Nghị định 220-CP

Nghị định 220-CP năm 1961 thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

Nội dung toàn văn Nghị định 220-CP thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 220-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1961 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 09 năm 1961;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 30 tháng 11 năm 1961;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Để thực hiện nghĩa vụ phòng cháy và chữa cháy, mỗi công dân phải tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trong việc sử dụng lửa, điện, hóa chất, chất dễ cháy, triệt để tuân theo các quy định về phòng cháy, học tập cách thức phòng cháy và chữa cháy. Người có sức khỏe phải tham gia các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ và tập dượt thành thạo để khi có cháy có thể dập tắt nhanh chóng. Mỗi bộ, tùy theo sự phân công của đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ ở địa phương, phải chuẩn bị sẵn sàng và giữ gìn tốt dụng cụ, phương tiện chữa cháy để khi cần có thể chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.

Khi xảy ra cháy, những người ở gần nơi cháy phải làm mọi cách để dập tắt lửa. Khi nhận được lệnh huy động lực lượng, phương tiện, hoặc lệnh dỡ nhà, dời đồ vật để đề phòng lửa cháy lan, mọi người phải chấp hành tức khắc.

Điều 2. – Trong các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, công nhân, nông trường, lâm trường, việc phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và trước hết là trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị ấy.

Thủ trưởng đơn vị phải tổ chức và chỉ đạo công tác phòng cháy và chữa cháy với sự cộng tác chặt chẽ của các đoàn thể quần chúng trong đơn vị mình; phải làm đầy đủ mọi việc sau đây:

- Dựa vào các quy định về phòng cháy và chữa cháy của Nhà nước và của chính quyền địa phương, đề ra nội quy, biện pháp phòng cháy và chữa cháy cho đơn vị mình;

- Giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức thực hiện các nội quy, biện pháp ấy;

- Tổ chức đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ; ở những xí nghiệp, kho tàng, mỏ, lâm trường quan trọng thì tổ chức đội chữa cháy chuyên nghiệp; trang bị phương tiện, dụng cụ, sắp xếp thì giờ tập dượ cho các đội này;

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy, việc bảo quản phương tiện, dụng cụ chữa cháy trong đơn vị;

- Có kế hoạch và phân công rõ ràng để khi xảy ra cháy ở trong đơn vị, có thể huy động mọi người trong đơn vị dập tắt lửa, đồng thời báo ngay đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp hoặc đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ ở gần đến giúp sức.

Cán bộ, công nhân, viên chức phải triệt để chấp hành nội quy về phòng cháy và chữa cháy; những người có sức khỏe phải tham gia đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ của đơn vị mình và tập dượt thành thạo công tác chữa cháy; khi xảy ra cháy, tùy theo sự phân công, phải tích cực chữa cháy, bảo vệ tài liệu của cơ quan, xí nghiệp, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Quân đội nhân dân, công an nhân dân vũ trang, ngoài nghĩa vụ phòng cháy và chữa cháy trong đơn vị mình, phải tích cực chữa cháy giúp nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.

Điều 3. – Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

- Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và công tác của các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất  nghĩa vụ; nghiên cứu ban hành các điều lệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định khác về phòng cháy và chữa cháy.

- Quản lý chung công tác phòng cháy và chữa cháy. Đối với việc phòng cháy và chữa cháy trong các hầm mỏ, trên xe lửa, tàu thủy, ôtô và việc phòng cháy và chữa cháy rừng, Bộ Nội vụ cùng các Bộ Công nghiệp nặng, Giao thông vận tải, Tổng cục Lâm nghiệp nghiên cứu xây dựng chế độ và tổ chức phòng cháy và chữa cháy thích hợp với đặc điểm của mỗi nơi. Đối với các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cộng tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng chế độ và tổ chức phòng cháy và chữa cháy.

- Theo dõi tình hình phòng cháy và chữa cháy của các địa phương và các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, kịp thời đề ra những biện pháp thích hợp về công tác phòng cháy và chữa cháy.

- Nghiên cứu và chỉ đạo việc xây dựng hệ thống tổ chức phòng cháy và chữa cháy từ trung ương đến địa phương; đào tạo cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và chữa cháy; nghiên cứu việc tổ chức các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp làm việc luân phiên theo hai kíp để sẵn sàng chữa cháy và bảo đảm sức khỏe của chiến sĩ; nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ xét chế độ phục vụ, phù hiệu, cấp hiệu, trang bị của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp cho thích hợp với tính chất sẵn sàng chiến đấu của lực lượng ấy.

- Hướng dẫn và kiểm tra việc sản xuất và mua sắm các máy móc, phương tiện, dụng cụ và hóa chất chữa cháy về mặt chất lượng, số lượng và mẫu mực.

Điều 4. – Ủy ban hành chính khu, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

- Căn cứ vào các quy định về phòng cháy và chữa cháy của Nhà nước, đề ra các thể lệ, biện pháp phòng cháy và chữa cháy thích hợp cho địa phương mình.

- Tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy trong nhân dân và trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước ở địa phương: hướng dẫn các Ủy ban hành chính cấp dưới tiến hành công tác phòng cháy và chữa cháy; đặt kế hoạch giáo dục nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức thi hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy; quy định trách nhiệm cho nhân dân chuẩn bị dụng cụ và phương tiện chữa cháy; duyệt dự trù mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho các cơ quan, xí nghiệp ở địa phương; có kế hoạch sửa chữa, xây dựng các trụ nước, bến lấy nước chữa cháy, hệ thống điện thoại báo cháy ở các nơi công cộng, các đài quan sát ở những cao điểm tại các thành phố, thị xã lớn.

- Tổ chức việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng cháy và chữa cháy ngoài nhân dân và trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước ở địa phương, kể cả các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc trung ương.

- Thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp của khu, thành phố, tỉnh; cung cấp kinh phí, phương tiện cho các đội này.

Điều 5. –  Ủy ban hành chính huyện, châu, thị xã, thị trấn, khu phố, xã có trách nhiệm đặt kế hoạch phòng cháy và chữa cháy cho địa phương mình; tiến hành vận động nhân dân chấp hành các thể lệ, biện pháp phòng cháy và chữa cháy, xây dựng nhà ở, nhà bếp đúng quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy; xây dựng, củng cố, chỉ đạo các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ, kiểm tra, đôn đốc việc phòng cháy và chữa cháy trong nhân dân và trong các cơ quan, xí nghiệp của địa phương.

- Đồn công an, công an huyện, công an châu, công an xã có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính huyện, châu, thị xã, thị trấn, khu phố, xã tiến hành công tác phòng cháy và chữa cháy dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp. Ở các hợp tác xã nông nghiệp, công tác phòng cháy và chữa cháy do Ban Quan trị phụ trách dưới sự chỉ đạo của công an xã.

Điều 6. – Các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp của khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Chiến đấu dập tắt những đám cháy trong địa phương.

2. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ, các đội chữa cháy chuyên nghiệp của các xí nghiệp, kho tàng, lâm trường, mỏ trong địa phương.

3. Nghiên cứu trình Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh ban hành các thể lệ, biện pháp phòng cháy thích hợp với địa phương; hướng dẫn nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước ở địa phương thi hành các thể lệ, biện pháp ấy.

4. Theo dõi tình hình phòng cháy và chữa cháy của địa phương, báo cáo lên Cục Phòng cháy và chữa cháy.

5. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các điều lệ, biện pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

6. Hướng dẫn và kiểm tra các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước trong việc mua sắm các máy móc phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

7. Thỏa thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng của địa phương.

8. Cùng cơ quan Công an điều tra và kết luận về các vụ cháy.

Để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chỉ được sử dụng cán bộ, chiến sĩ của các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp và các phương tiện, dụng cụ chữa cháy vào công tác phòng cháy và chữa cháy hoặc vào việc chống thiên tai, tai nạn khẩn cấp.

Điều 7. – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, với sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Bộ Nội vụ, có trách nhiệm:

- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy ở các cơ quan, các cơ sở trực thuộc.

- Duyệt kinh phí về trang bị máy móc, phương tiện, dụng cụ cho các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ và các đội chữa cháy chuyên nghiệp của các cơ sở trực thuộc.

Điều 8. – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ dưới đây, ngoài trách nhiệm đã quy định trong điều 7, có nhiệm vụ cùng Bộ Nội vụ tiến hành những công tác như sau:

- Bộ Giáo dục và các Bộ có liên quan nghiên cứu để bắt đầu từ niên khóa 1962-1963 giảng dạy những nguyên tắc cán bộ về khoa học, kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy trong các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp.

- Bộ Thủy lợi và Điện lực quy định cách sử dụng điện để ngăn ngừa nạn cháy, hướng dẫn và kiểm tra sự thực hiện những quy định ấy trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước và nhà của nhân dân.

- Tổng cục Vật tư quy định cách sử dụng, bảo quản, chuyên chở hóa chất, xăng, dầu để ngăn ngừa nạn cháy.

- Tổng cục Bưu điện quy định quyền ưu tiên dùng điện thoại trong việc chữa cháy.

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Công nghiệp nặng, bộ Công nghiệp nhẹ nghiên cứu và hướng dẫn các xí nghiệp sản xuất các phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

Điều 9. – Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm thi hành nghị định này. 

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ



 
Phạm Văn Đồng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 220-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu220-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành...
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báoSố 51
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 220-CP thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 220-CP thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu220-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người kýPhạm Văn Đồng
                Ngày ban hành...
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báoSố 51
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Nghị định 220-CP thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy

                          Lịch sử hiệu lực Nghị định 220-CP thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy