Nội dung toàn văn Nghị quyết 07/NQ-TLĐ phát triển và nâng cao năng lực hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 07/NQ-TLĐ | Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỀ PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong những năm qua khu vực kinh tế dân doanh ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trong cả nước có gần 250.000 doanh nghiệp được thành lập, đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V).
Sự phát triển các DNN&V đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, như tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Việc thành lập, tổ chức hoạt động công đoàn trong các DNN&V đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, yếu tố quan trọng góp phần làm cho các DNN&V phát triển ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA.
1) Tình hình phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở.
Những năm qua, các cấp công đoàn đã tích cực trong việc thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên ở khu vực DNN&V. Tốc độ thành lập công đoàn cơ sở bình quân tăng18%/năm, đã nâng số công đoàn cơ sở trong các DNN&V từ 6.773 công đoàn cơ sở năm 2003 lên gần 14.000 công đoàn cơ sở năm 2007, chiếm khoảng 18% số DNN&V đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở. Như vậy, việc thành lập công đoàn cơ sở trong các DNN&V có đủ điều kiện chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân của tình hình trên là:
- Người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của tổ chức Công đoàn là người đại diện tập thể lao động, đối tác quan trọng tham gia thiết lập quan hệ lao động hài hoà, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững của mỗi doanh nghiệp. Còn không ít người sử dụng lao động vẫn cho rằng, sự có mặt của Công đoàn sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, như phải nộp kinh phí công đoàn, phải thực hiện đầy đủ chính sách đối với người lao động v.v…
- Người lao động đa số xuất thân từ nông thôn, chưa được đào tạo đầy đủ, một bộ phận chưa am hiểu pháp luật lao động, chưa ý thức được quyền lợi lâu dài của bản thân; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế; chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tổ chức Công đoàn .
- Tổ chức công đoàn, chưa khảo sát, thống kê, phân loại doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở sát với thực tế; công tác tuyên truyền, vận động người lao động và người sử dụng lao động chưa phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNN&V; nội dung, hình thức còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu cán bộ công đoàn có kinh nghiệm ở một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Một bộ phận công đoàn cơ sở chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động. Do đó, chưa thuyết phục được nhiều người lao động gia nhập công đoàn và chưa được người sử dụng lao động đồng tình, ủng hộ thành lập và tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động.
- Một số nơi, cấp uỷ chưa quan tâm lãnh đạo việc thành lập công đoàn cơ sở theo luật định, chính quyền địa phương chưa sâu sát kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, Luật công đoàn. Do đó, người sử dụng lao động chưa thấy trách nhiệm hợp tác, tạo điều kiện để thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp của mình.
2. Về năng lực hoạt động của công đoàn cơ sở.
Những năm qua, chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở DNN&V đã được cải thiện và có những tiến bộ nhất định. Số công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh ngày càng tăng, nhưng đến nay số công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt tiêu chuẩn vững mạnh mới chiếm 37%, nguyên nhân của tình trạng trên là:
- Hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở đều làm kiêm nhiệm, việc làm và các quyền lợi gắn với doanh nghiệp do người sử dụng lao động quyết định; đa số cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa được đào tạo, tập huấn cơ bản về nghiệp vụ công tác công đoàn. Nội dung hoạt động công đoàn còn nghèo nàn, nặng về hình thức, chưa nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người lao động, chưa tập trung tháo gỡ những vấn đề người lao động quan tâm như việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, đời sống văn hoá, tinh thần v.v… Vì vậy chưa tập hợp và thu hút được đông đảo người lao động tham gia vào các hoạt động do công đoàn tổ chức.
- Công đoàn cấp trên cơ sở chưa đầu tư nghiên cứu và chỉ đạo đúng mức, việc đổi mới nội dung và phương thức thức hoạt động công đoàn phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp; công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của DNN&V; chưa cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết cho cán bộ công đoàn cơ sở; còn lúng túng, bị động trong thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở, v.v…
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CÁC GIẢI PHÁP TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC DNN&V
1. Quan điểm.
1.1. Phát triển và nâng cao năng lực hoạt động công đoàn trong các DNN&V là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, cấp bách của tổ chức công đoàn nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định, góp phần làm cho DNN&V phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập.
1.2. Phát triển công đoàn cơ sở trong các DNN&V phải đi đối với phát triển đoàn viên, nâng cao năng lực hoạt động để công đoàn thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chỗ dựa tin cậy của người lao động.
2. Mục tiêu :
2.1. Trong giai đoạn 2008 – 2013, phấn đấu hàng năm số công đoàn cơ sở thành lập mới trong các DNN&V tăng bình quân từ 20%/năm trở lên.
2.2. Phấn đấu đến năm 2013 số công đoàn cơ sở DNN&V đạt vững mạnh chiếm 40% trở lên; Có 50% trở lên số DNN&V có tổ chức công đoàn thương lượng và ký kết được Thoả ước lao động tập thể; Có 50% trở lên số DNN&V là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu tổ chức được Hội nghị người lao động.
2.3. Có 90% trở lên chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở các DNN&V được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn, chính sách pháp luật lao động.
3. Giải pháp.
3.1. Về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các DNN&V.
Trong phạm vi phân cấp quản lý, các cấp công đoàn chủ động khảo sát, thống kê, nắm chắc số lượng DNN&V hoạt động trên địa bàn, phân loại doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập công đoàn, lập kế hoạch, phân công cụ thể việc vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động và người sử dụng lao động về thành lập công đoàn cơ sở, trên cơ sở nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc và sinh hoạt của người lao động tại các DNN&V.
Xây dựng và chuẩn hoá tài liệu tuyên truyền về tổ chức công đoàn, về sự cần thiết thành lập công đoàn cơ sở trong DNV&N; thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động.
Đầu tư kinh phí tương xứng với nhiệm vụ phát triển công đoàn cơ sở và đoàn viên mới, nâng cao năng lực hoạt động công đoàn DNN&V.
Ban hành quy định về khen thưởng nhằm động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các DNN&V.
3.2. Về nâng cao năng lực hoạt động công đoàn trong các DNN&V
Xây dựng một số mô hình điểm về tổ chức, hoạt động công đoàn cơ sở trong các DNV&N, qua đó, rút kinh nghiệm, phổ biến và nhân rộng trong phạm vi ngành, địa phương và toàn quốc.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ chủ chốt các công đoàn cơ sở DNN&V, nhất là với cán bộ công đoàn cơ sở mới được bầu lần đầu về nghiệp vụ công tác công đoàn, chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và công đoàn, kỹ năng thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động; tham gia xây dựng nội quy lao động, quy chế tiền lương, tiền thưởng, quy chế dân chủ cơ sở v.v…
Hướng dẫn, giúp công đoàn cơ sở DNN&V xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở với Giám đốc doanh nghiệp, lập kế hoạch và chương trình công tác cho nhiệm kỳ và từng năm. Trọng tâm công tác tập trung vào xây dựng quan hệ lao động hài hoà, thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Định kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề về hoạt động công đoàn trong các DNN&V nhằm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động công đoàn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Với Tổng Liên đoàn :
- Tham mưu giúp Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển công đoàn trong các DNN&V;
- Giao cho Viện Công nhân Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn và các Ban có liên quan nghiên cứu, biên soạn tài liệu phục vụ cho công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở.
- Các Ban của Tổng Liên đoàn, triển khai những nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Ban Tổ chức tham mưu giúp Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo thực hiện, giám sát, kiểm tra thực hiện; định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên cơ sở.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các DNN&V; giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm về công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các DNN&V. Cung cấp thông tin và tài liệu thiết thực liên quan đến nhiệm vụ của công đoàn cơ sở, chế độ chính sách với người lao động, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động.
- Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công đoàn; lựa chọn nội dung, phương thức tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản suất kinh doanh của các DNN&V.
- Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn cơ sở theo chuyên đề, với quy mô nhỏ, khoá học ngắn ngày, linh hoạt nội dung và phương pháp để phù hợp với trình độ và điều kiện công tác của cán bộ công đoàn trong DNN&V. Nội dung đào tạo cần tập trung vào kỹ năng thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện Thoả ước lao động tập thể, tổ chức Hội nghị người lao động và hoạt động của Hội đồng hoà giải cơ sở.
- Hằng năm tổ chức thi cán bộ công đoàn giỏi cho cán bộ công đoàn cơ sở các DNN&V; định kỳ tổ chức sinh hoạt cụm, hoặc sinh hoạt câu lạc bộ cho các Chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở, tạo điều kiện để gặp gỡ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
- Nghiên cứu, bố trí văn phòng tư vấn pháp luật ở khu vực có khu công nghiệp tập trung, hoặc nơi có nhiều DNN&V, nhằm kịp thời tư vấn, giải đáp cho người lao động về những vấn đề người lao động quan tâm.
- Phối hợp với chính quyền cùng cấp, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, hướng dẫn người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động và công đoàn.
- Năm năm hai lần tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển và nâng cao năng lực hoạt động công đoàn DNN&V, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến.
3. Đối với công đoàn cơ sở.
- Chủ động xây dựng quy chế phối hợp công tác với người sử dụng lao động, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ mỗi bên trong công tác, bảo đảm các điều kiện cần thiết để công đoàn hoạt động theo đúng quy định của Luật Công đoàn và Luật Lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp, trọng tâm là thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện Thoả ước lao động tập thể, kịp thời giải quyết tranh chấp lao động.
- Xây dựng kế hoạch tập huấn cả nhiệm kỳ và hàng năm về nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn từ tổ trưởng công đoàn trở lên; xây dựng tủ sách công đoàn, tạo điều kiện cho mọi cán bộ công đoàn, người lao động đều được khai thác tủ sách công đoàn.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên; nội dung, hình thức hoạt động công đoàn thiết thực đáp ứng nguyện vọng của động đảo người lao động, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
- Cán bộ công đoàn cơ sở có trách nhiệm tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ công tác, chính sách mới do công đoàn cấp trên triệu tập. Thường xuyên nâng cao trình độ kiến thức pháp luật thông qua tự học tập, nghiên cứu, cập nhật thông tin, tìm hiểu pháp luật lao động và công đoàn để nắm chắc chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.
Nghị quyết này được triển khai đến các cấp công đoàn.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |