Nội dung toàn văn Nghị định 23-CP phân loại tổ chức, phân loại chức vụ của cán bộ và viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-CP | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 1960 |
NGHỊ ĐỊNH
PHÂN LOẠI TỔ CHỨC, PHÂN LOẠI CHỨC VỤ CỦA CÁN BỘ VÀ VIÊN CHỨC THUỘC KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong kỳ họp ngày 26 và 27 tháng 04 năm 1960 về cải tiến chế độ lương và tăng lương năm 1960 đối với công nhân, viên chức, cán bộ;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Để có căn cứ xếp lương theo nguyên tắc phân phối theo lao động, nay quy định việc phân loại tổ chức, phân loại chức vụ của cán bộ và viên chức như sau.
Điều 2. – Việc phân loại các tổ chức căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:
- Tính chất công tác;
- Khối lương công tác;
- Phạm vi trách nhiệm.
Điều 3. – Căn cứ vào các tiêu chuẩn chung trên đây:
- Các tổ chức hành chính thì phân loại theo cấp;
- Các tổ chức sự nghiệp thì phân loại theo ngành.
Điều 4. – Ở các Bộ và cơ quan tương đương:
1. Các Vụ, Cục, Văn phòng chia là hai loại:
Loại 1: Gồm những Vụ, Cục nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật, hoặc quản lý sản xuất; những Vụ, Cục nghiên cứu nghiệp vụ chủ yếu của các Bộ, và các Vụ, Cục tổng hợp của các Bộ tổng hợp.
Loại 2: Gồm những Vụ, Cục làm công tác nghiệp vụ có tính chất phục vụ cho hoạt động của Bộ như tổ chức và cán bộ, tài vụ, kế hoạch, lao động, tiền lương, tuyên truyền, giáo dục, v.v...; Văn phòng.
Việc phân loại các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ nào thì do Bộ ấy làm và trình Thủ tướng Chính phủ duyệt.
2. Các Phòng thuộc Bộ và cơ quan tương đương, các Phòng thuộc các Vụ, Cục, Văn phòng của các Bộ và cơ quan tương đương chia làm ba loại:
Loại 1: Gồm các Phòng kỹ thuật, các Phòng nghiệp vụ chủ yếu trong các Vụ loại 1 nói trên;
Loại 2: Gồm các Phòng nghiệp vụ có tính chất chung như Phòng Tổ chức và cán bộ, Phòng Tài vụ, Phòng Kế hoạch, Phòng Lao động và tiền lương, Phòng đào tạo huấn luyện, v.v...
Loại 3: Gồm các Phòng phục vụ cho nội bộ cơ quan, không làm nhiệm vụ nghiên cứu hoặc giúp chỉ đạo về nghiệp vụ như các Phòng Hành chính, Quản trị v.v...
Các Phòng thuộc Bộ nào thì do Bộ ấy quyết định việc phân loại, sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ.
Điều 5. – Ở mỗi cấp địa phương, các đơn vị hành chính phân loại theo các tiêu chuẩn:
- Dân số;
- Kinh tế;
- Chính trị;
- Quân sự.
Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên:
1. Thành phố trực thuộc chia làm hai loại;
2. Khu tự trị xếp chung một loại; khu Hồng Quảng xếp thành một loại riêng;
3. Tỉnh chia làm hai loại; khu vực Vĩnh Linh xếp tương đương tỉnh loại 2;
4. Huyện, châu, quận, khu phố chia làm hai loại;
5. Thị xã chia làm ba loại: thành phố Nam Định xếp thành một loại riêng.
Hội đồng Chính phủ quyết định việc phân loại cụ thể các thành phố trực thuộc, các tỉnh.
Ủy ban Hành chính khu tự trị, thành phố trực thuộc, tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể các huyện, châu, quận, khu phố, thị xã.
Điều 6. – Các cơ quan chuyên môn ở các thành phố trực thuộc Khu Tự trị, tỉnh, huyện, châu, quận, khu phố, thị xã do Ủy ban hành chính các cấp ấy phân loại như sau:
1. Ở các thành phố trực thuộc, khu tự trị:
- Sở, Khu chuyên môn chia làm hai loại:
- Phòng chia làm hai loại: Phòng trực thuộc Ủy ban hành chính và Phòng trực thuộc các Sở, Khu chuyên môn.
2. Ở các tỉnh:
- Ty và cơ quan tương đương chia làm hai loại:
- Các Phòng trực thuộc Ủy ban hành chính và các Phòng trực thuộc các Ty và cơ quan tương đương chia làm hai loại.
3. Phòng ở các huyện, châu, quận, khu phố, thị xã và thành phố Nam Định chia làm hai loại.
Điều 7. – Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ nào thì do Bộ ấy quy dịnh tiêu chuẩn để phân loại, sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ.
Điều 8. – Việc phân loại chức vụ của cán bộ, viên chức căn cứ vào các tiêu chuẩn chung sau đây:
- Nhiệm vụ công tác;
- Công trình đào tạo.
Điều 9. – Căn cứ vào các tiêu chuẩn chung trên đây, chức vụ của cán bộ, viên chức chia làm ba hệ thống:
1. Hệ thống chức vụ của cán bộ lãnh đạo trong bộ máy hành chính từ trung ương đến huyện, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn, các cơ quan sự nghiệp;
2. Hệ thống chức vụ của các cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, xí nghiệp từ trung ương đến địa phương;
3. Hệ thống chức vụ của các nhân viên làm công tác hành chính, quản trị ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp và xí nghiệp.
Điều 10. – Sự phân loại chức vụ của các cán bộ lãnh đạo xác định trên cơ sở phân loại các tổ chức do các cán bộ đó phụ trách.
Điều 11. – Chức vụ của cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ phân loại như sau:
1. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật chia làm ba loại:
- Kỹ sư;
- Kỹ thuật viên;
- Nhân viên giúp việc kỹ thuật.
2. Cán bộ, nhân viên nghiệp vụ y tế chia làm bốn loại:
- Bác sĩ, dược sĩ cao cấp, y sĩ cao cấp;
- Y sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh trung cấp;
- Y tá, dược tá, nữ hộ sinh, xét nghiệm viên;
- Hộ lý, y công.
3. Cán bộ, nhân viên nghiệp vụ giáo dục chia làm hai loại:
a) Các giáo viên văn hóa gồm bốn cấp:
- Cán bộ giảng dạy các trường đại học;
- Giáo viên cấp 3;
- Giáo viên cấp 2;
- Giáo viên cấp 1;
b) Các giáo viên chuyên môn chia theo các môn dạy:
- Giáo viên chính trị;
- Giáo viên ngoại ngữ;
- Giáo viên nhạc, họa;
- Giáo viên thể dục thể thao.
4. Những người công tác nghệ thuật chia làm ba hạng:
- Diễn viên hạng 1;
- Diễn viên hạng 2;
- Diễn viên hảng 3.
5. Cán bộ, nhân viên nghiên cứu về kinh tế, chính trị chia làm ba loại:
- Chuyên viên;
- Cán sự;
- Nhân viên nghiệp vụ
Điều 12. – Chức vụ của nhân viên hành chính, quản trị phân loại như sau:
1. Nhân viên văn thư, quản trị;
2. Nhân viên đánh máy;
3. Nhân viên cấp dưỡng;
4. Nhân viên giữ trẻ;
5. Nhân viên tạp vụ;
6. Nhân viên nấu ăn và phục vụ ở khách sản, v.v...
Điều 13. – Căn cứ vào các chức vụ quy định chung cho các loại cán bộ, viên chức trên đây, các Bộ quy định tiêu chuẩn cụ thể để phân loại cán bộ, nhân viên thuộc ngành mình sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ.
Điều 14. – Nghị định này thi hành kể từ 01-05-1960.
Điều 15. – Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |