Nghị định 275-CP

Nghị định 275-CP năm 1977 về việc tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Nghị định 275-CP tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1977 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ NÔNG NGHIỆP

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất;
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định số 172-CP ngày 1-11-1973 và bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 26-8-1977;
Để cải tiến một bước tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IV về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Bộ nông nghiệp là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý ngành nông nghiệp trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc để thỏa mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm cho xuất khẩu, xây dựng một nền nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với một nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm để thực hiện sự quản lý Nhà nước đối với toàn ngành nông nghiệp trong cả nước, kết hợp với việc tăng cường sự chỉ đạo, giúp đỡ và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp tỉnh, huyện và đơn vị cơ sở trên nguyên tắc bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của trung ương.

Điều 2. – Bộ Nông nghiệp có những nhiệm vụ và quyền hạn chính như sau:

1. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và kế hoạch dài hạn và hàng năm của toàn ngành nông nghiệp trong phạm vi cả nước, từ việc xây dựng số kiểm tra để thống nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đến việc đề ra các chính sách, các chủ trương kỹ thuật nhằm bảo đảm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra toàn ngành thực hiện các quy hoạch và kế hoạch cấy sau khi được Hội đồng Chính phủ thông qua.

2. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao các chính sách, chế đố, thể lệ về nông nghiệp; tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

3. Tổ chức và chỉ đạo mọi công tác sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chế biết nông sản, cải tiến công cụ, về cơ giới hóa nông nghiệp; quản lý việc cung ứng vật tư và thiết bị nông nghiệp theo sự phân công của Nhà nước; quản lý thống nhất các công tác sự nghiệp trong ngành nông nghiệp.

4. Trên cơ sở tổ chức lại nền nông nghiệp trong phạm vi cả nước và trên địa bàn huyện, tổ chức, chỉ đạo việc hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đối với các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam; chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển các nông trường quốc doanh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước.

5. Quản lý thống nhất việc sử dụng, cải tạo đồng ruộng, đất đai trong nông nghiệp; quản lý thống nhất việc khai thác các vùng đất mới để phát triển nông nghiệp theo quy hoạch của Nhà nước. Nghiên cứu kế hoạch và biện pháp tổ chức, quản lý và sử dụng hợp lý lao động trong nông nghiệp.

6. Tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, bảo đảm việc áp dụng nhanh chóng tiến bộ kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thí điểm và sản xuất đại trà.

7. Tổ chức việc hợp tác quốc tế về kinh tế và về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và những quy định của Nhà nước về quan hệ với nước ngoài.

8. Tổ chức thực hiện việc tăng cuờng và cải tiến cơ cấu tổ chức và công tác quản lý toàn ngành nông nghiệp; nghiên cứu đề nghị Hội đồng Chính phủ quy định tổ chức hệ thống bộ máy quản lý nông nghiệp; hướng dẫn địa phương xây dựng bộ máy quản lý nông nghiệp ở địa phương; chỉ đạo việc bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp, điều động và thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ với cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn ngành nông nghiệp.

9. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, tài sản, tài chính của Bộ theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 3. – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiêm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như điều 1 và điều 2 đã quy định. Các thứ trưởng Bộ Nông nghiệp giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp thi hành những thông tư, quyết định ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các cơ quan chuyên môn cấp dưới thuộc ngành mình; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng có liên quan đến công tác nông nghiệp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay của Ủy ban nhân dân địa phương.

Điều 4. – Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp gồm có:

A. Các tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh.

1. Các Tổng công ty, Công ty hoặc Liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp đối với những cây, con đang phát triển, chuyên môn hóa cao, sản xuất trên những địa bàn tập trung và có quy mô chế biến ngày càng lớn. Trước mắt, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của Bộ gồm có:

- Tổng công ty cao su, thống nhất quản lý ngành cao su, kể cả các nông trường trồng cao su, các nhà máy và cơ sở sơ chế cao su;

- Công ty bông, thống nhất quản lý ngành trồng bông, kể cả các nông trường và hợp tác xã nông nghiệp trồng bông, các nhà máy sơ chế bông ở các vùng chuyên canh bông;

- Công ty cà phê, ca cao, thống nhất quản lý ngành trồng cà phê, ca cao, kể cả các nông trường trồng cà phê, ca cao, các nhà máy chế biến cà phê, ca cao;

- Công ty mía, đường, thống nhất quản lý các nông trường trồng mía, các nhà máy đường ở các vùng kinh tế mới chuyên canh mía;

- Công ty trâu, bò sữa và sữa, thống nhất quản lý các trung tâm giống trâu, bò sữa, các nông trường chăn nuôi trâu, bò sữa, các nhà máy chế biến sữa gắn với cơ sở chăn nuôi;

- Công ty giống gà và gà công nghiệp, thống nhất quản lý các trung tâm giống gà, các xí nghiệp nuôi gà công nghiệp thịt và trứng;

- Các công ty giống cây, giống con và công ty chuyên doanh các loại sản phẩm khác thuộc diện quản lý của Bộ.

2. Tổng công ty vật tư nông nghiệp: trong Tổng công ty có các công ty khu vực và công ty chuyên doanh thuộc diện quản lý của Bộ, phụ trách cung ứng các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và dụng cụ thú y, trâu bò cày, kéo v.v…

3. Công ty thiết bị, phụ tùng cơ khí và các xí nghiệp sửa chữa cơ khí (đặt trong Tổng cục trang bị kỹ thuật).

4. Công ty khai hoang cơ giới, các đội cơ giới (đặt trong Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới).

5. Công ty xây dựng nông nghiệp thuộc diện quản lý của Bộ.

B. Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý hành chính – kinh tế.

1. Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới, Tổng cục này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp:

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể về khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch ấy khi đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt và ghi vào kế hoạch Nhà nước;

- Quản lý việc phân bố và sử dụng tiền vốn, vật tư, thiết bị, lao động cho việc khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới theo đúng kế hoạch Nhà nước và các thể lệ về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước;

- Chỉ đạo công ty và các đội khai hoang cơ giới trực thuộc để giúp các đơn vị cơ sở khai hoang hoặc xây dựng kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế mới.

Trong Tổng cục có các Vụ trực thuộc như sau:

Vụ kế hoạch tài vụ,

Vụ khai hoang,

Vụ di dân.

2. Tổng cục trang bị kỹ thuật, Tổng cục này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp:

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch cơ giới hóa và điện khí hóa nông nghiệp;

- Tổ chức, quản lý việc trang bị máy móc, thiết bị, phụ tùng cơ khí, điện cho nông nghiệp;

- Tổ chức, quản lý mạng lưới sửa chữa cơ khí nông nghiệp.

Trong Tổng cục có các Vụ trực thuộc như sau:

Vụ cơ điện,

Vụ sửa chữa cơ khí.

3. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp và xí nghiệp nông nghiệp. Ban này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp:

- Chỉ đạo hoàn thiện quan hệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc; cải tạo quan hệ sản xuất và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở miền Nam, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện;

- Nghiên cứu các chế độ, thể lệ về quản lý hợp tác xã nông nghệp, quản lý nông trường quốc doanh và xí nghiệp nông nghiệp; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện các chế độ, thể lệ ấy khi được cấp có thẩm quyền xét duyệt;

- Nghiên cứu các chính sách về giá cả, thu mua, phân phối, chính sách đầu tư đối với nông nghiệp.

4. Các vụ, cục trực thuộc Bộ:

- Vụ kế hoạch,

- Vụ trồng trọt,

- Vụ chăn nuôi,

- Vụ quản lý ruộng đất,

- Cục bảo vệ thực vật,

- Cục thú y,

- Cục dâu tằm,

- Cục nuôi cá nước ngọt,

- Vụ quản lý khoa học kỹ thuật,

- Vụ hợp tác quốc tế,

- Vụ kế toán và tài vụ,

- Vụ lao động và tiền lương,

- Vụ tổ chức và cán bộ,

- Vụ quản lý xây dựng cơ bản,

- Vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật,

- Ban thanh tra,

- Văn phòng.

C. Các tổ chức về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, về kinh tế và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân nông nghiệp.

1. Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Viện có các nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về nghiên cứu khoa học – kỹ thuật nông nghiệp; tổ chức chỉ đạo và phối hợp các viện, các cơ sở thực nghiệm thuộc viện thực hiện các kế hoạch ấy khi đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt và ghi vào kế hoạch Nhà nước;

- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ nông nghiệp đại học và trên đại học; đào tạo cán bộ nông nghiệp trên đại học theo sự phân công của Nhà nước;

- Tổ chức Hội đồng xét duyệt sáng kiến, phát minh về khoa học – kỹ thuật nông nghiệp;

- Thực hiện các công tác nghiên cứu và hợp tác quốc tế về khoa học – kỹ thuật nông nghiệp theo sự phân công của Nhà nước.

Tổ chức của viện bao gồm:

a) Các bộ môn nghiên cứu cơ bản: do đồng chí Viện trưởng đề nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xem xét và quyết định thành lập.

b) Các viện chuyên đề và chuyên ngành:

- Viện nông hóa, thổ nhưỡng,

- Viện cây lương thực và cây thực phẩm,

- Viện cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc,

- Viện bảo vệ thực vật,

- Viện chăn nuôi,

- Viện thú y,

- Một số cơ sở nghiên cứu thực nghiệm khác thuộc diện quản lý của Bộ.

2. Các cơ sở nghiên cứu gắn liền với các tổ chức sản xuất, kinh tế chuyên ngành: các cơ sở này chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ nghiên cứu của Viện Khoa học – kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam:

- Viện công cụ và cơ giới hóa nông nghiệp (đặt trong Tổng cục trang bị kỹ thuật);

- Viện cây cao su (đặt trong Tổng công ty cao su);

- Các tổ chức nghiên cứu về cây bông, cây cà phê, ca cao, v.v… (đặt trong các tổ chức sản xuất kinh doanh tương ứng) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xem xét và quyết định thành lập.

3. Học viện kinh tế nông nghiệp, học viện có các nhiệm vụ:

- Nghiên cứu về tổ chức sản xuất và quản lý nền nông nghiệp trong quá trình đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa;

- Đào tạo cán bộ trên đại học về quản lý nông nghiệp theo sự phân công của Nhà nước.

4. Viện quy hoạch nông nghiệp, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp trong phạm vi cả nước.

5. Viện thiết kế kiến trúc nông nghiệp: phụ trách thiết kế công nghệ, thiết kế kiến trúc các công trình xây dựng của ngành nông nghiệp (Viện hoạt động một phần theo phương thức kinh doanh hạch toán).

6. Các trường đại học nông nghiệp trực thuộc Bộ:

- Trường đại học nông nghiệp I (Hà Nội),

- Trường đại học nông nghiệp II (Nghệ Tĩnh),

- Trường Đại học nông nghiệp III (Việt Bắc),

- Trường Đại học nông nghiệp IV (thành phố Hồ Chí Minh),

- Trường Đại học nông nghiệp V (Cần Thơ).

7. Một số trường trung học chuyên nghiệp, trường nghiệp vụ và công nhân thuộc diện quản lý của Bộ.

Điều 5. – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ nêu ở điều 4 trên nguyên tắc tinh giản tổ chức, xác định biên chế hợp lý, làm việc có hiệu quả thiết thực. Các vụ, ban nói chung không tổ chức thêm cấp phòng.

Điều 6. – Tổ chức quản lý nông nghiệp ở địa phương gồm có:

- Cấp tỉnh có Ty nông nghiệp;

- Cấp thành phố trực thuộc trung ương có Sở nông nghiệp;

- Cấp huyện và đơn vị tương đương có Ban nông nghiệp.

Ty hoặc Sở nông nghiệp là cơ quan của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phụ trách về sản xuất nông nghiệp trong tỉnh và thành phố, đồng thời là cơ quan thuộc hệ thống ngành nông nghiệp trong phạm vi cả nước. Ty hoặc Sở chịu sự chỉ đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp.

Ban nông nghiệp huyện và đơn vị tương đương là cơ quan của Ủy ban nhân dân huyện phụ trách về sản xuất nông nghiệp trong huyện, đồng thời là cơ quan thuộc hệ thống ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Ban nông nghiệp huyện chịu sự chỉ đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kinh tế, kỹ thuật và nghiệp vụ của cơ quan quản lý nông nghiệp cấp trên.

Căn cứ vào nghị định này, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan nghiên cứu hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy nông nghiệp các cấp ở địa phương.

Điều 7. - Nghị định này thay thế cho các văn bản trước đây của Hội đồng Chính phủ đã quy định về tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp.

Điều 8. - Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, các đồng chí thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 


Phạm Văn Đồng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 275-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu275-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/10/1977
Ngày hiệu lực23/10/1977
Ngày công báo31/10/1977
Số công báoSố 8
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 275-CP tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 275-CP tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu275-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người kýPhạm Văn Đồng
                Ngày ban hành08/10/1977
                Ngày hiệu lực23/10/1977
                Ngày công báo31/10/1977
                Số công báoSố 8
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Nghị định 275-CP tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp

                      Lịch sử hiệu lực Nghị định 275-CP tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp

                      • 08/10/1977

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 31/10/1977

                        Văn bản được đăng công báo

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 23/10/1977

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực