Nội dung toàn văn Nghị định 87-HĐBT đổi tên Viện Nghiên cứu hạt nhân thành viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87-HĐBT | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1984 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 87-HĐBT NGÀY 11-6-1984 VỀ VIỆC ĐỔI TÊN VIỆN NGHIÊN CỨU HẠT NHÂN THÀNH VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ QUỐC GIA.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ngày 26 tháng 4 năm 1984 về Viện Nghiên cứu hạt nhân;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1.- Nay đổi tên Viện nghiên cứu hạt nhân được thành lập theo Nghị định số 59-CP ngày 23-2-1979 của Hội đồng Chính phủ thành Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia.
Điều 2.- Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1. Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định phương hướng, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân ở nước ta, bao gồm cả kế hoạch phát triển điện nguyên tử và ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ trong nền kinh tế quốc dân.
2. Giúp Hội đồng Bộ trưởng quản lý và chỉ đạo việc thực hiện các kế hoạch và chương trình phát triển ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân, áp dụng các thành tựu và tiến bộ khoa học và kỹ thuật hạt nhân vào sản xuất và đời sống.
3. Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao, các quy chế, điều lệ liên quan đến ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân, nhất là các quy chế về an toàn hạt nhân và bảo vệ phóng xạ, cùng với các cơ quan có trách nhiệm khác của Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Lao động v.v...) tổ chức chỉ đạo, quản lý và kiểm tra việc thực hiện các quy chế, điều lệ ấy.
4. Quản lý thống nhất các khâu quan trọng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý việc cung cấp và sử dụng các dạng nguyên liệu và nhiên liệu hạt nhân, theo dõi kiểm tra việc chuyên chở, bảo quản, sử dụng các dạng nguyên liệu và nhiên liệu hạt nhân.
5. Trực tiếp quản lý một số cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cơ sở sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị hạt nhân.
6. Tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho ngành khoa học kỹ thuật hạt nhân.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật hạt nhân, giao dịch và hợp tác với các tổ chức của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước khác và tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật hạt nhân, theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
8. Quản lý tổ chức và biên chế, kinh phí và tài sản của viện, theo chính sách và chế độ chung của Nhà nước.
9. Là một đơn vị kế hoạch.
10. Viện được sử dụng con dấu riêng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của viện bao gồm:
1. Văn phòng
2. Ban tổ chức cán bộ,
3. Ban kế hoạch và hợp tác quốc tế.
4. Ban kỹ thuật hạt nhân và an toàn phóng xạ.
5. Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
6. Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh.
7. Trung tâm vật liệu hạt nhân.
8. Những cơ sở nghiên cứu, quản lý và sản xuất thuộc diện quản lý của viện, tuỳ theo tình hình phát triển của ngành hạt nhân .
Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị nói trên do viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia quy định theo tinh thần gọn nhẹ, có hiệu quả thiết thực.
Điều 4: Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia do một viện trưởng phụ trách, giúp việc viện trưởng có một số phó viện trưởng.
Điều 5: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 59-CP ngày 23 tháng 2 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ và những quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 6: Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |