ vật phẩm phải chuẩn bị để kiểm dịch. Cán bộ kiểm dịch thực vật phải có đủ phương tiện, dụng cụ chuyên dùng và tiến hành kiểm dịch khẩn trương. Chủ vật phẩm phải tạo điều kiện để việc kiểm dịch được nhanh chóng và chính xác.

4. Nếu vật phẩm không bị nhiễm dịch thì trạm kiểm dịch thực vật phải cấp ngay giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho chủ vật phẩm; nếu vật phẩm bị nhiễm dịch thì trạm phải đề ra biện pháp trừ diệt dịch hoặc lập hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý lô vật phẩm đó. Chủ vật phẩm phải thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra các vùng khác.

Mục III. PHÍ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 17 - Chủ vật phẩm phải nộp cho cơ quan kiểm dịch thực vật các chi phí về việc lấy mẫu, phân tích, giám định (gọi chung là phí kiểm dịch thực vật) đối với lô vật phẩm của mình. Trong trường hợp vật phẩm bị nhiễm dịch cần được xử lý mà chủ vật phẩm vì lý do đặc biệt nào đó không thể tiến hành xử lý được, thì cơ quan kiểm dịch phải tiến hành việc đó và chủ vật phẩm phải trả toàn bộ chi phí cho việc xử lý lô vật phẩm của mình. Các khoản tiền này được thu bằng tiền trong nước (nếu chủ vật phẩm là người Việt Nam hoặc cơ quan của Việt Nam), hoặc bằng một thứ tiền nước ngoài do cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam quy định (Nếu chủ vật phẩm là người nước ngoài).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp quy định các khoản lệ phí nói trên sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chương 3:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 18 - Nhiệm vụ của cán bộ kiểm dịch thực vật:

1. Lấy mẫu, phân tích, giám định, kết luận nhanh chóng và chính xác tình trạng nhiễm dịch của vật phẩm. Theo những quy định về phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp, đề ra các biện pháp kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc lập hồ sơ về các lô vật phẩm gửi lên các cấp có thẩm quyền xử lý.

2. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch thực vật, phát hiện và ngăn ngừa các vụ vi phạm chế độ kiểm dịch thực vật.

3. Chỉ dẫn cho chủ vật phẩm những biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan.

4. Chịu trách nhiệm với cấp trên về thực hiện các mục tiêu nói trong điều 1.

Điều 19 - Quyền hạn của cán bộ kiểm dịch thực vật:

1. Được vào những nơi có vật phẩm, phương tiện, công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật để làm làm nhiệm vụ. Riêng đối với những nơi cơ mật thuộc về an ninh và quốc phòng thì phải được cấp có thẩm quyền quản lý các cơ sở đó tạo điều kiện và hướng dẫn cách làm nhiệm vụ để bảo đảm được cả hai yêu cầu bảo mật và kiểm dịch.

2. Có quyền yêu cầu chủ vật phẩm cung cấp các loại giấy tờ, phương tiện, nhân lực cần thiết cho việc kiểm dịch (trừ những phương tiện, dụng cụ chuyên dùng cho công tác kiểm dịch thực vật).

3. Được ra lệnh cho người điều khiển phương tiện vận tải đang chở vật phẩm trên đường thuỷ, đường bộ dừng lại để kiểm soát giấy tờ liên quan đến việc kiểm dịch thực vật. Đối với những trường hợp chuyên chở vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật mà chủ vật phẩm và chủ phương tiện vận tải không làm đủ thủ tục kiểm dịch thực vật, cán bộ kiểm dịch thực vật có quyền ra lệnh tạm đình chỉ vận chuyển để xử lý vụ vi phạm thể lệ kiểm dịch thực vật, hoặc xử lý lô vật phẩm, nếu bị nhiễm dịch; mặt khác, phải báo cáo ngay bằng phương tiện thông tin liên lạc nhanh nhất sẵn có tại chỗ lúc đó cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp trên trực tiếp hoặc Bộ Nông nghiệp biết để giải quyết theo thể thức nói ở diều 15 trên đây.

4. Được đeo phù hiệu, mặc đồng phục, mang thẻ kiểm dịch thực vật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp quy định mẫu phù hiệu đồng phục, thẻ kiểm dịch thực vật và chế độ sử dụng các thứ đó.

Chương 4:

THƯỞNG , PHẠT

Điều 20 - Những tổ chức hoặc cá nhân có công trong việc ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ các vụ vi phạm chế độ kiểm dịch thực vật đều được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 21 - Những tổ chức hoặc cá nhân vi phạm điều lệ này, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, bị xử phạt như sau:

1. Do sơ suất, không nắm vững thủ tục kiểm dịch thực vật mà vi phạm, gây tác hại nhỏ thì bị cảnh cáo; nếu gây tác hại lớn thì tuỳ theo mức độ gây tác hại có thể bị phạt từ 10 đồng đến 1000 đồng.

2. Do cố tình lẩn trốn việc kiểm dịch hoặc gian lậu trong việc khai báo kiểm dịch gây tác hại thì tuỳ theo mức độ gây tác hại có thể bị phạt từ 20 đồng đến 5000 đồng.

Trường hợp vi phạm nặng chế độ kiểm dịch thực vật mà gây tác hại lớn thì bị truy tố trước toà án và xử theo pháp luật.

3. Trong trường hợp các vụ vi phạm điều lệ kiểm dịch thực vật gây ra thiệt hại vật chất, ngoài việc bị xử phạt theo quy định trên đây, người vi phạm phải bồi thường đầy đủ số thiệt hại đã bây ra, nếu là các tổ chức kinh doanh phải nộp phạt thì số tiền phạt phải tính từ phần lợi nhuận được trích vào quỹ xí nghiệp, không được tính vào giá thành sản xuất.

Trong việc sử phạt, cần phân biệt rõ trách nhiệm tập thể cơ quan, đơn vị hợp tác xã hoặc trách nhiệm cá nhân người vi phạm.

Điều 22 - 1. Cán bộ kiểm dịch thực vật có quyền cảnh cáo, phạt tiền tới 50 đồng, tạm đình chỉ việc vận chuyển vật phẩm, lập hồ sơ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý, như đã nói ở điều 19.

2. Trạm trưởng, phó trạm trưởng, ngoài quyền nói trên còn có quyền phạt tiền tới 300 đồng; chuyển dùng vào việc khác hoặc quyết định tiêu huỷ số vật phẩm nhiễm dịch có giá trị từ 3000 đồng trở xuống; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp xử lý người vi phạm.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và tương đương có quyền phạt tiền tới 3000 đồng và quyết định chuyển dùng vào việc khác hoặc tiêu huỷ số vật phẩm nhiễm dịch có giá trị từ 3000 đồng trở xuống;

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền phạt tiền tới 5000 đồng và ra lệnh chuyển dùng vào việc khác hoặc huỷ bỏ vật phẩm nhiễm dịch có giá trị tới 15 000 đồng.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp có quyền ra lệnh chuyển dùng vào việc khác hoặc huỷ bỏ vật phẩm nhiễm dịch với giá trị trên 15000 đồng. Trong trường hợp số vật phẩm này quá lớn hoặc có liên quan đến kế hoạch của các ngành khác thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Điều 23 - Những cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm dịch thực vật nếu vì vô trách nhiệm, để gây ra thiệt hại hoặc có thái độ cửa quyền trong khi làm nhiệm vụ sẽ bị thi hành kỷ luật; nếu thông đồng với những người trốn tránh gian lậu trong việc kiểm dịch sẽ bị truy tố trước toà án và phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp quy định chi tiết chế độ thưởng phạt.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. - Điều lệ này có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả các chủ vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật, bao gồm các chủ là tổ chức hoặc cá nhân ở trong nước và nước ngoài.

Điều 25 - Các cơ quan hải quan, bưu điện và các đơn vị công an, bộ đội biên phòng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật khi cần kiểm tra, ngăn chặn, đuổi bắt các vụ vi phạm chế độ kiểm dịch thực vật.

Điều 26. - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện điều lệ kiểm dịch thực vật nhằm đạt được các mục tiêu nói trong điều 1, tổ chức cơ quan kiểm dịch thực vật trung ương trực thuộc Bộ, quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ kiểm dịch thực vật đối với mạng lưới kiểm dịch thực vật từ trung ương đến cơ sở; quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều lệ này.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 214-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu214-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành14/07/1980
Ngày hiệu lực14/07/1980
Ngày công báo31/07/1980
Số công báoSố 12
Lĩnh vựcThể thao - Y tế, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 214-CP Điều lệ kiểm dịch thực vật


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 214-CP Điều lệ kiểm dịch thực vật
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu214-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người kýTố Hữu
                Ngày ban hành14/07/1980
                Ngày hiệu lực14/07/1980
                Ngày công báo31/07/1980
                Số công báoSố 12
                Lĩnh vựcThể thao - Y tế, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Nghị định 214-CP Điều lệ kiểm dịch thực vật

                    Lịch sử hiệu lực Nghị định 214-CP Điều lệ kiểm dịch thực vật

                    • 14/07/1980

                      Văn bản được ban hành

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 31/07/1980

                      Văn bản được đăng công báo

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 14/07/1980

                      Văn bản có hiệu lực

                      Trạng thái: Có hiệu lực