Nội dung toàn văn Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước tra tấn đối xử đối xử tàn ác vô nhân đạo 2002
NGHỊ ĐỊNH THƯ
KHÔNG BẮT BUỘC BỔ SUNG CÔNG ƯỚC TRA TẤN HOẶC CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HAY TRỪNG PHẠT TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HAY HẠ NHỤC, 2002
(Được thông qua ngày 18/12/2002 tại khóa họp thứ 57 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết A/RES/57/199. Đề ngỏ cho việc ký kết, phê chuẩn và gia nhập, từ ngày 4/2/2003 (ngày mà bản gốc của Nghị định thư này được xác lập) tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York).
LỜI NÓI ĐẦU
Các Quốc gia thành viên của Nghị định thư này,
Khẳng định lại rằng, tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình bị cấm và cấu thành những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.
Tin tưởng rằng, cần có nhiều biện pháp hơn nữa để đạt được những mục đích của Công ước Chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là Công ước) và để tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do chống lại tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.
Nhắc lại rằng, các Điều 2 và 16 của Công ước yêu cầu mỗi Quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn những hành động tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình trên phạm vi bất kỳ lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền của quốc gia đó.
Thừa nhận rằng, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện những điều khoản trên, rằng tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do và tôn trọng triệt để các quyền con người của họ là trách nhiệm chung được tất cả mọi người chia sẻ, và rằng các cơ quan thực hiện quốc tế bổ sung và tăng cường các biện pháp quốc gia.
Nhắc lại rằng, ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình đòi hỏi phải có giáo dục và sự kết hợp của nhiều biện pháp lập pháp, hành chính và tư pháp và các biện kháp khác.
Nhắc lại thêm rằng, Hội nghị Thế giới về Quyền con người đã tuyên bố chắc chắn rằng những nỗ lực nhằm xóa bỏ tra tấn trước hết và trên hết cần được tập trung vào ngăn chặn và kêu gọi thông qua Nghị định thư lựa chọn này của Công ước, với mục đích nhằm thiết lập một cơ chế phòng ngừa bằng các chuyến thăm định kỳ đến những nơi giam giữ.
Tin tưởng rằng, việc bảo vệ những người bị tước mất tự do chống lại tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình có thể được tăng cường bằng những hình thức phi tư pháp có tính phòng ngừa, trên cơ sở những chuyến thăm định kỳ đến những nơi giam giữ.
Đã nhất trí như sau:
PHẦN 1: NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1.
Mục tiêu của Nghị định thư này nhằm thiết lập một cơ chế các chuyến thăm định kỳ của các cơ quan quốc gia và quốc tế độc lập đến những nơi, những người bị tước mất tự do, để ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.
Điều 2.
1. Tiểu ban về Phòng chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là Tiểu ban Phòng chống) sẽ được thành lập và sẽ tiến hành các chức năng được đề ra trong nghị định thư này.
2. Tiểu ban Phòng chống sẽ tiến hành hoạt động theo khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc và sẽ được chỉ đạo theo những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về đối xử với những người bị tước mất tự do.
3. Tương tự, Tiểu ban Phòng chống sẽ được chỉ đạo bằng những nguyên tắc bảo mật, không thiên vị, không lựa chọn, phổ quát và khách quan.
4. Tiểu ban Phòng chống và các Quốc gia thành viên sẽ hợp tác trong việc thực hiện nghị định thư này.
Điều 3.
Mỗi Quốc gia thành viên sẽ thành lập, chỉ định hoặc duy trì ở cấp quốc gia một hoặc một vài cơ quan thường xuyên tổ chức các chuyến thăm để ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là cơ chế phòng ngừa quốc gia).
Điều 4.
1. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ cho phép các cơ chế được đề cập tại các Điều 2 và 3 ở trên đến thăm bất kỳ nơi nào thuộc thẩm quyền và kiểm soát của quốc gia đó, nơi những người bị hoặc có thể bị tước mất tự do, trên cơ sở hoặc là theo lệnh của một cơ quan công quyền hoặc theo thỏa thuận, hoặc được đồng ý hay chấp nhận (sau đây gọi là những nơi giam giữ), phù hợp với nghị định thư này. Các chuyến thăm viếng này sẽ được thực hiện nhằm tăng cường, nếu cần thiết, bảo vệ những người này chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.
2. Trong phạm vi của Nghị định thư này, “tước mất tự do” có nghĩa là mọi hình thức giam giữ hay tù giam hoặc đặt một người trong môi trường quản giám công hoặc tư mà người này không được phép rời khỏi nơi đó nếu không có lệnh của một cơ quan tư pháp, hành chính hay có thẩm quyền khác.
PHẦN II: TIỂU BAN PHÒNG CHỐNG
Điều 5.
1. Tiểu ban Phòng chống sẽ gồm 10 thành viên. Tiếp theo sau văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 50 vào Nghị định thư này, số thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ tăng đến 25.
2. Các thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được lựa chọn trong số những người phẩm chất đạo đức cao, chứng minh được có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, đặc biệt về luật hình sự, quản lý nhà lao hoặc cảnh sát, hoặc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến đối xử với những người bị tước mất tự do.
3. Trong quá trình cơ cấu Tiểu ban Phòng chống, cần quan tâm thỏa đáng đến sự phân bổ có thể đồng đều về mặt địa lý và sự đại diện của các nền văn minh khác nhau cũng như các hệ thống pháp lý của các Quốc gia thành viên.
4. Trong cơ cấu này, cần quan tâm đến đại diện cân bằng giới trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt.
5. Không có hai thành viên của Tiểu ban Phòng chống là công dân của cùng một quốc gia.
6. Các thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ phục vụ theo năng lực cá nhân, độc lập và khách quan, và luôn sẵn sàng phục vụ Tiểu ban có hiệu quả.
Điều 6.
1. Mỗi Quốc gia thành viên có thể đề cử, phù hợp với khoản 2 của điều này, tới 2 ứng cử viên có những tiêu chuẩn và đáp ứng những yêu cầu quy định tại Điều 5, khi đề cử thì cung cấp thông tin chi tiết về những phẩm chất của những người định đề cử.
a. Những người được đề cử có quốc tịch của một Quốc gia thành viên của Nghị định thư này;
b. Ít nhất một trong số hai ứng cử viên có quốc tịch của Quốc gia thành viên đề cử;
e. Không đề cử quá 2 công dân của một Quốc gia thành viên;
đ. Trước khi một Quốc gia thành viên đề cử một công dân của một quốc gia khác, cần xin và được sự đồng ý của Quốc gia thành viên đó;
2. Ít nhất 5 tháng trước ngày họp của các Quốc gia thành viên, trong đó sẽ tổ chức bầu cử, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi thư đến các Quốc gia thành viên mời đệ trình những đề cử của họ trong vòng 3 tháng.
Tổng Thư ký sẽ đệ trình một danh sách, theo thứ tự chữ cái, những người đã được đề cử, nêu rõ các Quốc gia thành viên đã đề cử họ.
Điều 7.
1. Các thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được bầu theo cách thức sau:
a. Cơ bản xét việc đáp ứng những yêu cầu và tiêu chí tại Điều 5 của Nghị định thư này;
b. Bầu cử lần đầu sẽ được tổ chức không quá 6 tháng kể từ ngày Nghị định thư này có hiệu lực.
c. Các Quốc gia thành viên sẽ bầu các thành viên của Tiểu ban Phòng chống bằng phiếu kín;
d. Các cuộc bầu cử thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được tổ chức tại các cuộc họp hai năm một lần của các Quốc gia thành viên do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tổ chức. Tại các cuộc họp này, trong đó bắt buộc phải có 1/3 số Quốc gia thành viên, những người được bầu vào Tiểu ban Phòng chống sẽ là những người nhận được số phiếu nhiều nhất và tuyệt đại đa số phiếu của đại diện của các Quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.
2. Nếu trong quá trình bầu cử, hai công dân của một Quốc gia thành viên đều có đủ điều kiện để phục vụ làm thành viên của Tiểu ban Phòng chống, ứng cử viên nào nhận được số phiếu cao hơn sẽ phục vụ làm thành viên của Tiểu ban Phòng chống. Trong trường hợp cả hai công dân nhận được số phiếu tương đương nhau thì sẽ áp dụng thủ tục sau:
a. Trong trường hợp chỉ có một người được Quốc gia thành viên mà người đó là công dân đề cử, công dân đó sẽ phục vụ làm thành viên của Tiểu ban Phòng chống;
b. Trong trường hợp cả hai ứng cử viên được Quốc gia thành viên mà họ đều là công dân của quốc gia đó đề cử, sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu kín riêng để quyết định công dân nào sẽ là thành viên;
c. Trong trường hợp cả hai ứng cử viên đều không do Quốc gia thành viên mà họ là công dân đề cử, sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu kín riêng để quyết định ứng cử viên nào sẽ là thành viên.
Điều 8.
Nếu, một thành viên của Tiểu ban Phòng chống chết hoặc từ chức, hoặc vì bất kỳ lý do gì khiến không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình nữa, Quốc gia thành viên đã đề cử thành viên đó sẽ đề cử một người khác có năng lực hội đủ những phẩm chất và đáp ứng những yêu cầu quy định lại Điều 5, lưu ý nhu cầu cân bằng hợp lý giữa các lĩnh vực liên quan, để phục vụ cho đến cuộc họp tới của các Quốc gia thành viên, được đa số Quốc gia thành viên phê chuẩn. Công việc phê chuẩn sẽ được tiến hành trừ khi một nửa hoặc quá bán Quốc gia thành viên không trả lời trong vòng 6 tuần kể từ khi được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thông báo về kiến nghị bổ nhiệm.
Điều 9.
Các thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được bầu phục vụ một nhiệm kỳ 4 năm. Họ có thể được bầu lại một lần nữa nếu được đề cử
Nhiệm kỳ của một nửa số thành viên được bầu lần đầu sẽ kết thúc sau hai năm; ngay sau lần bầu cử đầu tiên, tên của những thành viên đó sẽ được Chủ tọa cuộc họp chọn như đã đề cập tại Điều 7, khoản l (d).
Điều 10.
1. Tiểu ban Phòng chống sẽ bầu các cán bộ phục vụ một nhiệm kỳ 2 năm. Họ có thể được bầu lại.
2. Tiểu ban Phòng chống sẽ xây dựng các quy tắc thủ tục riêng.
Những quy tắc này sẽ quy định nhiều vấn đề, trong đó:
a. Một nửa thành viên cộng một sẽ tạo thành số thành viên hợp lệ;
b. Các quyết định của Tiểu ban Phòng chống sẽ được ban hành theo đa số phiếu các thành viên có mặt;
c. Tiểu ban Phòng chống sẽ họp công khai.
3. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Phòng chống. Sau cuộc họp đầu tiên này, các lần họp sau của Tiểu ban Phòng chống sẽ được tổ chức theo quy định tại quy tắc thủ tục của Tiểu ban. Tiểu ban Phòng chống và Ủy ban Chống tra tấn sẽ tổ chức các kỳ họp cùng thời điểm ít nhất một năm một lần.
PHẦN III: NHIỆM VỤ CỦA TIỂU BAN PHÒNG CHỐNG
Điều 11.
Tiểu ban Phòng chống sẽ
1. Đi thăm những nơi được đề cập tại Điều 4 và đưa ra những khuyến nghị tới các Quốc gia thành viên liên quan đến vấn đề bảo vệ những người bị tước mất tự do chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình;
2. Về các cơ chế phòng ngừa quốc gia:
a. Tư vấn và hỗ trợ các Quốc gia thành viên, khi cần thiết, trong việc thành lập những cơ chế này;
b. Duy trì tiếp xúc trực tiếp, và nếu cần thiết, tiếp xúc kín với các cơ chế phòng ngừa quốc gia và dành cho họ trợ giúp đào tạo và kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực của những cơ chế này;
c. Tư vấn và hỗ trợ cho các cơ chế này trong công tác đánh giá nhu cầu và các biện pháp cần thiết để tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình;
d. Đưa ra những khuyến nghị và đánh giá tới các Quốc gia thành viên nhằm tăng cường năng lực và nhiệm vụ của các cơ chế phòng ngừa quốc gia để ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình;
e. Hợp tác, nhằm mục đích ngăn chặn tra tấn nói chung, với các tổ chức và cơ chế của Liên Hợp Quốc cũng như với các thể chế quốc tế, khu vực và quốc gia hoạt động hướng tới việc tăng cường bảo vệ tất cả mọi người chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.
Điều 12.
Để tạo điều kiện cho Tiểu ban Phòng chống thực hiện nhiệm vụ của mình như đã được nêu tại Điều 11, các Quốc gia thành viên có nghĩa vụ :
1. Đón tiếp Tiểu ban Phòng chống trên lãnh thổ của họ và cho phép tiếp cận đến những nơi giam giữ như đã được nêu tại Điều 4 của công ước này;
2. Cung cấp những thông tin liên quan mà Tiểu ban Phòng chống có thể yêu cầu để đánh giá nhu cầu và biện pháp cần được thông qua để tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình;
3. Khuyến khích và tạo điều kiện các cuộc tiếp xúc giữa Tiểu ban Phòng chống với các cơ chế phòng ngừa quốc gia;
4. Thẩm định những khuyến nghị của Tiểu ban phòng ngừa và tham gia đối thoại với Tiểu ban phòng ngừa về những biện pháp thực hiện có thể có.
Điều 13.
1. Tiểu ban Phòng chống trước hết sẽ lập một chương trình các chuyến thăm định kỳ tới các Quốc gia thành viên để hoàn thành nhiệm vụ như đã được xác lập tại Điều 11.
2. Sau các cuộc họp tư vấn, Tiểu ban sẽ thông báo cho các Quốc gia thành viên về chương trình để các quốc gia có thể thu xếp ngay các chuyến thăm viếng trên thực tế.
3. Các chuyến thăm này sẽ được thực hiện bởi ít nhất hai thành viên của Tiểu ban Phòng chống. Những thành viên này, nếu cần thiết có thể được các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn và kiến thức trên các lĩnh vực được đề cập trong Nghị định thư này tháp tùng. Họ là những người được lựa chọn từ danh sách các chuyên gia đã được tập hợp trên cơ sở những đề xuất của các Quốc gia thành viên, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và Trung tâm Phòng chống tội phạm Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Trong quá trình chuẩn bị danh sách này, các Quốc gia thành viên liên quan có thể bác bỏ việc đưa một chuyên gia cụ thể này vào chuyến thăm, trong trường hợp đó Tiểu ban Phòng chống sẽ đề xuất một chuyên gia khác.
4. Nếu Tiểu ban Phòng chống thấy thích hợp, có thể đề xuất một chuyến thăm tiếp theo ngay sau một chuyến thăm định kỳ.
Điều 14.
1. Để tạo điều kiện cho Tiểu ban Phòng chống hoàn thành nhiệm vụ, các Quốc gia thành viên của nghị định thư này có nghĩa vụ cho Tiểu ban:
a. Được tiếp cận không giới hạn những thông tin liên quan đến số người bị tước mất tự do ở những nơi giam giữ như quy định tại Điều 4, cũng như số nơi và địa điểm của những nơi đó;
b. Được tiếp cận không giới hạn những thông tin về đối xử với những người đó và điều kiện giam giữ của họ;
c. Theo khoản 2 dưới đây, được tiếp cận không giới hạn tới những nơi giam giữ và những cơ sở, và điều kiện của những nơi này;
d. Cơ hội có các cuộc phỏng vấn cá nhân với những người bị tước mất tự do mà không có nhân chứng, hoặc là cá nhân hoặc có một phiên dịch nếu thấy cần thiết, cũng như với bất kỳ người nào khác mà Tiểu ban Phòng chống tin là có thể cung cấp thông tin liên quan;
e. Tự do lựa chọn những nơi muốn đến thăm và những người muốn phỏng vấn.
