Nội dung toàn văn Nghị định 82-CP phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 82-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1963 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CHIA CÁC NGÀNH TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ nhu cầu công tác kế hoạch nền kinh tế quốc dân và để thống nhất việc tính toán trong công tác kế hoạch và thống kê, thống nhất việc tính toán giữa các loại hạch toán kế toán, hạch toán thống kê và hạch toán nghiệp vụ;
Căn cứ trình độ phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc nước ta hiện nay;
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 1962 và ngày 21 tháng 02 năm 1963,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Nay tạm thời chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân thành hai khu vực:
1. Khu vực các ngành sản xuất vật chất;
2. Khu vực các ngành không sản xuất vật chất.
A) Các ngành sản xuất vật chất gồm có:
1. Ngành công nghiệp,
2. Ngành nông nghiệp,
3. Ngành lâm nghiệp,
4. Ngành xây dựng cơ bản,
5. Ngành vận tải hàng hóa,
6. Ngành bưu điện và liên lạc phục vụ sản xuất,
7. Ngành thu mua,
8. Ngành thương nghiệp và ăn uống công cộng,
9. Ngành cung cấp vật tư kỹ thuật và tiêu thụ tư liệu sản xuất,
10. Ngành sản xuất vật chất khác.
B) Các ngành không sản xuất vật chất gồm có:
1. Ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt,
2. Ngành vận tải, bưu điện và liên lạc phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ các ngành không sản xuất vật chất,
3. Ngành y tế, thể dục thể thao, bảo hiểm xã hội,
4. Ngành giáo dục, văn hóa, nghệ thuật,
5. Ngành khoa học và công tác phục vụ khoa học,
6. Ngành tín dụng và cơ quan bảo hiểm Nhà nước;
7. Ngành các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị và xã hội.
Điều 2. – Ông Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê có trách nhiệm quy định cụ thể việc phân ngành kinh tế quốc dân, hướng dẫn các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành.
Điều 3. – Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ vào tinh thần nghị định này, vào chức năng chủ yếu và hoạt động thực tế của từng tổ chức, đơn vị, cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình để sắp xếp các tổ chức, đơn vị và cơ quan ấy vào các ngành thích hợp. Việc sắp xếp phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục thống kê.
Điều 4. – Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1963.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |