Nghị định 232-HĐBT quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan đã được thay thế bởi Nghị định 16-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan và được áp dụng kể từ ngày 01/04/1996.
Nội dung toàn văn Nghị định 232-HĐBT quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232-HĐBT | Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1992 |
NGHỊ ĐỊNH
CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 232-HĐBT NGÀY 25-6-1992 QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1.- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì bị xử phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng; nếu tái phạm thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Nộp hoặc xuất trình thiếu, hoặc không đúng thời hạn các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định của Nhà nước về thủ tục hải quan.
b) Nộp hoặc xuất trình cho hải quan giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá quá hạn.
2. Phạt tiền từ trên 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Niêm phong hải quan đã bị mất hoặc không còn nguyên vẹn khi xuất trình cho hải quan kiểm tra hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp không có dụng ý thêm bớt hoặc đánh tráo.
b) Từ chối xuất trình bản lược khai hàng hoá, sổ nhật ký hành trình, giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh của phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật hiện hành khi có yêu cầu kiểm tra của nhân viên hải quan.
c) Từ chối mở nơi để hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu; buồng máy, buồng của người làm việc và những nơi khác trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi có yêu cầu kiểm tra của nhân viên hải quan.
d) Từ chối kiểm tra hải quan đối với hàng hoá, hành lý, ngoại hối, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu để ở các kho chuyên dụng của các tổ chức kinh doanh, vận tải, giao nhận xuất nhập khẩu.
e) Chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam từ chối làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp lệnh hiện hành.
3. Phạt tiền từ trên 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Tẩy xoá, sửa chữa thêm bớt làm sai nội dung thực của giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tờ khai hải quan hoặc giấy tờ khác liên quan đến việc làm thủ tục hải quan.
b) Vận chuyển hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm quá cảnh, mượn đường Việt Nam không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn, sang toa, cắt toa hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả hàng quá cảnh, mượn đường) trong trường hợp chưa hoàn thành thủ tục hải quan, hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan, nhưng còn chịu sự giám sát hải quan mà không được cơ quan hải quan cho phép.
b) Tầu, thuyền vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan khi di chuyển trong nội thuỷ lãnh hải Việt Nam mà không đăng ký và không có giấy phép của hải quan cấp tỉnh trở lên.
5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Cố ý phá niêm phong hải quan để thêm bớt, đánh tráo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
b) Tự ý thay đổi bao bì hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã kiểm tra hải quan.
c) Hàng hoá, hành lý tạm xuất, tạm nhập không đúng với giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan.
d) Cố ý khai sai loại hàng, phẩm cấp hàng, trị giá hàng, nước sản xuất hàng hoặc dùng thủ đoạn khác để lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo luật định.
e) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, hành lý vượt định mức về số lượng trị giá theo quy định của Nhà nước, nhưng khai báo ít để trốn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
g) Hàng hoá, hành lý tạm xuất mà không tái nhập, tạm nhập mà không tái xuất hoặc quá thời hạn ghi trên giấy phép.
6. Phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các vi phạm:
a) Giả mạo tờ khai hải quan hoặc giấy tờ hải quan khác để xin cấp "giấy chứng nhận hoàn thành thủ tục hải quan" đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
b) Xuất khẩu, nhập khẩu ngoại hối, tiền Việt Nam vượt số lượng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà không khai báo hoặc khai không đầy đủ, hoặc không có giấy phép khi xuất.
c) Giả mạo hoá đơn mua hàng bằng ngoại tệ hợp pháp nhằm trốn thuế xuất khẩu đối với hàng hoá đó.
d) Đánh tráo hàng hoá, hành lý đã kiểm tra hải quan với hàng hoá, hành lý chưa kiểm tra hải quan.
e) Tàu, thuyền vận chuyển hàng hoá, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu di chuyển trong nội thuỷ, lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam không có lược khai và vận tải đơn, hoặc hàng hoá, hành lý không phù hợp với lược khai và vận tải đơn.
g) Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam không đi đúng tuyến đường, không đi qua các cửa khẩu và không dừng đúng địa điểm quy định để làm thủ tục hải quan.
7. Đối với các vi phạm ghi tại điểm a khoản 3, khoản 5, khoản 6 của điều này có tình tiết tăng nặng thì có thể áp dụng hình thức phạt tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn hoặc không có thời hạn.
8. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số lợi bất chính hoặc từ 1 đến 3 lần trị giá hàng phạm pháp, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng mà tính chất của hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
a) Từ chối không nộp và không xuất trình cho hải quan các giấy tờ cần thiết quy định tại điểm a khoản 1 điều này.
b) Không có giấy tờ hợp lệ của hải quan khi vận chuyển hành lý xuất khẩu, nhập khẩu; vận chuyển, buôn bán hàng hoá, ngoại hối xuất khẩu, nhập khẩu trong khu vực kiểm soát hải quan.
c) Xuất khẩu, nhập khẩu trái phép hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên giới trốn tránh sự kiểm sát của hải quan.
d) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm, hàng giả dưới mọi hình thức. Vi phạm có tình tiết tăng nặng thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 2.- Ngoài những hình thức xử phạt quy định tại điều 1 của Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan còn bị buộc phải tiêu huỷ các văn hoá phẩm đồi truỵ, hàng giả, vật phẩm gây nguy hại cho sức khoẻ con người.
Điều 3. - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định như sau:
1. Thủ trưởng trực tiếp của nhân viên Hải quan thi hành công vụ được phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng.
2. Trưởng hải quan cửa khẩu, Đội trưởng đội kiểm soát Hải quan thuộc Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan được quyền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều 1 và áp dụng biện pháp hành chính khác quy định tại điều 2 của Nghị định này.
3. Giám đốc hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan trở lên được quyền xử phạt hành chính:
a) Các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7, 8 của điều 1 và áp dụng biện pháp hành chính khác quy định tại điều 2 của nghị định này.
Việc phạt tiền kèm theo tịch thu tang vật vi phạm có trị giá trên 30.000.000 đồng Việt Nam hoặc trên 3.000 đô-la Mỹ, chỉ được tiến hành sau khi Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo và được Tổng cục Trưởng Tổng cục hải quan đồng ý.
b) Khi xét hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định khởi tố theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.
Đối với những hành vi khó xác định là vi phạm hành chính hay tội phạm thì trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Nếu Viện Kiểm sát thấy cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 của điều này ra quyết định khởi tố hình sự.
4. ở những địa điểm dọc theo biên giới quốc gia không có cơ quan hải quan thì thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng tại địa điểm đó được quyền xử phạt hành chính đối với những vi phạm về hải quan theo các quy định tại khoản 1, 2 của điều này.
Điều 4.- Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về hải quan phải thực hiện đúng các quy định tại các điều 20, 21, 28, 29, 30, 32, 33, 34, 35, 36, 37 và 38 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 5.- Khám người, đồ vật, phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính:
1. Cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 của điều 3 của Nghị định này có thể áp dụng các biện pháp tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, khám người, khám đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính.
2. Nhân viên hải quan trong khi thi hành công vụ được phép khám người, phương tiện vận tải, tang vật vi phạm theo thủ tục hành chính, nếu có căn cứ khẳng định trong người, phương tiện vận tải, tang vật đó cất giấu các chất ma tuý, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, tài liệu, đồ vật vi phạm hành chính, nhưng sau đó phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.
3. Việc thực hiện các quy định tại khoản 1 và 2 của điều này phải tuân theo các quy định tại các điều 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 6.
1. Người có thành tích trong việc phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; nhân viên hải quan và nhân viên các cơ quan, đơn vị khác cùng phối hợp với Hải quan thi hành công vụ có thành tích, được khen thưởng theo chế độ chung đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước.
Bộ Tài chính cùng Tổng cục Hải quan căn cứ điều 39 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể hoá mức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có công phát hiện vi phạm và thi hành công vụ trong lĩnh vực hải quan.
2. Các đơn vị hải quan có thành tích trong việc đấu tranh phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung do Hội đồng Bộ trưởng quy định.
Điều 7.- Nhân viên, cán bộ hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, hoặc xử phạt không đúng thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý từ hình thức kỷ luật cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân thì phải bồi thường theo điều 40 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 8.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Việc xử lý các vi phạm hành chính về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |