Nghị định 95/1998/NĐ-CP

Nghị định 95/1998/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã được thay thế bởi Nghị định 116/2003/NĐ-CP tuyển sử dụng quản lý cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và được áp dụng kể từ ngày 29/10/2003.

Nội dung toàn văn Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức


CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 95/1998/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Pháp lệnh Cán bộ, công chức ban hành ngày 26 tháng 2 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công chức nói tại Nghị định này bao gồm những người đã được quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Cụ thể là:

1 - Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan sau đây:

a) Văn phòng Chủ tịch nước;

b) Văn phòng Quốc hội

c) Cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Toà án nhân dân, Viện Kiểm sat nhân dân các cấp;

đ) Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

e) Trường học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước:

g) Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Nhà nước:

h) Thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá của Nhà nước:

i) Các tổ chức sự nghiệp khác của Nhà nước:

2 - Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Điều 2. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1 - "Ngạch" chỉ chức danh công chức. Mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có tiêu chuẩn riêng;

2 - "Bậc" là chỉ số tiền lương trong ngạch;

3 - "Nâng ngạch" là nâng từ ngạch thấp lên ngạch cao;

4- "Chuyển ngạch" là chuyển từ ngạch công chức theo ngành chuyên môn này sang ngạch công chức theo ngành chuyên môn khác có trình độ tương đương;

5 - "Tuyển dụng" là việc tuyển người vào cơ quan Nhà nước sau khi đã đạt kết quả của kỳ thi tuyển;

6- "Bổ nhiệm" là quyết định xếp ngạch công chức chính thức cho người đạt yêu cầu tập sự, người đạt kỳ thi nâng ngạch và công chức lãnh đạo;

7 - "Cơ quan sử dụng công chức" là cơ quan trực tiếp quản lý và tổ chức cho công chức làm việc;

8 - " Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức" là cơ quan được phân cấp để quản lý các ngạch công chức;

9 - "Điều động" là chuyển công chức từ cơ quan, đơn vị này sang làm việc ở một cơ quan, tổ chức, đơn vị khác;

10- " Biệt phái" là việc cử công chức đến làm việc tại cơ quan, tổ chức đơn vị khác trong một thời hạn nhất định theo yêu cầu nhiệm vụ, công cụ;

11- "Thời gian tập sự" là thời gian mà người được tuyển dụng sau khi thi tuyển tập làm các chức trách, nhiệm vụ của ngạch mà công chức sẽ được bổ nhiệm.

Điều 3. Công chức được phân loại như sau:

1 - Phân loại theo trình độ đào tạo gồm có:

a) Công chức loại A là những công chức có trình độ đào tạo chuyên môn từ bậc đại học trở lên;

b) Công chức loại B là những công chức có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng;

c) Công chức loại C là những công chức có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc sơ cấp;

d) Công chức loại D là những công chức có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậ dưới sơ cấp.

2 - Phân loại theo vị trí công tác gồm có:

a) Công chức lãnh đạo (chỉ huy và điều hành);

b) Công chức chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 4. Việc phân cấp quản lý công chức phải căn cứ vào ngạch công chức và theo sự phân loại quy định taị Điều 3 của Nghị định này.

Chương 2:

TUYỀN DỤNG, SỬ DỤNG CÔNG CHỨC

MỤC 1: ĐIỀU KIỆN TUYỂN DỤNG

Điều 5.

1 - Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, có vị trí công tác và theo chỉ tiêu biên chế được giao.

Người được tuyển dụng phải có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch tuyển vào và các điều kiện quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

2 - Hàng năm, các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch tuyển dụng đề nghị với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trong chỉ tiêu biên chế mà Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được giao.

Điều 6. Người muốn được dự tuyển dụng vào ngạch công chức phải có đủ các điều kiện sau:

1 - Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

2 - Tuổi đời dự tuyển đối với nam phải từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi; đối với nữ từ 18 tuổi đến 35 tuổi. Trường hợp người dự tuyển đã là sĩ quan trong lực lượng vũ trang hoặc là viên chức trong doanh nghiệp Nhà nước, thì tuổi dự tuyển có thể cao hơn;

3 - Có đơn xin dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có các văn bằng, chứng chỉ đào tạo theo yêu cầu trình độ của ngạch dự tuyển;

4 - Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công vụ;

5 - Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 7. Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện phục vụ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, thương binh, con liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, những người tốt nghiệp ở các bậc đào tạo chuyên môn đạt loại giỏi được ưu tiên trong việc tuyển dụng.

MỤC 2: TỔ CHỨC THI TUYỂN

Điều 8. Việc tuyển dụng công chức phải thông qua kỳ thi theo quy chế thi tuyển. Người không qua thi tuyển công chức không được tuyển dụng vào biên chế trong cơ quan quy định taị khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

Điều 9. Trước 30 ngày tổ chức thi tuyển, các cơ quan phải thông báo công khai về điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng cần tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để mọi người biết và đăng ký dự thi.

Điều 10. Nội dung thi tuyển công chức vào các ngạch công chức theo ngành chuyên môn do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành chuyên môn xây dựng và ban hành, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 11. Trong thời gian chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ thi tuyển, cơ quan tổ chức thi tuyển phải công bố kết quả thi và thông báo cho người dự thi biết.

Điều 12. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có trách nhiệm ban hành quy chế thi tuyển, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thi tuyển.

MỤC 3: TUYỂN DỤNG, NHẬN VIỆC

Điều 13. Trong thời hạn chậm nhất 30 ngày sau khi công bố kết quả thi, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng ra quyết định tuyển dụng và xếp lương theo đúng quy định về tiêu chuẩn, ngạch, bậc của công chức và báo cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ kết quả thi, danh sách xếp ngạch, bậc lương của người được tuyển dụng.

Điều 14. Người được tuyển dụng phải thuộc chỉ tiêu biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phân bổ và phải có số điểm của mỗi phần thi đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10. Người trúng tuyển là người được tính từ tổng số điểm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu biên chế.

Điều 15. Trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng phải đến cơ quan nhận việc, nếu trong quyết định tuyển dụng không quy định thời hạn khác.

Trường hợp người được tuyển dụng có những lý do chính đáng mà không thể nhận việc đúng thời hạn thì phải làm đơn đề nghị gia hạn thời gian nhận việc và phải được cơ quan sử dụng công chức đồng ý.

Trường hợp người có quyết định tuyển dụng đến nhận việc chậm quá thời hạn nói trên và không có lý do chính đáng, thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyển dụng.

MỤC 4: TẬP SỰ, BỔ NHIỆM

Điều 16. Người được tuyển dụng vào công chức phải qua thời gian tập sự. Thời gian tập sự được tính từ ngày người được tuyển dụng nhận việc:

1 - Đối với công chức loại A, thời gian tập sự là 12 tháng, riêng công chức là bác sĩ thì thời gian tập sự là 9 tháng;

2 - Đối với công chức loại B, thời gian tập sự là 6 tháng;

3 - Đối với công chức loại C, thời gian tập sự là 3 tháng.

Điều 17.

1 - Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm hướng dẫn cho người tập sự về chức năng, nhiệm vụ, nội quy, quy chế của cơ quan; mối quan hệ giữa các đơn vị trong cơ quan và cơ quan liên quan;

2 - Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm cử một công chức cùng ngạch, có năng lực và kinh nghiệm về nghiệp vụ hướng dẫn người tập sự.

Điều 18.

1 - Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% hệ số lương khởi điểm của ngạch được tuyển dụng và các quyền lợi khác như công chức trong cơ quan.

2 - Người được tuyển dụng làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm, thì trong thời gian tập sự được hưởng 100% hệ số lương khởi điểm của ngạch được tuyển và được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định chung.

3 - Công chức được cơ quan, tổ chức, đơn vị phân công hướng dẫn người tập sự quy định tại khoản 4 Điều 17 của Nghị định này được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu trong thời gian hướng dẫn người tập sự.

Điều 19.

1 - Hết thời gian tập sự, người tập sự phải làm báo cáo kết quả tấp sự; người hướng dẫn tập sự phải có bản nhận xét, đánh giá kết quả đối với người tập sự, báo cáo với sơ quan sử dụng công chức.