2. Việc bác bỏ một chuyến thăm viếng đến một nơi giam giữ cụ thể chỉ có thể được thực hiện trong những trường hợp cấp thiết và bắt buộc vì vấn đề quốc phòng, an toàn công, thiên tai hoặc mất trật tự nghiêm trọng ở nơi sẽ được đến thăm mà hiện tạm thời ngăn cản tiến hành một chuyến thăm như vậy. Quốc gia thành viên không được sử dụng sự tồn tại một tình trạng khẩn cấp đã được ban bố như vậy như một lý do để bác bỏ một chuyến thăm.
Điều 15.
Không có cơ quan hoặc cá nhân quan chức nào được ra lệnh, thực hiện, cho phép hoặc bao che cho bất kỳ một hình phạt nào đối với cá nhân hay tổ chức có liên hệ với Tiểu ban Phòng chống hoặc với các thành viên của Tiểu ban để cung cấp thông tin, dù đúng hay sai sự thật, không có cá nhân hay tổ chức nào trong trường hợp này bị định kiến dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 16.
1. Tiểu ban Phòng chống sẽ liên hệ kín với Quốc gia thành viên và, trong trường hợp có liên quan, sẽ liên hệ với cơ chế ngăn ngừa quốc gia về các khuyến nghị và quan sát của Tiểu ban.
2. Tiểu ban Phòng chống sẽ xuất bản báo cáo, cùng với bất kỳ bổ sung nào của Quốc gia thành viên liên quan, bất kỳ khi nào có đề nghị từ Quốc gia thành viên đó. Nếu Quốc gia thành viên tham gia vào việc xuất bản báo cáo, thì Tiểu ban ngăn ngừa sẽ xuất bản báo cáo toàn văn hoặc từng phần. Tuy nhiên, sẽ không có dữ liệu cá nhân nào bị phổ biến mà không được sự đồng ý của cá nhân liên quan.
3. Tiểu ban Phòng chống sẽ giới thiệu báo cáo công khai hàng năm của Tiểu ban với Ủy ban Chống tra tấn.
4. Nếu Quốc gia thành viên từ chối hợp tác với Tiểu ban Phòng chống theo Điều 12 và 14, hoặc từ chối có những bước hành động nhằm cải thiện tình hình theo như những khuyến nghị của Tiểu ban Phòng chống, Ủy ban Chống tra tấn có thể, theo đề nghị của Tiểu ban Phòng chống, quyết định, dựa trên đa số các thành viên của Ủy ban, sau khi Quốc gia thành viên có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, ra tuyên bố công khai về vấn đề sai phạm hoặc phát hành báo cáo của Tiểu ban Chống tra tấn.
PHẦN IV: CƠ CHẾ NGĂN NGỪA QUỐC GIA
Điều 17.
Mỗi Quốc gia thành viên sẽ giữ nguyên, chọn lựa hoặc thiết lập, tối thiểu là một năm sau khi Nghị định thư này có hiệu lực hoặc việc phê chuẩn hay gia nhập Nghị định thư này có hiệu lực, một hoặc một vài cơ chế ngăn ngừa quốc gia độc lập nhằm ngăn ngừa việc tra tấn ở phạm vi trong nước. Các cơ chế này được thiết lập bởi các cơ quan công quyền có thể được chỉ định với tư cách là các cơ chế ngăn ngừa quốc gia cho các mục đích của Nghị định thư này nếu các cơ chế này phù hợp với các điều khoản của Nghị định thư.
Điều 18.
1. Quốc gia thành viên bảo đảm tính hoạt động độc lập chức năng của cơ chế ngăn ngừa quốc gia cũng như của cá nhân các thành viên của tổ chức này.
2. Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng các chuyên gia của cơ chế ngăn ngừa quốc gia có được năng lực cũng như kiến thức chuyên môn theo yêu cầu. Họ sẽ đấu tranh cho cân bằng giới và sự đại diện thiết yếu của các dân tộc và các nhóm thiểu số trong nước.
3. Quốc gia thành viên chịu trách nhiệm tạo ra các nguồn cần thiết để thực hiện chức năng của cơ chế ngăn ngừa quốc gia.
4. Khi thành lập cơ quan ngăn ngừa quốc gia, các Quốc gia thành viên phải quan tâm thực sự đến những nguyên tắc liên quan đến vị trí chức năng của các cơ quan quốc gia bảo vệ và thúc đẩy nhân quyên.
Điều 19.
Cơ chế ngăn ngừa quốc gia sẽ được mặc định tối thiểu có những quyền hạn sau:
1. Kiểm tra định kỳ việc đối xử với những người bị tước đoạt quyền tự do tại nơi giam giữ như quy định trong Điều 4, với quan điểm nhằm củng cố, nếu cần thiết, việc bảo vệ họ khỏi những hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt có tính nhục hình, dã man hoặc phi nhân tính khác;
2. Đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan hữu quan nhằm mục đích cải thiện việc đối xử và các điều kiện của người bị tước đoạt tự do và ngăn ngừa những hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt có tính nhục hình, dã man hoặc phi nhân tính khác; xem xét các chuẩn mực liên quan của Liên Hợp Quốc;
3. Đưa ra các đề nghị và quan sát liên quan đến các dự thảo luật hoặc các điều luật hiện hành.
Điều 20.
Để tạo điều kiện cho cơ chế ngăn ngừa quốc gia hoàn thành chức năng của mình, Quốc gia thành viên của Nghị định thư này chịu trách nhiệm bảo đảm để cơ chế ngăn ngừa quốc gia được:
1. Tiếp cận với toàn bộ thông tin liên quan đến số lượng người bị tước đoạt tự do tại các nơi giam giữ như miêu tả trong Điều 4, cũng như số lượng nơi giam giữ và địa điểm những nơi này;
2. Tiếp cận với toàn bộ thông tin liên quan đến việc đối xử với những người này cũng như điều kiện giam giữ họ;
3. Xem xét toàn bộ các nơi giam giữ và thiết bị, đồ dùng của những nơi này;
4. Có cơ hội phỏng vấn riêng những người bị tước đoạt tự do bằng cách trực tiếp hoặc thông qua phiên dịch nếu thấy cần mà không có người giám sát, cũng như phỏng vấn bất kỳ người nào mà cơ quan này tin là có thể cung cấp các thông tin liên quan;
5. Tự do chọn nơi họ muốn đến thăm cũng như người họ muốn phỏng vấn;
6. Có quyền liên hệ với Tiểu ban Phòng chống, cung cấp thông tin và gặp gỡ với tiểu ban này.
Điều 21.
1. Không có cơ quan nào hoặc cá nhân quan chức nào được ra lệnh thực hiện, cho phép hoặc bao che cho bất kỳ một hình phạt nào đối với cá nhân hay tổ chức nào có liên hệ với cơ chế ngăn ngừa quốc gia để cung cấp thông tin, dù đúng hay sai sự thật, không có người nào hay tổ chức nào trong trường hợp này bị định kiến dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Các thông tin mật do cơ chế ngăn ngừa quốc gia thu thập được sẽ được giữ bí mật về pháp lý. Không có dữ liệu cá nhân nào bị phổ biến mà không được sự đồng ý của cá nhân liên quan.
Điều 22.
Các cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên liên quan sẽ xem xét các khuyến nghị của cơ chế ngăn ngừa quốc gia và tiến hành đối thoại với cơ chế này về các biện pháp áp dụng có thể.
Điều 23.
Quốc gia thành viên của Nghị định thư này chịu trách nhiệm xuất bản và tuyên truyền báo cáo hàng năm của cơ chế ngăn ngừa quốc gia.
PHẦN V: TUYÊN BỐ
Điều 24.
1 Trước khi phê chuẩn, các Quốc gia thành viên có thể ra tuyên bố hoãn thi hành các trách nhiệm theo Phần III hoặc Phần IV của Nghị định thư này.
2. Việc hoãn này sẽ có hiệu lực tối đa là 3 năm. Sau đó căn cứ vào trình bày của Quốc gia thành viên và sau khi tham vấn với Tiểu ban về ngăn ngừa, Ủy ban Chống tra tấn có thể gia hạn giai đoạn này thêm 2 năm.
PHẦN VI: ĐIỀU KHOẢN VỀ TÀI CHÍNH
Điều 25.
1. Các chi tiêu của Tiểu ban Phòng chống trong việc thực hiện Nghị định thư này do Liên Hợp Quốc cung cấp.
2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ cung cấp nhân viên và các trang bị cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả các chức năng của Tiểu ban Phòng chống theo Nghị định thư này.
Điều 26.
1. Một khoản tài chính đặc biệt sẽ được thiết lập liên quan đến các điều khoản liên quan của Đại Hội đồng, sẽ được thực thi liên quan đến các quy định và nguyên tắc tài chính của Liên Hợp Quốc, để trợ giúp tài chính cho việc thực hiện các khuyến nghị của Tiểu ban Phòng chống sau khi thăm Quốc gia thành viên, cũng như chương trình giáo dục của cơ chế ngăn ngừa quốc gia.
2. Khoản tài chính đặc biệt này có thể được tạo nên qua đóng góp tình nguyện của các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ và các cơ quan công hoặc tư khác.
PHẦN VII: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 27.
1. Nghị định thư này để ngỏ để cho bất kỳ quốc gia nào đã ký Công ước tham gia ký kết.
2. Nghị định thư này cũng dành để bất kỳ quốc gia nào đã phê chuẩn hoặc gia nhập công ước này tham gia phê chuẩn. Văn kiện phê chuẩn sẽ do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ:
3. Nghị định thư này để ngỏ cho bất kỳ quốc gia nào đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước đăng ký gia nhập.
4. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực thông qua việc lưu giữ văn kiện gia nhập với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
5. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo đến tất cả các quốc gia ký hoặc gia nhập Nghị định thư này việc lưu giữ văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập.
Điều 28.
1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi sau ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi.
2. Đối với mỗi quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này, sau khi văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi được gửi lưu chiểu đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Nghị định thư này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi sau ngày văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập đó được gửi lưu chiểu.
Điều 29.
Các điều khoản của Nghị định thư này được mở rộng cho toàn bộ các vùng của các quốc gia liên bang không có bất kỳ hạn chế hoặc ngoại lệ nào.
Điều 30.
Không có điều khoản bảo lưu nào được áp dụng cho Nghị định thư này.
Điều 31.
Các điều khoản của Nghị định thư này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên của bất kỳ một công ước khu vực nào cũng quy định về việc đến thăm nơi giam giữ. Tiểu ban Phòng chống và ngăn ngừa và các cơ quan được thành lập theo các công ước khu vực như vậy được khuyến khích liên hệ và hợp tác nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hữu hiệu các mục đích của Nghị định thư này
Điều 32.
Không có điều khoản nào của Nghị định thư này ảnh hưởng đến trách nhiệm của các quốc gia là thành viên của 4 Công ước Geneva ngày 12/8/1949 và Nghị định thư bổ sung cho các công ước đó ngày 8/6/1977, hoặc các cơ hội cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào cho phép Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thăm các nơi giam giữ trong trường hợp không được ghi trong luật nhân đạo quốc tế.
Điều 33.
1. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào cũng có thể tuyên bố bãi ước Nghị định thư này tại bất kỳ thời điểm nào bằng văn bản gửi đến địa chỉ của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, là người sau đó sẽ thông tin đến các Quốc gia thành viên khác của Nghị định thư và Công ước này. Việc bãi ước sẽ có hiệu lực tại thời điểm một năm sau ngày Tổng Thư ký nhận được văn bản.
2. Việc tuyên bố bãi ước sẽ không có tác dụng bãi bỏ các trách nhiệm của quốc gia là thành viên Nghị định thư này về các hành động hoặc các tình huống xảy ra trước ngày việc bãi ước có hiệu lực, hoặc đối với các hoạt động mà Tiểu ban ngăn ngừa đã quyết định hoặc có thể quyết định là có liên quan đến Quốc gia thành viên đó, hoặc việc bãi ước này sẽ gây ảnh hưởng theo một phương diện nào đó đến việc tiếp tục xem xét các vấn đề mà Tiểu ban ngăn ngừa đã tiến hành trước ngày việc bãi ước có hiệu lực.
3. Sau ngày việc bãi ước của Quốc gia thành viên có hiệu lực, Tiểu ban ngăn ngừa sẽ không có những khuyến nghị về bất kỳ một vấn đề mới nào liên quan đến quốc gia này.
Điều 34.
1. Bất kỳ một Quốc gia thành viên nào của Nghị định thư này có thể đề xuất một kiến nghị sửa đổi bổ sung và gửi đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký sau đó sẽ có thông báo tới các Quốc gia thành viên của Nghị định thư này về đề xuất sửa đổi này và đề nghị các Quốc gia thành viên cho biết có cần thiết tổ chức một hội nghị của các Quốc gia thành viên để xem xét và biểu quyết về đề xuất này. Trong vòng 4 tháng kể từ ngày có thông báo, nếu có tối thiểu 1/3 các Quốc gia thành viên muốn tổ chức hội nghị, Tổng Thư ký sẽ tổ chức hội nghị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Bất kỳ một sửa đổi nào được thông qua bởi đa số 2/3 số Quốc gia thành viên có mặt và biểu quyết tại hội nghị sẽ được Tổng Thư ký gửi đến tất cả các Quốc gia thành viên để lấy ý kiến chấp thuận.
2. Bất kỳ sửa đổi nào được chấp thuận như đề cập ở mục 1 của điều này sẽ có hiệu lực khi được chấp thuận bởi 2/3 tổng số Quốc gia thành viên của Nghị định thư này theo quy trình lập hiến riêng của mỗi nước.
3. Khi các điểm sửa đổi có hiệu lực, chúng sẽ ràng buộc các Quốc gia thành viên chấp nhận chúng, các Quốc gia thành viên khác sẽ vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các các điều khoản của Nghị định thư này và bất kỳ sửa đổi nào mà họ trước đây đã chấp nhận.
Điều 35.
Thành viên của Tiểu ban Phòng chống và của cơ chế ngăn ngừa quốc gia sẽ được hưởng các đặc quyền và quyền miễn trừ cần thiết cho việc thực hiện độc lập các chức năng của họ. Thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được hưởng các đặc quyền và quyền miễn nhiệm quy định trong phần 22 của Công ước về Đặc quyền và quyền miễn trừ của Liên Hợp Quốc ra ngày 13 tháng 2 năm 1946, quy định của các điều khoản ở phần 23 của Công ước này.
Điều 36.
Khi viếng thăm các Quốc gia thành viên, thành viên của Ủy ban Chống tra tấn, không ngoài các quy định và mục đích của Nghị định thư này và với các đặc quyền và quyền miễn trừ của họ được hưởng, sẽ:
1. Tôn trọng luật pháp và quy định của nước viếng thăm;
2. Không thực hiện các hoạt động và hành vi trái với bản chất quốc tế và vô tư trong nhiệm vụ của họ.
Điều 37.
1. Nghị định thư này, với các văn bản bằng tiếng Ả-rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha có giá trị xác thực như nhau, sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ.
2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển bản sao nguyên gốc của Nghị định thư này đến tất cả các quốc gia.