Nội dung toàn văn Nghị định 60-CP thống nhất quản lý kế hoạch sử dụng máy thi công của các Bộ, các ngành trong công tác kiến thiết cơ bản của Nhà nước
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 60-CP | Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1960 |
NGHỊ ĐỊNH
THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG MÁY THI CÔNG CỦA CÁC BỘ, CÁC NGÀNH TRONG CÔNG TÁC KIẾN THIẾT CƠ BẢN CỦA NHÀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để việc sử dụng lực lượng cơ giới thi công của các Bộ, các ngành được hợp lý, tránh lãng phí, và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong việc sử dụng máy;
Để tiến tới chuyên nghiệp hóa việc tổ chức quản lý máy thi công theo kỹ thuật chuyên môn của các Bộ, các ngành;
Theo đề nghị của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 18 tháng 10 năm 1960;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Nay thống nhất vào Ủy ban Kế hoạch Nhà nước việc quản lý kế hoạch sử dụng các loại máy thi công cỡ lớn và cỡ trung của các Bộ, các ngành. Những loại máy cỡ khác mà Ủy ban Kế hoạch Nhà nước không quản lý, các Bộ và các ngành phải có kế hoạch sử dụng hợp lý.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ấn định cụ thể các loại máy phải thực hiện thống nhất quản lý kế hoạch sử dụng theo nghị định này.
Điều 2. – Việc quản lý sử dụng máy thi công phải bảo đảm tận dụng hết công suất của máy, kết hợp với phương pháp thi công bán cơ giới, thi công thủ công và khả năng sẵn có của địa phương.
Điều 3. – Các Bộ, các ngành có trách nhiệm báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kế hoạch sử dụng các loại máy thuộc phạm vi thi hành nghị định này. Chế độ báo cáo do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định.
Điều 4. – Căn cứ vào kế hoạch kiến thiết cơ bản chung của Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu tổng hợp kế hoạch sử dụng máy của các Bộ, các ngành, cùng các Bộ, các ngành, lập kế hoạch sử dụng máy dựa theo những nguyên tắc như sau:
- Trường hợp có máy thừa chưa dùng đến, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quyết định điều động đến nơi thiếu.
- Trường hợp không có máy thừa, thì có thể điều chỉnh máy giữa các Bộ, các ngành , nhằm ưu tiên phục vụ các công trình trọng điểm và cấp bách.
- Trường hợp có công tác đột xuất mà không có mày thừa để bố trí, thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng các Bộ, các ngành, nghiên cứu và sắp xếp lại lịch thi công để đảm bảo kế hoạch và công tác đột xuất. Nếu công tác đột xuất đòi hỏi phải điều chỉnh kế hoạch kiến thiết cơ bản chung thì việc điều chỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Điều 5. - Tất cả các loại máy thi công đều phải được quản lý theo chế độ hạch toán kinh kế.
Các Bộ, các ngành có máy được điều động để thi công cho một Bộ, ngành khác sẽ được thanh toán theo phương thức cho thuê hay bao thầu.
Điều 6. - Mỗi khi có kế hoạch điều động máy các Bộ, các ngành chủ máy có trách nhiệm điều động máy của mình đến công trường với kíp máy, bao gồm thợ điều khiển, đồ phụ tùng và nhiên liệu cần thiết (nếu không phải là nhiên liệu thông thường).
Điều 7. – Các Bộ hay ngành được thuê máy phải tôn trọng nội quy về sử dụng và bảo quản máy của Bộ chủ máy.
Điều 8. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có nhiệm vụ cùng các Bộ, các ngành, nghiên cứu các chế độ cần thiết như: chế độ cho thuê và bao thầu máy, chế độ sử dụng máy, chế độ bảo quản máy và các định mức về năng suất và phí tổn sử dụng máy … để thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế cũng như để tận dụng công suất có hiệu suất của máy.
Để tránh tình trạng phân tán và sử dụng không hợp lý máy thi công và để bảo đảm tận dụng hết khả năng công suất của máy, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có nhiệm vụ cùng các Bộ, các ngành, nghiên cứu tiến tới chuyên nghiệp hóa việc tổ chức quản lý máy thi công theo kỹ thuật chuyên nghiệp của Bộ và ngành.
Điều 9. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, các ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.
Điều 10. - Nghị định này thi hành kể từ ngày 18-10-1960.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |