Nghị định 55-CP hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thay thế bởi Nghị định 104/2012/NĐ-CP quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam và được áp dụng kể từ ngày 20/01/2013.
Nội dung toàn văn Nghị định 55-CP hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1996 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 55-CP NGÀY 01 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI VÀO THĂM NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam;
Căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1- Nghị định này quy định các hoạt động của tàu quân sự nước ngoài và các thành viên trên tàu trong thời gian vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Tàu quân sự là các tàu thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia hoặc tổ chức quân sự, mang dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của tàu quân sự thuộc quốc tịch nước đó hoặc tổ chức quân sự do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia, tổ chức đó chỉ huy. Người chỉ huy (thuyền trưởng) đó phải có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong một tài liệu tương đương và đoàn thuỷ thủ phải tuân theo các điều lệnh kỷ luật quân sự.
Điều 3- Các thuật ngữ trong Nghị định này được hiểu là:
1- Cảng bao gồm:
- Cảng biển mở ra theo Bộ luật hàng hải Việt Nam để tàu biển ra vào hoạt động.
- Cảng quân sự là cảng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý và hoạt động theo Quy chế cảng quân sự.
2. Hoạt động của tàu quân sự bao gồm: Ra, vào, trú đậu và làm các công việc khác trong thời gian đến thăm và neo đậu tại cảng.
3. Thành viên trên tàu quân sự là Trưởng Đoàn (nếu có) Thuyền trưởng, thuỷ thủ và những người khác cùng đi trên tàu.
Điều 4. Tàu quân sự nước ngoài vào thăm và hoạt động tại các càng Việt Nam phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định của Nghị định này và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng thời phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các lực lượng quản lý chuyên ngành tại cảng.
Chương 2:
QUY ĐỊNH HOẠT ĐÔNG CỦA TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI TẠI CẢNG VIỆT NAM
Điều 5. Tàu quân sự nước ngoài vào cảng Việt Nam để thực hiện các chuyến thăm gồm:
1. Thăm chính thức theo lời mời của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai Nhà nước do nguyên thủ quốc gia đi bằng tàu quân sự vào cảng Việt Nam.
2. Thăm xã giao nhằm mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và lực lượng quân đội hai quốc gia.
3. Thăm thông thường nhằm phối hợp huấn luyện, diễn tập, cung cấp vật liệu kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm hoặc cho thuỷ thủ được nghỉ ngơi.
Điều 6.
Tàu quân sự nước ngoài đến thăm phải được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ khi có thủ tục khác quy định trong Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với quốc gia có tàu.
2. Việc xin phép vào thăm của tàu quân sự (trừ tàu thăm chính thức) thực hiện qua đường ngoại giao chậm nhất là 30 ngày trước ngày dự kiến tàu vào cảng, (trừ khi có thủ tục khác đã được quy định trong Hiệp định hoặc thoả thuận giữa hai Chính phủ). Trong tờ khai xin phép cho tàu quân sự vào thăm Việt Nam phải ghi rõ:
- Tên tàu, loại tàu, số tàu, thông số kỹ thuật của tàu.
- Hình thức thăm (chính thức - thăm xã giao - thông thường).
- Cảng đến thăm.
- Thời gian đến cảng, thời hạn trú đậu.
- Tên, cấp bậc, chức vụ của thuyền trưởng đi trên tàu.
- Quân số của mỗi tàu về sĩ quan, hạ sĩ quan và những người cùng đi trên tàu.
- Số lượng người có quốc tịch khác với quốc tịch ở trên tàu.
- Thiết bị thông tin, tần số liên lạc đăng ký sử dụng trong thời gian vào thăm và hoạt động tại cảng.
- Đề nghị tiếp tế nhiên liệu, chương trình hoạt động và những yêu cầu khác của đoàn.
3. Sau khi được phép vào thăm, 48 giờ trước khi vào lãnh hải Việt Nam, thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo cho Bộ Quốc phòng Việt Nam (Cục đối ngoại) để tổ chức đón tiếp. Trường hợp trên tàu có sự thay đổi về nội dung đã ghi trong tờ khai nêu ở khoản 2, Điều 6 trên đây, thuyền trưởng phải báo cáo và xin phép qua đường ngoại giao để giải quyết trước khi tàu vào cảng.
4. Việc treo cờ của tàu quân sự nước ngoài khi đến Việt Nam, thực hiện theo thoả thuận qua đường ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu mang quốc tịch.
Điều 7. Khi đến lãnh hải Việt Nam để vào cảng, tàu quân sự nước ngoài phải thực hiện các quy định sau:
1. Tàu ngầm phải ở trạng thái nổi.
2. Tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu.
3. Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không và ở trạng thái bảo quản.
4. Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam.
5. Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm cho an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký.
6. Đến đúng cửa khẩu cảng theo tuyến đường và hành lang quy định.
Điều 8. Khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh phải xuất trình các loại giấy tờ sau:
1. Đối với tàu:
- Giấy đăng ký hoặc chứng từ quốc tịch tàu.
- Danh sách các thành viên trên tàu.
- Bản kê khai về hàng hoá (nếu có).
- Bản kê khai số lượng vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và các thiết bị quân sự khác trên tàu.
- Chương trình hoạt động của đoàn trong thời gian lưu tại cảng.
2. Đối với các thành viên trên tàu:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương.
Điều 9. Các hoạt động lễ tân và nghi thức trong thời gian tàu quân sự nước ngoài vào thăm phải theo đúng chương trình đã được thoả tuận trước. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý tàu quân sự nước ngoài trong thời gian hoạt động tại cảng và phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức đón tiếp.
Điều 10. Tàu quân sự nước ngoài vào thăm Việt Nam chỉ được neo đậu tại cảng đã được thoả thuận qua đường ngoại giao khi xin phép. Khi neo đậu tại cảng, tàu quân sự của cùng một nước không được trú đâu quá ba chiếc (03) trong cùng một thời gian và thời gian trú đậu không quá bảy ngày (07), trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
Điều 11. Trong thời gian neo đậu tại cảng, tàu quân sự nước ngoài phải tuân thủ quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam hoặc quy chế cảng quân sự. Mọi hoạt động của tàu, thành viên trên tàu phải thực hiện thống nhất theo chương trình, nếu phát sinh những hoạt động khác phải được phép của nhà chức trách có thẩm quyền ở cảng.
Điều 12. Thành viên trên tàu quân sự chỉ được đi bờ sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh và được phép của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng hoặc theo quy chế cảng quân sự. Nếu mang theo hàng hoá phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về Hải quan, Y tế, Kiểm dịch.
Khi đi bờ phải hoạt động theo đúng chương trình và nội quy đã được nhà chức trách Việt Nam thông báo.
Điều 13.- Tàu quân sự nước ngoài ra, vào, trú đậu tại cảng Việt Nam không được tiến hành các hoạt động sau:
1. Có những hoạt động nhằm chống lại độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiến hành các hoạt động tuyên truyền, thu thập tình báo và những hành vi khác, gây phương hại cho phòng thủ hay an ninh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Mang theo vũ khí giết người hàng loạt, các chất phóng xạ, chất độc, hoá học, chất ma tuý.
4. Tuyên truyền, phát tán tài liệu, sách báo, phim ảnh, văn hóa phẩm mà chưa được phép của Nhà nước Việt Nam.
5. Đưa người và hàng hoá lên hoặc xuống tàu trái với quy định của pháp luật Việt Nam về xuất, nhập cảnh trừ trường hợp cứu người bị nạn nhưng sau đó phải thông báo ngay cho nhà chức trách Việt Nam ở cảng.
6. Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu bất kỳ phương tiện bay hay khí tài quân sự mà chưa được phép của nhà chức trách Việt Nam.
7. Tiến hành trái phép các hoạt động nghiên cứu, đo đạc, đánh bắt hải sản, trao đổi mua bán hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc, cản trở giao thông vận tải, gây ô nhiễm môi trưởng, làm hư hại các thiết bị, công trình ở cảng.
8. Tự động di chuyển cặp mạn tàu khác, đi vào khu vực cấm.
9. Quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh đồ ở khu vực cấm.
10. Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực thi nhiệm vụ của nhà chức trách Việt Nam.
11. Có những hoạt động khác mà pháp luật Việt Nam cấm.
Chương 3:
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14.- Tàu quân sự nước ngoài vi phạm các quy định trong Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam sẽ giải quyết qua đường ngoại giao.
- Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài chịu trách nhiệm về những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên trên tàu gây ra trong thời gian hoạt động tại cảng Việt Nam.
- Thành viên của tàu quân sự nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ người được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ về ngoại giao).
Điều 15.- Thẩm quyền xử lý vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trước đây đối với tàu quân sự nước ngoài vào hoạt động tại các cảng của Việt Nam trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 17.- Bộ trưởng Bộ quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn Nghị định này.
Điều 18.- Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |