Nội dung toàn văn Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND chính sách hỗ trợ hợp tác xã Huế
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2018/NQ-HĐND | Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 7 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã;
Căn cứ Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã;
Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Thông tư 340/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của Hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;
Xét Tờ trình số 4938/TTr-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2018./.
| CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh đối với các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định này thì không được hưởng các chính sách hỗ trợ tương tự được quy định tại các văn bản Pháp luật khác, trừ các chính sách hỗ trợ không được quy định tại Quy định này, và các quy định khác cao hơn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012.
2. Thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Kế toán, cán bộ nguồn trong các hợp tác xã; các đối tượng đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mới được tuyển dụng vào làm việc tại các hợp tác xã.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Hỗ trợ thu hút và đào tạo nguồn nhân lực
Mỗi hợp tác xã được lựa chọn tối đa không quá 02 định mức để áp dụng hình thức hỗ trợ thu hút và đào tạo nhân lực theo quy định này. Mỗi định mức chỉ được áp dụng một trong hai hình thức dưới đây:
1. Về thu hút cán bộ
a) Mức hỗ trợ mỗi tháng cho người lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có chuyên ngành phù hợp được hợp tác xã tuyển dụng vào làm việc bằng mức lương tối thiểu vùng x (nhân) 50%.
b) Hỗ trợ toàn bộ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động phải nộp theo quy định pháp luật.
c) Thời gian hỗ trợ quy định tại tiết a, tiết b, Khoản 1 Điều 3 Quy định này là 36 tháng.
2. Về đào tạo cán bộ
Hỗ trợ đào tạo cho các chức danh trong Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Kế toán, cán bộ nguồn trong các hợp tác xã với mức: Đào tạo đại học 50.000.000 đồng/người, cao đẳng 35.000.000 đồng/người. Thời điểm hỗ trợ sau khi được cơ sở đào tạo cấp văn bằng theo quy định.
Điều 4. Hỗ trợ về thành lập mới, sáp nhập hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã
Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập mới, sáp nhập được hỗ trợ để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu Luật hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã; các mức chi hỗ trợ thực hiện theo Điều 10 Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Thành lập mới:
a) Đối với hợp tác xã có số lượng thành viên từ 07 - dưới 50 thành viên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 30.000.000 đồng.
b) Đối với hợp tác xã có số lượng thành viên từ 50 - dưới 200 thành viên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 40.000.000 đồng.
c) Đối với hợp tác xã có số lượng thành viên từ 200 thành viên trở lên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 50.000.000 đồng.
d) Đối với việc thành lập Liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ với mức tối đa không quá 30.000.000 đồng.
2. Sáp nhập, hợp nhất:
Các hợp tác xã sáp nhập, hợp nhất được hỗ trợ 50% kinh phí quy định tại tiết a, Khoản 1, Điều 4 Quy định này.
Điều 5. Hỗ trợ về hoạt động của hợp tác xã
1. Hỗ trợ lãi suất: Hợp tác xã có dự án, phương án đầu tư khả thi được Ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận cho vay thì được hỗ trợ 100% lãi suất 01 năm đầu và 50% lãi suất 02 năm tiếp theo với mức vay tối đa không quá 01 tỷ đồng/hợp tác xã.
2. Hỗ trợ đầu tư:
a) Hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ giới hóa vào nông nghiệp như máy làm đất, máy thu hoạch, máy gieo lúa, cấy lúa, máy làm cỏ, máy đóng gói, máy sục khí, hệ thống máy sấy, bảo quản sản phẩm và các phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Trường hợp những hợp tác xã mua máy đã qua sử dụng phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Mức hỗ trợ tiền mua máy móc, phương tiện, thiết bị là 25%, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa cho 01 hợp tác xã là 200 triệu đồng.
b) Hỗ trợ dự án: trang bị phương tiện, công cụ lao động của hợp tác xã tiếp nhận giải quyết việc làm cho những người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị mới do nhường đất sản xuất hoặc tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Mức hỗ trợ tối đa cho 01 dự án không quá 50% vốn đầu tư và không quá 300 triệu cho 01 hợp tác xã.
3. Hỗ trợ xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý:
Các hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020.
4. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin:
Hỗ trợ 100% kinh phí cho hợp tác xã xây dựng 01 trang thông tin điện tử, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/trang.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết điều kiện hỗ trợ; chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh chính sách đảm bảo phù hợp với chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương trong thời gian tới./.