2 - Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Nếu người tấp sự đạt yêu cầu của ngạch, thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm chính thức vào ngạch.

3 - Trong trường hợp người tập sự không đạt yêu cầu của ngạch, thì người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức huỷ bỏ quyết định tuyển dụng.

Điều 20. Trong thời gian tấp sự, nếu người tấp sự vi phạm quy chế làm việc của cơ quan và quy định của pháp luật, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyển dụng.

Điều 21. Sau thời gian tập sự, nếu người tập sự không được bổ nhiệm vào ngạch, thì được trợ cấp 01 tháng lương hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi thường trú.

MỤC 5: NÂNG NGẠCH, CHUYỂN NGẠCH

Điều 22. Việc nâng ngạch công chức phải thông qua kỳ thi nâng ngạch theo quy định.

Điều 23.

1- Việc xét thi nâng ngạch cho công chức phải căn cứ vào nhu cầu, vị trí công tác của cơ quan nơi công chức đang làm việc.

2 - Công chức tham gia thi nâng ngạch phải có đủ các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng và các điều kiện cần thiết khác theo quy định ở ngạch dự thi và được Hội đồng sơ tuyển của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử tham gia kỳ thi.

Điều 24. Hàng năm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thi nâng ngạch và gửi về Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ để phân bổ chỉ tiêu dự thi.

Điều 25.

1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng sơ tuyển để đánh giá phẩm chất đạo đức, thành tích công tác và khả năng chuyên môn công chức để cử công chức dự kỳ thi nâng ngạch.

2 - Hội đồng sơ tuyển có 05 hoặch 07 thành viên, bao gồm:

a) Ở các cơ quan Trung ương:

Chủ tịch Hội đồng là một lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (hoặc tương đương) của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

Các Uỷ viên Hội đồng gồm một số Vụ trưởng Vụ chuyên ngành thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

b) Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chủ tịch Hội đồng là một lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Phó chủ tịch Hội đồng là Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Uỷ viên gồm một số Giám đốc Sở chuyên ngành (hoặc tương đương) của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 26. Trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày công bố kết quả kỳ thi nâng ngạch, công chức trúng tuyển được bổ nhiệm vào ngạch trúng tuyển và được xếp hệ số lương của ngạch đó.

Điều 27.

1 - Công chức chuyển từ ngạch chuyên môn này sang ngạch chuyên môn khác hoặc những viên chức làm việc ở doanh nghiệp Nhà nước được tuyển dụng và xếp lương vào ngạch công chức trước khi ban hành Nghị định 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp mà được tiếp nhận vào cơ quan thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, thì phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch chuyển đến và trong chỉ tiêu biên chế được phân bổ của cơ quan.

2- Cơ quan sử dụng công chức khi tiếp nhận công chức chuyển ngạch phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của công chức. Nếu công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch mới, thì cơ quan sử dụng công chức tiếp nhận, ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bổ nhiệm.

3- Hội đồng kiểm tra có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

 Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan;

Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu bộ phận tổ chức cán bộ cơ quan;

Các Uỷ viên Hội đồng gồm một số lãnh đạo bộ phận chuyên môn, một số công chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ công tác ở cùng ngạch hoặc ngạch cao hơn.

4- Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ:

Xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của ngạch mới, văn bản đánh giá nhận xét quá trình công tác của cơ quan cũ.

Phỏng vấn công chức chuyển ngạch về hiểu biết, nhận thức về chính trị, xã hội, chuyên môn;

Kiểm tra người chuyển ngạch viết văn bản quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ của ngạch;

Hội đồng kiểm tra họp đánh giá kết quả; nếu xét thấy công chức đạt yêu cầu thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bổ nhiệm vào ngạch.

5- Khi xét chuyển ngạch không được kết hợp nâng bậc, nâng ngạch.

MỤC 6: ĐIỀU ĐỘNG, BIỆT PHÁI

Điều 28.

1- Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức có quyền điều động công chức đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương hoặc địa phương theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ.

2- Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp:

a) Tăng cường, bổ sung cho cơ quan, tổ chức, đơn vị về số lượng, chất lượng đội ngũ công chức để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Thực hiện việc luân chuyển công chức giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực theo quy hoạch đội ngũ công chức.

Khi điều động công chức cần chú ý xem xét tới hoàn cảnh gia đình và bản thân công chức được điều động.

3- Công chức được điều động về làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi, còn được hưởng một số chính sách khuyến khích khác theo quy định chung của nhà nước.

Điều 29.

1 - Do yêu cầu nhiệm vụ, công vụ, cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức cử biệt phái công chức đến làm việc có thời hạn ở một cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Thời hạn cử biệt phái không quá 3 năm.

2- Việc cử biệt phái công chức được thực hiện trong các trường hợp:

a) Do có những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách mà chưa có khả năng điều động công chức;

b) Do có những công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

3- Công chức được cử biệt phái chịu sự phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến. Cơ quan, tổ chức cử biệt phái công chức có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức biệt phái.

4- Công chức được cử biệt phái đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước.

5- Việc đánh giá công chức biệt phái do cơ quan sử dụng công chức thực hiện. Văn bản đánh giá công chức biệt phái được gửi về cơ quan cử biệt phái để lưu vào hồ sơ cá nhân.

Điều 30. Công chức đảm nhận các nhiệm vụ sau đây khi không đảm nhận nhiệm vụ, được bố trí công tác theo năng lực, sở trường, ngành, nghề chuyên môn của mình và được bảo đảm các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật:

1- Được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức vụ theo nhiệm kỳ ở các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp.

2- Được bầu giữ các chức vụ chuyên trách ở các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân tập thể Việt nam, Hội cựu chiến binh;

3- Được bổ nhiệm vào các chức vụ là thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước;

4- Thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chương 3:

QUẢN LÝ CÔNG CHỨC

Điều 31. Ban tổ chức - Cán bộ chính phủ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý về công chức có nhiệm vụ:

1- Xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh về công chức để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành;

2- Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức;

3 - Xây dựng trình Chính phủ ban hành chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ khác đối với công chức;

4- Quản lý về số lượng, bổ nhiệm, xếp lương và nâng bậc lương đối với công chức cao cấp (chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương);

5- Ban hành các quy chế thi tuyển, thi nâng ngạch và quy chế đánh giá công chức;

6- Ban hành, sửa đổi, bổ sung các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức theo đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

7- Xây dựng chỉ tiêu biên chế trình Thủ tướng Chính phủ và quản lý số lượng biên chế công chức thuộc Chính phủ quản lý trong cả nước.

8- Chủ trì tổ chức việc thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương khác;

9- Tổ chức việc thống kê công chức trong cả nước;

10- Thanh tra, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở thi hành các quy định của Nhà nước về công chức;

11- Chỉ đạo, tổ chức giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với công chức theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 32. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ:

1- Quản lý về số lượng, bổ nhiệm, xếp lương và nâng bậc lương đối với công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống;

2- Xây dựng và đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức theo ngành chuyên môn và hướng dẫn việc thực hiện ;

3- Tổ chức việc thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định của Chính phủ;

4- Tổ chức thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, từ cán sự lên chuyên viên, từ chuyên viên lên chuyên viên chính và các ngạch tương đương khác;

5- Phân bổ chỉ tiêu, quản lý biên chế, quỹ tiền lương và thực hiện các chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc các tổ chức do Bộ, ngành trực tiếp quản lý;

6- Tổ chức việc thống kê ngạch công chức ngành chuyên môn trong cả nước và công chức thuộc các tổ chức do Bộ, ngành trực tiếp quản lý;

7- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước về công chức thuộc ngành chuyên môn trong cả nưóc và công chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành;

8- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 33. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao quản lý các ngạch công chức theo ngành chuyên môn như sau:

1- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Hành chính, ngành Lưu trữ;

2- Thanh tra Nhà nước quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành thanh tra;

3- Bộ Tài chính quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Tài chính;

4- Bộ Tư pháp quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Tư pháp;

5- Ngân hàng Nhà nước quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Ngân hàng;

6- Tổng cục Hải quan quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Hải Quan;

7- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Nông nghiệp, Kiểm lâm, Thuỷ lợi;

8- Bộ Xây dựng quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Xây dựng;

9- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Khoa học kỹ thuật;

10- Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Khí tượng thuỷ văn;

11- Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Giáo dục đào tạo;

12- Bộ Y tế quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Y tế;

13 - Bộ Văn hoá thông tin quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Văn hoá thông tin;

14- Uỷ ban Thể dục thể thao quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Thể dục thể thao;

15- Cục Dự trữ quốc gia quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Dự trữ quốc gia.

Điều 34. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được Chính phủ giao quản lý ngạch công chức theo ngành chuyên môn quy định tại Điều 33 của Nghị định này có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ:

1- Nội dung thi tuyển công chức vào ngạch chuyên môn;

2- Nội dung thi nâng ngạch công chức của các ngạch chuyên môn quy định tại khoản 4 Điều 32 của Nghị định này;

3- Nội dung và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng công chức các ngạch chuyên môn;

4- Nội dung và tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo ngành chuyên môn do Bộ, ngành quản lý.

Điều 35. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có nhiệm vụ:

1- Tổ chức quản lý công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống;

2- Phân bổ chỉ tiêu, quản lý biên chế và quỹ tiền lương công chức thuộc tỉnh;

3- Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc tỉnh;

4- Tổ chức việc thi tuyển công chức, thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, từ cán sự lên chuyên viên và các ngạch tương đương khác theo quy chế chung và nội dung thi của các Bộ quản lý ngạch công chức theo các ngành chuyên môn;

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định chung;

5- Tổ chức thống kê công chức thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;

6- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước về công chức thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;

7- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức thuộc phạm vi tỉnh quản lý theo quy định của Pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 36. Cơ quan sử dụng công chức có nhiệm vụ:

1- Tổ chức sử dụng và phân công công chức đúng ngạch, vị trí công việc và thực hiện nghiêm chỉnh các Điều 16, 17, 18, 19 và 21 của Nghị định này.

2- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công chức, các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với công chức;

3- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức các yêu cầu về tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, biệt phái, để ra ngoài ngạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức trong cơ quan;

4- Đánh giá công chức thuộc quyền sử dụng theo quy định;

5- Thanh tra, kiểm tra công chức về việc thực hiện các quy định tại Chương III của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;

6- Thống kê và báo cáo tình hình công chức thuộc quyền quản lý cho cơ quan quản lý công chức cấp trên theo quy định;

7- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức thuộc phạm vi cơ quan quản lý;

8- Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật công chức theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

Điều 37. Cơ quan sử dụng công chức lập và lưu giữ hồ sơ cá nhân của công chức. Mọi diễn biến trong quá trình công tác của công chức từ khi được tuyển dụng, bổ nhiệm đến khi thôi làm việc phải được thể hiện và lưu tại hồ sơ công chức.

Việc lập và lưu giữ hồ sơ công chức theo hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38.

1- Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2- Nghị định này thay thế Nghị định số 24/CP ngày 8 tháng 11 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tuyển dụng công nhân, viên chức Nhà nước và Quyết định số 256/TTg ngày 15 tháng 7 năm 1975 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tập sự đối với người được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước.

Điều 39. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 95/1998/NĐ-CP

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu95/1998/NĐ-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành17/11/1998
Ngày hiệu lực02/12/1998
Ngày công báo31/12/1998
Số công báoSố 36
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Lao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 29/10/2003
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 95/1998/NĐ-CP

Lược đồ Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức


Văn bản bị đính chính

    Văn bản được hướng dẫn

    Văn bản hiện thời

    Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
    Loại văn bảnNghị định
    Số hiệu95/1998/NĐ-CP
    Cơ quan ban hànhChính phủ
    Người kýPhan Văn Khải
    Ngày ban hành17/11/1998
    Ngày hiệu lực02/12/1998
    Ngày công báo31/12/1998
    Số công báoSố 36
    Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Lao động - Tiền lương
    Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 29/10/2003
    Cập nhật7 năm trước

    Văn bản được căn cứ

    Văn bản hợp nhất

      Văn bản gốc Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

      Lịch sử hiệu lực Nghị định 95/1998/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức