Nghị định 51-CP

Nghị định 51-CP năm 1995 về việc phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam

Nội dung toàn văn Nghị định 51-CP phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam


CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 51/CP NGÀY 1 THÁNG 8 NĂM 1995 PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1: Phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam kèm theo Nghị định này.

Điều 2: Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan căn cứ Điều lệ này để hướng dẫn thực hiện.

Điều 4: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
(Được phê chuẩn tại Nghị định số 51/CP ngày 1 tháng 8 năm 1995 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam là Tổng công ty Nhà nước gồm các thành viên là đơn vị hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp có quan hệ mật thiết về lợi ích kinh tế, tài chính, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị, hoạt động trong ngành Bưu chính viễn thông; do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định 249/TTg ngày 20 tháng 4 năm 1995 nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, phân công chuyên môn hoá và hợp tác sản xuất để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, nâng cao khả năng và hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ của các đơn vị thành viên và của toàn Tổng công ty, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Điều 2: Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty) có nhiệm vụ kinh doanh và phục vụ về bưu chính viễn thông theo quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của Nhà nước, bao gồm xây dựng kế hoạch phát triển, đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư; phát triển và quản lý khai thác mạng lưới bưu chính - viễn thông công cộng và quốc gia, kinh doanh các dịch vụ bưu chính - viễn thông; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; phục vụ công ích, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; sản xuất công nghiệp và tư vấn về bưu chính - viễn thông; khảo sát, thiết kế xây dựng công trình bưu chính - viễn thông; xuất nhập khẩu cung ứng vật tư, thiết bị bưu chính - viễn thông; hợp tác, liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài phù hợp với pháp luật và chính sách của Nhà nước; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân trong Tổng công ty; tiến hành các hoạt động kinh doanh khác theo pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác do Nhà nước giao.

Điều 3: Tổng công ty có:

1. Tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

2. Điều lệ tổ chức và hoạt động, bộ máy quản lý và điều hành;

3. Vốn tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ trong phạm vi số vốn do Tổng công ty quản lý;

4. Con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng trong nước và nước ngoài;

5. Bảng cân đối tài sản riêng, các quỹ tập trung theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 4:

Tổng công ty có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM POSTS AND TELECOMMUNICATIONS CORPORATION, viết tắt là VNPT.

Trụ sở chính của Tổng công ty đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 5: Tổng công ty được quản lý bởi Hội đồng quản trị và được điều hành bởi Tổng giám đốc.

Điều 6: Tổng công ty chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời chịu sự quản lý của các cơ quan này với tư cách là cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các quy định khác của pháp luật.

Điều 7:

Tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam trong Tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

Chương 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY

MỤC 1: QUYỀN CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 8:

1. Tổng công ty có quyền quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác của Nhà nước giao theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

2. Tổng công ty có quyền phân giao lại cho các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng các nguồn lực mà Tổng công ty đã nhận của Nhà nước; điều chỉnh những nguồn lực đã phân giao cho các đơn vị thành viên trong trường hợp cần thiết, phù hợp với kế hoạch phát triển chung của toàn Tổng công ty.

3. Tổng công ty có quyền đầu tư, liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

4. Tổng công ty có quyền chuyển nhượng, thay thế, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của Tổng công ty, trừ những thiết bị, nhà xưởng quan trọng theo quy định của Chính phủ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; đối với đất đai, tài nguyên thuộc quyền quản lý và sử dụng của Tổng công ty thì thực hiện theo pháp luật tương ứng.

Điều 9:

Tổng công ty có quyền tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh và phục vụ như sau:

1. Tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức kinh doanh và phục vụ phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao;

2. Đổi mới công nghệ, trang thiết bị:

3. Đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của Tổng công ty ở trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia các tổ chức khai thác bưu chính viễn thông quốc tế và khu vực theo pháp luật và quy định của Nhà nước;

5. Kinh doanh những ngành nghề phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng Tổng công ty và nhu cầu của thị trường; kinh doanh những ngành nghề khác nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bổ sung;

6. Xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Nhà nước; thống nhất phân công thị trường giữa các đơn vị thành viên;

7. Quyết định giá mua, giá bán vật tư, nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ chủ yếu; thống nhất giá xuất khẩu tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa, trừ những sản phẩm và dịch vụ do Nhà nước định giá.

8. Xây dựng và áp dụng các định mức lao động, định mức vật tư, đơn giá tiền lương trong khuôn khổ các định mức, đơn giá của Nhà nước.

9. Phân cấp tuyển chọn, thuê mướn, bố trí sử dụng, đào tạo lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng và thực hiện các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và các quy định khác của pháp luật; quyết định mức lương, thưởng cho người lao động trên cơ sở các đơn giá tiền lương, chi phí dịch vụ và hiệu quả hoạt động của Tổng công ty.

10. Mời và tiếp đối tác kinh doanh nước ngoài đến làm việc với Tổng công ty ở Việt Nam; quyết định cử người của Tổng công ty ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan khảo sát; đối với chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Các thành viên khác của Hội đồng quản trị ra nước ngoài do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định., Phó tổng giám đốc, các chức danh khác trong bộ máy giúp việc và các giám đốc, phó giám đốc, cán bộ các đơn vị thành viên Tổng công ty ra nước ngoài do Tổng giám đốc quyết định.

Điều 10: Tổng công ty có quyền quản lý tài chính như sau:

1. Được sử dụng vốn và các quỹ của Tổng công ty để phục vụ kịp thời các nhu cầu kinh doanh và phục vụ theo nguyên tắc bảo toàn, có hiệu quả. Trường hợp cần sử dụng các nguồn vốn, quỹ khác trái với mục đích sử dụng thì phải theo nguyên tắc có hoàn trả;

2. Tự huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu; được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật; được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản thuộc quyền quản lý của Tổng công ty tại các Ngân hàng Việt Nam để vay vốn kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3. Được thành lập, quản lý và sử dụng các quỹ tập trung, quỹ khấu hao cơ bản; tỷ lệ trích, chế độ quản lý và sử dụng các quỹ này theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và được quy định trong Quy chế tài chính Tổng công ty.

4. Được sử dụng phần lợi nhuận còn lại sau khi đã làm đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác theo quy định, để chia cho người lao động theo cống hiến của mỗi người vào kết quả kinh doanh trong năm và theo cổ phần (nếu có);

5. Được hưởng các chế đột trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, hoạt động công ích hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Tổng công ty;

6. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư hoặc tái đầu tư theo quy định của Nhà nước.

Điều 11: Tổng công ty có quyền từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.

MỤC 2: NGHĨA VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 12:

1. Tổng công ty có nghĩa vụ nhận và sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước giao, bao gồm cả phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác; nhận, sử dụng có hiệu quả đất đai và các nguồn lực khác của Nhà nước giao, để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phục vụ và những nhiệm vụ khác được Nhà nước giao.

2. Tổng công ty có nghĩa vụ thực hiện:

a, Các khoản nợ phải thu, phải trả ghi trong bảng cân đối tài sản của Tổng công ty tại thời điểm thành lập Tổng công ty.

b. Trả các khoản tín dụng quốc tế mà Tổng công ty sử dụng theo quyết định của Chính phủ.

c. Trả các khoản tín dụng do Tổng công ty trực tiếp vay hoặc các khoản tín dụng đã được Tổng công ty bảo lãnh cho các đơn vị thành viên vay theo hợp đồng bảo lãnh, nếu các đơn vị này không có khả năng trả.

Điều 13:

Tổng công ty có nghĩa vụ quản lý hoạt động kinh doanh và phục vụ như sau:

1. Đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký; chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động của Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm và dịch vụ do Tổng công ty thực hiện;

2. Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; phục vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các yêu cầu thông tin liên lạc khẩn cấp; bảo đảm các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản trong cả nước, kể cả vùng xa xôi hẻo lánh.

3. Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm phù hợp với nhiệm vụ Nhà nước giao và nhu cầu của thị trường.

4. Ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký với các đối tác.

5. Bảo đảm các cân đối lớn của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thực hiện việc bình ổn giá cả những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước giao cho Tổng công ty, thực hiện các quy định về quản lý giá cả theo phân cấp của Nhà nước.

6. Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thức quản lý; thu nhập từ chuyển nhượng tài sản phải được sử dụng để tái đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ của Tổng công ty.

7. Thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động, bảo đảm cho người lao động them gia quản lý Tổng công ty;

8. Thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh quốc gia;

9. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định của Nhà nước và báo cáo bất thường theo yêu cầu của đại diện chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo;

10. Chịu sự kiểm tra của đại diện chủ sở hữu; tuân thủ các quy định về thanh tra của cơ quan tài chính và của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 14:

1. Tổng công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng chế độ và các quy định về quản lý vốn, tài sản, các quỹ, về kế toán, hạch toán, chế độ kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định; chịu trách nhiệm về tính xác thực và hợp pháp của các hoạt động tài chính của Tổng công ty.

2. Tổng công ty có nghĩa vụ công bố công khai báo cáo tài chính hàng năm, các thông tin để đánh giá đúng đắn và khách quan về hoạt động của Tổng công ty theo quy định của Chính phủ.

3. Tổng công ty thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản do Tổng công ty điều động giữa các đơn vị thành viên theo hình thức ghi tăng, ghi giảm vốn thì không phải nộp thuế trước bạ. Các bán thành phẩm luân chuyển nội bộ giữa các đơn vị thành viên Tổng công ty để tiếp tục hoàn chỉnh, các dịch vụ luân chuyển nội bộ giữa các đơn vị thành viên để phục vụ sản xuất và các dịch vụ bưu chính viễn thông luân chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc không phải nộp thuế doanh thu.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, BAN KIỂM SOÁT

Điều 15:

1. Hội đồng quản trị thực hiện các chức năng quản lý hoạt động của Tổng công ty, chịu trách nhiệm về sự phát triển của Tổng công ty theo nhiệm vụ Nhà nước giao

2. Hội đồng quản trị có các quyền hạn và nhiệm vụ sau:

a. Nhận vốn (kể cả nợ), đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho Tổng công ty.

b. Xem xét phê duyệt phương án do Tổng giám đốc đề nghị về việc phân giao vốn và các nguồn lực khác cho các đơn vị thành viên và phương án điều hoà vốn và các nguồn lực khác giữa các đơn vị thành viên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phương án đó;

c. Kiểm tra giám sát mọi hoạt động trong Tổng công ty; trong đó có việc sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực được giao; việc thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị, các quy định của luật pháp; việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

d. Thông qua đề nghị của Tổng giám đốc để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm của Tổng công ty; quyết định mục tiêu, kế hoạch hàng năm của Tổng công ty và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để Tổng giám đốc giao cho các đơn vị thành viên.

đ. Tổ chức thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư, dự án đầu tư mới, dự án hợp tác đầu tư với bên nước ngoài bằng vốn do Tổng công ty quản lý.

e. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc nếu được Thủ tướng uỷ quyền thì quyết định các dự án liên doanh với nước ngoài theo quy định của Chính phủ; quyết định các dự án liên doanh trong nước, các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án nhóm A; được uỷ quyền quyết định đầu tư các dự án thuộc nhóm B và nhóm C; uỷ quyền cho Tổng giám đốc hoặc giám đốc đơn vị thành viên duyệt các dự án đầu tư nhỏ;

g. Ban hành và giám sát thực hiện các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, kể cả đơn giá tiền lương, đơn giá và định mức trong xây dựng chuyên ngành, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, biểu trưng doanh nghiệp, giá sản phẩm và dịch vụ trong Tổng công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc trên cơ sở quy định chung của ngành và quốc gia;

h. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ và những nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. Phê chuẩn Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên theo đề nghị của Tổng giám đốc. Phê chuẩn phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh của Tổng công ty do Tổng giám đốc trình. Quyết định mở chi nhánh, văn phòng đại diện của Tổng công ty ở trong nước và nước ngoài theo thủ tục quy định của pháp luật. Đề nghị thành lập, tách, nhập, giải thể các đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.

i. Đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định bổ nhiệm, miễn nhiễm, khen thưởng, kỷ luật phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật giám đốc các đơn vị thành viên theo đề nghị của Tổng giám đốc; quyết định tổng biên chế bộ máy quản lý, điều hành Tổng công ty và điều chỉnh khi cần thiết theo đề nghị của Tổng giám đốc;

k. Xây dựng Quy chế tài chính của Tổng công ty trên cơ sở Quy chế tài chính mẫu để trình Bộ Tài chính thông qua trước khi quyết định ban hành. Phê duyệt phương án do Tổng giám đốc đề nghị về việc hình thành và sử dụng các quỹ tập trung tương ứng với kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của Tổng công ty và phù hợp với Quy chế tài chính Tổng công ty.

l. Xem xét kế hoạch huy động vốn (dưới mọi hình thức), bảo lãnh các khoản vay; thanh lý tài sản của các đơn vị thành viên để quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo các nguyên tắc quy định tại Khoản 4 Điều 38 của Điều lệ này;

m. Qua báo cáo hoạt động hàng quý, 6 tháng và hàng năm của Tổng công ty, báo cáo tài chính tổng hợp (trong đó có bảng cân đối tài sản) hàng năm của Tổng công ty do Tổng giám đốc trình, trong đó phân định rõ phần của các doanh nghiệp hạch toán độc lập, các đơn vị hạch toán phụ thuộc và các đơn vị sự nghiệp; và yêu cầu Tổng giám đốc công bố báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.

n. Ban hành Nội quy bảo mật trong kinh doanh, các thông tin kinh tế nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật, do Tổng giám đốc trình, để áp dụng thống nhất trong toàn Tổng công ty.

3. Hội đồng quản trị có 7 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp nhà nước.

4. Hội đồng quản trị gồm một số thành viên chuyên trách, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị, một thành viên kiêm Tổng Giám đốc, một thành viên kiêm Trưởng ban Kiểm soát và một số thành viên kiểm nhiệm là các chuyên gia về lĩnh vực bưu chính viễn thông, kinh tế, tài chính, quản trị, kinh doanh, pháp luật.

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty.

6. Nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng quản trị là 5 năm. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm và được thay thế trong những trường hợp sau:

a. Vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Tổng công ty.

b. Không đủ khả năng đảm nhiệm công việc và theo đề nghị ít nhất của 2/3 thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị.

c. Xin từ nhiệm, nếu có lý do chính đáng.

d. Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.

7. Chủ tịch Hội đồng quản trị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định tại Khoản 2 của Điều này.

8. Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị:

a. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, họp thường kỳ hàng quý để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Tổng công ty, do Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc Tổng giám đốc, hoặc Trưởng ban Ban kiểm soát, hoặc trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.

b. Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì các cuộc họp hội đồng, trường hợp vắng mặt vì lý do chính đáng thì chủ tịch uỷ nhiệm cho một thành viên khác trong Hội đồng quản trị chủ trì cuộc họp.

c. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Các tài liệu họp Hội đồng quản trị phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị và các đại biểu được mời dự họp trước ngày họp 5 ngày. Nội dung và kết luận của các cuộc họp Hội đồng quản trị đều phải được ghi thành biên bản và phải được tất cả các thành viên Hội đồng quản trị dự họp ký tên. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến của mình.

d. Khi Hội đồng quản trị họp để xem xét những vấn đề về chiến lược phát triển, quy hoạch và kế hoạch 5 năm và hàng năm, các dự án đầu tư lớn, các dự án liên doanh với nước ngoài, báo cáo tài chính hàng năm, ban hành hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật của Tổng công ty thì phải mời đại diện của các Bộ, ngành liên quan dự họp; trường hợp có nội dung quan trọng liên quan đến chính quyền địa phương thì phải mời đại diện Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh dự họp; trường hợp liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động thì phải mời đại diện công đoàn ngành đến dự. Đại diện của các cơ quan, tổ chức được mời dự họp có quyền phát biểu nhưng không tham gia biểu quyết; khi phát hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có phương hại đến lợi ích chung thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Hội đồng quản trị, đồng thời báo cáo thủ trưởng cơ quan mà mình đại diện để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết thì Thủ trưởng các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

đ. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với toàn Tổng công ty. Trong trường hợp ý kiến của Tổng giám đốc khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị Tổng giám đốc có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý; trong thời gian chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổng giám đốc vẫn phải chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

e. Chi phí của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát, kể cả tiền lương và phụ cấp cho các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và chuyên viên giúp việc Hội đồng quản trị, được tính vào quản lý phí của Tổng công ty. Tổng giám đốc bảo đảm các điều kiện và phương tiện cần thiết cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát làm việc.

Điều 16: Giúp việc Hội đồng quản trị:

1. Hội đồng quản trị sử dụng bộ máy điều hành và con dấu của Tổng công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Hội đồng quản trị có 5 đến 7 chuyên viên giúp việc, hoạt động chuyên trách.

3. Hội đồng quản trị thành lập Ban kiểm soát để giúp Hội đồng quản trị thực hiện việc kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc, bộ máy giúp việc và các thành viên Tổng công ty trong hoạt động điều hành, hoạt động tài chính, chấp hành Điều lệ Tổng công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị, chấp hành pháp luật.

Điều 17: Quyền lợi và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị:

1. Các thành viên chuyên trách được xếp lương cơ bản theo ngạch viên chức nhà nước, hưởng lương theo chế độ phân phối tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Chính phủ, được hưởng tiền lương tương ứng với hiệu quả hoạt động của Tổng công ty. Các thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm và tiền thưởng theo quy định của Chính phủ.

2. Thành viên Hội đồng quản trị

a. Không được đặt mình vào vị thế nào làm hạn chế khả năng thực hiện đức tính lương thiện, chí công vô tư hoặc gây mâu thuẫn giữa lợi ích Tổng công ty và lợi ích cá nhân.

b. Không được lợi dụng chức vụ để trục lợi cho mình hoặc có hành động chiếm đoạt cơ hội kinh doanh của Tổng công ty, làm thiệt hại lợi ích Tổng công ty;

c. Không được hành động vượt quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định trong Điều lệ này.

3. Thành viên Hội đồng quản trị là chủ tịch, Tổng giám đốc không được nhân danh cá nhân mình để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; không được giữ chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không được có các quan hệ hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần do vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con giữ chức danh quản lý, điều hành trong các đơn vị này.

4. Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không được giữ chức vụ kế toán trưởng, thủ quỹ tại Tổng công ty và tại các đơn vị thành viên.

5. Các thành viên Hội đồng quản trị cùng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về mọi nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm Điều lệ Tổng công ty, quyết định sai hoặc vượt thẩm quyền, lạm dụng chức quyền gây thiệt hại cho Tổng công ty và Nhà nước thi phải chịu trách nhiệm và bồi thường vật chất đối với các thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 18:

Ban kiểm soát:

1. Ban kiểm soát có 5 thành viên, trong đó một thành viên Hội đồng quản trị làm trưởng ban theo sự phân công của Hội đồng quản trị và 4 thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; gồm một thành viên là chuyên viên kế toán, một thành viên do đại hội công nhân viên chức Tổng công ty giới thiệu, một thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và một thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp giới thiệu.

2. Thành viên Ban kiểm soát là người không phải là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của Tổng giám đốc Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty và không được kiêm nhiệm bất cứ nhiệm vụ nào trong bộ máy điều hành của Tổng công ty bất cứ chức vụ nào trong các doanh nghiệp bưu chính viễn thông ở ngoài Tổng công ty.

3. Thành viên Ban kiểm soát phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a. Có trình độ đại học về kế toán, kiểm toán, kinh tế hoặc kỹ thuật nghiệp vụ bưu chính viễn thông, hoặc luật.

b. Có thâm niên công tác về các chuyên ngành trên không dưới 5 năm.

c. Không có tiền án tiền sự về các tội danh liên quan đến hoạt động kinh tế.

4. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát là 5 năm. Trong quá trình công tác, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế.

5. Thành viên Ban kiểm soát được hưởng tiền lương, tiền thưởng do Hội đồng quản trị quyết định theo chế độ của Nhà nước.

Điều 19:

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát:

1. Thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng quản trị giao về việc kiểm tra giám sát hoạt động điều hành của Tổng giám đốc, bộ máy giúp việc và các đơn vị thành viên Tổng công ty trong hoạt động tài chính, chấp hành pháp luật, Điều lệ Tổng công ty các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị.

2. Báo cáo Hội đồng quản trị theo định kỳ hàng quý và hàng năm và theo vụ việc về kết quả kiểm tra, giám sát của mình; kịp thời phát hiện và báo cáo ngay Hội đồng quản trị về những hoạt động không bình thường, có dấu hiệu phạm pháp trong Tổng công ty.

3. Không được tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được Hội đồng quản trị cho phép; phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật nếu cố ý bỏ qua hoặc bao che những hành vi phạm pháp.

Chương 4:

TỔNG GIÁM ĐỐC VÀ BỘ MÁY GIÚP VIỆC

Điều 20:

1. Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng quản trị và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trình. Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về điều hành hoạt động của Tổng công ty. Tổng giám đốc là người có quyền điều hành cao nhất trong Tổng công ty.

2. Phó giám đốc là người giúp Tổng giám đốc điều hành một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty theo phân công của Tổng giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được Tổng giám đốc phân công thực hiện.

3. Kế toán trưởng Tổng công ty giúp Tổng giám đốc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của Tổng công ty, có các quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4. Văn phòng và các ban chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng công ty có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong quản lý điều hành công việc.

Điều 21:

Tổng giám đốc có nghĩa vụ và quyền hạn sau:

1. Cùng chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhận vốn (kể cả nợ), đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác của Nhà nước để quản lý, sử dụng theo mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao cho Tổng công ty. Phân giao các nguồn lực đã nhận của Nhà nước cho các đơn vị thành viên Tổng công ty theo phương án đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. Kiến nghị Hội đồng quản trị điều chỉnh vốn các nguồn lực khác khi phân giao lại cho các đơn vị thành viên và điều chỉnh khi có sự thay đổi nhiệm vụ của các đơn vị thành viên theo hình thức tăng giảm vốn.

2. Sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo phương án được Hội đồng quản trị phê duyệt. Xây dựng phương án huy động vốn trình Hội đồng quản trị phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án đó. Thực hiện và chỉ đạo Công ty tài chính của Tổng công ty thực hiện việc huy động vốn cho vay vốn phục vụ yêu cầu vốn của Tổng công ty và của các đơn vị thành viên;

3. Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn và hàng năm chương trình hoạt động các phương án bảo vệ và khai thác tài nguyên được Nhà nước giao, dự án đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài, phương án liên doanh, phương án phối hợp kinh doanh của các đơn vị thành viên, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ trong Tổng công ty, các biện pháp thực hiện những hợp đồng kinh tế có giá trị lớn để trình Hội đồng quản trị xem xét quyết định hoặc trình tiếp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Tổ chức thực hiện chiến lược và các kế hoạch, phương án, dự án, biện pháp đã được phê duyệt;

4. Điều hành các hoạt động kinh doanh và phục vụ của Tổng công ty; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ và cân đối lớn do Nhà nước giao cho Tổng công ty;

5. Xây dựng và trình Hội đồng quản trị phê duyệt các định mức kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương, đơn giá và định mức trong xây dựng chuyên ngành, phù hợp với các quy định chung của ngành và của Nhà nước. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá và giá này trong toàn Tổng công ty;

6. Đề nghị Hội đồng quản trị trình Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm khen thưởng, kỷ luật phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty; đề nghị Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật giám đốc các đơn vị thành viên. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật phó giám đốc, kế toán trưởng đơn vị thành viên, giám đốc đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên và các chức danh tương đương theo đề nghị của giám đốc đơn vị thành viên. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng kỷ luật trưởng và các phó ban, chánh và phó văn phòng của Tổng công ty;

7. Xây dựng để trình Hội đồng quản trị duyệt tổng biên chế bộ máy quản lý Tổng công ty và phương án điều chỉnh khi thay đổi tổ chức và biên chế bộ máy quản lý của Tổng công ty và các đơn vị thành viên; thành lập và trực tiếp chỉ đạo bộ máy giúp việc; kiểm tra việc thực hiện biên chế bộ máy quản lý của các đơn vị thành viên; trình Hội đồng quản trị phê chuẩn Điều lệ Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên do giám đốc đơn vị thành viên xây dựng; duyệt phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên do giám đốc đơn vị thành viên trình;

8. Xây dựng và trình Hội đồng quản trị phê duyệt Quy chế lao động; Quy chế về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật; Nội quy bảo mật áp dụng trong Tổng công ty; tổ chức thực hiện các quy chế và Nội quy này;

9. Tổ chức điều hành hoạt động của Tổng công ty theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo Hội đồng quản trị và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, bao gồm báo cáo hàng quý, 6 tháng và hàng năm, báo cáo tài chính tổng hợp, bảng cân đối tài sản của Tổng công ty.

Báo cáo tài chính tổng hợp phải phân định rõ phần hạch toán tập trung của Tổng công ty và phần của các đơn vị thành viên hạch toán độc lập, đơn vị sự nghiệp, trình Hội đồng quản trị thông qua. Bản báo cáo tài chính tổng hợp phải dựa trên cơ sở các tài liệu đã được cơ quan kiểm toán hợp pháp xác nhận.

10. Thực hiện và kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật và của Nhà nước. Lập phương án phân phối lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty trình Hội đồng quản trị phê duyệt theo quy định của Nhà nước.

11. Cung cấp đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Chuẩn bị các tài liệu cho các cuộc họp Hội đồng quản trị.

12. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình;

13. Được quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, sự cố) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó; đồng thời phải báo cáo ngay cho Hội đồng quản trị và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tiếp;

14. Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin liên lạc, bảo vệ mạng lưới bưu chính viễn thông, bảo vệ tài sản và cơ sở vật chất kỹ thuật của Tổng công ty.

Chương 5:

TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TỔNG CÔNG TY

Điều 22:

Đại hội công nhân viên chức của Tổng công ty là hình thức trực tiếp để người lao động tham gia quản lý Tổng công ty. Đại hội công nhân viên chức có các quyền sau:

1. Tham gia thảo luận xây dựng các thoả ước lao động tập thể để người đại diện tập thể lao động thương lượng và ký kết với Tổng giám đốc;

2. Thảo luận và thông qua quy chế sử dụng các quỹ liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động trong Tổng công ty;

3. Thảo luận và góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch, đánh giá hiệu quả quản lý kinh doanh, đề xuất các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại người lao động của Tổng công ty;

4. Giới thiệu người tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Điều 23: Đại hội công nhân viên chức được tổ chức và hoạt động theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Chương 6:

ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN TỔNG CÔNG TY

Điều 24:

1. Tổng công ty có các đơn vị thành viên là những doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập, những đơn vị hạch toán phụ thuộc và những đơn vị sự nghiệp (có danh sách ghi trong phụ lục kèm theo Điều lệ này).

2. Các đơn vị thành viên Tổng công ty có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng phù hợp với phương thức hạch toán của mình.

3. Đơn vị thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập và đơn vị hạch toán phụ thuộc có Điều lệ tổ chức và hoạt động riêng; đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Các Điều lệ và Quy chế này đều do Hội đồng quản trị phê chuẩn phù hợp với pháp luật và Điều lệ Tổng công ty.

Điều 25:

Thành viên là doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập:

1. Doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập là thành viên Tổng công ty có quyền tự chủ kinh doanh và tự chủ tài chính, chịu sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ đối với Tổng công ty theo quy định tại Điều lệ Tổng công ty.

2. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty có các quyền đối với thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập như sau:

a. Uỷ nhiệm cho giám đốc doanh nghiệp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với Điều lệ của Doanh nghiệp được Hội đồng quản trị Tổng công ty phê chuẩn. Giám đốc doanh nghiệp hạch toán độc lập chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty, trước pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp;

b. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng;

c. Phê duyệt kế hoạch, kiểm tra thực hiện kế hoạch, quyết toán tài chính; quy định mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và phù hợp với quy chế tài chính của Tổng công ty;

d. Trích một phần quỹ khấu hao cơ bản và lợi nhuận sau thuế theo Quy chế tài chính Tổng công ty và hướng dẫn của Bộ Tài chính để thành lập các quỹ tập trung của Tổng công ty dùng vào mục đích tái đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư ở các đơn vị thành viên;

đ. Phê duyệt các phương án, kế hoạch đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, hợp tác liên doanh, bổ sung, thu hồi một phần vốn, chuyển nhượng cổ phần thuộc quyền quản lý của Tổng công ty đang do các doanh nghiệp thành viên nắm giữ (nếu có);

e. Điều hoà các nguồn tài chính, kể cả ngoại tệ, giữa các đơn vị thành viên nhằm sử dụng vốn có hiệu quả nhất trong toàn Tổng công ty, trên nguyên tắc phải đảm bảo cho tổng tài sản của doanh nghiệp bị rút bớt vốn không được thấp hơn tổng số nợ cộng với mức vốn điều lệ đã được điều chỉnh tương ứng với nhiệm vụ hoặc quy mô doanh nghiệp đó;

g. Phê duyệt đơn giá tiền lương; hướng dẫn các hình thức trả lương và biện pháp bảo đảm đời sống, điều kiện lao động cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp;

h. Quyết định mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp thành viên theo chiến lược phát triển chung của Tổng công ty;

i. Phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó quy định sự phân cấp cho giám đốc doanh nghiệp về tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp; về tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, kỷ luật công nhân viên chức; về hạn mức tín dụng (vay, cho vay, mua bán chậm trả); về mua bán tài sản cố định, mua bán cổ phần của các công ty cổ phần; về mua bán bản quyền phát minh, sáng chế, chuyển giao công nghệ; về tham gia các đơn vị liên doanh, các hiệp hội kinh tế và về những vấn đề khác có liên quan đến quyền tự chủ của một doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước;

k. Kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh.

Điều 26:

Thành viên Tổng công ty là doanh nghiệp hạch toán độc lập chịu trách nhiệm về các khoản nợ, về cam kết của mình trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý, sử dụng; cụ thể là:

1. Trong chiến lược và đầu tư phát triển:

a. Doanh nghiệp được giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo kế hoạch của Tổng công ty. Doanh nghiệp được Tổng công ty giao các nguồn lực để thực hiện dự án đó;

b. Doanh nghiệp tự đầu tư những công trình, dự án phát triển không nằm trong các dự án do Tổng công ty trực tiếp điều hành. Trường hợp này doanh nghiệp tự huy động, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

2. Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của mình trên cơ sở:

a. Bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu, các cân đối lớn, các định mức kinh tế - kỹ thuật chủ yếu (kể cả đơn giá và giá) của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch chung của Tổng công ty.

b. Kế hoạch mở rộng kinh doanh trên cơ sở sử dụng tối ưu mọi nguồn lực mà doanh nghiệp có và tự huy động phù hợp với nhu cầu của thị trường.

3. Trong hoạt động tài chính và hạch toán kinh tế:

a. Doanh nghiệp được nhận một phần vốn và nguồn lực của Nhà nước giao cho Tổng công ty, do Tổng công ty phân giao lại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực này;

b. Doanh nghiệp được quyền huy động vốn, các nguồn tín dụng khác theo pháp luật để thực hiện kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển của mình;

c. Doanh nghiệp được hình thành quỹ đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ phát triển sản xuất, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự trữ tài chính theo Điều lệ của doanh nghiệp được Hội đồng quản trị phê chuẩn phù hợp với hướng dẫn của Bộ tài chính và Quy chế tài chính Tổng công ty. Doanh nghiệp có nghĩa vụ trích nộp và được sử dụng các quỹ tập trung của Tổng công ty theo quy định của Điều lệ Tổng công ty và theo các quyết định của Hội đồng quản trị;

d. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đóng các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định của pháp luật;

đ. Doanh nghiệp có thể được Tổng công ty uỷ quyền thực hiện các hợp đồng với khách hàng trong nước và ngoài nước nhân danh Tổng công ty.

4. Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ và lao động:

a. Doanh nghiệp có quyền đề nghị Tổng công ty xem xét, quyết định hoặc được Tổng công ty uỷ quyền quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc và việc tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp theo quy định của Điều lệ Tổng công ty và Điều lệ riêng của doanh nghiệp;

b. Các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập được dùng con dấu theo mẫu dấu doanh nghiệp nhà nước, được mở tài khoản tại ngân hàng và hoạt động theo phân cấp quy định trong Điều lệ của doanh nghiệp do Hội đồng quản trị phê chuẩn;

c. Trong khuôn khổ biên chế được Tổng công ty cho phép, doanh nghiệp được quyền tuyển chọn, đào tạo, bố trí sử dụng hoặc cho thôi việc đối với công nhân viên chức công tác trong bộ máy quản lý và kinh doanh của mình. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh cán bộ trong bộ máy quản lý doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, việc sắp xếp, thi hành chế độ tiền lương tuân thủ sự phân cấp của Tổng công ty theo Điều lệ này.

d. Doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển, nhiệm vụ kinh doanh và phục vụ của doanh nghiệp; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động theo Bộ luật lao động và Luật công đoàn.

Điều 27:

Thành viên là đơn vị hạch toán phụ thuộc:

1. Có quyền tự chủ kinh doanh theo phân cấp của Tổng công ty, chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi đối với Tổng công ty. Tổng công ty chịu trách nhiệm cuối cùng về các nghĩa vụ tài chính phát sinh do sự cam kết của các đơn vị này.

2. Có con dấu theo mẫu dấu doanh nghiệp nhà nước; được ký kết các hợp đồng kinh tế, được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh và phục vụ, hoạt động tài chính, tổ chức và nhân sự theo sự phân cấp của Tổng công ty. Quyền hạn và nhiệm vụ của đơn vị hạch toán phụ thuộc được cụ thể hoá trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị này do Hội đồng quản trị phê chuẩn.

3. Các đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty nếu hoạt động chuyên ngành bưu chính viễn thông thì được dùng con dấu theo mẫu dấu doanh nghiệp Nhà nước, được mở tài khoản tại Ngân hàng và hoạt động theo phân cấp quy định trong Điều lệ của đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc do Hội đồng quản trị phê chuẩn.

Điều 28:

Các đơn vị sự nghiệp có Quy chế tổ chức và hoạt động do Hội đồng quản trị phê chuẩn; thực hiện chế độ hạch toán độc lập, lấy thu bù chi; được tạo nguồn thu từ thực hiện dịch vụ, hợp đồng nghiên cứu khoa học và đào tạo cho các đơn vị trong nước và ngoài nước; được hưởng quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo chế độ, trường hợp thấp hơn mức bình quân của Tổng công ty thì có thể được hỗ trợ từ quỹ khen thưởng và phúc lợi của Tổng công ty.

Điều 29:

1. Công ty tài chính là doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty, hoạt động theo pháp luật và hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động do Hội đồng quản trị phê chuẩn và theo sự điều hành của Tổng giám đốc Tổng công ty.

2. Công ty tài chính thực hiện nhiệm vụ huy động vốn để cho vay phục vụ nhu cầu vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, thông qua hình thức vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tín dụng thương mại của các Ngân hàng và các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài; phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, mua bán giấy tờ và chứng từ có giá theo quy định của pháp luật; huy động vốn nhàn rỗi của công nhân viên chức trong nội bộ Tổng công ty và các đơn vị trong ngành kinh tế - kỹ thuật mà Tổng công ty kinh doanh.

3. Công ty tài chính thực hiện việc huy động vốn cho các dự án đầu tư của Tổng công ty, thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của Điều lệ của công ty và Quy chế công ty tài chính trong Tổng công ty do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đối với các dự án lớn thì chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng, Công ty tài chính làm chức năng dịch vụ.

4. Các đơn vị sử dụng vốn của Công ty tài chính theo nguyên tắc có vay có trả, thực hiện chế độ lãi suất nội bộ do Công ty tài chính đề nghị, Tổng giám đốc Tổng công ty phê duyệt theo uỷ quyền của Hội đồng quản trị.

Chương 7:

QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY VÀ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ

MỤC 1: QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC VÀ TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Điều 30:

Đối với phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và các tổ chức quốc tế khai thác bưu chính viễn thông (gọi tắt là tổ chức quốc tế), Hội đồng quản trị Tổng công ty có quyền hạn và nghĩa vụ sau:

1. Thông qua phương án góp vốn do Tổng giám đốc xây dựng để quyết định hoặc trình Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo phân cấp tại Tiết e, Khoản 2 Điều 15 của Điều lệ này.

2. Theo đề nghị của Tổng giám đốc, quyết định cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty ở doanh nghiệp và tổ chức quốc tế có vốn góp của Tổng công ty.

3. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đã góp và thu lợi nhuận từ phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế.

Điều 31:

Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế:

1. Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp và tổ chức quốc tế có vốn góp của Tổng công ty theo Điều lệ của doanh nghiệp hoặc quy định của tổ chức quốc tế này;

2. Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động ở doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế này;

3. Thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty về phần vốn của Tổng công ty góp vào doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế này.

MỤC 2: QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC VÀ TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Điều 32:

Doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập được góp vốn vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế theo phân cấp của Tổng công ty. Đối với phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế, giám đốc có quyền và nghĩa vụ quản lý phần vốn góp này như sau:

1. Xây dựng phương án góp vốn để Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt;

2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế;

3. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn góp của doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đã góp; thu lợi nhuận từ phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế.

Điều 33:

Quyền và nghĩa vụ của người quản lý trực tiếp phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế:

1. Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế có vốn góp của doanh nghiệp mình theo Điều lệ của doanh nghiệp hoặc quy định của tổ chức quốc tế này;

2. Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế có vốn góp của doanh nghiệp mình;

3. Thực hiện chế độ báo cáo do giám đốc quy định; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty và giám đốc về hiệu quả sử dụng phần vốn góp của doanh nghiệp mình tại doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế mà mình được cử vào để tham gia quản lý, điều hành.

MỤC 3: CÁC ĐƠN VỊ LIÊN DOANH

Điều 34:

1. Các đơn vị liên doanh mà Tổng công ty hoặc doanh nghiệp thành viên Tổng công ty tham gia, được quản lý, điều hành và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, Luật công ty và các luật khác có liên quan của Việt Nam.

2. Tổng công ty hoặc các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty thực hiện mọi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các liên doanh này về hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng đã ký kết.

Chương 8:

TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 35: Tổng công ty thực hiện chế độ hạch toán tổng hợp, tự chủ tài chính trong kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhà nước, các quy định khác của pháp luật và Điều lệ Tổng công ty.

Điều 36:

1. Vốn điều lệ của Tổng công ty gồm có:

a. Vốn được Nhà nước giao tại thời điểm thành lập Tổng công ty;

b. Vốn Nhà nước đầu tư bổ sung (nếu có);

c. Phần lợi nhuận sau thuế được trích bổ sung vốn theo quy định hiện hành;

d. Các nguồn vốn khác (nếu có).

2. Khi tăng hoặc giảm vốn điều lệ, Tổng công ty phải điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối tài sản và công bố vốn điều lệ của Tổng công ty đã được điều chỉnh.

Điều 37:

1. Tổng công ty được thành lập và sử dụng các quỹ tập trung để bảo đảm cho quá trình phát triển của Tổng công ty đạt hiệu quả cao.

2. Các quỹ tập trung của Tổng công ty được thành lập theo quy định tại Điều lệ Tổng công ty, Quy chế tài chính Tổng công ty và do Hội đồng quản trị quyết định, bao gồm:

a. Quỹ đầu tư phát triển được lập từ nguồn vốn khấu hao cơ bản và trích lợi nhuận của các đơn vị thành viên theo quy định của Bộ Tài chính, lợi tức thu được từ phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và các nguồn khác.

Vốn đầu tư cơ bản và lợi tức tái đầu tư của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty đều tập trung tại Tổng công ty để đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

Nếu Tổng công ty huy động vốn khấu hao cơ bản và lợi tức tái đầu tư của các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập thì phải thực hiện nguyên tắc vay trả, có lãi suất nội bộ do Tổng giám đốc phê duyệt theo uỷ quyền của Hội đồng quản trị và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b. Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo tập trung để cấp cho các đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và đào tạo lại cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty được trích lập từ quỹ phát triển sản xuất của các đơn vị thành viên và nguồn kinh phí sự nghiệp, đào tạo từ Ngân sách Nhà nước (nếu có), và các nguồn khác, trong đó có nguồn thu được từ việc thực hiện dịch vụ và hợp đồng nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo được ký kết với các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp trong nước và nước ngoài;

c. Quỹ dự trữ tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích lập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mức trích lập, trích nộp cụ thể cho các quỹ nói trên và việc sử dụng các quỹ này được quy định trong Quy chế tài chính của Tổng công ty.

Điều 38:

Tự chủ về tài chính của Tổng công ty:

1. Tổng công ty hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối các khoản thu và chi, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển các nguồn vốn kinh doanh của Tổng công ty, kể cả phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác và tổ chức quốc tế.

2. Tổng công ty chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ ghi trong bảng cân đối tài sản của Tổng công ty và các cam kết tài chính khác (nếu có).

3. Tổng Công ty kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính trong toàn Tổng công ty.

4. Mọi quan hệ tín dụng (vay, cho vay và mua, bán hàng chậm trả, bảo lãnh) giữa Tổng công ty và những đối tác bên ngoài Tổng công ty phải tuân thủ theo sự phân cấp về hạn mức đối với một lần vay theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng, trình, đăng ký kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản của Tổng công ty để báo cáo với các cấp có thẩm quyền và Tổng quyết toán hàng năm với Bộ Tài chính. Bộ Tài chính kiểm tra và phê duyệt quyết toán hàng năm của Tổng công ty.

6. Tổng công ty có trách nhiệm nộp các khoản thuế và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành và theo quy chế tài chính của Tổng công ty, trừ các khoản thuế mà các đơn vị thành viên đã nộp. Được sử dụng phần lãi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định hiện hành.

7. Lợi nhuận mà Tổng công ty hoặc các đơn vị thành viên thu được từ phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác và các tổ chức quốc tế khai thác bưu chính viễn thông không phải nộp thuế lợi tức, nếu doanh nghiệp này đã nộp thuế lợi tức trước khi chia cổ tức cho các bên góp vốn.

8. Hoạt động tài chính của các đơn vị thành viên Tổng công ty và mối quan hệ về hoạt động tài chính giữa Tổng công ty với các đơn vị thành viên được thực hiện phù hợp với Điều lệ Tổng công ty và Quy chế tài chính Tổng công ty.

9. Trách nhiệm vật chất của Tổng công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và trong quan hệ dân sự được giới hạn ở mức tổng số vốn điều lệ của Tổng công ty tại thời điểm công bố gần nhất.

10. Tổng công ty phải thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán thống kê; chế độ kế toán và báo cáo tài chính hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

11. Tổng công ty chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính và các hoạt động kinh doanh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

MỐI QUAN HỆ GIỮA TỔNG CÔNG TY VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 39: Mối quan hệ với Chính phủ:

1. Chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ có liên quan đến Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước;

2. Thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển Tổng công ty trong tổng thể quy hoạch, chiến lược phát triển ngành và lãnh thổ của Nhà nước;

3. Chấp hành các quy định về thành lập, tách, nhập, giải thể; các chính sách về tổ chức và cán bộ; chế độ tài chính, tín dụng, thuế, thu lợi nhuận; các chế độ về kế toán, thống kê;

4. Chịu sự kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước tại Tổng công ty;

5. Được đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế và chính sách quản lý của Nhà nước đối với Tổng công ty;

6. Được quản lý và sử dụng vốn, tài sản, đất đai, các nguồn lực khác do Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh và phải bảo toàn, phát triển các nguồn lực đó;

7. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá và các chế độ khác theo quy định của Chính phủ;

Điều 40:

Mối quan hệ với Bộ Tài chính:

1- Tổng công ty chịu sự chi phối về quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong việc:

a) Tuân thủ các chế độ tài chính, kế toán, thuế, tổ chức bộ máy hạch toán, kế toán;

b) Kiểm toán tài chính và kiểm toán nội bộ Tổng công ty.

2. Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu, chi phối Tổng công ty về việc:

a) Xác định vốn, tài nguyên và các nguồn lực khác mà Nhà nước giao cho Tổng công ty quản lý, sử dụng;

b) Kiểm tra việc sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực khác được giao trong quá trình hoạt động, được thể hiện thông qua bản quyết toán hàng năm; duyệt quyết toán năm của Tổng công ty;

c) Ban hành Quy chế tài chính mẫu, thông qua Quy chế tài chính của Tổng công ty.

3. Tổng công ty phải chịu sự kiểm tra, thanh tra tài chính và các vấn đề khác của Bộ Tài chính.

4- Tổng công ty có quyền đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng và các nội dung khác có liên quan đến Tổng công ty; kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn, việc hợp tác đầu tư với nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, việc quan hệ tín dụng trên hạn mức, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, việc phân phối lợi nhuận sau thuế, việc thanh lý tài sản trong Tổng công ty, việc bổ sung vốn ngân sách cho Tổng công ty.

Điều 41:

Mối quan hệ với Tổng cục Bưu điện:

1- Với chức năng quản lý nhà nước, Tổng cục Bưu điện chi phối Tổng công ty về:

a) Ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn công nghệ, kể cả thiết bị lẻ, thiết bị đồng bộ nhập khẩu; các định mực cấp ngành kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp kiểm tra, giám sát Tổng công ty về việc thực hiện các tiêu chuẩn và định mức đó;

b) Xây dựng và ban hành quy hoạch, định hướng phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp kiểm tra Tổng công ty hoạt động theo quy hoạch, định hướng đó;

c) Kiểm tra Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ theo đúng pháp luật của Nhà nước về bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện và về các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Tổng công ty, thực hiện các Điều ước quốc tế và Hiệp định bưu chính viễn thông với các nước mà Chính phủ tham gia hoặc ký kết, hoạt động của Tổng công ty trong các tổ chức bưu chính viễn thông quốc tế;

d) Đề xuất và kiến nghị các biện pháp để Tổng cục Bưu điện trình Chính phủ hỗ trợ Tổng công ty đối với nhiệm vụ phục vụ thông tin liên lạc của Đảng và Nhà nước, quốc phòng, an ninh, phòng chống, thiên tai và hoạt động công ích.

2. Với nhiệm vụ được Nhà nước giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu nhà nước, Tổng cục Bưu điện chi phối Tổng công ty về:

a) Thành lập, tách, nhập, tổ chức lại, giải thể Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty, trong phạm vi được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền;

b) Cùng với cơ quan được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, chuẩn bị để trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật tổng giám đốc và các thành viên khác của Hội đồng quản trị;

c) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật phó tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty; giới thiệu người vào Ban kiểm soát Tổng công ty;

d) Tham gia giao vốn và các nguồn lực khác cho Tổng công ty, kiểm tra hoạt động của Tổng công ty;

đ) Chỉ đạo Tổng công ty thực hiện các cân đối lớn mà Nhà nước giao cho Tổng công ty;

e) Tổng công ty thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nhà nước và theo yêu cầu của Tổng cục Bưu điện;

g) Tổng công ty chịu sự chi phối, kiểm tra, giám sát của Tổng cục Bưu điện trong phạm vi các chức năng khác của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Điều 42:

Các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, chi phối Tổng công ty về việc:

1. Thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm và chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn quốc gia;

2. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường;

3. Tham gia thẩm định các dự án đầu tư theo chiến lược, quy hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật và quy hoạch theo vùng kinh tế;

4. Thực hiện các quy định về quan hệ đối ngoại và xuất khẩu, nhập khẩu;

5. Bảo đảm thực hiện các quyền lợi, và nghĩa vụ đối với người lao động trong Tổng công ty theo quy định của pháp luật;

6. Tổng công ty chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan này về những lĩnh vực thuộc chức năng đã được pháp luật quy định cho các cơ quan đó;

Điều 43: Đối với chính quyền địa phương, với tư cách là các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ, Tổng công ty chịu sự quản lý nhà nước và chấp hành các quy định hành chính, các nghĩa vụ đối với Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển và bảo đảm an ninh, an toàn về bưu chính viễn thông tại địa phương.

Chương 10:

TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN

Điều 44: Việc tổ chức lại Tổng công ty do Hội đồng quản trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 45: Tổng công ty bị giải thể trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thấy không cần thiết duy trì Tổng công ty này. Khi có quyết định giải thể Tổng công ty, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng giải thể. Số tài sản của Tổng công ty bị giải thể sau khi đã thanh toán các khoản phải trả theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 46: Việc tổ chức lại, tách, nhập, giải thể và thành lập mới các đơn vị thành viên Tổng công ty do Hội đồng quản trị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 47: Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty nếu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì xử lý theo quy định tại Luật phá sản doanh nghiệp.

Chương 11:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48: Điều lệ này được áp dụng cho Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam. Tất cả các cá nhân, đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này.

Điều lệ có hiệu lực thi hành từ ngày ký Nghị định phê chuẩn.

Điều 49:

1. Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp nhà nước và Điều lệ Tổng công ty, các đơn vị thành viên Tổng công ty tuỳ theo loại hình tổ chức mà xây dựng Điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của mình, để Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị phê chuẩn. Điều lệ, Quy chế của đơn vị thành viên Tổng công ty không được trái với Điều lệ Tổng công ty.

2. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Tổng công ty, Hội đồng quản trị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các đơn vị thành viên Tổng công ty khi sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của mình, phải do Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định.

Điều 50: Trong trường hợp các văn bản của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định thành lập doanh nghiệp thành viên có quy định khác với Điều lệ này, nếu được Chính phủ cho phép thì thực hiện theo Điều lệ này.

 

PHỤ LỤC
(Kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam)

I. DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM (tại thời điểm thành lập tổng công ty)

A. CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP:

01. Nhà máy thiết bị bưu điện,

02. Nhà máy vật liêu bưu điện,

03. Xí nghiệp khoa học sản xuất thiết bị thông tin 1,

04. Xí nghiệp khoa học sản xuất thiết bị thông tin 2,

05. Nhà máy cáp và vật liệu viễn thông,

06. Xí nghiệp in bưu điện,

07. Xí nghiệp in tem, (1)

08. Công ty vật liệu xây dựng bưu điện,

09. Công ty thiết bị điện thoại,

10. Công ty thiết kế bưu điện,

11. Công ty công trình bưu điện,

12. Công ty xây dựng bưu điện,

13. Công ty vật tư bưu điện1, (2)

14. Công ty vật tư bưu điện 2, (3)

15. Công ty tem,

16. Công ty thông tin di động,

17. Công ty tài chính bưu điện.

B. CÁC ĐƠN VỊ HẠCH TOÁN PHỤ THUỘC

01. Công ty viễn thông quốc tế,

02. Công ty viễn thông liên tỉnh,

03. Công ty bưu chính liên tỉnh và quốc tế,

04. Công ty điện toán và truyền số liệu,

05. Công ty phát hành báo chí Trung ương,

06. Cục bưu điện Trung ương,

07. Bưu điện thành phố Hà Nội,

08. Bưu điện thành phố Hải Phòng,

09. Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh,

10. Bưu điện tỉnh An Giang,

11. Bưu điện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

12. Bưu điện tỉnh Bắc Thái,

13. Bưu điện tỉnh Bến Tre,

14. Bưu điện tỉnh Bình Định,

15. Bưu điện tỉnh Bình Thuận,

16. Bưu điện tỉnh Cần Thơ,

17. Bưu điện tỉnh Cao Bằng,

18. Bưu điện tỉnh Đắc Lắc,

19. Bưu điện tỉnh Đồng Nai,

20. Bưu điện tỉnh Đồng Tháp,

21. Bưu điện tỉnh Gia Lai,

22. Bưu điện tỉnh Hà Bắc,

23. Bưu điện tỉnh Hà Giang,

24. Bưu điện tỉnh Hà Tây,

25. Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh,

26. Bưu điện tỉnh Hải Hưng,

27. Bưu điện tỉnh Hoà Bình,

28. Bưu điện tỉnh Khánh Hoà,

29. Bưu điện tỉnh Kiên Giang,

30. Bưu điện tỉnh Kon Tum,

31. Bưu điện tỉnh Lai Châu,

32. Bưu điện tỉnh Lâm Đồng,

33. Bưu điện tỉnh Lạng Sơn,

34. Bưu điện tỉnh Lao Cai,

35. Bưu điện tỉnh Long An,

36. Bưu điện tỉnh Minh Hải,

37. Bưu điện tỉnh Nam Hà,

38. Bưu điện tỉnh Nghệ An,

39. Bưu điện tỉnh Ninh Bình,

40. Bưu điện tỉnh Ninh Thuận,

41. Bưu điện tỉnh Phú Yên,

42. Bưu điện tỉnh Quảng Bình,

43. Bưu điện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng,

44. Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi,

45. Bưu điện tỉnh Quảng Ninh,

46. Bưu điện tỉnh Quảng Trị,

47. Bưu điện tỉnh Sóc Trăng,

48. Bưu điện tỉnh Sông Bé,

49. Bưu điện tỉnh Sơn La,

50. Bưu điện tỉnh Tây Ninh,

51. Bưu điện tỉnh Thái Bình,

52. Bưu điện tỉnh Thanh Hoá,

53. Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế,

54. Bưu điện tỉnh Tiền Giang,

55. Bưu điện tỉnh Trà Vinh,

56. Bưu điện tỉnh Tuyên Quang,

57. Bưu điện tỉnh Vĩnh Long,

58. Bưu điện tỉnh Vĩnh Phú,

59. Bưu điện tỉnh Yên Bái.

C. CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

01. Viện Khoa học kỹ thuật bưu điện,

02. Viện Kinh tế bưu điện;

03. Trung tâm thông tin bưu điện,

04. Trung tâm đào tạo bưu chính viễn thông I,

05. Trung tâm đào tạo bưu chính viễn thông II,

06. Trường công nhân bưu điện I,

07. Trường công nhân bưu điện II,

08. Trường công nhân bưu điện miền núi,

09. Bệnh viện bưu điện,

10. Viện điều dưỡng bưu điện I,

11. Viện điều dưỡng bưu điện II,

12. Bảo hiểm y tế bưu điện.

II. DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ LIÊN DOANH CÓ VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM (tại thời điểm thành lập Tổng công ty)

1. Công ty cáp VINADESUNG (tên giao dịch quốc tế là VINADESUNG),

2. Công ty liên doanh thiết bị viễn thông (tên gọi bằng tiếng Anh là Acatel Network Systems Vietnam; tên giao dịch quốc tế là ANSV).

3. Công ty liên doanh thiết bị tổng đài (Tên giao dịch quốc tế là VKX Ltd),

4. Công ty liên doanh sản xuất cáp sợi quang VINA-GSC (tên giao dịch quốc tế là VINA-GSC).

5. Công ty liên doanh sản xuất cáp quang và phụ kiện VNPT-SIEMENS,AG (tên gọi bằng tiếng Anh là Fibre Optic Cable and Accessories Limited; tên giao dịch quốc tế là FOCAL);

6. Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thiết bị bưu chính viễn thông (tên gọi bằng tiếng Anh là Telecommunications Equipment Limited; tên giao dịch quốc tế là TELEQ).


1. Tên cũ xí nghiệp bê tông và xây lắp bưu điện.

2. Tên cũ là Công ty dịch vụ xuất nhập khẩu vật tư bưu điện.

3. Tên cũ là Công ty vật tư bưu điện khu vực 2.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 51-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu51-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/08/1995
Ngày hiệu lực01/08/1995
Ngày công báo15/01/1996
Số công báoSố 1
Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Công nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 51-CP phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị định 51-CP phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam
                Loại văn bảnNghị định
                Số hiệu51-CP
                Cơ quan ban hànhChính phủ
                Người kýVõ Văn Kiệt
                Ngày ban hành01/08/1995
                Ngày hiệu lực01/08/1995
                Ngày công báo15/01/1996
                Số công báoSố 1
                Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Công nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Nghị định 51-CP phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam

                        Lịch sử hiệu lực Nghị định 51-CP phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam

                        • 01/08/1995

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 15/01/1996

                          Văn bản được đăng công báo

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 01/08/1995

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực